Chủ Nhật, 18 tháng 11, 2012

Saigon quán (2)

Blog EntryApr 2, '11 5:45 PM
for everyone

medium_A-1-BaCa.jpg

Bà Cả trước một quán cơm mang thương hiệu “Bà Cả” do con cháu điều hành. (Hình: Hàm Anh/Người Việt)

medium_VN-BaCa-01.jpg

Bà Cả năm nay đã ở tuổi 81. (Hình: Hàm Anh/Người Việt)

medium_VN-BaCa-02.jpg

Chiếc cầu thang xi măng cũ kỹ lên căn gác Nguyễn Huệ một thời là điểm tụ tập của các nhà báo trước năm 1975. (Hình: Hàm Anh/Người Việt)

medium_VN-BaCa-03.jpg

Quán Bà Cả ở số 42 Trương Ðịnh, quận 1, Sài Gòn, với thương hiệu Ðồng Nhân. (Hình: Hàm Anh/Người Việt)

medium_VN-BaCa-04.jpg

Vài món quen thuộc ở quán Bà Cả. (Hình: Hàm Anh/Người Việt)

Chúng tôi từng đến quán Bà Cả Ðọi cách đây tám năm, nay quay lại căn gác đường Nguyễn Huệ, Sài Gòn thăm bà. Khung cảnh vẫn y như cũ, nhà cửa không thay đổi, không xây cất sửa sang mới, chỉ có con hẻm nhỏ coi có vẻ còn chật chội hơn trước vì xe đậu quá nhiều.
Xe gắn máy đậu mấy lớp vì ngay đầu hẻm là một hàng cơm bình dân, cuối hẻm một hàng cơm tấm và xe bún mắm đậu khoảng giữa.
Bắt đầu khởi nghiệp từ bà Cả, xem chừng cái ngõ này có duyên nghiệp với hàng cơm, vì sau khi bà Cả đóng cửa hàng của mình thì hai hàng cơm khác mọc ra ngay và thực khách không nề hà chỗ ngồi chỉ là những chiếc bàn thấp bé kê dọc theo một bên hẻm, phía bên kia dựng xe san sát cùng với xô chậu, nồi niêu xoong chảo... Hàng cơm bình dân với thịt kho, rau xào... Hàng cơm tấm với bì, chả, trứng... mùi thức ăn xào nấu thơm lừng.
Nhà bà Cả tít cuối cùng hẻm lại phải leo một cầu thang xi măng để lên nhà. Giữa trưa nắng gay gắt, bà đang ngủ, tôi không muốn phá giấc ngủ của bà cụ tám mươi mốt tuổi nên hẹn chiều quay lại.
Mặc dù tuổi tác khiến quên nhiều, lẫn nhiều nhưng khuôn mặt, hình dáng bà Cả vẫn thế.
Giờ không còn bận rộn túi bụi như xưa, việc làm ăn ngày càng phát đạt nhưng bà Cả thanh nhàn không xênh xang áo gấm, áo thêu xanh đỏ kiểu cọ. Tám năm qua, cũng như mấy chục năm trước, tôi vẫn gặp lại hình ảnh bà nền nã, giản dị trong chiếc quần đen, áo bà ba, hoàn toàn không chút thay đổi trừ mái tóc cắt ngắn bạc phơ hơn. Vẫn vóc người đậm đà, nguyên vẹn gương mặt phúc hậu thường xuyên đậu nụ cười rất dễ mến.
Sài Gòn thiếu gì hàng cơm bình dân, chắc chắn một phần lý do khiến nhiều người thích lui tới hàng bà Cả chính vì vẻ tươi tắn, đôn hậu, chính vì lối trò chuyện từ tốn, chân thật của bà chủ quán, hoàn toàn không giống như tính cách của bà chủ hàng cơm mà các tiểu thuyết ưa mô tả là lanh lẹn và đanh đá.
Nhà thơ Trần Tuấn Kiệt không khỏi mỉm cười khi câu chuyện nhắc tới quán cơm bà Cả Ðọi ngày nào:
- Ðám nhà báo không hiểu sao rất thích bà Cả. Tòa soạn báo Sống nằm trên đường Lê Thánh Tôn, trưa nào Chu Tử cũng kéo anh em đến đó ăn cơm.
Nhà thơ nghĩ một lúc rồi xòe tay đếm.
- Có Anh Quân, Tú Kếu, Nguyễn Thụy Long, Trần Tuấn Kiệt...
Ông tỏ vẻ ngạc nhiên.
- Cái quán thì nhỏ xíu, có mỗi một gian phòng, tới giờ nghỉ trưa ai cũng ùa đến, ngồi chen chúc đụng cả vào nhau ồn ào.
Quả vậy, gian phòng không rộng lắm, khi đông quá, khách phải leo bậc thang gỗ ở gian trong để lên ngồi trên lầu. Hẳn là sự đông đúc náo nhiệt cũng là một yếu tố thu hút khách và giới làm báo có thói quen đến đấy tụ tập, một số chọn như là chỗ đóng đô nên chắc chắn cứ tạt qua gặp mặt đủ cả. Quán cơm bà Cả Ðọi là chỗ họp mặt văn nghệ như La Pagode, như Thanh Thế...
Bà Cả tỏ vẻ vui thích khi kể:
- Cậu Trường Kỳ lần nào về Saigon cũng ghé tôi chơi, có cả cậu Jo Marcel, cậu Tùng Giang...
Bà hay nhắc tới tên Trường Kỳ vì ngày xưa chính anh là người đã bỡn cợt gọi quán cơm của bà là quán “Bà Cả Ðọi.” Cứ khi cạn túi, hết tiền thì ghé đấy ăn bữa cơm vừa rẻ, vừa ngon vừa no. Giới văn nghệ có cảm tình đặc biệt, quán được nhắc đến đây đó trên báo luôn tới nỗi về sau thành chết tên.
“Cả” chứ không phải “Hai”
Thật ra quán cơm không sang trọng nhưng vẫn có những đặc điểm riêng biệt. Bà Cả tên thật là Túc, vốn gốc làng Ðồng Nhân, nay thuộc quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Bà vào Nam từ lâu, khoảng 1948, lấy chồng người cùng quê. Thoạt tiên hai vợ chồng mưu sinh bằng cách mở kiosque bán nước giải khát: bia chai, nước ngọt... cho nhân viên, thợ thuyền khu vực Chợ Cũ, Sài Gòn.
Khách đến uống nước thì hỏi ăn, thế là nhân thể bà nấu phở. Rồi theo nhu cầu của khách hàng, từ phở, bà mở thêm hàng cơm. Chẳng bao lâu, khách mau chóng kéo đến càng lúc càng đông đúc ngồi tràn ra làm mất trật tự vỉa hè, chính quyền bấy giờ thấy vậy đuổi không cho buôn bán nữa. Bà rút lui lên căn gác của người chú trong ngõ hẻm đường Nguyễn Huệ và chuyển hàng ăn uống từ vỉa hè về đó.
Khu vực Chợ Cũ dần dần phát triển, cửa hàng, công sở, văn phòng mở cửa... Lại thêm làn sóng di cư năm 54 khiến số lượng người Bắc ở Sài Gòn tăng lên đáng kể. Quán tưởng chừng không thuận lợi về mặt vị trí vì phải đi vào cuối ngõ, phải leo cầu thang mới tới được một căn phòng không rộng rãi lắm ở tận cùng thế giới đó. Té ra hàng ăn vẫn đông, ngày càng đông khách.
Tự nhận chỉ là hàng cơm bình dân nhưng những món ăn của bà Cả nấu sạch sẽ, ngon lành, không khô quèo “cơm hàng cháo chợ” như các hàng cơm bình dân khác, mà mang vẻ “cơm nhà” như được nấu bởi bàn tay hiền hậu của bà mẹ hay người vợ, bởi bàn tay của người nội trợ quen thuộc.
Bà Cả phân bua:
- Tôi chỉ nấu món ăn bình dân thôi ấy mà.
Ðúng là bữa cơm của quán bà Cả không cao lương mỹ vị, chế biến không cầu kỳ, trình bày không mỹ thuật, chén đũa cũng bình dân, chỉ là những món ăn gia đình như mâm cơm người ta vẫn thường dọn tại nhà. Thành công mà chính bà không ngờ lại nằm ở chỗ ấy khi người thực khách không có điều kiện ăn cơm nhà, lại có thể thưởng thức một bữa cơm nhà ngay tại quán.
Ðặc biệt, người miền Bắc tha hương trên bước đường lưu lạc tới một vùng đất mới với phong tục, khí hậu, thổ nhưỡng mới, đã tìm thấy nơi quán ăn nhỏ bé của bà Cả một chút phong vị quê hương. Không phải món Nam mà là món Bắc, nêm nếm đúng khẩu vị Bắc không lai tạp, giọng nói Bắc, tính cách Bắc. Một khoảnh quê hương xa lìa đã được bà Cả vô tình tái hiện trong quán ăn của bà làm ấm lòng người xa xứ. Ở miền Nam quanh năm nắng nóng, chỉ trong bữa cơm chốc lát, họ cảm thấy an ủi khi bắt gặp lại một mảnh sinh hoạt gần gũi thân thương tưởng chừng đã mất hẳn. Tên gọi Quán bà Cả chứ không phải bà Hai, bà Bảy, bà UÔt... càng mang đặc tính “Bắc Kỳ.”
Người của lịch sử văn hóa Sài Gòn?
Tôi nhìn quanh căn gác Nguyễn Huệ, nhà kiểu Pháp cũ, không sửa sang gì nhiều, vẫn chiếc cầu thang gỗ nâu nằm trong ký ức giới văn nghệ, và hỏi bà Cả:
- Bà có mời khách dùng cơm ở đây không?
Bà lắc đầu:
- Không, bây giờ chỗ này chỉ để ở thôi, tôi mời các cậu ấy ra ngoài quán.
Sau 75, dù không còn cánh nhà báo lui tới nữa, một thời gian dài, quán bà Cả vẫn là địa điểm ăn trưa của giới văn phòng, tư chức... từ các cao ốc chung quanh đường Nguyễn Huệ, Hải Triều, Hàm Nghi, Hồ Tùng Mậu, Ngô Ðức Kế... Khách quen đến ăn chật phòng, như trước kia, đôi khi vẫn phải dọn thêm bàn trên gác lửng.
Sau này bà Cả mua được hai căn nhà ở đường Trương Ðịnh và Tôn Thất Thiệp, hàng cơm được dời ra hai nơi đó với bảng hiệu chính thức là quán Ðồng Nhân giao cho các con trông nom, và gần đây thêm một quán nữa do con gái út đứng làm chủ ở Thị Nghè vẫn giữ cùng một thương hiệu Cơm Bà Cả. Khách hoài cổ đi xa lâu ngày về Sài Gòn vẫn quen lối ghé lại căn gác Nguyễn Huệ cũ kỹ, dọc cầu thang xi măng đặt đầy các chậu cây xanh mướt, không còn quán cơm nhưng may mắn, vẫn còn được gặp bà chủ hiền hậu sẵn sàng ngồi chơi tiếp khách.
Lần trước tôi ghé, bà Cả còn khỏe khoắn, dù quán xá đã có con cháu trông nom nhưng mỗi buổi sáng, bà vẫn đi bộ ra quán nhặt rau. Bây giờ, bà đã yếu nhiều, chân đi chậm chạp từng bước và trí nhớ đã kém, nhớ quên lẫn lộn. Chiều chiều, trời nhạt nắng, cô cháu gái chở ra quán, bà chỉ ngồi trước cửa ngắm nghía hàng cơm vỉa hè thủa nào giờ đây là căn nhà hai gian rộng rãi, cửa hàng khang trang góc ngã tư nằm ở những con đường sầm uất giữa thành phố.
Có nhiều người chưa từng biết mặt bà Cả, chưa ăn hàng cơm Nguyễn Huệ trước kia bao giờ nhưng truyền miệng nhau, người ta vẫn tìm tới quán cơm Bà Cả Ðọi. Ða số Việt kiều về Sài Gòn đều tìm tới quán của bà. Cả khách ngoại quốc cũng vào gọi đĩa cà tím nướng, tô canh cải xanh...
Quán cơm Bà Cả bây giờ sạch sẽ khang trang, không còn là căn gác lùi sùi cho dân “đọi” tìm tới qua bữa. Dù sao giữa trung tâm thành phố, đó vẫn là quán cơm bình dân với những món ăn từ xưa đến nay không thay đổi: thịt đông, thịt lợn nấu giả cầy, đậu rán, dồi trường, rau muống xào, trứng non, trứng đúc thịt... Ðếm có tới gần ba chục món ăn bày ở quầy đặt ngay cửa ra vào. Quán Bà Cả đặc biệt không có thực đơn, khách cứ đứng ngắm nghía chọn lựa món ăn ngay đó, rồi có người bưng thức ăn đến bàn.
Chúng tôi gọi cá trê rán chấm nước mắm gừng, ốc nấu giả ba ba màu nghệ và thơm mùi tía tô, canh cua rau đay mướp mát rượi trưa nắng và một món mà khi vào các quán ăn Bắc kỳ, tôi không khi nào quên gọi là dưa chua, cà pháo chấm mắm tôm.
Dưa vàng muối chua vừa tới, cà pháo quả nhỏ, trắng nõn giòn tan chấm vào chén mắm tôm tim tím vắt chanh nổi xốp... Món ăn của quán bà Cả dù kho hay xào đều có màu vàng tươi, nhìn rất bắt mắt chứ không thâm màu như đa số các quán cơm bình dân khác.
Bà Cả đi một vòng quanh quẩn trong quán xem xét mọi thứ với vẻ hài lòng, bà ngừng trước mặt ân cần hỏi tôi có ngon miệng không.
Tôi chào bà Cả Ðọi ra về chẳng cần biết bà có thích chữ “đọi” hay không bởi vì cũng như bà Ba Bủng, bà Cả Cần... chỉ là những quán ăn nhỏ bé, bình dị nhưng một mai khi viết về lịch sử văn hóa Sài Gòn, e rằng người ta không thể quên tên!
Nguyễn Thi Hàm Anh
Theo: Người Việt
Blog EntryNov 28, '10 10:52 PM
for everyone

Ảnh số 2

Tiệm MỘC - 377 Bà Hạt, P4, Q1



Chị Hoài Anh, đang công tác tại một công ty nước ngoài đóng đô ở quận 1, rất “khoái” dịch vụ Nhổ tóc bạc. Mình vào Sài Gòn công tác, chẳng có người thân, cũng chẳng ai nhổ hộ tóc sâu, tóc ngứa. Mỗi khi soi gương thấy có tóc sâu, tóc bạc mọc mới là chị lại "vận động" đồng nghiệp tranh thủ giờ nghỉ trưa cùng ghé tiệm Mộc! chuyên Nhổ tóc bạc để vừa thư giãn gân cốt, lấy lại tinh thần mà chỉ tốn 60 ngàn đồng. Chị tiết lộ: "Từ ngày có tiệm này mình cảm thấy trẻ hẳn ra” Nhân viên ở đây rất nhiệt tình chứ không như ở các tiệm uốn tóc, mình nhờ họ cũng chỉ miễn cưỡng nhổ hộ vài sợi rồi lấy lý do bận việc này, việc khác và lại họ nhổ đau chứ không êm ái như tại tiệm Mộc! chuyên Nhổ tóc bạc này! Mà chẳng hiểu sao không Nhổ tóc sâu, tóc ngứa mình thấy khó chịu thế nào ấy. Đã nhổ tại tiệm một lần rồi là nghiền luôn nhé! Lâu lâu không đi lại thấy nhớ nhớ...".
 “Nhờ đọc quảng cáo trên Internet, tôi mới phát hiện ra tiệm Nhổ tóc bạc này, thiết thực thật. Nhiều hôm ngứa “điên” cả đầu mà không tìm được ai để nhổ hộ. Bây giờ thì ok rồi!”. Một nữ chủ tiệm vàng trạc ngoại ngũ tuần chia sẻ.

Nhờ nghe đài, một số khách ở tận Đồng Nai, Bình Dương, Vũng Tàu lên Sài Gòn thăm người thân ngày cuối tuần cũng tìm tới tiệm cho bằng được. Hôm nọ tôi nghe chuyên mục Sài Gòn buổi sáng nghe đài giới thiệu Dịch vụ tiện ích” Bới Đen – Tìm Trắng” - Nhổ tóc bạc tôi liền ghi lại địa chỉ, nhất định phải ghé tiệm để “Thư giãn”.
Ảnh số 3

Tóc bạc tuy không gây đau đớn gì, nhưng nó lại làm mình ngứa ngáy, khó chịu và mất thẩm mỹ vì mới 28 tuổi (Chị Loan – chuyên viên phân tích tài chính của một Quỹ đầu tư mạo hiểm tâm sự). Chị còn cho biết cảm thấy chị tự tin hơn khi tiếp xúc với khách hàng nhất là khách hàng khác giới vì e ngại mọi người hiểu lầm về tuổi tác của mình.

Chị Hương, giám đốc một công ty TNHH chuyên về nội thất ở Quận 3 cho biết, hôm nọ tình cờ biết được dịch vụ này qua một người bạn giới thiệu. Chỉ nhớ mang máng là ở đường Nhật Tảo, loay hoay mãi chưa tìm thấy tiệm chị liền hỏi 1080 để được chỉ dẫn.

Ảnh số 4

Vẻ sởi lởi một Việt Kiều cho biết đây là lần thứ 3 ghé tiệm. Tóc tôi mới chỉ lớm chớm có vài sợi bạc, nhuộm nhiều dễ bị dị ứng rồi rụng tóc nên cứ khoảng 2 đến 3 tuần tôi lại tới vừa tranh thủ ngủ được 1 giấc, vừa sạch tóc bạc. Chủ nhật này nhất định tôi sẽ rủ vài ông bạn tới cùng sử dụng dịch vụ cho vui.

Tôi rất thích cái tên Mộc, mộc là sự giản dị, là mộc mạc, chân thành. Đến đây các em nhổ tóc bạc cho mình vừa đã ngứa, vừa sàng khoái. Quần sooc, áo phông, giầy thể thao, mồ hôi nhễ nhại, anh Hùng – chuyên viên Bất Động sản ở Quận 1 cho biết: tôi thường chơi thể thao mỗi  tuần. Khi mồ hôi ra đám tóc sâu làm mình ngứa kinh khủng. Quái lạ thay khi nhổ đi là hết ngứa liền. Bởi vậy cứ mỗi tuần tôi lại ghé tiệm để “check” cái đám tóc sâu, tóc ngứa của mình 1 lần. Có sợi nào là “làm việc” sợi đó liền!

Tóc mình mới tấm tấm bạc, cứ mỗi chiều chủ nhật thường nhờ bà xã nhổ hộ nhưng mà bà xã cũng lắm việc, chỉ chớp nhoáng một chút là lại bận làm việc khác, bữa nọ anh đánh liều nhờ cô ôsin giúp mình Nhổ tóc bạc, vợ anh trông thấy liền “cách ly” luôn vì sợ “lửa gần rơm”. Thế rồi bữa nọ đi chợ Nhật Tảo bà xã thấy có tiệm Mộc! chuyên Nhổ tóc bạc ở gần ngay cổng chợ, bà vào tìm hiểu, thấy an tâm bà đưa tôi đến nhổ. Nhổ tóc bạc, tóc ngứa cũng là một nhu cầu chính đáng – Anh Hoàng nói.

Anh Long – người Singapore giám đốc 1 nhà máy chế biến thực phẩm tại Bình Dương hiện đang cư ngụ tại một khách sạn 5 sao tại Sài Gòn cho biết anh rất thích dịch vụ này. Cứ có dịp đi ngang qua là anh lại kêu tài xế ghé tiệm để Nhổ tóc bạc. Mặc dù chẳng gây hại gì cho mình nhưng tóc bạc lại làm anh mất  thẩm mỹ và hơi “ngại” khi mới chớm tuổi 30 mà tóc đã lưa thưa bạc.

Tòa soạn báo của mình trên đường Nguyễn Tri Phương, đi bộ vài bước là đến tiệm Mộc! chuyên Nhổ tóc bạc, cứ sau mỗi lần đi công tác, về đến cơ quan mình lại tranh thủ ghé tiệm Mộc để Nhổ tóc bạc – Một phóng viên Báo Pháp luật chia sẻ.
Ảnh số 2

Tôi có người bạn ở Bình Dương lên thành phố để xin Visa cho con đi du học ở Mỹ, tiện thể anh ấy ghé qua ngân hàng tôi để đổi ngoại tệ. Vô tình gặp lại bạn cũ, anh bạn hỏi tôi tiệm Mộc nhổ tóc bạc tôi nói không biết. Anh bạn nói nó ở đường Nhật Tảo tôi mới giật mình, hóa ra tiệm này nằm ngay gần chi nhánh ngân hàng nơi tôi làm việc mà tôi không biết.

Chủ một cửa hàng bán xe Vespa ngay ngã tư Nguyễn Tri Phương – 3/2 cho biết anh thường tranh thủ giờ nghỉ trưa ghé tiệm để vừa Thư giãn vừa Nhổ tóc bạc. Tôi thấy dịch vụ này rất có lý, từ ngày tiệm khai trương tôi nghiền luôn…

Một số nhân viên siêu thị Satra – Sài gòn cũng cho biết đọc được thông tin này qua báo Vnexpress nhưng mãi hôm nay mới có thời gian ghé tiệm. Nhổ hơn 2 tiếng đồng hồ hết sạch tóc bạc, tóc ngứa… tôi thấy rất vui. Tranh thủ ngày nghỉ ca tôi cùng cô bạn rủ nhau đến đây vừa nhổ tóc bạc vừa có thời gian tâm sự…

Hãy đến với Mộc! chuyên Nhổ tóc bạc để Thư giãn và khám phá
Địa chỉ: 377 Bà Hạt, Phường 4, Quận 10, Tp HCM
Điện thoại: 0938 . 74 55 38
Email: chuatocbac@yahoo.com.vn
Giờ làm việc: 8h-21h tất cả các ngày trong tuần
Hân hạnh được phục vụ Quý khách!

Blog EntryOct 17, '10 7:07 AM
for everyone
TT - “Đi trượt băng không?”, một nhóm bạn trẻ rủ rê. Giữa một Sài Gòn miền nhiệt đới chính hiệu, lời mời gọi có vẻ... hoang đường!

Các bạn trẻ hào hứng trên sân băng Nhà văn hóa Thanh niên - Ảnh: HÀ THANH
Nhưng thật vậy: đầu tháng 10 năm nay một sân băng diện tích 425m2 xuất hiện tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM “gây sốt” trong cộng đồng người trẻ. Dĩ nhiên là sân băng nhân tạo.
Bồng bềnh trên sân băng
Cùng vài bạn trẻ mới đến, chúng tôi mang giày chập chững ra sân băng. Cảm giác chới với, bồng bềnh xâm chiếm cơ thể.
Minh Khôi và Nguyễn Thị Mơ (hướng dẫn viên) lướt đến nhắc nhở cột chặt dây giày và dìu những người mới đi lần đầu sang bên bức tường kính đối diện. Chúng tôi vịn tay vào bức tường kính, cẩn trọng làm theo hướng dẫn của hai bạn: đặt chân theo hai đường thẳng song song, tập giữ thăng bằng trên băng.
“Chỉ một hai buổi là quen chân, lướt dọc sân theo kiểu đơn giản khá tốt. Đừng lo!”, Minh Khôi trấn an.
Sân băng buổi chiều giữa tuần có khoảng 10 bạn trẻ. Hầu hết các bạn đều lướt băng khá thuần thục và không cần hướng dẫn viên đi kèm.
“Bịch”, anh Công Chính (quay phim, ngụ Q.11) ngã lăn ra giữa sân nhưng cười toe toét. Anh vừa lồm cồm đứng dậy vừa nói: “Trượt băng, té là chuyện nhỏ như con thỏ. Té riết tui biết cách nương theo để đỡ đau. Tui đến đây trượt ba buổi rồi, đợi tập cho quen là dẫn hai đứa con lên đây tập cho chúng cùng chơi”.
Ông Hoàng Văn Anh, chủ nhiệm CLB Trượt băng, cho biết: “Toàn bộ vật liệu, trang thiết bị, giày trượt, gậy, bóng khúc côn cầu đều được nhập từ Mỹ. Đặc biệt, mặt sàn sân băng được làm từ chất liệu nhựa tổng hợp cho cảm giác trượt như trên sân băng thật. Theo nhận xét của các nhà chuyên môn, loại băng này dính hơn băng nước đá 5% nên dễ đi và té ít đau hơn. Cách vài tiếng chúng tôi phun một chất dầu không độc hại tạo độ trơn và duy trì nhiệt độ 16 độ C trên sân. Sắp tới CLB sẽ tiến hành mở thêm vài sân đáp ứng nhu cầu người dân thành phố”.
Lướt nhẹ nhàng sau hai, ba buổi tập
Trong khi hướng dẫn khách, Mơ và Minh Khôi tranh thủ lướt và biểu diễn vài động tác khó như xoay vòng, ngồi thụp xuống với một chân duỗi thẳng...
Minh Tâm (sinh viên năm 2 khoa quản trị kinh doanh ĐH Sư phạm kỹ thuật) say sưa tập lướt ngược kết hợp lắc hông sang trái phải. Bạn cho biết: “Mình mới tập trượt một tuần nay thôi. Lúc đầu cũng sờ sợ vì chưa từng biết trượt patin mà trượt băng có vẻ khó hơn nữa. Nhưng thấy các bạn lả lướt trên mặt băng mình ham quá nên... liều luôn. Giờ giống như ghiền rồi nên cứ rảnh là chạy tới sân”.
Thiên Phúc (sinh viên năm 2 khoa điện - điện tử ĐH Sư phạm kỹ thuật) nói thêm: “Lúc thấy bảng quảng cáo trượt băng gần Nhà văn hóa Thanh niên, tôi và Tâm háo hức lắm, nói với nhau phải đến thử cho biết. Cảm giác lướt trên băng thật khác biệt”.
Nguyễn Văn Duy, một người chơi patin ở TP.HCM, kể sau gần mười ngày tập luyện trên sân băng nhân tạo, anh có thể biểu diễn những động tác riêng biệt dành cho trượt băng như xoay vòng, lướt trên một chân hay những động tác bay trên không.
Với mức phí 50.000 đồng/ suất/85 phút, các bạn trẻ có thể thỏa thích lả lướt trên sân. Trong tháng 10, CLB nới lỏng thời gian trượt không giới hạn cho khách. Giá mềm kèm những trải nghiệm mới mẻ, thú vị đã khiến nhiều bạn trẻ hứng khởi đón nhận sân chơi đặc biệt này.
LÊ VI - HÀ THANH
Blog EntryMar 8, '10 12:06 AM
for everyone
SGTT - Ẩm thực Việt Nam đã được bạn bè các nước biết đến nhiều, như phở, chả giò, bánh mì Sài Gòn… Và không chỉ có vậy, mới đây, bánh xèo vừa được bình chọn là món ăn thú vị thuộc lĩnh vực ẩm thực của chương trình “TP.HCM – 100 điều thú vị”.
Con đường bánh xèo
Ăn nóng là điều bắt buộc với chiếc bánh xèo nên khi bánh vừa lấy ra khỏi chảo là phải đến ngay tay người ăn. Ảnh: Minh Cúc
Bánh xèo đã có ở miền Nam tự thuở nào chẳng ai nhớ được. Có lẽ nó đã có từ trước thời phở Bắc vào Nam hay bánh mì Sài Gòn bắt đầu có mặt từ những năm 40 – 50 thế kỷ trước. Ngày xưa ở chợ, khu xóm, từ thành thị đến thôn quê miền Nam thế nào cũng có hàng bánh xèo như một món ăn bình dân phổ biến mà ai cũng biết.
Đầu thập niên 80, với những khó khăn của đất nước sau chiến tranh, hàng quán ở Sài Gòn giảm đáng kể, trong đó có cả những hàng bán bánh xèo. Nhưng đến giữa thập niên 80, đột ngột trên những đoạn đường nhiều người qua lại, xuất hiện một số quán bán một thứ bánh chiên bằng bột có màu vàng như bánh xèo. Tuy nhiên khuôn đổ bánh chỉ nhỏ bằng khuôn đổ bánh khoái, nhân bao gồm tép, thịt ba rọi, giá, củ hành như bánh xèo và nước chấm là nước mắm chứ không phải bằng nhân và nước chấm của bánh khoái. Đa số người bán là người miền Trung, thế nên món bánh được đặt tên là “bánh xèo miền Trung”. Bánh xèo miền Trung chiếm được cảm tình của nhiều người thành phố lúc bấy giờ vì sự hấp dẫn riêng của mình: độ nóng giòn vừa phải, ăn với nhiều rau và nước mắm, ngon miệng mà giá chỉ vào khoảng 1.000đ/cái (trong khi phở khoảng 6.000 – 7.000đ/tô).
Từ thập niên 90 trở đi bánh xèo Nam bộ bắt đầu khởi sắc trở lại với những nơi bán có tiếng như bánh xèo Đinh Công Tráng – Q.1, Ngô Quyền – Q.5, A Phủ. Và đến năm 2007, bánh xèo Ăn Là Ghiền xuất hiện với quy mô lớn, bài bản, chuyên nghiệp hơn nhằm giới thiệu cho công chúng món bánh xèo miền Tây và những món ăn dân dã Việt Nam. Sau đó một năm, bánh xèo Mười Xiềm của Cần Thơ cũng góp mặt tại thành phố. Vậy là bánh xèo Việt Nam bắt đầu sánh vai cùng các thương hiệu bánh crêpe Pháp, pizza Ý, bánh xèo Nhật, bánh roti pum Ấn Độ, bánh tasco Mexico…
Tiếng xèo lôi cuốn
Ăn nóng là điều bắt buộc với chiếc bánh xèo nên khi bánh vừa lấy ra khỏi chảo là phải đến ngay tay người ăn. Tiếng “xèo !.. xèo..!” của bột chiên trên lửa, những làn khói bốc lên như còn vương vấn trên mặt bánh vàng ươm. Bánh bột gạo chiên ấy được gọi tên là “bánh xèo”, rất dân dã và gần gũi với mọi người Việt. Bánh xèo hiện nay do có thêm phiên bản mới giữa bánh xèo miền Nam và bánh khoái miền Trung nên được tạm coi là có hai loại, khác nhau chủ yếu ở kích thước. Nếu chiếc bánh xèo miền Trung nằm gọn trong lòng chiếc chảo nhỏ, đường kính khoảng 10 – 15cm, trông dày dặn và giòn rụm thì bánh xèo miền Nam kích thước bằng cái chảo lớn, bột đổ thật khéo để tạo lớp rìa mỏng tang và giòn xốp, ít ngậm dầu như bánh xèo miền Trung.
Vẫn với tép tươi, thịt ba rọi, giá sống, củ hành, phần nhân bánh ở miền Nam có thêm đậu xanh nên béo và bùi hơn. Tuỳ theo mùa, bánh xèo miền Nam có thể thêm vào nấm mối, kim châm, nấm tràm, cổ hũ dừa, bông điên điển... Thời gian qua, các thương hiệu bánh xèo nổi tiếng như Ăn Là Ghiền, Mười Xiềm đã mạnh dạn cải tiến nên bánh xèo đã có nhiều loại nhân khác nhau giúp chiếc bánh xèo trở nên đa dạng, phong phú hơn.
Bánh xèo có cách ăn đặc trưng, đó là ăn bằng tay. Bánh vừa lấy ra khỏi chảo còn nóng hôi hổi, tay xé một miếng vỏ vàng ruộm, thêm đầy đủ nhân, cuốn thành cuốn dày cộp toàn những rau là rau, từ cải bẹ xanh, cải xà lách và năm, sáu thứ rau thơm. Tai nghe được tiếng bột “xèo” trên mặt chảo nóng, nghe tiếng rôm rốp giòn tan khi bẻ và nhai bánh. Mũi ngửi hương thơm lựng. Mắt nhìn được đủ sắc màu vàng óng của bánh, xanh mượt mà của rau và đỏ au của nước mắm ớt. Cuộn miếng bánh xèo từ từ cho vào miệng, vị ngọt của bột hòa cùng vị ngọt của tép, thịt, vị béo của mỡ vừa được đưa đẩy chạm đến ngưỡng của đô ngậy. Tức khắc mùi vị the nhẩn của cải bẹ xanh, thơm nồng của rau thơm hoà quyện đưa vị béo bay biến đi. Bao nhiêu hương vị mặn, ngọt, chua, cay như thay nhau đánh thức toàn bộ vị giác của người thưởng thức.
Không gì khoái khẩu cho bằng được thưởng thức món ăn đơn sơ mà tinh tế đến tuyệt vời. Bánh xèo được chọn lựa để trở thành một món ăn độc đáo, đại diện cho những món ăn Việt trong cuộc bình chọn “TP.HCM – 100 điều thú vị” lần này đã giới thiệu thêm kho tàng ẩm thực Việt còn nhiều lắm những món ăn thú vị.
Quang Tâm – Minh Cúc
Blog EntryMar 3, '10 10:44 PM
for everyone

Tất nhiên, cá nục và nhân viên là hai chuyện khác nhau, nhưng chúng đều được quan sát ở một quán ăn nhỏ tối cuối tuần, với những nét hay hay.
Cá nục cuốn bánh tráng
Quán ở đường Trần Bình Trọng, quận Bình Thạnh, TP.HCM, có cái tên là lạ: Phú Chiêm. Hỏi ra mới biết là tên một làng ở Điện Bàn, xứ Quảng Nam, khá nổi tiếng với món mì Quảng gánh lên xe buýt ra bán cho thực khách ở Đà Nẵng. Các bà các mẹ các chị gánh mì đi bán, nước lèo đựng trong bình toong, ai xin thêm nước lèo đều bị rầy, vì nước mang theo chỉ đủ để láng tô mì, chứ không nhiều như nước lèo của phở: “Mi xin thêm nước, thì người khác ăn bằng chi”.
Chủ quán là dân Quảng, và các món của quán cũng là món Quảng: cao lầu, mì, cá cuốn bánh tráng..., chỉ có bia là “toàn cầu hóa” thôi. Một món mà nhiều người ưa chuộng ở đây là cá nục cuốn bánh tráng. Cá nục hấp chín vừa ăn, to cỡ hai ngón tay, vừa ăn phải vừa lựa xương để không bị hóc. Cá cuốn với những thứ bình dân như rau muống, húng, ngò, xà lách, chuối chát... Bánh tráng ở đây là thứ bánh của miền trung, phải nhúng với với nước cho mềm và dẻo ra. Sau đó, đặt bánh trên những miếng khay nhựa tròn có lỗ, vừa để bánh tráng không đọng nước sau khi nhúng, vừa để các miếng bánh không dính vào nhau, và cũng là để làm “giá đỡ” để khách cho tất tần tật mọi thứ lên và cuốn dễ dàng. Cái món ăn giản dị nhưng dường như đầy duyên dáng, mang một hương vị rất Quảng: gần gũi, bộc trực, nhưng phải chầm chậm mới thấm vị ngon.
Cũng vẫn rau ấy, bánh tráng ấy, mà cuốn với món mực Hội An hấp thì lại khác hẳn. Khác thế nào thì cũng khó mà tả, chỉ biết rằng ngon. Trên bàn, luôn sẵn dĩa ớt xanh to cỡ ngón tay út, nhiều người cắn ớt nhai rột rột. Thức ăn lành, đơn giản, và phép đo cụ thể nhất là êm bụng cả đêm.
Tất cả nhân viên lưu ý
Treo trên mấy bức tường trong quán là một bảng nội qui phóng to, cũng có một “hương vị” là lạ hiếm thấy. Tiêu đề là “Tất cả nhân viên lưu ý”, gồm 9 điều:
1- Luôn ý thức giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm
2- Luôn lễ phép với khách hàng, “thưa, dạ, xin lỗi, cảm ơn”
3- Không được bình phẩm khách hàng bất cứ lúc nào hoặc ở đâu
4- Luôn đoàn kết nội bộ, giúp đỡ lẫn nhau, không ồn ào cãi vã, mất trật tự là trách nhiêm, bổn phận của mỗi nhân viên
5- Hóa đơn, phiếu ăn uống phải rõ ràng chính xác
6- Không được để thức ăn, thức uống, vật dễ vỡ gần người già, trẻ em hoặc gần người mất khả năng phản xạ
7- Tắt điện thoại trong giờ làm việc
8- Không được thức khuya quá 12 giờ
9- Không được hút thuốc lá nơi khách hàng đang ăn uống
Treo nội quy trong quán, không phải là điều quá mới lạ. Nhưng cái ngồ ngộ ở đây là mấy chi tiết khá không “đụng hàng”, cho thấy cái tính “Quảng”: kỹ lưỡng, chu đáo, hết lòng đến từng chi tiết và có cả phần lo xa, cẩn thận.
Không bình phẩm khách hàng, ấy là một sự tôn trọng cao hơn cả lễ phép “dạ thưa”. Bởi không ít lần, khách vào nơi nào đó, sẽ thấy không hài lòng khi nghe nhân viên làu bàu nói xấu hay chê bai một vị khách vừa rời quán trước mình. Không được để thức ăn, vật dễ vỡ gần người già trẻ em… là điều phòng ngừa khá tinh tế. Vì không đặt những đồ vật này gần những người có có khả năng phản xạ kém, sẽ bớt được khả năng họ làm rơi, tạo ra tiếng động giật mình các thực khách, nền quán khỏi bị rơi bẩn vương vãi, nhân viên khỏi phải cuống quýt dọn, và khách thì bớt luống cuống ngại ngần.
Riêng chi tiết thứ 8 thì hơi gây thắc mắc, hỏi ra mới biết bởi quán có một số nhân viên ngủ lại, nên chủ quán không cho thức khuya quá 12 giờ, để đảm bảo sức khỏe cho ngày hôm sau.
Không phải người xứ Quảng, cũng chẳng phải khách sành ăn, nhưng ngó những quy định tỉ mỉ chăm chút cho khách hàng ấy chợt cảm thấy thêm phần ấm bụng. Một quán ăn thú vị, có lẽ không chỉ nằm ở vị ngon của món ăn.
Vũ Thượng
Chuẩn bị một vài bếp than đước, cộng với gia vị và đồ uống là có thể làm một chuyến du ngoạn trên sông vừa dân dã mà không kém phần kỳ thú.
Một chuyến du sông với thuyền neo bên kia Hồ Bán Nguyệt. Ảnh: Trần Việt Đức
Đợi con nước lớn thì bắt đầu khởi hành. Thuyền đi từ rạch Bàng ra kênh Thầy Tiêu, sau đó là đi vào mênh mang sông nước của vùng bắc Nhà Bè. Tốt nhất là khởi hành vào khoảng chín, mười giờ sáng, lúc này, bạn có thể ghé vào các thuyền của ngư phủ để chọn mua đồ nhắm. Tôm cua tươi ròng ròng, cá, tép còn nhảy lách tách. Đôi khi còn có cả cá lớn vừa câu lên như cá dứa hay trê, bông lau... Chọn một hoang đảo hay lên “đảo Robinson” – một điểm đến vừa mới được khai phá – để hạ trại là có thể vào một cuộc chơi rộn ràng giữa trời và nước. Thưởng thức tôm cá nướng trên than hồng, chiêu với ly rượu ong non trong cái nắng xuân và những ngọn gió chướng đầu mùa, không quên tất tật những thứ phồn hoa nhân tạo của cái đô thị hiện đại hào nhoáng phía chỉ cách một dòng sông kia mới là chuyện lạ.
Nếu chọn thời điểm xuất phát vào buổi chiều, điều quan trọng là nhớ canh chừng con nước. Bởi vào những con nước lớn chẳng hạn như dịp rằm tháng giêng, lúc thuỷ triều lên tới đỉnh, nhiều khả năng thuyền sẽ không có đường về vì vướng những cây cầu mà người làm ra chúng chẳng bao giờ nghĩ đến giao thông thuỷ.
Khi hoàng hôn vừa xuống, tìm một chỗ neo thuyền lại gần bờ. Nếu muốn thêm cảm xúc bằng thị giác thì nơi lý tưởng nhất để thả neo có thể là tại vùng hồ bán nguyệt khu đô thị Phú Mỹ Hưng. Đó là một khúc sông rất rộng, một phía uốn cong tạo thành hình dáng như một cái hồ bán nguyệt tự nhiên. Nghe đâu, mặc dù ở đó đang hình thành một khu trung tâm dân cư thương mại phức hợp và hiện đại cỡ ngang tầm quốc tế, nhưng mặt nước thì vẫn thuộc về nhân dân. Giống như một người đang lạc giữa hai thế giới: một bên là vùng hoang vu lau lách, um tùm bần, trâm bầu, dừa nước, một bên là khu trung tâm thương mại phức hợp lung linh đèn đóm, bạn sẽ có một trải nghiệm hoàn toàn khác mà không phải thị dân nào cũng có được. Nếu cuộc chơi kéo dài, chắc chắn bạn phải chuẩn bị theo một cây ghita, bằng không chủ nhân của du thuyền đặt sẵn cho một nhóm đàn ca tài tử. Đặc biệt, nếu đã du sông vào những đêm sáng trăng, với rượu và âm nhạc, thì lời khuyên tốt nhất là nên tắt điện thoại di động.
Ông Hiếu, chủ nhân quán Hàng Dương ở quận 7 cho biết, ông nảy sinh sáng kiến này khi đọc báo thấy có một công ty đầu tư chung cư xin khai thác buýt đường sông để đưa người dân đến khu trung tâm bằng tàu buýt. Một du thuyền khai thác mặt nước, vừa phục vụ đưa đón thực khách vừa thưởng ngoạn cảnh sông nước thanh bình, mà lại khỏi tốn thêm chi phí đầu tư mở rộng diện tích mặt đất, tại sao không?
Như Trần
Blog EntryFeb 22, '10 4:12 PM
for everyone

Sài Gòn có những tiệm ăn 50-60 tuổi, vắt mình qua hai thế kỷ và vạn sự biến thiên của thời cuộc. Qua nhiều thế hệ làm chủ, cốt cách riêng của bổn quán và chất lượng món ăn vẫn được gìn giữ như xưa

Á - Âu đi về tìm bảng hiệu
Hôm tôi đón anh Quốc Tâm, Việt kiều từ Ý về, vừa vào đến nhà, anh đã hỏi: “Tiệm bánh mì Hòa Mã còn không?”. “Còn! Nhưng chỉ bán buổi sáng”. Nghe câu trả lời của ông xã tôi, anh Tâm mừng ra mặt: “Hơn hai mươi năm thèm muốn chết! Sáng mai ông đưa tôi ra đó nhé”. 

Đến tiệm bánh mì Hòa Mã tại số 53 Cao Thắng, quận 3, anh Tâm thốt lên: “Vẫn thế! Từ ngày 1-12-1960 đến nay không có gì thay đổi, bảng hiệu bạc phếch, tủ để các món thịt nguội, patê vẫn đặt đúng vị trí cũ”. Thấy cụ Nguyễn Thị Tịnh còn đứng bán cùng hai con gái và mấy người cháu, anh Tâm mừng như gặp lại cố nhân.

Từ ngày mở tiệm bánh mì Hòa Mã vào năm 1960, đến nay, cụ Nguyễn Thị Tịnh vẫn còn cùng con cháu đứng bán bánh mì


Anh kể: “Nhiều người Sài Gòn đi xa hàng chục năm vẫn không quên hai ông bà người Hà Nội vào Sài Gòn bán bánh mì. Bà Nguyễn Thị Tịnh và ông Lê Minh Ngọc (chồng bà Tịnh) được xem là những người đầu tiên ở Sài Gòn chuyển kiểu bánh mì đặc ruột - thịt nguội bày ra dĩa, ăn bằng dao nĩa theo gu Tây sang ổ bánh mì xốp giòn nhận chả lụa, patê, xúc xích, jambon... đủ vị Tây để tiện cho những người vừa đi làm, đi học vừa ăn sáng”.

Bây giờ, tiệm Hòa Mã vẫn còn bán bánh mì với dĩa thịt nguội riêng cho khách ăn tại chỗ. Quán hẹp, chỉ ba bàn và sáu ghế ngồi cho khách là đã chật. Nhờ nằm ngay đầu hẻm lớn nên tiệm kê thêm một dãy bàn ghế “xúp” sát vách nhà. Những chai nước tương, tương ớt, muối tiêu được treo trên vách.

Ai đến đây lần đầu sẽ thấy lạ vì không thấy khách than phiền dù tự giữ xe, chịu ngồi ở chỗ chật chội, còn phần ăn thì được trình bày sơ sài, mỗi loại thịt nguội một lát, patê, bơ vít đầy muỗng được bỏ vội vào dĩa. Khách nào dùng thêm trứng gà ốp-la thì sẵn chảo chiên trứng, người bán bỏ luôn thịt nguội vào chảo, dọn lên. Anh Tâm gật gù: “Đúng kiểu Hòa Mã, không hình thức. Ghiền là ghiền bánh mì giòn ran, ruột đặc vừa phải, lát thịt nguội cắt dày ăn mới ngon, patê, bơ quết vô bánh mì rất vừa khẩu vị, không phải thêm nước tương hay muối tiêu”.

Anh nói có lý bởi sáng nào cái tiệm nhỏ này cũng không ngớt khách, chẳng ai ngồi lâu hơn 20 phút, bởi để nhường chỗ cho người sau. Còn người đến mua bánh mì mang đi thì vây quanh cửa tiệm, đến nỗi người bán biết chắc mình không quan sát được hết nên dán một miếng giấy ghi: “Xin quý khách vui lòng nhận bánh xong hãy trả tiền”.

Không lăng xăng như tiệm bánh mì Hòa Mã, vẻ trầm lắng ở tiệm chè Hiển Khánh lại khiến người ta yêu mến. Tiệm chè này ra đời vào năm 1959 bởi hai đồng sở hữu là ông Trần Nghệ và ông Nguyễn Quý Quyền. Về sau, hai ông giao tiệm lại cho chị Nguyễn Thị Nguyệt Minh (con ông Quyền) tiếp quản.

Ban đầu, tiệm chè Hiển Khánh mở ở Đa Kao, gần rạp Cầu Bông nhưng quá chật nên ông Quyền mở thêm một tiệm nữa ở đường Phan Đình Phùng (nay là đường Nguyễn Đình Chiểu) và duy trì đến bây giờ. Tiệm Hiển Khánh ở Đa Kao thì không còn nữa.

Theo một số cựu học sinh các trường trung học Gia Long, Chu Văn An, Petrus Ký, sinh viên các trường đại học, cao đẳng vào thập niên 1965 - 1975, họ bị Hiển Khánh “mê hoặc” bởi cách trang trí thơ và câu đối do ông chủ tiệm sáng tác. Những bài thơ ca ngợi sự bổ dưỡng của hai món chủ lực là thạch trắng và đậu xanh, hoặc giải thích ý nghĩa bánh lá gai, bánh phu thê... Ông Quyền tự tin viết thơ treo trên vách:

“Ở đời hữu xạ tự nhiên hương
Ba thế hệ rồi khách vẫn thương
Á Âu đi về tìm bảng hiệu
Bắc Nam qua lại nhớ tên đường”.
Anh Văn Minh Hồng, 57 tuổi, từ California (Mỹ) về, cưỡi xe máy tìm đến tiệm chè Hiển Khánh xem có thay đổi gì không. Theo thói quen ngày trước, vào tiệm, anh gọi ngay chén thạch trắng rồi ngồi đảo mắt nhìn quanh quán như tìm lại ký ức. Anh nói với chị Nguyệt Minh: “Thơ vẫn treo trên tường, những bộ bàn ghế cũ, thấp vẫn nguyên vẹn” như khen chủ nhân đã giữ gìn cẩn thận những hình ảnh thân quen ấy suốt 40 - 50 năm nay.

Cũng chừng ấy thời gian, chủ tiệm này không hề nhượng quyền thương hiệu cho ai, cũng không có người ruột thịt nào mở tiệm ở nước ngoài nhưng bảng hiệu chè Hiển Khánh xuất hiện khá nhiều ở Mỹ. Còn tiệm chè Hiển Khánh anh đang ngồi có đến mười loại thạch khác nhau, bán thêm sâm bổ lượng, chè bạch quả, sữa chua, rau câu nhưng vẫn giữ đặc trưng: Chè Hà Nội không có nước cốt dừa như chè Nam Bộ, khi bưng lên cho khách luôn có chén đá bào kèm theo.

Món ngon nhớ lâu

Bánh bao Cả Cần của người miền Tây cũng sớm có mặt ở Sài Gòn từ năm 1967, được biết đến nhiều nhưng đến nay vẫn chưa đủ cứ liệu để khẳng định bổn hiệu chính. Người sành ăn đã phân biệt được chất lượng bánh bao Cả Cần có mặt ở nhiều nơi tại Sài Gòn, loại dần để còn lại hai điểm bán đáng tin cậy, một ngay Công viên Văn Lang, quận 5 (góc Nguyễn Tri Phương - Hùng Vương), một ở đường Trần Khai Nguyên, quận 10. Điểm ở Công viên Văn Lang được biết đến nhiều hơn bởi bánh bao Cả Cần có mặt đầu tiên ở nơi dễ thấy này, chỉ mở cửa từ 12 giờ đến khuya.

Theo anh Võ Văn Hùng, chủ nhân điểm bánh bao Cả Cần ở Công viên Văn Lang, người khai sinh bánh bao Cả Cần là ông Trần Phấn Thắng và bà Phan Thị Ánh, cô và dượng của anh, từ Tiền Giang lên Sài Gòn lập nghiệp. Họ cất một lều tranh trên đường Nguyễn Tri Phương để bán bánh.

Khách đến tiệm chè Hiển Khánh không chỉ ăn chè, đọc thơ mà còn tìm về ký ứcẢnh: Các Ngọc

Đặc điểm của bánh bao Cả Cần là bột bánh hơi vàng, vì ủ men chứ không dùng bột nổi nên không phồng to khi hấp như bánh bao của người Hoa, nhân bánh quện vào bột bao bên ngoài. Nhờ khác biệt đó mà giá bán dù mắc hơn nơi khác nhưng bánh bao Cả Cần vẫn đứng vững hơn 40 năm qua, chỉ bán một chỗ, không bỏ mối cho ai.

Nhiều nơi bán tự giới thiệu là bánh Cả Cần nhưng chẳng ảnh hưởng gì đến “nồi cơm” của ông Thắng - bà Ánh vì người ta ăn một lần thấy không ngon bằng thì trở lại tiệm. Bà Năm Sa Đéc, một nghệ sĩ cải lương tài danh, từng được mời quảng cáo cho bánh bao Cả Cần.

Được tin tưởng giao nối nghiệp, anh Hùng cải tiến nhân bánh ngon hơn, như làm từ bắp cải bào trộn với thịt, nấm mèo; bánh bao hột vịt muối và bánh bao trứng cút. Đặc biệt, đầu tháng 12-2009, anh Hùng tung ra bánh bao nhân gà xé nhuyễn trộn xá xíu, hột vịt muối, lạp xưởng, bán 25.000 đồng/cái.

Sau nhiều lần góc đường Nguyễn Tri Phương - Hùng Vương được nắn lại, tiệm lùi sâu vào trong Công viên Văn Lang song những xửng bánh bao Cả Cần to tướng bốc khói mỗi tối vẫn tấp nập người mua. Để giữ thương hiệu, anh Hùng chuẩn bị đăng ký nhãn hiệu độc quyền “Bánh bao Cả Cần”.

Nghe những tàn phai

Sài Gòn có những tiệm ăn thâm niên đã nửa thế kỷ, bây giờ là “hàng hiếm” nhưng có vẻ không còn được chuộng như trước. Tiệm cơm gà Đông Nguyên (góc ngã tư Nguyễn Trãi - Châu Văn Liêm) được lập từ 1946, nổi tiếng ở khu vực Chợ Lớn đến tận năm 1990. Bên cạnh món chính là cơm gà, thực khách đến Đông Nguyên còn để thưởng thức những món canh tiềm vừa ngon vừa mát và bổ dưỡng.

Người Sài Gòn sành ăn nhưng cũng biết chi tiền hợp lý nên khi có những tiệm ăn, nhà hàng lịch sự khác ra đời ở khu Chợ Lớn thì cơm gà Đông Nguyên ít khách dần vì giá không cạnh tranh. Còn ở 135 Nguyễn Thiện Thuật, chủ quán  khẳng định ngay trên bảng hiệu là tiệm chánh cơm Nam Sơn 50 năm với món chính là cơm gà xối mỡ, song cũng không đông khách như trước đây. Đặc biệt, tiệm nước của người Hoa (quán cà phê có điểm tâm) hầu như chỉ còn một tiệm Tân Sanh Hoạt trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3.

Điểm thú vị nhất khiến người ta nhớ đến tiệm nước là cách hô bằng tiếng lóng của các phổ ky gọi cho anh đầu bếp, như: thoàn dách là bàn số 1 ở giữa, tún lục là bàn số 6 phía bên Đông. Trước kia, trời vừa hừng sáng là hầu hết các tiệm nước người Hoa mở tất cả đèn sáng choang, quạt máy năm, bảy cái quay vù vù. Mấy anh phổ ky hỏi khách dùng chi, lập tức truyền khẩu lệnh gây náo nhiệt cả tiệm.

Từ đằng xa, người đầu bếp lặp lại như hồi đáp là đã nghe rõ. Họ quy định bên Đông và bên Tây của tiệm chứ không gọi bên trái và bên phải vì trái, phải dễ nhầm do người đứng từ ngoài nhìn vào hay bên trong nhìn ra. Còn Đông, Tây thì được định vị theo hướng mặt trời mọc và lặn...

Những tiệm nước người Hoa kiểu này không còn nhiều; trong tương lai, nếu muốn tìm đến, chắc phải lục lọi trong ký ức!
Các Ngọc
Blog EntryJan 30, '10 8:39 PM
for everyone
SGTT Nguyệt san - Cô bạn ở Hà Nội vào cứ nằng nặc đòi dẫn đi ăn món cá viên chiên của Sài Gòn. Không đắn đo, tôi dẫn cô tới một cái quán nằm ở đường Trương Hán Siêu, quận 1. Quán không tên, không biển hiệu nhưng gần như thế hệ học sinh, sinh viên nào ở đất Sài Gòn cũng biết. Và cũng chẳng biết từ bao giờ, ai đó đã gọi đó là quán Ông Già và giới học trò truyền miệng mà gọi thành tên cho tới bây giờ.
Quán chỉ có hai món là cá viên chiên và món kem nhãn ngon nổi tiếng mà bất kỳ cô cậu học sinh, sinh viên nào tới đây cũng mê. Cá viên chiên ở đây có vị dai nhưng lại rất giòn và có mùi thơm. Chủ quán là chị Nguyễn Thị Thanh Vân (37 tuổi) cho biết quán này vốn là của ba chị để lại. Chính vì thế mà quán mới được gọi là quán Ông Già. Chị không nhớ chính xác quán có từ khi nào, chỉ biết lúc đó chị vẫn còn rất nhỏ và vẫn phụ ba bưng đồ cho khách. Đến nay thì ba chị đã mất được sáu năm rồi.
Khách tới quán chủ yếu là sinh viên, học sinh. Cũng có nhiều người đã đi làm nhưng vẫn quay lại ăn như một thói quen của thời sinh viên. Nhưng đôi khi cũng có những người đã lớn tuổi vẫn đến ăn. Họ vốn là khách của quán từ thời còn là học sinh đến khi lấy chồng rồi sinh con. Với họ, có thể, món cá viên chiên không còn ngon như cảm nhận của cái thời học trò, đi ăn cá viên chiên không còn háo hức như cái thời ngày xưa khi cùng bạn bè chung lớp đến ăn nhưng bây giờ nó lại có một hương vị riêng – hương vị kỷ niệm. Và với những người này, họ đến có thể một mình, ngồi một góc, vừa nhấm nháp hương vị kỷ niệm vừa quan sát đám trẻ nhí nhố đang trêu chọc hay giành nhau từng viên cá viên chiên để hoài niệm về một thời hoặc dẫn con đi theo và ngồi kể cho con nghe những kỷ niệm của thời hoa niên. Và với những người này, chủ quán có thể không biết tên nhưng nhớ mặt, thậm chí biết cả sở thích ăn như thế nào.
Ngoài quán Ông Già được nhiều thế hệ học sinh, sinh viên biết thì một cái quán tại góc ngã ba Sương Nguyệt Anh và Cách Mạng Tháng Tám lại thu hút giới văn phòng khá đông. Họ thường kéo tới đây ăn sau giờ làm hoặc những khi ngồi càphê tán chuyện với nhau xong mà bụng ngon ngót cần nạp thêm năng lượng. Những buổi chiều khoảng từ 5 giờ trở đi là quán bắt đầu đông nghẹt khách. Có khi kéo dài đến 10 giờ, 11 giờ. Ngoài món cá viên chiên rất ngon thì quán còn có thêm nhiều món như tôm viên chiên, xúc xích chiên, đậu hũ chiên… Quán này có sau quán Ông Già rất lâu nhưng cũng là một quán ngon nổi tiếng được nhiều người biết đến.
Cá viên chiên là một món ăn vặt rất phổ biến ở Sài Gòn và được phụ nữ rất chuộng. Cá viên chiên được bán ở khắp nơi, nhưng phổ biến nhất là các xe hàng rong xuất hiện ở mọi chốn như cổng trường, công viên hoặc bán dạo trên các đường phố trong các ngõ hẻm. Thường ở những xe bán dạo này, cá viên chiên thường được xâu lại thành que, mỗi que năm viên và có thể cầm cả que rồi rút dần từng viên. Cũng có khi món này được bán trong quán và thường bày trên dĩa. Ở nhiều quán, cá viên chiên được bán kèm với những món ăn vặt khác nhưng tìm được quán ngon thì không nhiều. Bởi, dạo này không mấy người tự tay làm món cá viên chiên để bán nữa mà mua cá viên làm sẵn của mấy công ty, cơ sở.
Cá viên chiên ngon phải là loại bỏ vào chảo dầu thì ngay lập tức phồng đều, ăn vừa có vị dai, vừa có vị giòn, cắn vào không quá cứng cũng không quá mềm. Món này có thể ăn kèm với đồ chua gồm củ cải, càrốt, dưa leo muối chua và chấm với tương ớt hoặc tương ngọt.
Hà Dịu
Địa chỉ: 2 Trương Hán Siêu, Quận 1
Blog EntryJan 12, '10 11:33 PM
for everyone
SGTT Nguyệt san - Bạn tôi, trên đường lái xe hơi ra quán Phúc Ốc nổi tiếng ở đường Tú Xương, vừa chèm chẹp miệng vì nuốt nước miếng, vừa đặt ra một câu hỏi thú vị: sao ở phương Tây, người ta không nghĩ ra lắm trò ăn uống như là món ốc của nhà mình?
Giả thiết của tôi là: Ông cha mình hồi trước không có gà, bò, cá... mới đi mò ốc. Lâu rồi nên ăn quen miệng. Nhưng dù giả thiết này có đúng hay sai, chỉ biết cái món chuyên khều, chuyên húp này giờ đã thành đặc sản không ăn không được.
Có vở tuồng đồ nổi tiếng, Nghêu sò ốc hến, vốn khuyết danh, đã lưu truyền từ lâu trong dân gian. Tên của vở tuồng cũng là ghép bởi tên của bốn nhân vật cá tính khác nhau có tên Ốc, Nghêu, Sò, Hến. Kết thúc vở là lớp hài kịch đánh ghen do Thị Hến mưu trí bày ra để vạch mặt ba tên chức dịch mê gái: quan huyện, thầy đề, thầy lý. Tính hài hước châm biếm làm cho vở diễn có sức hấp dẫn từ đầu đến cuối. Đến tận năm 1960, vở diễn được nhà hát tuồng Trung ương phục hồi và đem đi biểu diễn khắp nơi trên thế giới. Đúng là vở tuồng và câu chuyện chẳng liên quan gì đến chuyện ăn uống, chỉ thấy rằng từ rất xưa, nghêu sò ốc hay là hến đã gắn bó mật thiết đến mức được đặt tên cho những nhân vật dân gian. Hồi ấy còn chẳng tồn tại những cái tên nào như bò, gà hay cá...
Thế mới thấy, cụm từ này chỉ cần đọc lên thôi đã mang tính dân dã hiếm có. Nhưng không hẳn vì cuộc sống nghèo túng mà ông cha ta chuộng nghêu, sò, ốc, hến. Theo đông y, tất cả loài thân mềm (nhuyễn thể) đều có vị ngọt, hơi mặn và tính lạnh. Các món ăn chế biến từ thịt của nhóm thân mềm đều có tính thanh nhiệt, giải độc và trừ thấp. Người Huế thường húp nước hến để giải độc rượu. Thức ăn từ các loại thân mềm còn giúp bổ gân, bổ thận, giúp lông, tóc, móng phát triển và đặc biệt kiện dương, mạnh tình dục.
Dưới phân tích duy lý của tây y, phần thịt của cả nhóm nhuyễn thể đều chứa hàm lượng chất dinh dưỡng rất cao. Ví dụ con vẹm vào mùa sinh sản cứ 100g thịt có đến 53,3g chất đạm, 17g chất đường chung và 6,9g chất béo, 341mg canxi, 657mg photpho, 48,4mg sắt và nhiều vitamin hơn trong thịt, cá, trứng và ngay cả trong con tôm. Tất cả loại thân mềm đều có chứa lượng lớn các yếu tố vi lượng: lượng iôt trong thân mềm cao gấp 200 lần trong trứng và thịt, hàm lượng sắt, kẽm, đồng, mangan, brôm, selen... đều cao.
Thêm nữa, ốc là loài dễ sống, ở rất nhiều môi trường đa dạng, từ rãnh nước, sa mạc, cho đến những vực biển sâu. Đa số các loài ốc sống ở môi trường biển. Nhiều loại khác sống trên cạn, trong môi trường nước ngọt, và nước lợ. Tôi nhớ hồi nhỏ, chỉ cần xắn ống quần đến bẹn, nhảy tùm xuống ao, tìm một cái cọc, úp hai bàn tay tuốt từ dưới tuốt lên là được đầy một nắm ốc. Vài phút là có bát ốc luộc lá chanh ngào ngạt hương sả.
Ở miền Bắc, cách ăn ốc cũng đặc biệt đơn giản, cân bằng yếu tố âm dương. Nói đến ốc chỉ có hai món ốc cơ bản là ốc xào và ốc luộc. Nói đến nghêu cũng chỉ có nghêu hấp sả. Sò thì có sò huyết, sò lông, cũng là hấp. Hến thì đem nấu canh. Tóm lại người Bắc chỉ đem nghêu, sò, ốc, hến đem chế biến đơn giản, đích thị là cách ăn hàng cho buổi chiều muộn, tranh thủ khều khều chấm mắm gừng, đổ chút mắm còn thừa rồi húp vội bát nước ốc nóng sực cho đỡ lạt. Ốc chỉ bán như quà vặt, gắn chặt với văn hoá chợ chiều và sau này là vỉa hè lề đường.
Người Nam ăn ốc kiểu hoành tráng, đem đủ gia vị ra chưng cất, từ bơ đến phomát, hành, mỡ, tỏi, me... Cách chế biến ngoài hấp còn nướng, xào, đút lò... Đặc sản miền Nam cũng nhiều đến kỳ lạ các loại ốc lớn nhỏ. Có những con tôi chưa nghe thấy bao giờ đến tận lúc sống ở mảnh đất này, ví như sò dương, ốc mỡ, ốc len, ốc nhảy, ốc đỏ... Lại có con ốc to kinh khủng, cắn ngập răng, chẳng lấy kim mà khảy khều cho được. Có con chẳng nhìn thấy mặt, chỉ thấy được cắt thành vài mảnh đặt lên một cái vỏ sò chẳng biết có phải vỏ của nó hay không... Ngoài hạng mục nghêu sò ốc hến, còn có thêm ghẹ, cua cũng có dịp được xuất hiện trong thực đơn. Cụ thể hơn là càng cua, càng ghẹ. Món nhậu nổi tiếng là càng cua rang muối ớt, nói đến thôi đã thấy nước miếng ầng ậc đổ ra vì khẩu vị khó quên của nó. Ớt cay xé lưỡi, môi phồng rộp, muối mặn rang cháy, vón cục lại.
Ở Hà Nội vào Sài Gòn thì nhớ ngay món ốc dừa xào bơ. Người Sài Gòn thì không ăn ốc như ăn vặt, ăn hàng mà ăn như ăn tối, ngồi cả buổi nhậu rôm rả.
Cứ tưởng nghêu, sò, ốc, hến là đặc sản của người mình, còn người Tây lắc đầu quầy quậy. Những con mềm mềm, có đuôi xanh lè của nhà mình được họ chụp mũ hết là “snail” – tức là con sên. Nhưng mà riêng người Pháp thì ăn ốc sên thật. Nghêu họ cũng xốt hành ăn với cơm. Trong truyện Nam tước trên cây, lý do mà chàng nam tước chống đối lại nghi thức quyền quý đặc biệt của gia đình bằng cách nhất định không ăn ốc sên. Giờ thứ đắt nhất ở Pháp, dành để phục vụ trong những nhà hàng sang trọng và xuất khẩu lại là... trứng của ốc sên!!!
Một món ăn có thể có mang một lịch sử nghèo túng và dân dã. Nhưng cách thưởng thức nó và cách món ăn tồn tại trong một cuộc sống hiện đại thì phần nào phản ánh tính văn hoá và lối sống nhiều hơn...
Thuỳ Minh
Địa chỉ:
Ốc Gái, 6B6 Hùng Vương, P.1, Q.10.
Phúc Ốc, 27 Tú Xương, Q.1.
Hương Phát, 93 Bùi Hữu Nghĩa, P5, Q.5.
Quán 174, 174 Nguyễn Thiện Thuật, P.3, Q.3.
Quý Thành, 293 Nguyễn Tri Phương, P.5, Q.10.
Blog EntryJan 3, '10 12:56 PM
for everyone
Sáng nay cả đám kéo lên Củ Chi ăn thịt bò tơ. Đến quán Xuân Đào khoảng 9 giờ... vào kêu 4 dĩa bò luộc, 2 dĩa nướng mọi, 1 tô cháo... (nhưng cháo chưa nấu, khoảng 11 giờ mới chín).

Thịt bò mềm nhưng nước chấm không ngon và cách phục vụ nơi này rất tệ (Khi khách đang ăn thì phục vụ đứng ra xa một chút, đằng này em ấy đứng sát bên luôn, tay để lên thành ghế). Quán khá rộng, có khoảng 4 -5 nhóm ngồi ăn ( mỗi nhóm từ 10 đến 20 người). Mình đang ngồi ăn mà em phục vụ khác nỡ cầm chổi quét lia lịa... bụi bay tùm lum, hic... DCT đi ra nhà vệ sinh để rửa tay sau khi ăn thịt bò mới hãi hùng... mấy bao thịt bò nằm trước cửa nhà vệ sinh luôn (tiếc là không có đem theo máy chụp hình, không thì đã chụp đăng lên Blog chơi). Đi một lần cho biết, không có lần sau.

DCT đưa địa chỉ lên. Các bạn có đi ăn thì biết đường, nói trước là không có gì ngon nhe:

Từ Saigon đi lên tới quán (nằm bên phải) trước rồi đi khoảng vài trăm mét sẽ tới cầu vượt Củ Chi. Địa chỉ : Đường Nguyễn Giao Quốc lộ 22  TT. Củ Chi, H. Củ Chi (08)37923794


Còn một số quán bò tơ nổi tiếng khác như NĂM LIÊU( là sư phụ của Xuân Đào trước đây), XUÂN DUNG, HẢO HẢO, nằm trên đường đi vô trung tâm sát hạch xe củ chi, XÃ NHUẬN ĐỨC. Để từ từ DCT tìm ăn rồi lên đây tám tiếp.

Thực ra là DCT khoái dĩa khoai mì nước dừa mà bạn Tylevang đăng lên Blog, nên chạy lên ăn nhưng xe chạy tới chạy lui trên quốc lộ 22, chạy qua cầu vượt luôn mà cũng không thấy quán nào... Chắc đi sớm quá nên họ chưa bán
Blog EntryJan 2, '10 11:54 AM
for everyone
Các chuyên gia ẩm thực cho rằng có thể cháo bò là món khó nấu cho ngon trong các loại cháo, nhưng tính bổ dưỡng thì đứng đầu bảng - trong hàng cháo. Và ở Nam bộ, những quán cháo bò ngon thường dung nạp tinh hoa ẩm thực cả Hoa và Ấn
Ăn mộc
Quán cháo bò nấu theo gu người Hoa ở Q.5, TP.HCM
Dân sành ăn ở TP.HCM không quản ba, bốn mươi cây số đường nắng, bụi, chạy ra Củ Chi, Long An để nếm muỗng cháo bò ngon dân dã.
Khách xì xụp vài muỗng cháo liền nhai phần dựng móng bò tơ nghe sừn sựt... sừn sựt... Món này ngon ngọt, lâu ngán. Quán bán cháo bò có tiếng ở đây có thể kể đến quán Xuân Đào. Ăn ở quán này, không ít bà nội trợ tằn tiện mà khéo nấu nướng còn "ngộ" thêm một điều: tinh bột và nhựa những rau củ bình dị như đu đủ xanh, khoai môn sọ "té ra" cũng có "nhiều công phụ trợ", khiến người ăn thêm nhớ dai.
Hay ở vùng ngã tư Hóc Môn, nồi cháo bò "chế" ngọt, béo kiểu khác, dân sành ăn nếm một lần có thể bị... ghiền. Chính những dưỡng chất trong phèo bò tươi non (mật), đã làm cho nồi cháo có vị hấp dẫn riêng.
Vợ anh Tám Chí, chủ một quán bò cười khá nổi tiếng ở ấp 3, Xuân Thới Sơn, Hóc Môn kể rằng, sáng kiến này do một khách mối thích tạo món mới nghĩ ra. Dân sành ăn ở đây chỉ cho nồi cháo bò đang sôi ùng ục "quá giang" miếng phèo non khoảng năm phút thôi. Sau đó họ nhúng phèo vào chén nước tương pha tỏi, nướng nhanh trên lửa than... Liếc ngang thấy đĩa chuối hột, khế xắt mỏng, rau quế bày sẵn, người nướng đã "chịu không nổi" rồi! Ba người ăn căng bụng một nồi cháo bò kiểu này, chỉ mất hai chục ngàn đồng. Hiện món này không còn là món cháo giải nhiệt, giải cảm nữa, nó đã trở thành món cháo đưa cay hút hàng ở đây.
Nếm tinh
Gia vị phụ trợ của cháo bò tuy ít nhưng tinh
Tô cháo bò của một "quán" xe đẩy bên hông chợ Xã Tây trên đường Trần Hoà, phường 10, Q.5, để nguội ăn vẫn không nghe nặng mùi mỡ bò. Cháo nấu theo gu người Hoa, dùng tương và ớt xay làm nước chấm (ở Củ Chi, Hóc Môn dùng nước mắm pha tiêu, chao). Có người mạnh ăn, ghé lại đây "xử" luôn ba tô/lần. Tô cháo quán này chứa khoảng chén rưỡi cơm, nhưng có gần đủ lục phủ ngũ tạng bò - trừ gan, phèo và huyết. Trước khi cho lòng bò xắt mỏng vào tô cháo nóng, chủ quán trụng chúng vào nồi nước sôi cho "dã mùi bò", kế đến là xịt vài giọt dầu mè, rắc ít tiêu, hành. Luộc lòng bò, người nấu đã thêm vào một ít rượu mạnh và gừng giã nhuyễn, nên miếng tim, lá sách... nguội ăn vẫn không tanh. Nước nấu cháo ở đây là nước hầm xương ống bò pha với nước luộc lòng, thấm vào từng hạt hoa gạo nở hết cỡ - vừa thơm thoang thoảng vừa ngọt, bùi, béo. Vài ba khách mối của quán "cậy" bà chủ chỉ bí quyết mang về quận 7, Bình Thạnh, Tân Bình mở quán, nhưng trụ không nổi.
Tô cháo bò bên hông chợ Tri Tôn, An Giang năm rồi giá năm ngàn đồng nay tăng thêm ba ngàn (lại ít thịt hơn) vẫn đắt khách. Thay vì lấy vị ngọt bùi của tương làm nước chấm theo như quán ở Q.5, những quán ở đây chọn vị chua thanh của trái trúc (tựa trái chanh, vỏ xù xì, mọc nhiều ở vùng Bảy Núi) pha vào nước mắm gừng. Lòng bò ở đây cũng đầy đủ hơn, có thêm miếng gan đăng đắng bùi bùi, huyết thấm nước tuỷ ngọt béo hết sẩy!
Người bệnh lâu ngày mất sức hay lỡ tối qua nhậu quắc cần câu, húp một chén cháo thịt bò bằm pha lòng đỏ trứng gà, thì còn sảng khoái nào bằng!
Trầm Nguyên
Blog EntryDec 30, '09 9:19 PM
for everyone

Có bao giờ khi vội vàng rẽ trái ngay khúc ngã tư Lý Tự Trọng – Tôn Đức Thắng, bạn thấy quán nhỏ nép vào vỉa hè đó chưa? Tôi hỏi bạn mơ hồ vậy vì quán không có một cái bảng hiệu dù là sơ sài nhất. Nó chỉ lặng lẽ nép vào bức tường loang màu đen thẫm của thời gian. Nó lặng lẽ nép sát như để tránh cái dòng người đang hối hả. Nếu có một lần đi qua đọan đường đó, trong cái tâm trí chen lấn giữa dòng xe chật chội, bạn thử quay qua phải một chút để nhìn quán nhỏ ấy, nghen!
Rồi có bữa chiều chiều này thảnh thơi đi ngang qua chỗ ấy. Khi mà mớ tóc cứng rễ tre của bạn đang nằm trong diện cắt tỉa, bạn thử tạt vào quán nhỏ để người đàn ông già 15 năm hớt tóc cắt cho bạn xem. Tôi không xúi bạn rời xa cái tịêm hớt tóc máy lạnh bạn thường cắt. Tôi cũng không xúi dại bạn sẽ rời xa cái ghế nệm êm đềm, cánh cửa kính tự động đóng mở, và những nhân viên coi bạn như một thượng đế của một Art hair dành cho nam nào đó. Tôi chỉ nói bạn thử thôi.

Và bạn sẽ được choàng lên ngực chiếc khăn màu xanh dương cũ kỹ. Chiếc khăn có những vết đen hình như do cháy xém. Chất liệu vải đã lâu rồi bạn không thấy. Thứ vải rẻ tiền, người ta thường làm khăn trải bàn ở đôi hộ giản đơn. Chiếc khăn quàng qua người bạn một thứ mùi thoảng hen hen. Mùi của cũ kĩ. Mùi của bụi. Mùi của khói. Mùi của hối hả này.

Ông già với dáng khoan thai trí thức. Ban đầu tôi cứ ngỡ ông là một tri thức thời kia. Nhưng cái nghề hớt tóc với ông đã mười lăm năm rồi. Mười lăm năm, có thể là lúc tôi và bạn chỉ vừa năm sáu tuổi. Ông đã hớt ở chỗ này, ở nơi này, bên bức tường bạc màu thời gian của một xí nghiệp cũ. Tôi không ở cái mười lăm năm đó, để thấy Sài Gòn này thay đổi. Cuộc sống này thay đổi. Con đường đó thay đổi. Khi những tòa nhà cao ốc, các trung tâm thương mại mọc lên thay thế một Sài Gòn đơn sơ. Gần ngay góc đường ấy, đi một chút nữa thôi, ban sẽ đứng dưới những quán xá sang trọng, xa hoa cho người nước ngoài và người Việt giàu có. Bạn sẽ đứng trước những quán bar không có ánh mặt trời. Những khách sạn, nhà hàng, các cửa hàng dịch vụ với lớp kính ngăn cuộc sống với làn hơi máy lạnh. Sài gòn cứ đổi khác. Sài gòn cứ qua đi. Chỉ có ông già hớt tóc vẫn lặng lẽ ở một nép vỉa hè, với thứ cũ kĩ của mình trong mười lăm năm.

Ở đó, bạn ngồi trên chiếc ghế nệm đã đôi chỗ lòi mút. Bạn sẽ thấy mình phản chiếu trên cái gương nhỏ dán chi chít băng keo. Không có máy lạnh. Không có những bộ đồ nghề đồ sộ công phu và tỉ mỉ như những nơi bạn từng hớt. Một cái bơn. Một cái kéo màu bạc xỉn. Một cái kéo lưỡi lược đen. Một cái lược nhỏ. Một bình phun nước xanh biển chi chít những đường xước đen. Miếng khăn quàng xanh với vài vết cháy đen hoen ố. Tất cả chúng được đặt trong cái giỏ xe cũ kỹ, của chiếc xe tồi tàn dựng tựa vào vách tường. Người đàn ông, với những đường cắt chậm chậm, qua đôi mắt đeo kính. Bạn sẽ không thể đòi hỏi những kiểu đầu thời trang nhất. Nhưng tóc của bạn, sẽ được những đường tỉa mềm mại. Những cú đẩy bơn êm đềm. Những nhát kéo nhẹ nhàng. Thao tác ấy, gần bằng tuổi tôi và bạn – những người ở độ 20 này.

Lúc ngồi ở đó, bạn sẽ nghe tiếng xe ồn ào phía sau lưng mình. Và bạn nép sau tấm bạt căng chực bung ra vì gió mạnh. Gió thổi bụm tóc vụn của bạn bay tả tơi. Tóc bay trên vỉa hè, không xa, vì chúng bết lại với nhau và thành vật thể nặng. Từng bụm tóc nâu đen vì cháy nắng, vì hóa chất gội đầu.

Bạn nói, tôi và bạn lớn lên ở cái thời không còn hớt tóc vỉa hè nữa. Mái tóc măng của bạn ngày xưa hay mái tóc kiểu cọ và cầu kỳ bây giờ đều được hớt trong một tiệm cắt tóc nào đó. Cái tiệm đàng hoàng với bảng hiệu “Anh Tú” “Anh Tài” “Hớt tóc nghệ thuật”…. Tiệm với căn phòng đơn giản vài ba cái ghế nệm, vài chiếc ghế cho khách chờ, và vài ba người thanh niên hớt tóc. Hay đó là một salon kính bóng loáng, thơm phứt, hiện đại. Nhân viên săn đón bạn bắt đầu bằng việc dắt xe cho khách đến khi mái đầu bạn hòan thành. Những chỗ như thế, bạn bỏ ra vài ba chục thậm chí vài ba trăm ngàn để cho một mái tóc. Rồi tóc hấp, tóc duỗi, tóc so le, tóc đinh…Kiểu Hàn Quốc, kiểu Bi Rain, kiểu châu Âu, kiểu Pháp…Sống và lớn lên ở thời tiện nghi này, những người trẻ như bạn và tôi có bao giờ ghé quán nhỏ ấy đâu…

Vậy nên buổi chiều nay, tôi thành một người trẻ kỳ lạ. Mấy lần chạy ngang qua, nhìn vào quán nhỏ ấy, tôi tự hỏi có người trẻ nào như tôi ngồi trên chiếc ghế nệm sờn da chưa. Mà hình như chưa có. Khi vài người nhìn quán nhỏ và tôi một cách ly kỳ. Ngay cả quán ấy với vài người vẫn còn là một câu chuyện bên vỉa hè không bao giờ chạm đến. Và ông già hớt tóc luống tuổi, với giọng nói nhẹ nhẹ chìm trong dòng trôi bất tận đó. Để ông có những khách hàng của riêng mình. Để ông, đôi khi vô danh xuất hiện trên bức ảnh về Sài Gòn của một du khách nào đó. Một bức ảnh trắng đen hay chúng được chỉnh thành gam màu cũ kĩ. Trong bức ảnh, ông đang cắm cúi đưa nhát kéo trên mái tóc cho khách. Đôi mắt dán vào cặp kính lão. Lưng khòm khòm. Bữa đó, có chút gió tạt ngang, thổi ngụm tóc vụn vừa rời bay lả tả.

Bức ảnh đó có thể được trưng bày trong một triển lãm nào đó. Người xem ảnh có người nói “Lãng mạn quá”. Có người lại xót xa “Ảnh sao mà có chiều sâu thế. Thấy cả ông già hớt tóc nhỏ bé giữa mấy tòa cao ốc”. Người khác lại nghẹn ngào “Trời, khổ dữ”. Bức ảnh đó, có cô bé chặc lưỡi “Quán vậy mà ai hớt tóc ta”. Có mấy người trẻ chỉ chỏ “Hồi bữa đi ngang qua chỗ giống vậy nè. Định tạt vô hớt thử, mà sợ ổng phá tanh bành cái đầu tao quá”. Có vài vị khách nước ngoài ồ lên ngộ quá hen.

Bức ảnh đó, có khi nào bạn đã được xem rồi. Nó có cái tên đơn giản và bình dị lắm: “Hớt tóc vỉa hè ở Sài Gòn".

http://tieudacnhi.wordpress.com


Blog EntryDec 29, '09 12:27 PM
for everyone
SGTT - Anh đặt cô gái ngồi phía trước mặt, ngắm nghía kỹ càng gương mặt của cô. Cô gái có vẻ hơi bẽn lẽn vì phải làm dáng trước khá nhiều đôi mắt tò mò khác. Cô ngoan ngoãn nghiêng đầu, nâng vai, giữ một nét cười theo lời người hoạ sĩ. Chỉ sau một loáng phóng bút, chân dung của cô dần dần hiện ra trên khung giấy, định hình được cả một nét duyên…
Hoạ sĩ Vân Long đang ký hoạ
Ðối với một hoạ sĩ ký hoạ chân dung như hoạ sĩ Vân Long, việc nắm bắt một cái thần, một nét đẹp của chân dung là điều dễ như trở bàn tay. Bởi vì tính trong nghề ký hoạ chân dung, anh đã có thâm niên gần mười năm trời. Như nhiều cô gái dự lễ hội ẩm thực các nước tổ chức ở công viên 23.9 vừa qua, cô gái kể trên nhận lấy bức ký hoạ chân dung của mình với một nụ cười tủm tỉm trên môi. Một chút trầm trồ, thú vị vì thấy bức chân dung với chỉ những nét chì phóng túng mà đã thể hiện được nét đẹp và duyên của mình.
Mùa lễ tết này là mùa “thu hoạch” của các hoạ sĩ ký hoạ chân dung. Ở những lễ hội, họ thường được ở “chung xóm” với những “ông đồ” viết thư pháp. Vào những ngày bình thường, hoạ sĩ Vân Long chỉ vẽ ở khuôn viên làng nghề thuộc công viên văn hoá Ðầm Sen. Giá một bức chân dung ký hoạ bình thường là 50.000đ, nhưng dịp lễ tết có thể lên đến 100.000đ. Hoạ sĩ Vân Long kể, “đỉnh cao” trong nghề của anh là ở hội hoa xuân Tao Ðàn năm 2003, anh vẽ chỉ trong một ngày mà hết cả một gram giấy, có nghĩa là khoảng 250 chân dung! “Lúc đó vì quá đông khách nên tôi thường phải vẽ chân dung nhìn nghiêng, sử dụng ít nét vẽ hơn”, anh cười…
Khi khách đã ngồi đúng tư thế như anh yêu cầu, chỉ cần thời gian đếm từ 1 đến 100 là anh đã xong cơ bản bức vẽ. Tính cả lúc chỉnh tư thế, ngắm, vẽ, trau chuốt lại… cũng chỉ mất có năm phút. Cái chính là phải phát hiện ra một một nét đẹp nào đó của đối tượng được vẽ. Có nhiều người không đủ tự tin để ngồi cho anh vẽ, nhưng một khi đã chịu ngồi vào, thì ít nhất cũng sẽ thấy một nét riêng nào đó của mình mà bấy lâu chưa phát hiện. Anh Long nói: “Mỗi người đều có một nét đẹp riêng, không ai là xấu hoàn toàn cả”.
Có lần, khi vẽ trong khuôn viên nhà văn hoá Thanh Niên, hoạ sĩ Vân Long tình cờ gặp một chị lao công quét dọn. Thấy chị có nét hay hay, anh phóng bút vẽ chị và sau đó tặng cho chị làm kỷ niệm. Chị lao công khi thấy chân dung của mình giãy nảy lên, không nhận vì… không phải là mình. Ðến khi mọi người nói vô, bảo là rất giống chị, chị mới dám nhận.
Người nghệ sĩ ký hoạ chân dung có cái vẻ ngoài khá lãng tử này đã có nhiều lần do khó khăn phải bỏ nghề để đi chạy xe ôm, phụ hồ, giữ xe… Thế nhưng anh lại nhớ nghề, quay lại. Ðã gần mười năm làm nghề, nhưng đến giờ anh vẫn có cảm giác sung sướng khi nhận tiền thù lao đi kèm với nụ cười hài lòng của khách hàng. Có lúc anh cũng hơi buồn vì cũng có khách không hài lòng về bức chân dung của mình, thường là vì sự kỳ vọng, đòi hỏi quá cao về một bức chân dung ký hoạ. Gặp những trường hợp như vậy, anh thường không nhận tiền và giữ lại các bức chân dung ấy.
Mười năm hành nghề ký hoạ dạo, người nghệ sĩ ấy đã lưu giữ cho nam phụ lão ấu, đủ mọi lứa tuổi trên một ngàn nét duyên dáng, thanh xuân hoặc thần thái của chân dung người đời…
Ðào Thản
 
 Nhãn hiệu Manhattan - một trong các nhãn hiệu Việt Nam (công ty Việt Tiến) cũng khai trương tại đây. Ảnh: B.N
Ngày 25.12, trung tâm mua sắm và giải trí Parkson Flemington chính thức hoạt động tại số 182 Lê Đại Hành, gần sân vận động Phú Thọ Q.11, do công ty thương mại và bất động sản Thùy Dương làm chủ đầu tư, có tổng diện tích hơn 26.000 m2, bao gồm 6 tầng lầu.

Trung tâm có lầu 1 kinh doanh mỹ phẩm, nước hoa, giày da và nữ trang. Lầu 2 gồm các thương hiệu thời trang dành cho phụ nữ: giày, túi xách và trang phục lót nữ. Lầu 3 chuyên kinh doanh thời trang đàn ông. Lầu 4 chuyên về quần áo trẻ em và sân chơi cho trẻ. Lầu 5 dành riêng cho khu ẩm thực và vui chơi giải trí.  Ngoài ra còn có khu vực dịch vụ tại tầng hầm với các cửa hàng bánh kẹo, siêu thị, hoa nghệ thuật…

Đây là điểm mua sắm thứ 4 của Parkson  tại TPHCM, và thứ 6 tính trên cả nước. 

B.N
Blog EntryNov 15, '09 9:32 PM
for everyone
SGTT - Ngày 14.11, chợ Sài Gòn Square khai trương tại địa chỉ mới ở số 7 Tôn Đức Thắng, quận 1. Chợ gồm một trệt một lầu, có gần 350 gian hàng, bên trong có gắn máy lạnh và thang cuốn, trên tầng lầu có nhà hàng… Chợ chuyên bán hàng thời trang theo mốt trẻ, hàng nhập chủ yếu từ Trung Quốc, một số ít từ Hàn Quốc, Singapore, Malaysia… hoặc hàng sản xuất trong nước may na ná như các kiểu hàng hiệu.

Giá thuê mặt bằng ở đây đang được xếp vào loại “top” của các mặt bằng thương mại ở Việt Nam. Bà Thanh, chủ quầy kinh doanh ở tầng lầu cho biết: giá đặt tiền cọc thuê chỗ tương đương 11.000 – 20.000 USD/quầy tuỳ vị trí, và mỗi tháng phải trả khoản tiền tương đương 1.000 USD/quầy diện tích khoảng 3 – 4m2. Theo bà Thanh, giá này đắt hơn cả giá thuê mặt bằng tầng lầu thương xá Tax hay Zen Plaza, Diamond Plaza, Parkson. Tại Sài Gòn Square, người buôn bán nào cũng có thể thuê quầy kinh doanh (khác với các trung tâm thương mại có xét duyệt loại hàng, thương hiệu sản phẩm, giấy đăng ký kinh doanh… rồi mới cho thuê), nên giá thuê mặt bằng cao, vẫn hết chỗ trống. Giá sang nhượng lại một chỗ bán hàng tại đây tương đương khoảng hơn 20.000 USD. Chợ có khá đông người Hàn Quốc mở quầy bán hàng, nói giọng tiếng Việt lơ lớ và cũng nói thách như tiểu thương.
M.T
Blog EntryNov 15, '09 1:50 PM
for everyone
SGTT - Muốn thưởng thức món ăn của một đất nước, một vùng miền đúng gu thì nguyên liệu, gia vị của địa phương là yếu tố hàng đầu để người làm bếp có thể nấu ra hơi hướm đặc trưng của món ăn xứ đó. Không khó tìm nguyên liệu đúng gu ẩm thực Nhật, Pháp, Ý… vì hiện nay trong các siêu thị hoặc các cửa hàng đã bán thông dụng. Còn những món ăn Hàn Quốc như củ sâm tươi hầm gà, những trái ớt sừng xanh đỏ, lá mè xanh um tươi rói ăn kèm với đồ nướng được cung cấp từ đâu?
Một góc gia vị của Hàn Quốc
Có một khu tạm gọi là “góc chợ Hàn Quốc” ở Sài Gòn. Không thể gọi là chợ Hàn tương tự như chợ Campuchia ở đường Lê Hồng Phong, quận 10, vì chợ Campuchia rộng lớn hơn với nhiều quầy thực phẩm và hàng quán. Khu bán thực phẩm Hàn Quốc ở hẳn về cuối góc phải (nhìn từ mặt chợ vào) của chợ Phạm Văn Hai quận Tân Bình. Tuy chỉ có một nhóm ba cửa hàng chuyên bán đồ Hàn nhưng đã tạo nên một khu tấp nập người mua kẻ bán.
Theo chủ nhân các quầy B229, 231, 232 của chợ Phạm Văn Hai thì những cửa hàng bán thực phẩm này đã có từ khi thành lập chợ. Cho đến năm 1997 – 1998 họ mới bán thêm thực phẩm Hàn Quốc. Lúc bấy giờ khu vực chung quanh chợ Phạm Văn Hai, trên đường Hậu Giang, Phạm Văn Hai, khu sân bay Tân Sơn Nhất người Hàn Quốc đã tụ họp về lập thành khu để sinh sống. Nhu cầu về thực phẩm hàng ngày phải có, thế là các bà nội trợ người Hàn bắt đầu ra chợ Phạm Văn Hai để tìm mua. Ban đầu họ đi chung với phiên dịch để mua trái cây, rau củ, thịt cá và những thực phẩm khô như đậu, kê, mè, gạo Việt Nam. Chị Tuyền bán ở quầy B229 – 231 kể lại: “Những bà nội trợ Hàn thường mang theo giấy bút, cần món gì mà không thấy sẵn trong cửa hàng là họ dùng bút vẽ hình, tuy nhiên cũng lắm chuyện cười ra nước mắt vì bất đồng ngôn ngữ. Có lần một bà vẽ hình con mực, mấy người bán rất nhiệt tình chạy ra khu bán hải sản mang vào mấy con mực tươi. Nhưng bà ta nhất định không chịu, vậy là bằng đủ thứ kiểu diễn đạt nói qua, chỉ lại, cuối cùng mọi người cùng vỡ lẽ ra bà ta cần con mực khô. Sau đó người đi mua khệ nệ vác theo quyển tự điển Hàn – Việt, còn người bán cũng sắm luôn một cuốn để phục vụ cho giao dịch”.
Các loại rau củ quả tươi của Hàn Quốc
Sau cả chục năm buôn bán với nhau, bây giờ người bán và người mua đều có thể đôi co, kỳ kèo với nhau bằng tiếng Hàn. Một khách hàng Hàn Quốc, bà Lee cho biết bà thích đi chợ Việt, tuy nó hơi xô bồ, ồn ào nhưng đúng nghĩa của một cái chợ, giống như cái chợ xưa cũ ở xứ Hàn của bà. Và chắc chắn một điều thực phẩm ở đây rất tươi. Rau củ tươi của các quầy bán đồ Hàn chợ Phạm Văn Hai là giống mang từ Hàn Quốc sang trồng ở Đà Lạt như ớt sừng xanh đỏ, củ cải trắng, bí, lá mè, cải thảo… Một số rau tươi nhập do các công ty rau quả Hàn Quốc cung cấp mỗi ngày cho các quầy. Giá rau nhập cao hơn trong nước khoảng 10 – 20% tuỳ loại. Sâm tươi loại tốt để hầm gà, nấu món tráng miệng hơi cao khoảng 200.000đ/kg vì chưa trồng được ở Việt Nam.
Rau Hàn Quốc trồng ở Đà Lạt có khoảng hơn chục loại, giá cũng vừa phải, như ớt sừng xanh đỏ giá khoảng 17.000đ/kg, lá mè 4.000đ/bó, củ cải 13.000đ/kg, bí xanh 12.000đ/kg. Đồ khô và đồ hộp Hàn thì phải có đến 300 – 400 mặt hàng khác nhau. Riêng như ớt đã có mấy loại khác nhau như ớt khô có giá trung bình 100.000đ/kg, tương ớt đỏ 120.000đ/kg, samjang 100.000đ/kg. Tuy nhiên sự linh động của chợ là những loại đồ khô được chia ra bán theo từng trăm gram hoặc nửa ký và giá cũng nới hơn ở siêu thị hoặc các cửa hàng trên dưới 10 – 20%. Mì cũng có đủ loại như cucsu, sinamen, odong, chachang. Rồi trà, rượu, nước tăng lực, giấm, nước tương, xốt gochujang, sâm khô, bột bánh xèo, bột khoai tây, bột cá... Nhờ sự đa dạng các mặt hàng, giá cả phải chăng, linh hoạt trong buôn bán mà khu kinh doanh thực phẩm Hàn ngày càng được nhiều người biết đến.
Ẩm thực Hàn Quốc tuy mới được biết đến hơn một thập niên qua nhưng góc chợ Hàn Quốc – Phạm Văn Hai đã trở thành một địa chỉ thân quen của những người thích nấu nướng, thưởng thức hương vị đặc sắc món ăn xứ sở Kim Chi. Và khu vực này lại đóng góp thêm sắc thái mới cho nền văn hoá ẩm thực vốn đã đa dạng, phong phú của Sài Gòn.
bài và ảnh Quang Tâm
Blog EntrySep 7, '09 9:20 PM
for everyone

Mạnh dạn đưa những món ăn dân dã của vùng quê nghèo vào TPHCM, ông chủ trẻ đã đứng được giữa đất Sài Gòn

Quán Đạt chuyên bán đặc sản Phan Rang như bánh căn, bánh canh, gỏi cá... nằm ở số 16 Trương Định nối dài (quận 3 – TPHCM). Quán bài trí đẹp với những chiếc bàn bằng tre, trên tường là những bức tranh quê, chùa một cột... Ở góc phòng có một bình hoa ly thơm ngát. Bên ngoài, những người phụ nữ liền tay đổ bánh. Ngồi trong quán, thực khách có thể vừa thưởng thức vừa tận mắt chứng kiến quy trình làm bánh căn truyền thống của người dân Phan Rang- Ninh Thuận.

Anh Khưu Tiến Đạt đổ bánh căn tại quán

Đau đáu nỗi nhớ quê hương

Chỉ mất vài phút chờ đợi, đĩa bánh căn nóng hổi có nhân tôm, mực, thịt cùng những miếng bánh mì chiên giòn được bày trước mặt tôi với đĩa rau tươi ngon. Nhưng có lẽ đặc trưng nhất vẫn là nước chấm kèm theo bánh với 3 loại khác nhau gồm tương đậu phộng, nước mắm ớt và nước mắm cái. Thấy tôi không biết pha trộn các loại nước chấm thế nào, một người đàn ông ngoài ba mươi tuổi, có nước da ngăm đen, tiến tới hướng dẫn: “Chị phải trộn 3 loại nước chấm vào nhau, thêm ít sa tế vào cho sánh. Khi ăn, cuộn bánh với rau sống, chấm vào nước chấm hỗn hợp này”. Tôi làm theo cách anh hướng dẫn, cảm nhận được sự pha trộn của các hương vị: ngọt, béo, bùi của bột; mùi thơm của nhân bánh quyện với các loại rau; vị chua chua, ngọt ngọt, cay cay của nước chấm... Tất cả hòa quyện vào nhau, giòn tan trong miệng...

Anh Khưu Tiến Đạt cho biết: “Để cho bánh căn thêm ngon, hợp khẩu vị với dân Sài Gòn, tôi còn cho thêm vào bánh trứng, thịt, patê, mực, tôm, nghêu... Riêng bánh canh, phải dùng loại bột gạo và khi nấu không được cho dầu mỡ. ngoài chả cá thu hấp và chả chiên, cần cho thêm thịt cá ngừ hấp vào để nước dùng thêm ngọt”.  
Người đàn ông ấy chính là Khưu Tiến Đạt, chủ quán. Anh đã mạnh dạn đưa những món ăn dân dã của vùng quê nghèo Phan Rang chinh phục dân Sài thành. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất có những ngọn tháp Chàm kiêu hãnh, có làng nghề gốm truyền thống nên hình ảnh quê hương đã in sâu vào tâm trí anh. Anh kể: “Quê tôi nghèo lắm. Tốt nghiệp lớp 12, tôi vào TPHCM kiếm kế mưu sinh. Tôi chọn con đường học Anh ngữ để mau chóng có việc làm. Khi tốt nghiệp bằng C cùng khóa ngắn hạn về hướng dẫn viên du lịch của Trường Nghiệp vụ Du lịch Sài Gòn, tôi xin vào làm việc cho các nhà hàng như Saigon Star, Caravelle với công việc phục vụ hành lý”.  

Cũng trong thời gian làm việc cho các khách sạn, điều anh ngộ ra là Sài Gòn phồn hoa có rất nhiều thứ nhưng khi anh thèm ăn đặc sản của quê mình lại rất khó tìm. Anh tâm sự: “Những ngày mưa dầm, thèm ăn tô bánh canh cá, vài cái bánh căn cho đỡ nhớ quê nhưng chẳng biết tìm ở đâu”. Đó là lý do khiến anh quyết định nghỉ việc tại khách sạn Caravelle sau 8 năm làm việc để mở quán ăn chuyên bán những đặc sản của vùng đất Phan Rang “cốt để phục vụ những người có cùng cảnh xa quê như mình và cũng để quảng bá cho món ăn dân dã của quê hương”.

Đi lên từ sự thất bại

Năm 2005, gom góp số tiền dành dụm được, anh mở quán nhỏ trên đường Trương Định chuyên bán đặc sản Phan Rang bánh căn, bánh canh, gỏi cá... Để tạo ra những món ăn ngon, anh về quê tìm đầu bếp giỏi mời họ cộng tác và “quảng bá” sản phẩm ở những nơi tập trung đông người giải trí, thư giãn, mua sắm như công viên, hồ bơi, shop thời trang... Cách làm này của anh đã được nhiều người chú ý và tìm đến quán.

Năm đầu tiên, việc kinh doanh không như mong muốn vì khách còn lạ với những món ăn của vùng đất Phan Rang. Anh kể:  “Không lẽ đóng cửa quán? Tôi phải chuyển hướng bằng cách, bên cạnh những món ăn truyền thống, tôi còn bán thêm cơm trưa văn phòng với những món ăn của người dân quê như cá gỏi bắp chuối trộn hến, gỏi mít, cá cơm kho tiêu, cá hố chiên ăn với xoài bằm... Dần dần, món ăn Phan Rang đã được thực khách chú ý, lượng khách đến quán ngày càng đông”. Công việc kinh doanh vừa khởi sắc thì anh lại gặp khó khăn khi bị lấy lại mặt bằng.

Cũng may lúc ấy, bạn bè thương tình tìm giúp mặt bằng mới. Cuối cùng, anh đã thuê được địa điểm mới ở cuối đường Trương Định. Và một quán Đạt mới mọc lên, tươm tất hơn, đẹp hơn và cung cách phục vụ chuyên nghiệp hơn.

Ấm áp tình quê

Trung bình, mỗi ngày, quán Đạt đón vài trăm khách. Ngoài những món ăn đặc trưng Phan Rang, quán còn có đến vài chục món ăn được chế biến từ những đặc sản của vùng biển Phan Rang như  mực sữa, mực một nắng, cá bò nướng và nhiều món ăn khác... Nhưng một trong những điều có ý nghĩa nhất với người chủ quán trẻ là gần 30 nhân viên phục vụ tại quán đều là những người anh em, bà con của quê hương Phan Rang.

Chị Hàn Thị Gái ở Tháp Chàm, Phan Rang, là thợ đổ bánh căn làm việc tại quán hơn 4 năm, cho biết: “Nhờ chú Đạt mà chúng tôi có công ăn việc làm ổn định. Chúng tôi xem nơi đây như gia đình của mình vì mỗi khi gặp khó khăn hay đau ốm, chúng tôi đều nhận được sự chăm sóc, giúp đỡ tận tình của chú ấy”.
Bài và ảnh: Huỳnh Nga
Blog EntrySep 5, '09 9:31 AM
for everyone

Với cơm tấm, mọi sức sáng tạo nằm gọn trong chén nước mắm chấm kèm. Nước mắm ngon là nắm phần thắng chắc đến 70% trở lên. Bát nước mắm ăn cơm tấm mà loãng toẹt là bị tẩy chay ngay...

Đi công tác Hà Nội chỉ vài ngày mà bất chợt “lên cơn” thèm cơm tấm, những người “ghiền” món ăn vốn dĩ bình dân này sẽ lắc đầu nguầy nguậy trước bất cứ hàng cơm tấm nào được dẫn đến nơi thủ đô, vì nó không có cái “vị Sài Gòn” quen thuộc, cái vị làm cho cơm tấm dường như trở thành “đặc sản” độc tôn của xứ Sài Thành.
      Kỳ lạ, vì xứ Sài Gòn này vốn chẳng có gì đáng gọi là đặc sản. Nếu có ai hỏi người Sài Gòn chính gốc rằng thành phố bạn có món gì đáng giới thiệu cho tôi, có khi người ấy bối rối, ngẩn tò te vì chẳng biết phải giới thiệu gì trong số hàng trăm món ăn các xứ tụ hội mà Sài Gòn món gì cũng có, cũng pha sẵn trong từng món ăn một chút đặc trưng riêng của mình, nhưng lại chẳng có món gì thuần chất riêng biệt.
      Thế nhưng, cũng cái người Sài Gòn ấy một hôm đi xa có thể sẽ chợt nhận ra rằng, hình như mình bỏ rơi một món hết sức quen thuộc, quen đến nỗi quên phứt khi được hỏi, chỉ nhận ra “đặc sản Sài Gòn” trong cái lúc cuống cuồng tìm một hàng cơm tấm ở nơi xứ lạ, chứ không phải lúc làm “hướng dẫn viên” không chuyên. Bởi dường như món cơm tấm đặc biệt ấy không tìm được ở đâu khác ngoài Sài thành.

     Ngán cơm, thèm… cơm

      Sự đời đôi khi chẳng gói gọn trong những thành ngữ quen thuộc “Ngán cơm thèm phở”. Người ta có thể ngán cơm nhà, đòi đổi món, nhưng lại hào hứng với cái món chỉ được “đổi” đi chút xíu xìu xiu, đó là cơm… tấm.
      Người Sài Gòn có thể ăn cơm tấm sáng trưa chiều tối. Buổi sáng, bước ra bất cứ đầu hẻm nào, nơi tụ hội đông đúc những hàng quán ăn sáng nui phở bánh canh, thế nào rồi cũng bắt gặp một hàng cơm tấm. Cũng đông đúc rộn rịp không kém gì các hàng khác nếu không muốn nói là đông hơn, các hàng cơm tấm có một “chiêu” quen thuộc quyến rũ người đi đường bằng vỉ thịt nướng tại chỗ bốc khói thơm lừng, tỏa hương ngào ngạt bay xa suốt từng con hẻm.
      Còn buổi trưa, “cạnh tranh” quyết liệt với những quán cơm bình dân là hàng cơm tấm, có khi thêm vài món ăn cơm như thịt kho trứng, heo quay, xíu mại… nhưng cốt lõi vẫn là những món quen thuộc đặc trưng của cơm tấm và thứ cơm gạo vỡ khiến người ta khỏi ngán cơm thường, chỉ thế thôi đã đủ hút bớt khách của cơm bình dân.
      Đến buổi chiều tối thì người ta cũng lại lũ lượt đi ăn cơm tấm. Có lẽ món ăn này được ưa chuộng đến vậy vì nó là cơm mà… không phải cơm. Người thèm ăn món gì khác cơm, nhưng lại không nỡ xa rời hạt gạo thì ăn cơm… tấm là hợp lẽ nhất trên đời.
     Trước kia, cơm tấm là thứ cơm nhà nghèo, bởi đó là cách tận dụng những hạt tấm - chút đầu mày màu trắng đục nơi đầu hạt gạo - và gạo gãy trong khi xay xát để nấu thành cơm. Nhưng cái thời ấy xa lơ xa lắc rồi. Ngày nay gạo tấm đắt hơn gạo thường, vì kiếm đâu ra đủ tấm đúng nghĩa để phục vụ cho cái thành phố gần chục triệu dân này, thế là người ta lại còn phải ra công làm nát gạo thường để tạo thành “gạo tấm” cho món cơm tấm được ưa chuộng. Thế nên nếu đã ghi bảng “Cơm tấm” thì người bán hàng chẳng ai dại dột nấu cơm bằng loại gạo hạt dài để nhận được lời càu nhàu kèm vẻ mặt nhăn nhó của người ăn, “Cơm này mà cơm tấm à!”
     Mà hàng cơm tấm nào cũng thường chỉ có 4 món chủ đạo: sườn nướng, bì, chả trứng, trứng ốp-la. Hơn thua nhau là ở cách ướp sườn sao cho thơm, miếng bì sao cho mượt mà, làm chả trứng sao cho chắc mà không khô, hay trứng ốp-la phải bắt mắt với vành tròn trắng bên ngoài và đốm lòng đỏ vàng hườm bên trong. Thế thôi, chẳng cần phải sáng tạo thêm thức ăn tuyệt chiêu nào khác. Mọi sức sáng tạo nằm gọn trong chén nước mắm chấm kèm. Nước mắm ngon là nắm phần thắng chắc đến 70% trở lên. Bát nước mắm ăn cơm tấm mà loãng toẹt là bị tẩy chay ngay, cho dù sườn nướng có thơm thế nào, món chả trứng nhìn hấp dẫn thế nào…
     Cái khoản nước chấm thì là một bí quyết riêng mà chẳng dễ gì hàng nào chỉ cho hàng nào. Có quán dùng nước mắm đường nấu lên rồi mới pha chế, có quán lại độc đáo hơn, dùng nước dừa xiêm nấu nước mắm cho keo… Chỉ biết rằng, thường thì người ta chọn quán cơm tấm ưa thích của mình dựa theo nước mắm hợp khẩu vị. Thế nên những quán cơm tấm nổi tiếng luôn có lượng khách riêng của mình, rất ổn định. Người ta chọn quán vì gần nhà, vì tiện đường, vì món ăn và trên hết vì bát nước chấm hợp ý.
      Muôn nẻo đường cơm tấm
      Khác với những món ăn khác, chỉ tập trung và nổi tiếng ở một vài địa chỉ hoặc một vài con đường, như “bánh xèo Đinh Công Tráng”, “bánh đa cua sân bay”, “canh bún Nguyễn Đình Chiểu”... Với món cơm tấm, dường như khắp các góc thành phố đều có những hàng cơm tấm thành danh, nườm nượp khách đến theo giờ.
      Như quán Ba Ghiền trên đường Đặng Văn Ngữ, đối diện trường Phú Nhuận. Khởi đầu chỉ là quán cơm nhỏ vô danh, sau dần được nhiều người ưa thích, quán được đặt tên, thuê thêm một gian nhà rộng thênh thang và một căn nữa chỉ để… giữ xe, bởi cái hẻm nhỏ kế bên đã không chứa xuể xe khách tới lui. Bắt đầu từ chập tối, khách đông nườm nượp, người ăn tại chỗ, người mua về xôn xao cả một đoạn đường.

Còn quán cơm tấm trên đường Nguyễn Kiệm cũng đã nổi tiếng cả hai chục năm nay. Từ sáng đến trưa và bán lan đến tận 3, 4 giờ chiều, quán luôn có 2 người đứng trước cửa, chiếc gắp đá luôn tay nướng, trở sườn trên cái máng dài đựng than hồng rực. Những miếng sườn dày cui, mỡ nạc đầy đủ, được ướp vị đậm đà mà không ngọt vốn là “độc chiêu” thu hút khách của quán. Buổi trưa, món ăn khách thường gọi thêm là tô canh cua rau đay - cà pháo và nhiều món ăn thêm ngoài 4 món chính của cơm tấm. Quán đông đúc, ồn ào, và người ăn thường phải có đủ “bản lĩnh” để quên đi thế giới xung quanh mới ăn được một bữa ngon. Nhưng bao năm nay quán vẫn bán miệt mài, lớp khách này đi, lớp khách kia lại đến, đôi khi đứng ngồi lố nhố vì không đủ chỗ.
      Phía quận 3 thì có quán cơm trên lề đường Cao Thắng, ngay trước mặt rạp hát Thanh Vân. Quán này có món chả trứng ngon tuyệt và tô canh chua rau nhút hoặc canh khổ qua nhồi thịt được nhiều người ưa thích. Gần đây rạp sửa chữa, quán cũng dời đi đâu không rõ làm ngơ ngẩn bao khách quen.
      Một quán cơm tấm lề đường cũng rất nổi tiếng với nhiều tên gọi khác nhau, ấy là quán “Mai” hay quán “cơm y tế” trên đường Đinh Tiên Hoàng, Bình Thạnh, phía dốc Cầu Bông. Quán chỉ mở vào chập choạng tối và bán đến tận khuya. Đa số khách ăn là dân lao động và những người đi chơi khuya. Quán có món nước chấm và dưa chua rất được ưa chuộng, bên cạnh món bì mượt mà, nhiều thính tỏi nên thơm lừng.
      Rồi còn quán cơm tấm ngay chợ Hòa Bình, quán cơm nhỏ trên đường Bùi Thị Xuân, Lê Thị Riêng… Đó là chưa kể đến những quán đã trở thành cả một hệ thống thương hiệu rõ ràng, hội nhập rất nhanh với thời đại mới bên cạnh những “tuyệt chiêu” truyền thống, như TK, và hàng loạt những quán, chuỗi quán mới mở như cơm tấm M, cơm tấm C… Chúng tạo thành một mạng lưới dày đặc những quán cơm tấm với đối tượng khách hàng đa dạng và phục vụ khách trên mọi nẻo đường.
      Để người thành phố một ngày có đi xa lại thèm cơm tấm và "ngộ" ra món ăn đặc trưng của Sài Gòn
Theo Tuệ Phương (Món ngon Việt Nam)
Blog EntrySep 2, '09 8:15 AM
for everyone
Cafe giờ đây là một điều không thể thiếu trong cuộc sống của con người. Khi một mình, người ta tìm quán cafe ngồi tĩnh lặng suy nghĩ về cuộc sống. Khi với bạn bè, mọi người lại đưa nhau ra quán cafe để trò chuyện thật thoải mái.
Mặt tiền café Metoo.
Hiểu và nắm bắt được ý nghĩa, thói quen đó, Metoo cafe ra đời. Cái tên Metoo cafe đã nói lên hết ý nghĩa của quán: cafe gắn liền với cuộc sống. Thực vậy, cuộc sống là những thăng trầm mà con người phải đối diện, và trong những thăng trầm đó, con người thể hiện bản thân bên ly cafe, có thể là trầm ngâm hay vui vẻ nói chuyện với bạn bè, hoặc cũng có thể “bốc lửa” khi nghe nhạc mạnh mà mình yêu thích… Nhưng để có thể lựa chọn được quán cafe thể hiện được “cái tôi” của mình thì thật là khó.
Mỗi một quán cafe chỉ có một phong cách để người ta lựa chọn. Nhưng giờ đây không còn là khó khi Metoo cafe ra đời . Đến đây, mọi người tha hồ lựa chọn nơi dành cho cái tôi của mình, của bạn bè hay của gia đình mình.
Nếu thích có một không gian rộng, một nơi chìm đắm mình với thiên nhiên trong TP HCM ồn ào, tấp nập; hãy đến với không gian thoáng mát cùng với thác nước nhân tạo, một góc ngồi đủ riêng, thoải mái trò chuyện, làm việc, đọc sách báo thư giãn ở Metoo cafe Vườn.
Lên tầng 3, bạn sẽ ngạc nhiên với Metoo Tea. Một phòng trà rộng yên tĩnh và thư giãn với những bản nhạc trầm lắng, êm dịu cùng những bộ nệm ngồi êm ái. Bạn chìm đắm trong tinh hoa ẩm thực trà tỏa lên từ tách trà nồng trên tay. Dù là người biết thưởng thức trà hay không thì bạn vẫn có thể lựa chọn cho mình một tách trà phù hợp nhờ sự tư vấn và phục vụ tận tình, chuyên nghiệp của nhân viên nơi đây.
Nếu là người sôi nổi và nhiệt thành, Metoo Rock cafe là điểm đến tuyệt vời của bạn. Khác với những quán cafe Rock khác, Metoo Rock cafe phủ cho mình màu trắng huyền ảo trong ánh đèn neon vàng lung linh kết hợp hài hòa với cách bày trí hiện đại, công phu nhưng tự nhiên đầy ngẫu hứng. Tại căn phòng “nhiệt” này, bạn sẽ được thưởng thức những ca khúc mới nhất với mọi thể loại và hàng ngàn video clip chuẩn DVD chất lượng.
Con người không thể sống thiếu tình yêu, Metoo cũng vậy. Metoo dành riêng một căn phòng lãng mạn nhưng hiện đại, trẻ trung cho những cặp tình nhân đã và đang yêu. Với thiết kế ghế ngồi chỉ dành riêng cho chàng và nàng cùng đồ uống ngọt ngào, trong lành như thuở yêu đương, đôi tình nhân sẽ cảm nhận được niềm hạnh phúc dâng tràn và ngất ngây cảm xúc trầm bổng du dương với lời ca ngọt ngào của những bản tình ca tuyệt vời.
Đặc biệt, Metoo cafe đem đến cho bạn những bữa cơm trưa văn phòng thơm ngon được nấu bởi những đầu bếp chuyên nghiệp. Nếu các bạn muốn thay đổi món ăn, chúng ta hãy truy cập vào website http://www.metoo.vn/ để chọn được những thực đơn ưng ý nhất cho mỗi ngày. Và khi đã đặt chân đến, bạn sẽ cảm nhận được sự dễ chịu trong một không gian thoáng mát, cung cách phục vụ chuyên nghiệp để cùng thưởng thức những bữa ăn thật ngon miệng.
Thông tin dịch vụ:
Hệ thống Wifi Metoo được đầu tư công nghệ tiên tiến từ Google, Wifi tối ưu dưới dạng mạng Mesh phạm vi phát sóng cực rộng và cực mạnh không bao giờ có tình trạng rớt mạng cộng với đường truyền ADSL lên tới 6Mb. Khi đến với Metoo, ngoài việc thưởng thức những đồ uống, món ăn hấp dẫn, khách hàng còn có thể làm việc hiệu quả, chơi game online ... Ngoài ra, để đem đến sự thuận tiện cho khách hàng, Metoo Cafe đã đầu tư vào trang web http://www.metoo.vn/ nhằm cung cấp đầy đủ những thông tin về quán như địa chỉ, món ăn, thức uống, không gian, phòng ốc… và cả những game online, truyện cười… để bạn có vừa nghỉ ngơi và thư giãn trong những giờ trưa thú vị.
Café Metoo
24B Phan Đăng Lưu, Phường 6, Quận Bình Thạnh, TP HCM
Điện thoại: 08 7301 0044 - 08 7302 0044 - Hotline: 098 468 7777
Website:
www.metoo.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment bằng chữ có dấu .
Không dùng chữ Việt bị biến dạng (như nhìu, dzo)