Chủ Nhật, 18 tháng 11, 2012

Saigon mến yêu (2)


Sep 12, '10 9:38 AM
for everyone
TTCT - Sáng chủ nhật trời mưa rả rích, tôi khoác áo mưa đi đến lò bánh mì chỉ cách nhà không đầy 5 phút đi bộ. Mua xong, tôi ghé sang bên kia đường mua số báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần.
Một hình ảnh nao lòng đập vào mắt tôi: ông lão bán báo đứng co ro cạnh cột điện bên đường. Những tờ báo bày la liệt thường ngày trên lề đường giờ đã được cuốn lại thành bó để trên yên xe đạp. Tôi cảm thông nỗi buồn của ông: cơn mưa kéo dài thì báo bán chậm và báo ế bây giờ không còn được trả lại như hồi trước.
Ảnh: nguyenuthang@...
Vừa nhác thấy tôi, không đợi hỏi, ông đã lấy báo ra đưa. Tôi trả tiền và an ủi: “Hôm nay chắc nhiều người ngại mưa lười đi mua báo hả ông?”. Ông cười: “Tôi không lo báo ế đâu chú ơi! Phần lớn khách mua báo của tôi là khách quen. Tạnh mưa thế nào họ cũng đến lấy. Mà hôm nào báo có tồn lại nhiều tôi đem gửi nhờ những sạp báo ở Bệnh viện 115 bán giùm. Mấy chỗ này bán suốt ngày, ế cũng chẳng bao nhiêu”. Như để chứng minh cho lời ông, vừa ngớt mưa thì liên tục có người ghé mua báo. Ai cũng ra đi chóng vánh vì họ vừa dừng xe là ông đã cầm sẵn những tờ báo trong tay rồi.
Ông lão chìa tờ giấy bạc 10.000 đồng và bảo: “Ông nhà giáo về hưu này thương tôi lắm. Ngày nào cũng lấy hai tờ TT và TN và đưa tiền chẵn, không khi nào nhận hai ngàn thối lại. Tôi nhớ mãi cái hôm ông giáo mua báo lần đầu đưa tôi tờ năm chục ngàn rồi đi luôn. Tôi gọi lại trả ông giáo mới hay mình trả lộn tiền. À, để tôi đưa chú coi cái này”.
Ông lui cui lục trong chiếc túi nhỏ giơ cho tôi xem cái thiệp cưới màu đỏ và cười: “Hà hà... Chú xem này, hôm qua một ông bác sĩ Bệnh viện 115 mua báo quen từ mấy năm trước gửi cho tôi thiệp mời dự tiệc cưới con trai ở nhà hàng Bách Việt quận nhất. Nghe đâu tiệc đặt ở đây sang lắm, sợ phải đi tiền nhiều, tôi không dám nhận nhưng ông bác sĩ nói tôi đừng ngại tốn kém gì cả. Tiền mừng không thành vấn đề, chỉ cần tôi có mặt là ông vui lắm rồi”. Đợi tôi xem xong chiếc thiệp, ông lão cất lại cẩn thận vào chiếc túi rồi ngước mắt nhìn tôi phân bua: “Ông ấy nói thế chứ tôi tính rồi, sẽ bỏ phong bì đúng mức để không ai xem thường mình“. Vừa lúc đó trời mưa trở lại có phần nặng hạt hơn. Tôi chào ông ra về.
Hình ảnh ông lão bán báo ven đường thật thà, vui tính được nhiều người yêu mến còn đọng lại trong tâm trí tôi suốt cả đoạn đường.
nguyenuthang@...
Blog EntrySep 12, '10 9:30 AM
for everyone
TTO - TP.HCM không có núi, nhưng bạn vẫn có thể thỏa mãn sở thích leo núi với núi... nhân tạo. Môn thể thao mới này đang thu hút không ít bạn trẻ.
Chị Soanna vừa leo núi vừa hướng dẫn con trai Oliver 5 tuổi - Ảnh: Tâm Lụa
17g, gần chục người đang đu mình trên vách núi tại CLB Phan Đình Phùng (đường Võ Văn Tần, Q.3). Phía dưới, tiếng hướng dẫn của huấn luyện viên, tiếng hò reo cổ vũ của mọi người vang lên sôi động.
“Bước chân trái qua một chút, đặt lên cái tay nắm màu vàng kia đi. Thẳng người lên chứ. Rồi, được rồi, cố lên chút chút nữa!” - tiếng huấn luyện viên bên dưới hô to.
Phía trên ngọn núi, người leo vừa nghe lời hướng dẫn của huấn luyện viên vừa tìm các điểm cầm tay, đặt chân và leo lên từng bước.
Trước khi vào cuộc, “nhà leo núi” được trang bị dây đai bảo vệ, giày chuyên dụng và được huấn luyện viên chỉ dẫn khởi động chân tay và những thao tác cơ bản để chinh phục ngọn núi.
Người mới bắt đầu leo sẽ làm quen với những vách núi dễ, sau đó dần leo lên những cấp độ khó.
“Đường leo với các tay cầm thường xuyên được huấn luyện viên thay đổi để người chơi không có cảm giác nhàm chán. Ngoài ra còn có vách núi cao 3m, không cần mang dây an toàn, phía dưới có lót nệm để người chơi thử sức” - anh Nguyễn Hữu Thành (25 tuổi), huấn luyện viên ở CLB leo núi X-Rock Climbing (Q.3), cho biết.
“Mồ hôi vã ra như tắm, chị Mai Thị Hạnh (25 tuổi, Q.Tân Bình) đạp chân vào vách núi và làm theo lời chỉ dẫn của huấn luyện viên. Sợi dây an toàn níu Hạnh treo lơ lửng. Sau 5 phút thư giãn, chị tiếp tục leo lên tới đỉnh. Sau đó chị chinh phục ngọn núi ở cấp độ khó hơn.
Vừa thở, chị Hạnh vừa chia sẻ: “Mình rất sợ độ cao, với lại bình thường ít tập thể dục nên khi leo núi thấy mệt kinh khủng. Nhưng quả thật môn leo núi này rất thú vị, cảm giác khi treo mình lơ lửng trên không hay chinh phục được ngọn núi thật tuyệt”.
Trên vách núi ximăng cao 16m, hai mẹ con chị Soanna (30 tuổi, nhà ở khu Phú Mỹ Hưng, người Hà Lan) đang miệt mài leo từng bước một. Leo núi khá nhanh và nhuần nhuyễn, thỉnh thoảng chị Soanna dừng lại để hướng dẫn cậu con trai Oliver Axelsson đang leo ở dây bên cạnh. Mới 5 tuổi nhưng Oliver rất thích thú môn thể thao này.
Được bố mẹ khích lệ, Oliver khéo léo leo lên từng nấc một. Mồ hôi lấm tấm nhưng cậu bé cứ leo lên xuống liên tục hàng giờ liền. Cạnh đó, bé Isabella (3 tuổi) chạy xe đạp và liên tục đòi ba cho leo núi giống như anh trai Oliver. Thỉnh thoảng, cô bé kéo chiếc ghế nhựa ra hứng đúng chỗ mẹ và anh trai đu dây xuống khiến nhiều người xem tỏ ra thích thú.
Anh Nick Axelsson vừa lau mồ hôi cho con trai vừa chia sẻ: “Gia đình chúng tôi mới qua Việt Nam hai tháng, phát hiện chỗ leo núi nhân tạo rất thú vị này nên cuối tuần nào cả nhà cũng đến đây để giải trí và tập luyện. Vợ tôi và 2 con rất thích. Bên Hà Lan, hình thức leo núi này rất phổ biến nhưng ở Việt Nam có lẽ ít”.
Anh Thành - HLV - cho biết thêm: “Mỗi ngày bình quân ở đây có 30-40 khách tới leo núi, vào các ngày lễ hoặc cuối tuần thì đông hơn”.
Ông Ken Fudge (người Canada), giám đốc Công ty leo núi đá xinh X-Rock Climbing, cho biết: “Tôi bắt đầu đưa môn leo núi nhân tạo này vào Việt Nam năm 2006 với một cơ sở ở Q.2, được xây dụng bằng bêtông cốt thép theo cấu trúc hòn non bộ. Sau đó mở rộng ra tại CLB Phan Đình Phùng với cách xây dựng hiện đại hơn và theo tiêu chuẩn núi nhân tạo quốc tế. Sắp tới chúng tôi dự kiến mở rộng loại hình này ra Nha Trang và Hà Nội”.
Núi nhân tạo ở CLB Phan Đình Phùng (TP.HCM) có 8 sợi dây leo tương đương 8 cấp độ từ dễ đến khó.
Cấp đầu tiên là khu vực núi có nhiều tay cầm đặt gần nhau, tường cũng phẳng hơn. Cấp độ càng cao tường leo càng mấp mô, khó nhất là đoạn tường nhô hẳn ra bên ngoài buộc người leo phải cố gắng trườn hết mình để với rồi cong mình để bám.
Khi đã thành thục, người chơi có thể leo theo một màu sắc cố định. Kiểu leo này đòi hỏi kỹ thuật và sự khôn khéo.
TÂM LỤA - ĐOÀN LY
Blog EntryAug 26, '10 11:26 PM
for everyone
TPHCM: Le hoi am thuc chay tai cong vien 23-9
(CAO) Hơn 100 món ăn chay kiểu Việt Nam và nước ngoài được giới thiệu tại Công viên 23-9, trung tâm quận 1, TP HCM nhân dịp mùa Vu Lan báo hiếu.

Đây là lần đầu tiên lễ hội được tổ chức với quy mô lớn, kéo dài từ ngày 26 đến 29/8.
Với chủ đề "vì sức khỏe và môi trường", lễ hội ẩm thực giới thiệu đến công chúng sự phong phú của các món chay cũng như lợi ích của việc ăn chay đối với sức khỏe và thiên nhiên. Đồng thời, ngày hội còn nhằm tạo ra một sản phẩm du lịch mới thú hút du khách trong và ngoài nước đến với thành phố.
Ngày hội có sự tham gia của hơn 50 đơn vị chuyên cung cấp thực phẩm chay ở nhiều địa phương trong cả nước. 80 gian hàng được trưng bày bắt mắt, có thể coi như "đại tiệc buffet chay" với 100 món ăn được chế biến theo kiểu cổ truyền lẫn hiện đại. Dịp này, một số nhà chùa còn giới thiệu các món mới để thực khách ăn theo dạng fastfood.
Ngày hội cũng diễn ra nhiều hoạt động: Hội thi sắc màu ẩm thực chay, Đêm tri ân mẹ, Vào bếp cùng người nổi tiếng, Đêm hoa đăng Con yêu mẹ diễn ra luân phiên. Xen kẽ là các buổi nói chuyện chuyên đề "Ăn chay những điều chưa biết", hay diễn đàn "Xu hướng ẩm thực chay hiện đại" với sự tham gia của nhiều chuyên gia uy tín trong lĩnh vực dinh dưỡng, sức khỏe, ẩm thực, môi trường.... Tất cả các chương trình đều nhằm giúp người dân hiểu hơn về lợi ích của việc ăn chay với sức khỏe và môi trường.
"Ăn chay ngày nay không còn là một hành động mang tính chất tôn giáo nữa, mà mỗi người, dù theo đạo nào thì cũng cần có những ngày ăn chay để thể hiện tấm lòng báo hiếu đối với ông bà, cha mẹ. Nó cũng không chỉ đơn thuần là hoạt động văn hóa mà còn là một cách ăn mới bảo vệ sức khỏe, góp phần thiết thực vào việc bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng thức ăn từ chăn nuôi", ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM - đơn vị tổ chức nói về ý nghĩa của ngày hội.
Ngoài giá trị văn hóa, Lễ hội ẩm thực chay TP HCM cũng góp phần đưa Việt Nam vào danh sách một trong số ít các nước trên thế giới có hành động cụ thể, thiết thực kêu gọi ý thức bảo vệ môi trường của người dân thông qua việc giảm tiêu thụ thịt động vật.
Ban tổ chức dự kiến sẽ đưa lễ hội trở thành hoạt động thường niên vào dịp rằm tháng Bảy âm lịch.
Blog EntryAug 4, '10 1:46 PM
for everyone

Bài và ảnh: Văn Lang/Người Việt
Trong sinh hoạt mua bán của người Sài Gòn nói riêng và miền Nam nói chung, miền đất của khoáng đạt, tự do và tình người, thì chuyện bao ăn là... chuyện nhỏ.
Một số nhà vườn ở miền Tây hoặc nhà vườn miệt Lái Thiêu có kiểu bán trái vườn nhà lạ đời đó là... “bao bụng.” Nghĩa là, với một số tiền thỏa thuận giữa người ăn và chủ vườn, khách có thể vô vườn ăn thoải mái, ăn tới chán chê, lê lết, bò càng đi hết nổi thì cũng chỉ lấy đủ số tiền đã thỏa thuận ban đầu. Có điều, khách ăn kiểu “bao bụng” chỉ được ăn thoải mái ở trong vườn và tuyệt đối không được đem ra hay đem về bất cứ trái nào. 
Trên đường phố của các đô thị miền Nam ngày nay vẫn còn những xe hàng rong bán trái cây, chủ yếu là Sầu Riêng, treo tấm bảng nhỏ trên xe “bao ăn.”
Bao ăn ở đây khác hoàn toàn với bao bụng đã nói ở trên, không có vụ ăn thoải mái đã đời ông địa, mà bao ăn chỉ có nghĩa là bao “ăn ngon,” tức là đảm bảo Sầu Riêng ăn ngon mới trả tiền, không ngon không lấy tiền.
Thông thường là nếu trái sầu riêng bị sượng hoặc không có cơm thì sẽ được đổi cho trái khác đảm bảo ngon. Ðây cũng là một tính cách hay của người miền Nam, đã nói là làm chứ không chơi cuội. Ðiều này thật khác với phe quốc doanh thời bao cấp, luôn treo trong cửa hàng của họ tấm biển “Hàng mua rồi miễn trả lại!”
Sang tới thời khủng hoảng kinh tế, mới gần hai năm trở lại đây, dân nghèo Việt Nam cũng chới với, nhất là khi giá vàng bỗng vọt lên như tên lửa và những tin đồn thất thiệt lan nhanh...
Dân nghèo Sài Gòn không có tiền để mua vàng trữ, nhưng bằng kinh nghiệm họ biết là khi giá vàng tăng vọt thì giá thực phẩm sẽ ầm ầm lao theo, viễn cảnh về cái đói đã hiện ra thật hãi hùng. Nhưng thật lạ, trong bối cảnh đó Sài Gòn bất ngờ xuất hiện một số quán cơm bình dân treo tấm biển “cơm bao no,” với giá chỉ có mười ngàn đồng Việt Nam. Ðặc biệt loại quán này ra đời ở những khu người nghèo, làm yên lòng những người lao động với cuộc sống bấp bênh không có gì đảm bảo cho đời sống của họ, như những người phụ hồ, đạp xích lô, bán vé số...
Chủ những quán cơm bao no không phải là chủ mới mà họ là chủ của những quán cơm bình dân vẫn buôn bán bình thường, nhưng vì lúc kinh tế khó khăn, cảm thông trước nỗi khổ của dân nghèo nên họ đã tự ý treo bảng “yên dân.”
Cơm bao no, đó là lời hứa của chủ quán với những khách nghèo rằng: “Bạn yên tâm, khi bước vô quán này, chỉ với mười ngàn đồng bạn được đảm bảo ăn no!” Như vậy người nghèo yên tâm, liệu cơm gắp mắm trong cuộc mưu sinh của mình. Ý nghĩa của việc bao giá có tác dụng rất lớn, vì ngay cả những quán cơm bình dân thì giá cả cũng tùy hứng lắm, do vậy đôi khi người nghèo vô quán mà tim cứ đập thình thịch, nhất là khi kêu “tính tiền!”
Cơm bao no hiện nay có giá khoảng 13 ngàn đồng VN. Và mới đây chúng tôi đã ghé ăn thử tại một quán cơm bao no nằm ở khu vực Chánh Hưng, giáp ranh giữa quận 8 và Bình Chánh.
Hỏi thăm về “quyền lợi” của một người khách ăn cơm bao no, bà chủ quán người Nam vui vẻ cho biết: “Chú cứ việc vô lựa đồ ăn, chọn món như những khách ăn bình thường, nhưng chỉ chọn một món thôi nghe, cơm gà là cơm gà, cơm sườn là cơm sườn, chứ chú kêu vừa gà vừa cá, đủ thứ món thì tôi không có bao à nghe! Riêng cơm, chú có quyền ăn thoải mái bao nhiêu dĩa cơm thêm tui cũng không tính thêm tiền.”
Chúng tôi chọn món cơm với lươn xào sả ớt cho phần ăn 13 ngàn đồng của mình. Một dĩa cơm trắng ngon được đem ra, trên dĩa có một ít rau muống luộc tươi xanh, cắt gọn đặt bên trên và dĩ nhiên kèm theo một dĩa lươn xào nhìn khá bắt mắt, thêm một chén canh chua mà không có cá đi kèm.
Cơm khá ngon, món lươn xào sả ớt kiểu miền Nam đậm đà, mặn miệng rất “bắt” cơm. Riêng phần cơm trắng (không) thì cũng ngon chẳng kém gì quán cơm “thời danh” chỗ bà Cả Ðọi. Ăn xong phần của mình, tôi kêu thêm một dĩa cơm thêm để làm cho hết phần lươn xào sả ớt.
Hỏi thăm thực khách trong quán, một nam sinh viên cho biết, thích ăn cơm ở đây vì các món ăn trong quán nấu rất vừa miệng, nhiều món ngon. Một bác lớn tuổi, chạy ba gác đạp trước một cửa hàng bán vật liệu xây dựng gần đó cho biết, trưa nào cũng ghé quán ăn, vì ở đây cơm thêm ăn thoải mái không lo bị tính thêm tiền, khỏi sợ đói. Một chị dắt theo đứa con nhỏ cho biết, chị mới ở miền Tây lên, ở đậu nhà người chị bà con, ghé quán ăn lần đầu, vì thấy tấm biển ghi cơm bao no giá có 13 ngàn, yên tâm dắt con vô, đi xớ rớ quán khác sợ bị “chém.”
Ăn no xong, mọi người tới bình trà đá tự rót nước uống, bao nhiêu tùy thích. Khi tính tiền, đồng giá như nhau là 13 ngàn đồng, trừ những người gọi thêm món, hoặc những người kêu thêm nước giải khát loại khác.
13 ngàn đồng cho một bữa cơm ngon, no, đến nỗi bụng kêu “óc ách” trà đá miễn phí. Tuy lúc này áp lực về bữa ăn với nhiều người không đến nỗi quá lớn nhưng bữa cơm bao no đem lại cảm giác thoải mái, vui vẻ, ấm áp tình người.
Ngoài cơm bao no, Sài Gòn còn có những quán cơm từ thiện miễn phí và quán cơm 2000 (hai ngàn đồng VN cho một suất ăn). Vào một dịp khác chúng tôi sẽ có bài viết với chi tiết và hình ảnh đầy đủ về loại quán cơm từ thiện này ở Sài Gòn.
Sài Gòn là nơi hội nhập của dân tứ xứ, nói đây là nơi đất lành chim đậu cũng chưa đủ, phải nói đây là nơi đất Phật, nơi không kỳ thị và luôn cưu mang những người thất cơ lỡ vận bất cứ từ đâu đến. Dĩ nhiên, cũng không thiếu những câu chuyện buồn, và cũng không thiếu những người mang những ký ức đau buồn từ nơi đây ra đi. Nhưng đằng sau những hào nhoáng của cuộc đời, những cạnh tranh khốc liệt của thương trường, chính trường, thì trong những góc khuất của thành phố những tấm lòng từ thiện cho người nghèo vẫn kiên nhẫn từ tốn làm việc, theo kiểu thi ân bất cần báo đáp, làm từ thiện mà ẩn danh.

(st từ quanviahe)
Blog EntryAug 3, '10 10:12 PM
for everyone
Người Sài Gòn từ thời hộ khẩu đến kinh tế thị trường

Khi có ý đi tìm người Sài Gòn, không hiểu sao khi chưa ra khỏi nhà tôi đã biết có đi phỏng vấn đến tết Congo cũng không ai người Sài Gòn tự nhận mình là người Sài Gòn gốc 3 đời hoặc mấy chục đời cả. Chắc rằng mọi người sẽ hỏi lại tôi, sao hỏi chi cái chuyện tào lao, tầm phào hết sức vậy cha nội, kiếm sống được ở Sài Gòn, là người Sài Gòn rồi.

Thật ra trên khắp thế giới, phần căn cước của một người ít ai phân biệt dân tỉnh lẻ hay dân thủ đô và đó là văn minh dân quyền căn bản nhất. Riêng ở Việt Nam thì khác. Dưới chế độ cộng sản, việc phân biệt dân thủ đô, dân thành phố lớn hay dân tỉnh lẻ, nông thôn, dân kinh tế mới,... là chuyện căn bản. Ai cũng biết sự phân biệt đối xử của chế độ hộ khẩu là khắc nghiệt, vấn nạn đó lâu ngày tạo nên cả một gói “tự hào” về địa vị chính trị, kinh tế, văn hóa... dành cho dân có hộ khẩu thủ đô, thành phố trước phần dân cư còn lại của cả nước.

Khi nền kinh tế mở cửa, dù chế độ hộ khẩu vẫn không thay đổi nhưng những yếu tố kinh tế thị trường tư bản đã phá vỡ toàn bộ những công dụng chuyên chế của chế độ hộ khẩu. Theo nhu cầu mưu sinh và nhu cầu nhân lực của kinh tế thị trường, dân tỉnh lẻ, nông thôn tràn về đô thị bất chấp chuyện họ sống đời không hộ khẩu hoặc chỉ có cái gọi là chứng nhận KT3 (một loại giấy tạm trú).


Theo thời gian, đội quân nhập cư tăng theo cấp số nhân và cả người nhập cư thành đạt, người kiếm sống qua ngày trở thành nguồn dân số bá chủ. Chính nguồn dân số và chất lượng dân số bùng nổ này đã dồn những ai tự huyễn hoặc cho mình dân thủ đô gốc, dân thành phố cố cựu vào hội chứng yếu đề kháng, trở thành những kẻ thất bại.

Nếu ai còn tự cho mình là dân Hà Nội gốc, thật ra đó là lối nghĩ của dân được bảo hộ bởi chế độ hộ khẩu thiếu dân quyền. Họ có thể trưng ra lý do là ông bà cha mẹ sống ở Hà Nội trước chế độ cộng sản và họ thừa kế cái gốc người Hà Nội. Cơ sở lý lẽ này là không minh bạch, vì trong lịch sử cận đại Việt Nam, theo tìm hiểu, trước thời cộng sản nắm quyền không có chuyện độc đoán khoanh tròn mực đỏ dân Hà Nội điểm tối ưu, và phần dân còn lại chỉ có điểm trung bình kém.

Người Hà Nội trước thời cộng sản đủ khỏe mạnh tinh thần và trí thức để rộng tay đón nhận tất cả các nguồn dân cư như đón nhận dòng máu mới, cũng như đủ ứng xử văn minh để biết rằng cực đoan địa phương tính là ngớ ngẩn. Chuyện dân thủ đô được tôn trọng kính nể... đó là do phẩm chất người, chất lượng từ những công việc phục vụ cộng đồng, quốc gia và được cộng đồng xác nhận trong chuẩn giá trị văn hóa chung, chứ không phải một dạng đặc quyền đặc lợi do một thể chế độc tài chỉ đạo.

Người Hà Nội đủ văn hóa để nhìn thấu rằng hiện trạng hư hỏng của xã hội Việt Nam đều có nguyên nhân do thiếu nhân quyền. Cả dân tộc, không phân biệt bất kỳ ai, vùng miền nào đều phải gánh chịu hiện trạng xã hội hư hỏng tệ hại này.

Một giáo sư sinh ra ở Hà Nội di cư vào Nam muốn giấu tên đã nói thật với chúng tôi rằng: “Chỉ thời đại này mới có kiểu tự tôn bệnh hoạn địa phương thượng đẳng.”


Dân hào hiệp và dân nhập cư

Mỗi tháng tôi đều đến một tiệm hớt tóc của một ông chủ trẻ trên đường Hồ Bá Kiện. Tuổi chưa đến bốn mươi, anh có tổng cộng ba tiệm hớt tóc. Lần này anh mời tôi hớt tóc, lấy ráy tai, ở một tiệm mới khai trương. Cô gái lấy ráy tai cho tôi nói: “Ổng vài bữa nữa là sắm thêm xe hơi.”

Tôi hỏi thẳng ông chủ tiệm là anh có mấy chiếc xe hơi rồi, anh chàng nói giọng miền Nam lơ lớ: “Tính mua thêm một chiếc nữa là bốn. Xe tôi mua cho cơ quan công ty thuê, họp đồng tính theo năm.”

Rồi anh kể: “Năm 1980, anh từ Huế vô Sài Gòn làm phụ hồ, khổ trơ xương, ba năm không biết mùi bún bò, mì quảng là gì.” Tôi hỏi anh: “Anh thấy người Sài Gòn thế nào?” Mặt anh ngạc nhiên như người từ sao Hỏa xuống: “Rứa, lúc mới vào tôi cũng có nghĩ người trong này ăn ngon, chơi bạo khác người quê tôi, nhưng chỉ ở vài tháng là tôi thấy chỉ người có tiền là khác.”

Cái anh chàng chủ tiệm hớt tóc này cũng như hàng triệu người từ nhiều thế hệ đã nhìn thấy Sài Gòn là một nơi kiếm sống, kiềm tiền làm giàu. Ðối với mọi người Việt Nam, tính cả dân thủ đô Hà Nội, Sài Gòn là vùng đất hứa, là một kiểu giấc mơ Mỹ của người Việt Nam.

Một trí thức người Bắc di cư kết luận: “Sài Gòn là đất Phật.” Nhiều người bạn ông bàn thêm: “Giá trị rõ nhất của đất Phật trước tiên đây là nơi chốn bình yên, bình yên cả trong chiến tranh, thiên tai và những vấn nạn đáng sợ khác có nguyên nhân từ con người. Sài Gòn không có chuyện phân biệt đối xử vùng miền, văn hóa và chủng tộc...”

Nhà báo TG. có lần nói: “Chỉ cần vô Sài Gòn, có một cái bơm xe, ngồi ở vỉa hè Sài Gòn cũng sống được, cũng thoát khổ mà tính chuyện khởi nghiệp.” Họa sĩ TC, có lần kể: “Trước 1975, thi sĩ Nguyễn Ðức Sơn và cố nhà văn Nguyễn Thụy Long có thời ăn cơm cháy, uống trà đá, ngồi xỉa răng ở một quán cơm xã hội.”

Mỗi người, trong hàng triệu người từ nhiều thế hệ đều có riêng cho mình những kỷ niệm sâu sắc về sự rộng lòng của đất và người Sài Gòn. Có người còn nói nửa đùa nửa thật rằng, nếu ai có chí, dám đứng le lưỡi cho người ta dán tem ở bưu điện thành phố chắc chắn không thiếu khách hàng.

Nhưng Sài Gòn cũng có bất công. Ðiều bất công này không phải do Sài Gòn gây ra mà chính là do không ít người đến với Sài Gòn gây ra. Có thể thông cảm hiện trạng lúc nào họ cũng thương nhớ ca ngợi nguyên quán xuất thân của họ. Và Sài Gòn cũng dễ quên không chấp khi có những người nhập cư thành đạt, nên cơ nghiệp, chỉ nhận họ là người thành phố này, tỉnh nọ.

Sài Gòn không hề chỉ là Sài Gòn của nơi kiếm tiền, chỉ là một nơi tạm trú, bởi đa phần người nhập cư đã hoặc sẽ có khoảng đời sống ở thành phố này dài hơn so với lúc họ sống ở nguyên quán sinh ra. Hãy đến các nghĩa trang, các chùa có để cốt mà xem, hàng triệu người tứ xứ thuộc nhiều thế hệ đã chọn gởi lại cho Sài Gòn nắm xương tàn.

Nhưng người Sài Gòn anh là ai? Có người nói ngày nay muốn tìm người Sài Gòn thì qua tiểu bang Cali ở Mỹ hoặc các cộng đồng người Việt lưu vong trên khắp thế giới. Nhưng chúng tôi vẫn muốn tìm người Sài Gòn ở Sài Gòn.

Một cô bạn của chúng tôi sinh ra ở một nhà bảo sanh trên đường Gò Công quận 6, có ông bà nội là người Minh Hương, ông bà ngoại là dân sanh ra ở bến Mễ Cốc quận 8. Cô nói: “Nếu muốn biết ai là người Sài Gòn thì chỉ cần nhìn cách họ đón tiếp đối xử với bà con cô bác ở quê lên thăm hoặc lên kiếm việc làm. Bà ngoại tôi mỗi lần gặp bà con là mừng lắm, tấm lòng của người tha hương mà. Ai cũng có họ hàng dây mơ rễ má, chớ có phải ở đất nẻ chui lên đâu.”

Theo một ông già từng là lính VNCH, nay chạy xe ôm ở quận Tân Bình, “đất Sài Gòn trước tiên là đất của những tay hảo hớn, bởi chỉ có những người mạnh mẽ từ tâm hồn đến thể xác mới quyết định bỏ xứ ra đi đến đất mới, cũng chính họ mở đường cho con cháu mưu cầu sự sống mới và tự do. Tánh hảo hớn và phóng khoáng là máu huyết căn cơ của người Sài Gòn.”

Ở góc đường Cao Thắng và Phan Thanh Giản cũ (nay là Ðiện Biên Phủ) có một cái miếu lớn gọi là Thành Hoàng Bổn Cảnh. Nơi đây hàng ngày hàng đêm vẫn nghi ngút hương khói tưởng nhớ những vong linh của tướng quân Lê Văn Khôi (con nuôi Tả quân Lê văn Duyệt) và các nghĩa binh bị xử chém, vùi xác ở quanh khu Kỳ Hòa, thành Gia Ðịnh dưới thời vua Minh Mạng. Một nhà nghiên cứu lịch sử miền Nam có lần nói với tôi: “Không rõ lắm những nghĩa quân này có phải là người Sài Gòn không, nhưng tôi tin chắc khi họ chết, anh linh họ là người Sài Gòn.”

Và sẽ không tìm thấy một người Sài Gòn nào nếu tiếp tục nhìn lịch sử theo lối độc quyền và thiển cận. Người Sài Gòn chỉ có một khi lịch sử được minh bạch rằng, người Sài Gòn hôm nay chính là những người nhận được cơ hội từ những người từng đến, sống và chết từ Sài Gòn-Gia Ðịnh trong xuyên suốt các triều đại phong kiến, những anh linh tử sĩ VNCH, những vong linh người vượt biển vì tự do và cả những nạn nhân khác của bóng tối lịch sử.

Chỉ từ cách nhìn nhận này mới sáng rõ đúng nghĩa tánh hảo hớn-hào hiệp vì tự do và công bằng của người Sài Gòn.

Một góc phố Sài Gòn trước 75

   May mà còn có Sài Gòn

Gia đình bên ngoại tôi có một người anh họ, anh tên là Ba V. Trước 1975 anh là lính sư đoàn 7 Bộ Binh VNCH đồn trú ở Gò Công. Quê anh ở ở một xã heo hút dù không xa Sài Gòn nhưng rất nghèo... Sau biến cố 1975, anh và gia đình càng lâm cảnh nghèo tệ hại hơn. Sài Gòn với anh là một thiên đường tại thế, có lần anh nói với tôi: “Tao phục mày quá, sống được ở Sài Gòn ngon thấy mẹ.” Lời anh đơn giản nhưng chí lý, người Sài Gòn thời nào cũng rất bảnh trong cách nhìn của người địa phương khác.

Có người sẽ phản bác tôi rằng, người Sài Gòn ngày nay không còn sang trọng nữa. Nhưng trường hợp gia đình anh họ tôi thì lại đồng ý với tôi. Sau 1975 cả bảy đứa con của anh họ tôi đều không đủ ăn đến xanh mặt. Khi Sài Gòn vào thời kinh tế thị trường cả năm đứa con trai, con gái của anh đều trở thành người Sài Gòn, anh chỉ giữ lại được đứa con gái và đứa con trai út làm người Gò Công cày cấy trên nửa mẫu ruộng hương hỏa. Ðiều đáng nói là những người con Sài Gòn của anh, dù chỉ làm thợ hồ và nấu bếp ở Sài Gòn nhưng đã đem lại một cuộc cách mạng kinh tế, lối sống văn minh cho cả gia đình anh. Chất nông dân cố cựu của anh không còn như trước, ở anh ngày càng rõ ra cái chất thị dân Sài Gòn do con anh truyền bá.

Có hàng triệu gia đình ở Việt Nam hôm nay giống như anh, người ta không thể thống kê hết những thay đổi theo kiểu Sài Gòn. Nhưng có một điều người ta chắc chắn là văn hóa thị dân Sài Gòn hình thành từ tinh hoa thể chế thực dân và ánh sáng của nền dân chủ tự do Ðệ Nhất và Ðệ Nhị Cộng Hòa, ánh sáng này đủ mạnh để dung chứa mọi cách sống và để truyền bá những điều tốt đẹp

Tôi có dịp nói chuyện với cô gái người Hà Nội, cô vào Sài Gòn làm nghề báo. Tôi không biết cô có phải là người Hà Nội gốc hay không, cô nói: “Khi mắng cái dân thiếu văn minh ngoài đấy, em có Sài Gòn để chứng minh là trong này người ta không ai làm việc xấu hổ thế.”

Tất nhiên, không có vùng rộng của lối sống văn minh nào lại không có mặt tệ nạn, nhưng cộng đồng thị dân Sài Gòn không có kiểu hí hởn cả tập thể hùa nhau hái hoa Anh Ðào của Nhật Bản triển lãm về làm của riêng, cũng không có những vấn nạn không thể tưởng tượng được như chiếm thang máy chung cư, cho thang máy chạy lên chạy xuống liên tục để vỗ con và đút cơm cho con mình ăn ngon miệng.

Và không có cái kiểu nghĩ và hành xử như một cô ca sĩ trẻ mà tôi quen. Cô này từ Hà Nội vào Sài Gòn tìm cơ hội thành “sao.” Trong thời điểm Hà Ðông có quyết định sáp nhập vào Hà Nội, cô luôn miệng tục tằn gay gắt với những người “đời đời kiếp kiếp” cô không nhận là người Hà Nội, dù hàng ngày đang cùng thở, cùng sống ở không gian Hà Nội mở rộng với cô.

Chính từ những cách nhìn kỳ thị kiểu này đã xác lập một thứ ranh giới mà ở đó người ta tự cho Hà Nội như mình đây là tốt đẹp, phần còn lại là tệ hại vì không phải là Hà Nội. Có gì đáng buồn cười và xấu hổ cho bằng kiểu kỳ thị “địa phương thượng đẳng” đó. Và chính đó mới là mầm mống, là nguyên nhân của vô số vấn nạn xã hội.

Vấn đề không phải Sài Gòn không có người nhập cư quê mùa kém cỏi, nhưng cái chính là văn minh Sài Gòn đủ mạnh để hướng mọi người đến phẩm chất tôn trọng lợi ích cộng đồng và tự trọng trong lối sống cá nhân.

Ở phạm vị rộng hơn, nhiều bậc thức giả chiêm nghiệm rằng, không phải năm 1975 “giải phóng Sài Gòn” mà chính là biến cố đó đem đến cơ hội giải phóng toàn diện xã hội miền Bắc.

Hơn ba mươi năm qua, những ai công tâm sẽ nhìn thấy những dòng người không thể thống kê hết từ miền Bắc vào Sài Gòn để mưu cầu cuộc sống tốt hơn, qua từng cá nhân, họ hàng, thôn làng vào Sài Gòn vào miền Nam rồi về thăm quê đã đưa về, đã truyền bá lối sống văn minh vật chất và tinh thần Sài Gòn.

Bạn tôi, nhà thơ, là một người Hà Nội sang trọng, anh vào và chọn Sài Gòn để sống và cũng có thể coi anh là người tị nạn văn hóa ở Sài Gòn. Anh có những kỷ niệm vui buồn sâu sắc dành cho Hà Nội, nên mỗi lần về quê trở vào là anh nói: “Mình đặt chân xuống phi trường Tân Sơn Nhất là thấy nhẹ người.” Tất nhiên cũng trùng hợp, người biết và chia sẻ tâm trạng “nhẹ người” này là những Việt kiều lưu vong mỗi khi rời Việt Nam bay trở lại đất nước bao dung mình.

Và từ những năm đen tối nhất của lịch sử cho đến thời tạm dễ thở, không một nơi chốn nào của đất nước này được hàng triệu triệu người Việt đồng tâm tin rằng: May mà Việt Nam còn có Sài Gòn!

Trần Tiến Dũng
Blog EntryJul 29, '10 1:15 AM
for everyone
Gọi đến trung tâm bảo hành Canon kể bệnh thì được yêu cầu là đem máy ảnh lên kiểm tra mới biết bệnh và sẽ giam máy ít nhất 1 tuần. Hic... mình cần máy để mai đi chơi chụp mấy đứa cháu mà, với lại nhìn trên mạng thấy ở địa chỉ đường Nguyễn Văn Trỗi tuốt bên Phú Nhuận nên gọi cho Phạm Thê (sửa máy ảnh ở số 11 - Lê Công Kiều) nhờ sửa nhanh giùm.

- Máy bị sao chị?

- Hư màn mình, bị sọc đỏ chạy ngang...

- Chị bấm Menu rồi coi có bị không?

- Không.

- Vậy không phải hư màn hình. Đem ra liền thì hy vọng sửa kịp trong hôm nay.

Mình đi làm mà, sao ra liền được. Lúc chạy ra đã  hơn 4giờ30 chiều. Nếu không sửa kịp mình cũng sẽ gởi lại để sửa vì mình ngại đi qua Phú Nhuận lắm.

Em thợ có khuôn mặt hiền hậu bảo là sửa không kịp vì 5g30 chiều sẽ nghỉ làm. Em nhìn hiệu máy rồi nói:

- Chị đem qua trung tâm bảo hành Canon ở Bùi Viện đi. Gần đây thôi, gần rạp Công Nhân (trung tâm bảo hành dời đô mà mình không biết).

Hic... sao không chịu nhận máy để lấy tiền phí như người ta thường làm nhỉ?

Saigon còn nhiều chỗ làm ăn dễ thương.
Blog EntryJul 11, '10 11:35 AM
for everyone

                          Sài Gòn của năm 1990

Ký giả Mark Magnier của tờ Los Angeles Times vừa có bài ghi nhận lịch sử đổi tên đường ở Sài Gòn cũng phản ánh một phần lịch sử Việt Nam hiện đại.
Trong bài “In Vietnam, a sign of times” đăng trên tờ báo hồi đầu tháng Bảy, tác giả ghé thăm một trong những con đường nổi tiếng nhất đã đổi tên ba lần, từ Catinat thành Tự Do và nay là Đồng Khởi.
Ông viết: “Lịch sử của Catinat- Tự Do- Đồng Khởi là một phần của lịch sử Việt Nam: Nửa thế kỷ qua đã đón các chính thể Pháp, thân Mỹ và cộng sản, cùng sự mở cửa kinh tế, mà mỗi lần lại tạo nên một cái tên mới.”
Catinat nguyên thủy là tên chiến hạm Pháp năm 1856 tham gia đánh chiếm Việt Nam. Trong tiểu thuyết Người Mỹ trầm lặng của Graham Greene, con đường trở thành biểu tượng của một Sài Gòn đổ nát, ăn chơi thuốc phiện thời Pháp thuộc.
Chẳng lạ gì khi năm 1954, chính quyền mới đã nói “au revoir” với cái tên cũ, để rồi ông Ngô Đình Diệm đổi tên thành đường Tự Do.
Theo tác giả, mặc dù cái tên mới phù hợp với chính sách thân Mỹ của Tổng thống Diệm, nhưng nó không xóa đi tệ nạn như nhà độc tài theo Thiên Chúa giáo mong muốn.
“Đợt sóng lính Mỹ thập niên 1960 đem đến thêm nhiều ma túy và sex cho đường Tự Do cùng với nhạc rock ‘n’ roll và nạn kẹt xe. Thời đó người Việt có câu đùa rằng, sau khi viên chức thành phố buộc xe chạy một chiều [để giải quyết kẹt xe], thì tự do chỉ là con đường một chiều dành riêng cho người Mỹ.”
Khi ngày càng nhiều cửa tiệm dùng tên Mỹ, chính quyền Sài Gòn phải ra lệnh bảng hiệu chữ Việt to gấp ba lần chữ nước ngoài. Một ví dụ là một quán bar “Texas” được đổi tên thành “Te-xa” với phông chữ lớn hơn.
Sau 1975
Sau khi Sài Gòn sụp đổ năm 1975, chính quyền cộng sản đổi tên thành phố bằng tên lãnh tụ Hồ Chí Minh, thay tên đường của các nhân vật chống cộng bằng tên các đảng viên Cộng sản.
Một cựu binh Việt Cộng và nay là dược sĩ, Nguyễn Quang Vinh, kể lại với nhà báo: “Đầu tiên họ loan báo tên đường mới trên tivi hay radio. Rồi vài ngày sau, họ trưng lên các biển tên đường mới. Nhiều lúc phải mất thời gian mới quen dần.”
Chiến sĩ cách mạng Nguyễn Kim Bạch, 70 tuổi, tán thưởng: “Thường thì thấy sự thay đổi cũng vui, nhất là khi anh không thích ý nghĩa của tên cũ.”
Nhưng bà Marie Nguyễn, 59 tuổi, rời Việt Nam thập niên 1970 cùng chồng là lính dù miền Nam và nay đi đi về về giữa Việt Nam và Úc, lại không đồng ý.
Sài Gòn của năm 2010
Bà nói: “Tên cũ là một phần của lịch sử chúng tôi nên tôi thích chúng hơn.”
Có vẻ cố gắng tuyên truyền của người cộng sản gặp lợi thế nhờ dân số trẻ của Việt Nam.
Bà Marie Nguyễn nói: “Người trẻ không có ký ức về quá khứ, giống như mọi người trẻ trên thế giới.”
Cô Lê Thị Mỹ Hạnh, 24 tuổi, người Nha Trang sống ở TP. Hồ Chí Minh được ba năm trước khi ra nước ngoài du học, cho hay: “Tôi không thấy có thay đổi gì.”
Tác giả cũng đề cập việc những năm gần đây, Việt Nam chia lại địa giới các tỉnh, thành để chỉnh đốn hành chính và theo một số người, để củng cố sự nghiệp cho các đảng ủy viên.
Một vài con phố mang tên Pháp vẫn còn được giữ, vinh danh các nhà khoa học như Louis Pasteur và Marie Curie.
Và riêng một thay đổi, sau 35 năm, vẫn chưa được người dân chấp nhận.
Đa số người dân vẫn gọi thành phố của họ là Sài Gòn.
http://www.bbc.co.uk/
Blog EntryJul 10, '10 10:38 AM
for everyone

Song Chi
Tặng những người bạn văn nghệ của tôi - những người cũng yêu mến và nhiều lần trăn trở, muốn làm một cái phim “chân dung Sài Gòn”, như tôi…Cho đến ngày rời Sài Gòn, rời Việt Nam ra đi bắt đầu lại ở xứ người, tôi đã sống ở Sài Gòn gần 40 năm - 34 năm liên tục kể từ 1975 đến 2009 và một vài năm không liên tục trước 1975. Một quãng thời gian đủ dài cho một đời người để thành phố này, với tôi, đã trở thành gắn bó mãi mãi. Khi nói chuyện với mọi người bao giờ tôi cũng nhận mình là người Sài Gòn, cho dù tôi không sinh ra và có thể, cũng sẽ không sống những ngày cuối đời tại đây.

Bao nhiêu năm sống ở Sài Gòn, hàng chục lần tiễn bạn bè, người thân rời bỏ thành phố và cũng hàng chục lần đón những người đi xa trở về, để cuối cùng chính mình cũng ra đi, chưa biết đến khi nào mới quay về, để cuối cùng chính mình cũng trở thành một người ôm nỗi thương nhớ Sài Gòn da diết trong nỗi nhớ thương chung một dải đất Việt Nam đã trở thành xa ngái.

Với tôi, Sài Gòn bao giờ cũng là… Sài Gòn, cái tên thành phố Hồ Chí Minh, khi còn ở Việt Nam, chỉ là cái tên tôi buộc phải sử dụng trên những giấy tờ, đơn từ… Với tôi, Sài Gòn luôn luôn là một thành phố đặc biệt, mà quả thật, từ vị trí địa lý, lịch sử cho đến văn hóa Sài Gòn, tính cách con người Sài Gòn… đã làm nên cái đặc biệt của thành phố này so với những thành phố khác của Việt Nam.

1. Sài Gòn bề nổi.
Một thành phố đầy những mặt đối lập, mâu thuẫn, bộn bề, ngổn ngang.

Đối với những ai chỉ tình cờ ghé qua Sài Gòn rồi lưu lại trong một thời gian ngắn, những người đi xa nhiều năm mới trở về thăm lại thành phố, hay những du khách nước ngoài dạo bước qua Sài Gòn trong một chuyến du lịch… thường chỉ cảm nhận được Sài Gòn trong cái bề nổi của nó. Đó là một thành phố ồn ào, đông đúc, xô bồ, bụi bặm, với những con đường luôn luôn đông nghẹt xe cộ, người đi lại ngược xuôi hối hả. Nạn kẹt xe, rồi tai nạn giao thông ở thành phố này và trên cả đất nước này nói chung, đã thật sự trở thành một nỗi ưu tư cho tất cả mọi người, khi con số nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông hàng năm lên đến hơn 13.000 người trên tổng dân số khoảng 86.000.000 người! Những con đường dầy đặc mật độ xe cộ, những vĩa hè đầy đặc người buôn bán, đi lại, ăn uống, xả rác… từ sáng sớm đến đêm khuya… Hầu hết mọi con đường trong thành phố đều trở thành những khu phố kinh doanh, hầu hết mọi ngôi nhà ngoài mặt tiền cho đến trong những con hẻm sâu đều mở cửa buôn bán, làm dịch vụ… Rất hiếm hoi để tìm thấy một con đường yên tĩnh hay những ngôi biệt thự villa có sân vườn một thời là niềm tự hào của “Sài Gòn-hòn ngọc Viễn Đông”. Những ngôi biệt thự ấy phần lớn đã trổ cửa, cơi nới, thành các loại nhà phố, cửa hàng, quán xá, showroom…

Người đi xa lâu năm trở về bâng khuâng nhớ lại những con đường với hai vòm lá me xanh như ngọc hoặc thơm ngát hương ngọc lan thuở nào của Sài Gòn. Đường xá mở rộng nhiều, đường mới làm cũng không ít, nhưng hầu như chẳng ai quan tâm đến việc trồng thêm nhiều cây xanh trên đường, ngược lại cây cũ bị tỉa trụi nhánh, đốn bỏ nhiều, thành phố đã nắng nóng càng thêm nóng. Không chỉ những con đường xanh bóng me, sự lãng mạn dường như cũng ngày càng trở nên hiếm hoi trong cuộc sống của người Sài Gòn hôm nay. Còn mấy ai bây giờ vì yêu hình ảnh của một người con gái “ em tan trường về ôm nghiêng tập vở, tóc dài tà áo vờn bay” để rồi “em tan trường về anh theo Ngọ về trưa trưa chiều chiều…” mãi mà chẳng dám nói một câu?

Sài Gòn, đó là một thành phố bộn bề, ngổn ngang, đã và đang thay đổi từng ngày. Những buiding, cửa hàng, căn hộ mới không ngừng mọc lên với đủ loại kiến trúc xấu có đẹp có. Những con đường hết đào lên lại lấp xuống, hết mở rộng lại phân luồng, hết “thử nghiệm” lát gạch con sâu một thời lại đến thử nghiệm trồng cau, làm dải phân cách mới rồi lại phá bỏ, trụ đèn giao thông mới lắp chưa kịp hư đã lại thay mới… Toàn những “thử nghiệm” lãng phí tiền tỉ của dân mà cũng chẳng thấy ai đứng ra chịu trách nhiệm gì và thành phố thì cũng chẳng đẹp đẽ gì hơn.

Sài Gòn, đó là một thành phố đầy những mặt đối lập, mâu thuẫn-như hầu hết các thành phố lớn trong những quốc gia đang trên đà phát triển, đổi thay. Đối lập giữa cũ và mới - vẫn còn lại đây những ngôi nhà có tuổi thọ hàng trăm năm, những khu phố cổ Chợ Lớn, những dinh thự, nhà thờ được xây từ thời Pháp bên cạnh những building kiến trúc mới hiện đại; trên đường phố người ta vẫn nhìn thấy những chiếc xe Vespa cổ, xe Velosolex, xe honda 67, xe hơi mui trần kiểu cổ bên cạnh những chiếc @, Dylan, Mescedes đời mới nhất; những nhà hàng sang trọng với những người bồi ăn mặc lịch sự cài nơ trên cổ áo bên cạnh những tiệm chạp phô, tiệm ăn nhỏ của người Hoa với ông chủ cởi trần, mặc chiếc quần lửng và cung cách phục vụ như từ bao nhiêu năm trước; những chiếc áo dài thiếu nữ thướt tha với mái tóc dài e ấp bên cạnh những chiếc áo hai dây, hở rốn đi cùng mái tóc nhuộm đủ màu… Đối lập giữa động và tĩnh - bên cạnh thế giới của những vũ trường, café nhạc trẻ, quán nhậu ồn ào là không gian yên tĩnh của những ngôi chùa, thư viện, một khoảng không gian buổi sáng trong công viên nơi các ông cụ về hưu bình thản ngồi đọc báo nghe chim hót… Đối lập trong sự giàu-nghèo, sang trọng-bình dân tồn tại ở khắp nơi. Kề bên những khách sạn, nhà hàng, vũ trường sang trọng ở đó người ta có thể đốt hàng đống tiền cho một bữa ăn nhậu hay một cuộc vui với rượu ngoại, thuốc lắc tính giá hàng trăm dolla là hình ảnh những người lao động nghèo với gánh ve chai lặc lè giữa trưa nắng gắt, gánh khoai lang đậu phọng rẻ tiền hay những em bé với một xấp vé số trên tay lang thang cả ngày kiếm được chừng mươi ngàn chưa bằng một lon bia lạnh người khác đang uống, hay hình ảnh những người phải leo lên những cây me cao chót vót bên đường hái me bán để kiếm ít ngàn tiền gạo, những người ngày đêm cắm mặt trên những bãi rác khổng lổ, kiếm sống từ rác… Kề bên những beauty salon sang trọng, dịch vụ massage, chăm sóc da, tắm Spa… ở đó khách hàng bỏ tiền triệu và được chăm sóc nâng niu với đủ mọi tiêu chuẩn cầu kỳ, là dịch vụ đấm bóp dạo lề đường nơi khách hàng chỉ phải bỏ ra năm, mười ngàn, ngồi hoặc nằm ngay trên lề đường! Và không ít con đường ở Sài Gòn, bên ngoài là dãy nhà phố sang trọng lịch sự, vào bên trong là những con hẻm lao động ngoằn ngoèo với mức sống khác hẳn như thuộc về hai thế giới khác.

Sài Gòn - một thành phố cái gì cũng có. Từ cái đắt nhất đến cái rẻ nhất, sang trọng nhất đến bình dân nhất, đáp ứng mọi nhu cầu đa dạng khác nhau trong xã hội. Từ ăn uống vui chơi giải trí đến học hành. Ở Sài Gòn học cái gì cũng có người dạy và dạy cái gì cũng có người học, với đủ loại bằng cấp, khoá học, giá cả và chất lượng khác nhau. Nhưng có những cái nhiều khi kiếm mãi không ra mà không ai có thể hình dung nổi một điều phi lý như vậy lại tồn tại - chẳng hạn như đi tìm một cái toilet công cộng ở Sài Gòn! Xin thưa với bạn, không dễ dàng gì đâu. Lại thắc mắc: chính quyền nhiều việc quá nên quên đã đành, còn người Sài Gòn vốn rất nhạy trong kinh doanh sao không ai nghĩ đến việc kinh doanh toilet công cộng ở Sài Gòn nhỉ.

Sài Gòn - một thành phố năng động, đầy sức sống, ở đó mọi cái mới đều được tiếp nhận học hỏi rất nhanh. Những lĩnh vực nghề nghiệp mới: quảng cáo, thiết kế đồ hoạ, tổ chức event, thiết kế thời trang, hoạt động đa truyền thông… Những mặt hàng tiêu dùng, tiện nghi mới: từ các đời điện thoại di động cho đến trò giải trí hip-hop của giới trẻ… Người Sài Gòn dễ chấp nhận cái mới và cũng dễ chấp nhận sự đa dạng, khác nhau trong quan điểm, cách sống cách nghĩ của người khác. Một quan chức, một người trí thức, và một anh đạp xích lô có thể ngồi bằng vai phải lứa với nhau trong cuộc nhậu, tranh luận với nhau và nếu ý kiến có khác nhau thì “cũng có sao đâu”. Tinh thần phóng khoáng dân chủ đó là một nét đáng quý của người Sài Gòn. Cảm nhận chung về Sài Gòn còn là một thành phố có đầy đủ những chuẩn mực của một thành phố hiện đại: điện thoại di động và internet được sử dụng ở khắp mọi nơi, dẫu rằng có những mặt tiêu cực của nó. Dưới cái nhìn của số đông bây giờ, giá trị của một con người nhiều khi không nằm ở nhân cách, tri thức thực sự của người đó mà mà lại được xét trên giá trị cái điện thoại di động họ đang dùng, chiếc xe họ đang đi, hay ngôi nhà họ đang ở! Lớp học tiếng Anh mở ra ở khắp nơi, gần 50% người Sài Gòn có thể giao tiếp bằng tiếng Anh, nhất là ở những khu phố thường xuyên có người nước ngoài như khu phố Tây balô trên đường Phạm Ngũ Lão, Bùi Viện. Và trên hết là sự luân chuyển rất nhanh của đồng tiền - cũng là một tiêu chuẩn của một thành phố hiện đại.

Nhưng tất cả những cảm nhận đó cũng chỉ là Sài Gòn bề nổi mà thôi. Sài Gòn mang trong lòng nó một chân dung khác hẳn, những vẻ đẹp khác hẳn mà chỉ khi ở lâu tại thành phố này người ta mới cảm nhận được.

2. Sài gòn bề sâu. Sức sống thật sự của Sài Gòn. Tính cách, đời sống nội tâm của con người Sài Gòn.

Sài Gòn không chỉ là những buiding mới xây, những nhà hàng, vũ trường, khu ăn chơi hào nhoáng… Sài Gòn cũng không chỉ là một bề mặt đang bộn bề ngổn ngang. Sài Gòn còn là đời sống vỉa hè muôn mặt, là những con hẻm nhỏ ngoằn ngoèo, những khu xóm lao động bên kênh rạch hay nằm sâu trong khu vực Chợ Lớn, quận 6, quận 8, quận 11… nơi những người dân lao động cần cù chạy ăn từng bữa, cần cù làm ra đủ loại sản phẩm, vật dụng nho nhỏ khác nhau cho thành phố.

Nếu nước Mỹ vẫn được gọi là một “melting-pot của thế giới” thì Sài Gòn, có thể gọi là một “melting-pot của Việt Nam” và sức sống thực sự của Sài Gòn nằm trong cái đặc điểm này, được thể hiện ngay từ “diện mạo” kiến trúc bên ngoài. Sài Gòn là nơi hội tụ của rất nhiều phong cách kiến trúc khác nhau - có thể tìm thấy ở Sài Gòn, những toà nhà dinh thự mang bản sắc kiến trúc Đông Dương do người Pháp xây dựng từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 như Nhà thờ Đức Bà, UBND thành phố, Bảo tàng Cách mạng, trường Marie-Curie, Nguyễn thị Minh Khai, Lê Quý Đôn, Lê Hồng Phong…, những khu chùa cổ rất đặc trưng của người Hoa, người Ấn, những công trình kiến trúc do các kiến trúc sư người Việt thiết kế những năm 60-70 vừa hiện đại vừa rất Á Đông và đặc biệt phù hợp với khí hậu của một xứ nhiệt đới như Dinh Độc Lập, Thư viện Tổng Hợp, Trường Đại Học Y Khoa, trung tâm IDECAF… cho đến những công trình, nhà ở có kiến trúc hiện đại mới xây sau này… Đi sâu vào đời sống muôn mặt của Sài Gòn, càng thấy rõ tính chất “melting pot” đó - thành phố dung nạp tất cả, thâu nhận tất cả mọi nguồn nhân lực đến từ mọi nơi trên đất nước, tạo cơ hội bằng nhau cho tất cả mọi người. Có thể kể ra rất nhiều con người gốc gác từ nơi khác, đã đến kiếm sống, lập nghiệp và thành danh trong nhiều lĩnh vực khác nhau tại Sài Gòn, đặc biệt là trong lĩnh vực văn học nghệ thuật. Kể từ sau năm 1975 cho đến nay, dòng thác người từ ngoài Bắc nói chung và từ Hà Nội tiếp tục đổ vào Sài Gòn - dân nghèo ở nông thôn, tỉnh lẻ thì vào Sài Gòn lao động kiếm sống, tạo thành từng nhóm đồng hương cùng làm một nghề như bán mì gõ, đậu hũ gánh, bắp xào…, người Hà Nội thì vào Sài Gòn mở công ty tư nhân, giới văn nghệ thì tìm công danh trên con đường ca hát, làm người mẫu, đóng phim…

Sức sống của Sài Gòn được tạo nên còn bởi vì không một nơi nào khác ở VN có một khu vực kinh tế tư nhân mạnh mẽ như ở đây và một cơ chế xã hội hóa được thực thi nhanh chóng nhất, hiệu quả nhất như ở đây.

Sài Gòn là đất hội tụ. Người Sài Gòn từ lâu đã quen với việc chung sống hoà bình giữa những người tạm gọi là khác xứ, khác quê. Do vậy người Sài Gòn có tính cách cởi mở, không bảo thủ, dễ hoà đồng, bình dân, hào phóng, rộng rãi. Người Sài Gòn gần như luôn luôn đi đầu trong mọi phong trào có tính cách xã hội từ thiện - từ một trường hợp thương tâm được đưa lên báo, một hoàn cảnh cần được giúp đỡ, một sinh viên cần được tiếp sức đến trường, cho đến lũ lụt ở miền Trung, thiên tai ở đâu đó, hay phong trào ký tên vì công lý, vì các nạn nhân chất độc màu da cam… Bên dưới cái vẻ bề ngoài như vô tình không ai để ý đến ai của người Sài Gòn - rất dễ làm chạnh lòng những người nhập cư mới đến Sài Gòn, người Sài Gòn bao giờ cũng mau mắn, sẵn lòng chia xẻ nỗi đau của người khác. Nhưng người Sài Gòn cũng hời hợt mau quên. Cả nỗi đau lẫn sự bất công, mới hôm qua còn làm người ta đau đớn bừng bừng phẫn nộ thì ngày hôm sau, cuộc sống bộn bề đã cuốn người ta đi. Cái sự mau quên đó còn thể hiện ngay trong thái độ với chính những giá trị tài sản vật chất lẫn tinh thần của Sài Gòn mà các thế hệ đi trước đã tạo dựng nên và để lại - như người ta sẵn sàng đập bỏ không thương tiếc những khu nhà, biệt thự xưa để xây lên những công trình mới chẳng hạn. Cộng thêm cái thói nghĩ ngắn mà không nhìn xa trong kiến trúc quy hoạch và nhiều mặt khác của giới lãnh đạo đã tạo nên hệ quả một thành phố bộn bề, ngổn ngang, chắp vá như hiện tại.

Trong đời sống văn hóa nghệ thuật của Sài Gòn, có một bề nổi với những tụ điểm ca nhạc tràn ngập loại nhạc trẻ, nhạc “thời trang”, những quán bar phòng trà, sân khấu tấu hài lẫn chính kịch vẫn sáng đèn đêm đêm, những show diễn thời trang, các cửa hàng sách vẫn đầy ắp sách mới in các loại, là những tác phẩm văn học “chính thống” hay “lề phải” được công nhận bởi nhà nước… Và có một đời sống văn hoá nghệ thuật khác, lặng lẽ, âm thầm sinh sôi và tồn tại, nhưng phong phú, hiện đại và rất dữ dội. Đó là những tác phẩm văn học nghệ thuật “ngoài luồng” hay “lề trái”, với những nhà thơ, nhà văn, hoạ sĩ… mà tác phẩm của họ không (hoặc chưa) thể công bố rộng rãi, chỉ trong giới biết với nhau hoặc chỉ xuất hiện trên mạng internet, ở bên ngoài nước. Đó là những Cung Tích Biền, Nguyễn Viện, Trần Tiến Dũng, Thận Nhiên, Nguyễn Quốc Chánh, Lý Đợi, Bùi Chát v.v…

Cũng chỉ có Sài Gòn mới có những nhà xuất bản “ngoài luồng” theo kiểu người sáng tác tự in, tự xuất bản như nhà xuất bản Giấy Vụn của nhóm Lý Đợi-Bùi Chát, nhà xuất bản Cửa của nhóm Trịnh Cung, nhà xuất bản Gió của nhạc sĩ Tuấn Khanh… Ở đây, một lần nữa, người ta lại bắt gặp cái tính chất giao thoa, “melting pot” trong đời sống vật chất lẫn văn hoá tinh thần của Sài Gòn. Văn chương hội hoạ của Sài Gòn (và của miền Nam) may mắn có được sự giao thoa giữa nhiều luồng nhiều dòng khác nhau - dòng miền Nam trước 1975, dòng miền Bắc trước 1975, dòng văn chương nghệ thuật thống nhất sau 1975, dòng văn học nghệ thuật hải ngoại sau 1975…

3. Sài Gòn trong tôi

Người nước ngoài mới đến Sài Gòn có thể thấy thành phố này sao mà xô bồ, hỗn độn. Nếu so với Hà Nội có cây, hồ, phố cổ… hay Huế có thiên nhiên tĩnh lặng, lăng tẩm phai màu thời gian… Sài Gòn dường như không có gì để nhớ. Và cũng thật khó cho người dân Sài Gòn mỗi lần có khách phương xa đến chơi, xin được giới thiệu những thứ và nơi “chỉ Sài Gòn mới có”. Tôi đã nhiều lần rơi vào tâm trạng như vậy. Bởi cái đẹp của Sài Gòn là nằm trong sức sống của thành phố, trong tính cách, văn hóa, lối sống… của con người Sài Gòn, là những cái mà phải sống và gắn bó với thành phố này mới cảm nhận được. Chỉ riêng từ sau 1975 đến nay, chính thành phố này đã luôn luôn là nơi đi tiên phong trong mọi đổi mới về kinh tế cho đến mọi hình thức “cởi trói”, xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ, chính thành phố này đã thường xuyên gánh vác vai trò đầu tàu về kinh tế, đóng góp nhiều nhất vào ngân sách quốc gia, đi đầu trong những phong trào từ thiện, cứu trợ, là vùng đất mở, đất hứa cho bao nhiêu thế hệ trong Nam ngoài Bắc tìm đến sinh sống, thành đạt lẫn thành danh. Nhưng thành phố này cũng chịu nhiều thiệt thòi. Bởi Hà Nội là thủ đô nên trong các chủ trương đầu tư, xây dựng, mở rộng, nâng cấp… đều phải được ưu tiên trước, điều đó đã hẳn. Ngay trong khía cạnh “tinh thần”, thành phố dường như cũng chưa được ứng xử một cách công bằng. Một ví dụ nhỏ: có rất nhiều bài hát, bài thơ, tác phẩm văn học, hội họa, phim tài liệu… nói về Hà Nội, Huế… nhưng chả có mấy tác phẩm như vậy về Sài Gòn.

Mang một món nợ tinh thần với thành phố, đã có vài lần tôi và một vài người bạn trong giới văn nghệ muốn làm một cái phim tài liệu về Sài Gòn. Về diện mạo Sài Gòn. Văn hóa Sài Gòn. Con người Sài Gòn. Tính cách Sài Gòn… Bằng cái nhìn của người Sài Gòn, thương yêu và đau lòng trước những thay đổi, mất mát, biến dạng… của Sài Gòn và của những con người Sài Gòn hôm nay. Nhưng rồi vì rất nhiều lý do - trong đó có lý do cái nhìn và cách đặt vấn đề của chúng tôi về Sài Gòn đã tạo nên sự e ngại của những quan chức văn nghệ trong việc xét duyệt đề tài. Cho đến khi chúng tôi buộc phải chuyển sang phim tài liệu truyền hình nhiều tập, làm giảm nhẹ vấn đề, chuyển sang tính chất văn hóa lịch sử nhiều hơn thì cái đề cương đó mới được thông qua. Nhưng chưa kịp triển khai thì lại xảy ra vụ tôi “có vấn đề về chính trị” theo quan điểm của các vị công an PA25 (tức công an văn hóa), mọi dự án phim tài liệu, phim truyện đang hoặc sắp thực hiện liền bị ngừng lại. Hình như sau này khi tôi đã ra đi, ở cái đài truyền hình nơi chúng tôi đã giao đề cương phim tài liệu về Sài Gòn, người ta vẫn tiếp tục thực hiện một phim tài liệu về Sài Gòn, nhưng với một ê-kíp khác, và tất nhiên, với một cái nhìn khác, quan điểm khác.

Bây giờ tôi đã xa Sài Gòn. Món nợ với thành phố như vậy là chưa trả được và cũng không biết đến bao giờ trả. Mỗi lần có dịp ghé qua những thành phố xinh đẹp của nước người, nhớ về cái bộn bề, ngổn ngang, chắp vá, cùng vô vàn những cái phản thẩm mỹ, phi văn hóa… đang tồn tại của Sài Gòn - hệ quả của sự yếu kém, vô trách nhiệm của giới lãnh đạo, quản lý thành phố nói riêng và của cả một thể chế chính trị xã hội nói chung gây nên, chỉ còn biết thở dài… Sài Gòn ơi!

Song Chi
8.7.2010.
Blog EntryFeb 21, '10 9:34 PM
for everyone
TTCT - Có ai còn nhớ ngay trên đường Đồng Khởi - con đường sang trọng nhất Sài Gòn - từng có một công viên? Đó là một “vườn treo” bồng bềnh trên con dốc góc Đồng Khởi - Lê Thánh Tôn.
Vốn dĩ, Sài Gòn là một thành phố có rất ít những con dốc, có lẽ vì vậy người Pháp đặt ở đây một công viên để càng làm tăng dấu ấn của con dốc này - một chút lãng mạn hoài niệm đồi Montmartre ở Paris chăng?
Trên “vườn treo” có hàng cổ thụ rất Việt Nam, hàng thông xanh và bãi cỏ xanh rất Tây. Có tiếng chim và hoa, có ghế đá và những chiếc dù điểm xuyết đây đó đem đến cho khách cảm giác lâng lâng, thư thái. Ngồi chơi trong công viên này từ một góc không gian tĩnh lặng, ta có thể ngắm nhìn dòng đời nhộn nhịp trôi qua. Có thể “nháy mắt” chào tháp nhà thờ Đức Bà cao vút, chào vẻ uy nghi của tòa thị chính quen thuộc.
Với du khách đang dạo bước khám phá những cửa hiệu san sát trên con đường một thời nổi tiếng với tên gọi quý phái “Catinat” thì công viên bỗng hiện ra như một điểm dừng thú vị bất ngờ. Với những người làm việc công sở gần đấy, hẹn nhau uống cà phê hay ăn trưa ở công viên rất thú vị mà không quá cao sang.
Mai đây mảng xanh ở góc phố này liệu có còn không? Không?... - Ảnh: P.T.
Chiều tối đến, tại sân khấu nhỏ giáp bờ tường ngôi công thự Sở Giáo dục - đào tạo, thỉnh thoảng lại có hòa nhạc, có văn nghệ thu hút đông người xem. Nhất là dịp Noel và tết, nơi đây sáng choang đèn, đông vui người lớn và trẻ em đến chụp ảnh.
Tôi nhớ ở gần một bậc thang, lối lên công viên, nơi bờ tường ốp đá tảng theo kiểu tổ ong, có một tấm bảng bằng gang khắc dòng chữ kỷ niệm ngày khai trương công viên này. Đó là năm 1924!
Lạ thật, vào năm ấy Catinat - con phố số 1 của Sài Gòn “Hòn ngọc Viễn Đông” - tấp nập các cửa hàng, khách sạn. Thời đó kinh tế đang phồn thịnh, giá đất giá nhà cao chót vót không kém bây giờ nhưng người ta vẫn giữ miếng đất ở con dốc này làm công viên. Vẫn giữ “vườn treo” cho con phố thương mại có thêm nét đẹp nhân văn. Vẫn giữ cho giới trẻ Sài Gòn thêm một địa chỉ dạo chơi và hẹn hò. Sau năm 1954, công viên đó đổi tên là Chi Lăng, cái tên hào hùng, càng thêm ấn tượng khó quên.
Vậy mà, bây giờ công viên ấy đâu rồi? Chỉ mới hơn một năm thôi, công viên Chi Lăng đã... bay lên trời. Nguyên một khu phố lớn ba mặt đường, bao gồm cả công viên Chi Lăng và ngôi công thự Sở Giáo dục - đào tạo bị quây lại sau hàng rào. Người ta tưởng như công viên được tu bổ nhưng không, tất cả được phá ra, đào xới trở thành công trường của cao ốc Vincom khổng lồ.
Nhìn hình phối cảnh cao ốc lộng lẫy được treo ở hàng rào, người ta có thể thấy hay lạ. Song, để ý kỹ thì có thể nhận ra gò đất ngày trước, “vườn treo” ngày trước nay được san bằng trở thành một cái sân mênh mông bên ngoài cao ốc. Nghe nói dưới mặt bằng sân là một khu shopping ngầm băng tới thương xá Eden. Hay đấy, nhưng công viên đâu rồi? Hàng cây cổ thụ, cây thông, bãi cỏ xanh, những chiếc ghế đá, sân khấu nhỏ liệu có được dựng lại?
Người dân Sài Gòn không cho phép xóa đi cuộc sống của một công viên xanh và nhân văn để thay bằng một cái sân bêtông cho dù nguy nga, tráng lệ; không cho phép đánh đổi một “vườn treo” tự nhiên rộng mở để lấy một “đại sảnh” lộng lẫy phụ trợ cho tòa cao ốc.
Những ngày cuối năm 2009, tòa nhà Vincom đã bắt đầu quảng cáo trên báo rằng đây là cao ốc văn phòng cho thuê và trung tâm mua sắm có hai mặt tiền. Tuy vậy chúng ta vẫn hi vọng rằng công viên 86 năm tuổi kia, một dấu tích đẹp của thế hệ trước sẽ được khôi phục nguyên trạng.
PHÚC TIẾN
Blog EntryFeb 14, '10 2:35 PM
for everyone
Người thì chụp hình, quay phim, cầu nguyện, các cặp tình nhân trao nụ hôn ngọt ngào như món quà ý nghĩa cho ngày 14/2...Đó là hình ảnh của hàng chục nghìn người dân TP HCM trong thời khắc ngắm pháo hoa đón năm Canh Dần.
Hàng vạn người đã phải giành chỗ ngồi chờ đợi trước 3-4 giờ trước khi pháo hoa được bắn tại bến Bạch Đằng. Nhiều xe tải chạy vào đường Tôn Đức Thắng bị tắc gần 2 giờ sáng.
Và khi thời khắc chuyển giao năm mới đến, màn pháo hoa kéo dài 15 phút rực sáng trên bầu trời làm thỏa mãn công sức chờ đợi mòn mỏi của mọi người.
Mọi người đều tranh thủ chụp, quay lại màn pháo hoa rực sáng trên bầu trời và những lời cầu nguyện cho năm mới.
Các đôi bạn trẻ yêu nhau bất ngờ trước món quà ý nghĩa của ngày 14/2 khi có pháo hoa hình trái tim được bắn ra.
Và không thiếu những nụ hôn đã được trao trong ngày thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới.
Trước đó, một số Lễ hội khác như múa lân, xiếc, chú cọp và ông thần tài đi cà kheo cũng diễn ra ở UBND TP HCM và các tuyến đường trung tâm.
An Nhơn
TTO - Đúng 19g ngày 11-2 (28 tết), đường hoa Nguyễn Huệ đã chính thức khai mạc đón du khách trong và ngoài nước đến thưởng lãm.

Tượng hổ ở một góc đường hoa Nguyễn Huệ - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Trước khi lễ khai mạc chính thức bắt đầu các con đường đổ về đường hoa Nguyễn Huệ đã chật kín người, một số bãi giữ xe không còn chỗ. Mọi người đổ dồn về khu bùng binh cây liễu trước cửa UBND TP.HCM, đường Lê Lợi... ngóng chờ đường hoa mở cửa.
19g phần khai mạc đường hoa Nguyễn Huệ bắt đầu. Mở màn là phần trình diễn múa của Nhóm thiếu nhi Sido trong trang phục áo dài truyền thống, tóc thắt kiểu tiểu đồng, nhảy múa trên phần nhạc bài Ngày tết quê em của cố nhạc sĩ Từ Huy.
Chia sẻ cảm xúc của mình tại buổi khai mạc Phó chủ tịch UBND TP.HCM - Trưởng ban chỉ đạo Lễ hội Tết Canh Dần 2010 - Nguyễn Thành Tài tuyên bố: "Đêm nay mọi người đang có mặt ở sự kiện này trong niềm vui hạnh phúc của sự sum vầy, với bao yêu thương, sẻ chia, đùm bọc, với nỗi khát khao chờ đón được đắm mình trong giây phút được đắm mình trong không gian lễ hội, trong không gian đường hoa xuân Canh Dần với tên gọi xuân Bình Minh".
Theo ông, Xuân Bình Minh không chỉ là ước vọng, nỗi khát khao mà còn là ý chí, niềm tin vào tương lai tiền đồ tươi sáng của dân tộc là sự lạc quan yêu đời, vững vàng trước những gian lao thử thách, là ý chí, là niềm tin của tất cả mọi người.
Trong không khí đó, đường hoa không chỉ là nơi hội tụ của ngàn hoa tươi thắm, của sắc hoa hé lộ của mùa xuân tới mà còn là thông điệp gửi gắm với biết bao yêu thương, ý chí, quyết tâm của tấ cả mọi người xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh, TP.HCM văn minh hiện đại và giàu nghĩa tình.
Đúng 19g17, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân, thứ trưởng bộ Văn hóa thể thao và du lịch Huỳnh Vĩnh Ái, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài, Giám đốc sở Văn hóa thể thao du lịch TP.HCM Nguyễn Thành Rum, Ông Lê Văn An - chủ tịch HĐQT Saigontourist, ông Nguyễn Hữu Thọ - Tổng giám đốc Saigontourist, bà Phạm Phương Thảo - Chủ tịch Hội đồng Nhân dân TP.HCM, và đại diện các nhà tài trợ cùng tiến lên sân khấu, đặt tay vào cánh cửa, tiến hành nghi thức mở cửa trong tiếng đếm ngược từ 10 đến 1 và tiếng trống rộn ràng…
Đường hoa Nguyễn Huệ đã mở cửa cho mọi người tham quan.
Bà Lê Vân Mây đi cùng gia đình từ quận 2 - một trong hàng ngàn người dân đầu tiên tham quan đường hoa Nguyễn Huệ - chia sẻ: "Tôi hồi hộp, náo nức và cảm thấy không khí mùa xuân đang đến rất gần".
Anh Quang Việt từ quận Gò Vấp kể anh đến đường hoa rất sớm sau một thời gian đi công tác ở Hà Nội: "Háo hức mong muốn trở về TP.HCM thật sớm để có thể tham quan đường hoa. Tôi cảm thấy tự hào, đường hoa năm nay đẹp hơn mọi năm và quy mô rất lớn”.
Hàng ngàn người bước vào con đường Nguyễn Huệ giờ đã trở thành một rừng hoa rực rỡ với hàng trăm ngàn chậu hoa đang khoe sắc.
Đường hoa Nguyễn Huệ sẽ mở cửa 7 ngày, từ nay đến 22g ngày 17-2 (mùng 4 tháng Giêng Âm lịch).
Một vài hình ảnh đường hoa Nguyễn Huệ trong đêm khai mạc:

Tiết mục múa hoa Xuân và trống hội khai mạc đường hoa Nguyễn Huệ (Ảnh chụp tối 11-2 tại Q.1, TP.HCM) - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Các lãnh đạo TP.HCM vui vẻ mở cánh cửa khai mạc đường hoa từ tối 28 tháng Chạp đến mùng 4 Tết - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Lãnh đạo TP.HCM tham quan đường hoa - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Hình tượng Bạch Hổ xuân Canh Dần giữa đường hoa - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Người dân TP.HCM tham quan, vui chơi sau giờ khai mạc đường hoa Nguyễn Huệ - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Đường hoa Nguyễn Huệ nhìn từ trên cao - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Sau lễ khai mạc lúc 19g tối 11-2 (28 tết), đường hoa Nguyễn Huệ trở nên nghẹt thở với hàng ngàn du khách ào ạt tràn vào ngắm hoa. Thay vì được ngắm hoa, du khách phải chịu cảnh chen lấn, xô đẩy. Nhiều người già, em bé chịu không nổi phải tìm lối thoát ra ngoài. Nhiều người nô nức đứng đợi khá lâu trước giờ khai mạc để được vào ngắm hoa nhưng cuối cùng cũng ngán ngẩm quay về.
Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online:
>> Đường hoa Nguyễn Huệ tưng bừng sắc xuân

Toàn cảnh đường hoa Nguyễn Huệ sau giờ khai mạc

Một em bé thay vì được tung tăng ngắm hoa cùng gia đình thì bị mắc kẹt giữa đám đông
Dòng người ào vào đường hoa Nguyễn Huệ sau lễ khai mạc
Phải chịu cảnh chen lấn nên cũng chẳng mấy du khách còn tâm trạng thưởng ngoạn những cảnh đẹp của đường hoa nữa
Du khách chỉ còn chụp hoa chứ không còn không gian để chụp hình kỷ niệm cùng hoa
Nhiều gia đình có con nhỏ phải nhảy lên vỉa hè tránh cảnh chen lấn
Hy vọng sau những háo hức ban đầu, người dân TP.HCM có không gian thoáng đãng cả ngày để thưởng thức vẻ đẹp của đường hoa Nguyễn Huệ
 LÊ NAM - Ảnh: HOÀNG THẠCH VÂN
Chùm ảnh của THUẬN THẮNG
Blog EntryFeb 10, '10 8:30 PM
for everyone


Hoa tulip giữa nắng xuân Sài Gòn
Hội hoa xuân tại công viên Tao Đàn (TP HCM) năm nay gây ấn tượng bởi sự xuất hiện của tulip, được xem là quốc hoa của Hà Lan. Hình ảnh do bạn Giang Vỹ Hùng chia sẻ.
Hương thơm thoảng thoảng bay theo gió xuân.
Giang Vỹ Hùng
VnExpress
SGTT - Những ngày này, chủ nhà vườn, thương lái ở khắp nơi hối hả đưa hoa, kiểng về TP.HCM. Năm nay, thị trường xuất hiện khá nhiều loại hoa, kiểng mới lạ, hấp dẫn nên giá dự kiến sẽ tăng hơn năm ngoái.
Thị trường hoa tết tại bến Bình Đông vẫn chưa vào thời điểm nhộn nhịp. Ảnh: Lê Hồng Thái
Chỉ còn chờ người mua
Dọc đường Trần Xuân Soạn, chân cầu Tân Thuận 2, phường Tân Thuận Tây, quận 7, đi đến đâu cũng thấy nhà vườn từ các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp… hối hả đưa hoa, kiểng từ dưới ghe lên xếp ken kín cả vỉa hè. Theo quan sát, loại mai dão 12 cánh dạng kiểng bonsai được nhà vườn đưa lên nhiều nhất với đủ kích cỡ, giá từ 200.000 đồng/chậu đến 4,5 triệu, thậm chí có chậu giá lên đến 10 triệu.
Ở những khu vực bán hoa, những ngày qua đã khá nhiều khách tới lựa chọn, tham khảo giá. Anh Lê Đình Phúc, chủ nhà vườn ở Châu Thành, Bến Tre ngồi bệt xuống vỉa hè nền ximăng, tay cầm chiếc bàn chải đánh răng cứ liên tục nhúng vào xô nước rồi lại đưa lên chà đi xát lại từ gốc đến nhánh từng cây mai bonsai.
Chỉ tay vào xô nước đen ngòm, anh Phúc giải thích: “Đó là rong rêu, đất, bụi bám vào thân cây mai sau những lần chăm sóc xịt thuốc, bón phân. Việc kỳ cọ sạch sẽ vừa để làm đẹp, vừa ngăn ngừa bệnh nấm phát sinh trên cây mai”. Số mai này, khoảng hơn trăm chậu được anh Phúc chở ghe lên từ một tuần nay, những ngày này anh phải “tuốt” lại cho thật ưng mắt để bán tết.
Bến Bình Đông (quận 8) những ngày này cũng tấp nập ghe chở hoa, kiểng từ các tỉnh miền Tây về. Khảo sát thấy mai vẫn là loại kiểng bonsai chiếm phần đa số, mỗi chậu có giá từ 60.000 – 500.000 đồng, thậm chí hàng chục triệu đồng. Kế đến là các loại hoa như cúc mâm xôi giá khoảng 40.000 đồng/chậu, cúc đại đoá 70.000 đồng/cặp; ớt kiểng trái dài đủ màu sắc, giá 10.000 đồng/chậu; phước lộc thọ có trái màu đỏ trông lạ mắt, giá khoảng 60.000 đồng/chậu; hồng lộc có đọt màu đỏ giá 30.000 đồng/chậu. Đặc biệt tại gian hàng của ông Luỹ (Cái Mơn, Bến Tre) có bán cây đu đủ trái vàng của Đài Loan, giá khoảng 1 triệu đồng/cây.
Ông Luỹ cho biết, có thâm niên bán cây kiểng tết tại bến Bình Đông từ hơn chục năm nay. Ông nói năm nào cũng vậy, cứ vào khoảng rằm tháng chạp là ông lại khăn gói lên Sài Gòn bán kiểng. Hành trang của ông là vài trăm cây kiểng các loại được chất đầy lên chiếc ghe tải trọng khoảng ba tấn rưỡi. Bán hết thì thu được khoảng vài chục triệu.
Con đường Châu Văn Liêm (quận 5) cũng đang bắt đầu nhộn nhịp chuẩn bị cho chợ hoa. Chợ hoa trên đường này có những loại hoa mà một số nơi khác không có. Hoa đào có xuất xứ Hà Nội giá từ 300.000 – 500.000 đồng/gốc. Đi ngược lên quận 10, cả khúc đường Thành Thái ngập tràn không khí mùa xuân với các loại hoa trái thi nhau khoe sắc. Trên đoạn đường này, mai và lan chiếm chủ yếu. Các gốc mai cũng có xuất xứ từ các tỉnh miền Tây. Lan các loại có giá từ 50.000 – 250.000 đồng/chậu. Điểm bắt mắt nhất của chợ hoa Thành Thái là những cây quýt Đài Loan trĩu quả vàng rực. Người bán giới thiệu, quýt này mọng nước và khá ngọt, giá mỗi chậu tuỳ theo lớn nhỏ từ 1 – 4 triệu đồng. Ngoài ra còn có tắc từ Hà Nội với lủng lẳng quả vàng cũng không kém cạnh. Loại hình dáng bình thường có giá từ 400.000 – 800.000 đồng/chậu, dạng bonsai có giá khá cao từ 1.500.000 – 4.500.000 đồng/chậu.
Thêm nhiều loại mới, giá tăng
Nhiều loại hoa ngoại nhập
Theo bà Cao Thị Hiền, phụ trách tiếp thị công ty Dalat Hasfarm, thị trường hoa nhập khẩu còn có thêm chủng loại nhập khẩu từ Hà Lan, Nam Phi, Hàn Quốc như: đầu xuân, diên vĩ, lan Nam Phi, lan dạ hương, sao Belem, lily cánh bướm, sao Hà Lan, thanh liễu giá chỉ 20.000 – 80.000 đồng/cành...
Vào trước dịp tết năm nay đã có một đợt áp thấp bất thường làm nhiệt độ giảm và mưa kéo dài nên hoa chậm nở, nhiều nhà kinh doanh hoa lo ngại sản lượng năm nay sẽ thiếu hụt, và giá hoa sẽ cao hơn năm ngoái từ 5 – 10%. Riêng hoa địa lan, theo thông tin từ hiệp hội hoa Đà Lạt, thì năm nay loại hoa này nở sớm đồng loạt, nên dịp tết sẽ còn ít hơn. Nhiều khách ưa chuộng loại hoa này đã tranh thủ đặt hàng trước tại một số cửa hàng hoa lớn, uy tín để có hoa cho dịp tết này.
Mặc dù dự báo tăng giá, nhưng cho đến thời điểm này, hầu hết nhà vườn cho hay thị trường vẫn chưa có biến động nhiều. Cửa hàng Sơn Hải Hoa, Tân Thuận Tây, quận 7 cho biết: “Năm nay sức tiêu thụ đến khá chậm. Đến thời điểm này vẫn chưa có nhiều người mua, nhà vườn chỉ còn trông chờ vào tuần cuối cùng giáp tết”.
Năm nay, ngoài một số hoa nội, thị trường còn xuất hiện khá nhiều loại hoa mới lạ, điển hình như lan Hồ Điệp, Hoàng Lan tông màu trắng nhập khẩu từ Đài Loan, giá từ 170.000 – 250.000 đồng/chậu; trong khi Hồ Điệp nội chỉ có giá 115.000 – 150.000 đồng/chậu. Giới kinh doanh khẳng định người không am hiểu về hoa lan rất khó nhận biết đâu là Hồ Điệp nhập khẩu hay trồng nội địa. Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ thì sẽ thấy lan nhập khẩu bông to hơn, khi nở vẫn còn nụ, còn lan trong nước hoa nở bung hết nụ, lá to hơn... Lan nhập khẩu từ Thái còn có giống Lan Hoàng Lan, theo dạng cắt cành.
Một loại hoa mới lạ khác là đỗ quyên, giá từ 40.000 – 230.000 đồng/giỏ nhập từ Trung Quốc. Tuy giá rẻ nhưng chất lượng thường kém do vận chuyển xa, trữ kho lâu ngày.
Hoàng Bảy – Minh Cú

Tại TPHCM, tình trạng dán tờ rơi, viết vẽ quảng cáo tràn ngập các trụ đèn, cột điện, vách tường... dọc đường phố đã tác động xấu đến mỹ quan đô thị nhiều năm nay nhưng không thấy cơ quan nào xử lý

Dọc các tuyến đường ở TPHCM, những trụ điện, vách tường đều bị dán chi chít các mẫu quảng cáo, rao vặt, môi giới, số điện thoại với vô số loại hình dịch vụ như khoan cắt bê tông, rút hầm cầu, thuốc chữa yếu sinh lý... đã làm mất mỹ quan đô thị, gây ra hình ảnh phản cảm trong mắt người dân và du khách.

Trụ điện trên đường Tân Kỳ Tân Quý (quận Tân Phú-TPHCM) bị dán chi chít các tờ quảng cáo

Chỗ nào cũng quảng cáo

Đường Trần Nhân Tôn, Trần Bình Trọng (Q.10), An Dương Vương (Q.5), Tân Kỳ Tân Quý (Q.Tân Phú)... hầu như không có trụ điện nào sạch sẽ mà đều bị dán những tờ quảng cáo, rao vặt. Tại trụ điện trên đường Trần Bình Trọng (Q.10), có rất nhiều tờ quảng cáo được dán lên, nào là trung tâm gia sư, nhận dạy kèm tại nhà... Kế đó là tờ giấy ghi dịch vụ rút hầm cầu, liên hệ điện thoại số 090..., rồi nhà bán gấp, liên hệ 0912... Nhiều tờ quảng cáo đã ố vàng, có tờ bị xé nửa, cũng có tờ còn mới toanh.

Không chỉ trụ điện, tại những bức tường dọc hai bên đường cũng làm nơi quảng cáo. Đường Tô Hiến Thành (Q.10) bị bôi xịt sơn trông rất nhếch nhác với các nội dung: cần bán gấp nhà, công ty chuyển chỗ, cấm tiểu bậy... Chị Nguyễn Thị Bích sống gần đó bức xúc: “Ban đầu, bức tường rất sạch đẹp nhưng giờ thì quá nhếch nhác vì chi chít những mảng sơn xịt, giấy quảng cáo. Tôi đã nhiều lần lột bỏ nhưng cứ qua một đêm là tình trạng lại như ngày hôm trước”.

Tại các tuyến đường khác như Kinh Dương Vương (Q.Bình Tân), Điện Biên Phủ (Q.3), Nơ Trang Long (Q.Bình Thạnh)... cũng nhan nhản các tờ rơi quảng cáo đủ màu sắc trên cột điện, vách tường.

Tại các trạm xe buýt, bờ rào quanh các công trường cũng dán rất nhiều tờ rơi quảng cáo từ gia sư, việc làm đến bán điện thoại, máy tính, hình người mẫu, ca sĩ và cả khoan cắt bê tông, sửa tivi tận nhà.

Những kiểu quảng cáo, rao vặt này không tốn nhiều kinh phí nên thường được sử dụng. Chỉ cần một ít sơn hoặc một tờ giấy khổ 20 x 25 cm là có ngay một mẫu quảng cáo. Vì vậy, ngày càng có nhiều mẩu giấy, sơn được dán chồng chất lên trụ điện, trạm xe buýt... Những mẩu giấy được dán lâu ngày bị hoen ố, bong ra, tạo nên hình ảnh nhếch nhác trên đường phố.

Các mẩu sơn mưa không trôi, nắng không phai, làm cho vách tường nhà dân, công ty, nhà máy... bị ố bẩn. Nhiều người đã lên tiếng về tình trạng này, song lâu nay nó vẫn tiếp diễn mà không thấy ai đứng ra giải quyết. Trên tất cả các mẫu quảng cáo, rao vặt đều có số điện thoại liên lạc, do đó, không mấy khó khăn để tìm ra “ thủ phạm” xả rác.

Cần phạt nặng

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Trưởng Ban Tuyên truyền Hội Luật gia TPHCM, cho biết theo quy định tại điều 50 Nghị định số 56/2006/NĐ – CP ngày 6-6-2006 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa thông tin, đối với hành vi quảng cáo số điện thoại, địa chỉ của người làm dịch vụ không đúng nơi quy định; viết, vẽ, quảng cáo lên tường, gốc cây, cột điện và các vật thể khác làm mất mỹ quan đô thị, cảnh quan môi trường thì bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng; phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng; đối với mỗi áp phích, tờ rơi, tờ gấp quảng cáo không đúng nơi quy định... và xử phạt đối với nhiều hành vi vi phạm về quảng cáo khác.

Theo đó, chủ tịch UBND các cấp, thanh tra viên, chánh thanh tra chuyên ngành các cấp của các ngành liên quan đến lĩnh vực văn hóa - thông tin có quyền xử phạt đối với các hành vi nêu trên theo thẩm quyền được pháp luật quy định.

Ông Hậu cho biết thêm, với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam hiện nay, để thực hiện nếp sống văn minh, sạch đẹp như một số nước tiến bộ trên thế giới, cần sửa đổi mức phạt đối với các hành vi nêu trên theo hướng tăng mức tiền phạt.

Ngoài ra, cần tăng các hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp khắc phục hậu quả như tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính, buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra... Có như vậy, mức xử phạt mới có tác dụng răn đe và phù hợp với giai đoạn phát triển hiện nay hơn.
Bài và ảnh: Trường Hoàng
(Dân trí) - Chiều 15/1, hàng trăm bạn trẻ Sài Gòn đã tụ tập đến Nhà văn hóa Thiếu nhi Quận 5 để quan sát hiện tượng nhật thực vành khuyên dài nhất trong vòng 1.000 năm qua.
Chương trình này do Câu lạc bộ Thiên văn nghiệp dư TPHCM - HAAC tổ chức từ 14h cho đến 17h với kính thiên văn chuyên nghiệp và các loại kính bảo vệ mắt an toàn.
Anh Nguyễn Anh Tuấn, Chủ nhiệm CLB cho biết: “Ước lượng có khoảng 300 bạn đến tham gia trong buổi chiều hôm nay, trong đó có 30 bạn là thành viên các CLB thiên văn”. 
Anh Văn Tiến Dũng, một thành viên CLB nói: “Phải nói là rất tuyệt vời. Phải chi có nhiều thiết bị hiện đại để ghi lại những hình ảnh này ở nhiều góc độ. Có như vậy mới có thể chuyển tải cho mọi người cùng xem vẻ đẹp của nó, chứ diễn tả bằng lời thì không thể hiện hết được vẻ đẹp đó”.  
Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ khác than thở vì tại TPHCM chỉ quan sát được mặt trời bị che lấp chừng 1/3 nên “không đã mắt lắm”. Thời tiết chiều 15/1 cũng không thuận lợi lắm để quan sát nhật thực, vì bầu trời có nhiều mây, CLB phải di chuyển nhiều nơi, từ sân nhà văn hóa cho đến sân thượng cao ốc để quan sát. 
Lực lượng tham gia đông đảo nhất là các em học sinh trên địa bàn quận 5 đang sinh hoạt tại Nhà Thiếu nhi Quận 5. Ngoài ra còn có nhiều gia đình có con nhỏ đam mê bầu trời cũng lặn lội đưa con đến đây xem vì nghe nói CLB có thiết bị chuyên dùng để xem.
Anh Văn Tiến Dũng cảnh báo: “Chơi cái này cũng phải hiểu biết. Ngại nhất là các đơn vị truyền thông đưa tin nhiều về nhật thực nhưng ít hướng dẫn người dân cách xem an toàn”.  
Một thành viên khác cho biết là khi anh ngồi xe buýt đến địa điểm quan sát nhật thực còn nghe một phát thanh viên nói trên sóng radio là “nếu bạn đang đi trên đường, hãy dừng một lát, đeo kính râm và nhìn lên bầu trời để quan sát hiện tượng kỳ thú này”. 
Anh Dũng cho biết: “Kính râm cũng có thể xem, nhưng phải là loại kính đen, chứ kính mát hay hơi đen cũng không được”.  
Anh Tuấn cho rằng: “Nhật thực lần này diễn ra vào buổi chiều nên ánh sáng mặt trời rất chói chang, sẽ cực kì có hại cho mắt nếu chúng ta không có các phương pháp quan sát an toàn. Tuyệt đối không nhìn mặt trời nếu không qua các thiết bị bảo vệ mắt đặc biệt, vì mắt bạn có thể bị thương tật vĩnh viễn do các tia bức xạ của mặt trời”. 
 
Sau đây là một số hình ảnh bạn trẻ Sài Gòn quan sát nhật thực ngày 15/1:

Nhật thực cực đại tại TPHCM ngày 15/1 vào lúc 3h40’ (Ảnh: Tuấn Anh - thành viên HAAC)


Chăm chú và náo nức


Lớn thích



Bé cũng mê


Các cậu học trò là thích thú nhất


Thay vì hẹn hò…


Chạy lên sân thượng để có chỗ quan sát tốt


Kính quan sát “độ”


Làm khoa học là phải nghiêm túc


Cố ghi lại hình ảnh kỳ thú


Già trẻ cùng luận bàn về niềm đam mê 
Tùng Nguyên
Và đây là bằng chứng khi Bưu Điện Sài Gòn đóng dấu là Sài Gòn chứ hổng phải TP HCM như mọi khi.



Nguồn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment bằng chữ có dấu .
Không dùng chữ Việt bị biến dạng (như nhìu, dzo)