(Dân Việt) - Ước tính mỗi ngày có hàng chục tấn cua đồng được các thương lái ở Quảng Bình thu gom và chuyển lên xe ôtô đưa đi Hà Nội tiêu thụ. Trong số cua đồng này phần lớn đều được đánh bắt bằng thuốc trừ sâu...
40.000 đồng/kg cua đồng
Như
đã đề cập ở bài trước, sau một đêm trắng đánh bắt cua đồng trên vùng
đầm phá Hạc Hải, những người bắt cua đồng đều đổ dồn về các điểm như chợ
Thùi (An Thuỷ), chợ Hôm (Lộc Thuỷ), chợ Mỹ Đức (Sơn Thuỷ)…
Một địa điểm thu gom cua đồng bắt bằng thuốc sâu ở xã An Thủy, Lệ Thuỷ, Quảng Bình.
|
Tại
đây, hàng chục thương lái đã chực sẵn để thu gom cua đồng. Cua đồng ở
đây được các thương lái thu mua với giá dao động từ 30.000 đến 50.000
đồng/kg. Có bao nhiêu cua đồng, thương lái đều thu mua hết, "tiền trao
cháo múc" rất sòng phẳng. Sau đó, cua đồng được những thương lái này
dùng xe máy đưa về các đại lý lớn để bán lại. Tại các đại lý lớn, sau
khi đã gom đủ cua đồng, thì dùng xe ôtô (dạng xe giống xe đông lạnh
nhưng không làm lạnh) chở đi khắp nơi, trong đó có Hà Nội để tiêu thụ.
Chủ
đại lý thu gom cua đồng K.L ở xã Lộc Thuỷ (Lệ Thuỷ) cho biết, trước đây
mỗi ngày đại lý thu mua trên 5 tấn cua đồng nhưng hiện tại chỉ còn hơn 1
tấn. “Lượng cua đồng ngày càng khan hiếm, không đủ hàng để đóng xe đi
Hà Nội nên đành phải nhập hàng lại cho một đại lý lớn hơn ở thị trấn
Kiến Giang” - chủ đại lý cho biết.
Chúng tôi
tiếp cận một đại lý thu mua cua đồng ở xã Gia Ninh (Quảng Ninh). Hàng
chục bao cua đồng đã được đại lý này thu gom từ sáng sớm, chuẩn bị để
chuyển lên xe ôtô đưa đi Hà Nội. Chủ đại lý khá dè dặt khi chúng tôi có
mặt. Hỏi ông chủ, giá mỗi kg cua đồng ở đây mua bao nhiêu, ông này cho
biết khoảng 40.000 đồng nhưng khi hỏi cua đồng được nhập đưa ra Hà Nội
như thế nào thì ông chỉ cười không nói. Còn khi chúng tôi hỏi người dân
đánh bắt cua bằng cách gì mà nhiều như thế, ông nói bằng nhiều cách lắm:
Thả lưới, bắt tay, đặt nò, lờ… Ông này tỏ ra rất ngạc nhiên khi chúng
tôi cho biết, nhiều người dân đã dùng thuốc sâu để bắt cua đồng(!?).
Đại
lý H.H ở thị trấn Kiến Giang được xem là nơi thu gom cua đồng lớn nhất
Quảng Bình. Ở đây ngày nào cũng có một chuyến xe ôtô chở cua đồng đi Hà
Nội… Bà chủ đại lý ở đây cho biết, trước đây khi cua đồng còn nhiều, mỗi
ngày đại lý của bà phải chở 2 đến 3 xe đi mới hết. Hiện tại, cua đồng
ngày một khan hiếm, mỗi ngày cho 1 xe đi thôi, nhiều lúc không đủ cua,
bà phải mua lại từ các đại lý nhỏ khác…
Hệ lụy từ “cua thuốc sâu”
Theo
các bác sĩ, trước mắt người tiêu dùng ăn phải những con cua được đánh
bắt bằng thuốc sâu sẽ không sao vì với dư lượng thuốc sâu thấp chưa đủ
để gây ngộ độc cấp cho người ăn. Tuy nhiên về lâu dài thì đây là một tác
hại khó lường. Các loại thuốc trừ sâu độc tố cao, có thể gây ung thư,
vô sinh hoặc biến đổi gen. Nếu hấp thụ hoặc tiếp xúc với sản phẩm có
chứa thuốc trừ sâu dạng này, người dùng có thể gặp rối loạn về da, mắt
và đường hô hấp…
Trong quá trình tìm hiểu
thông tin cho bài viết này, chúng tôi được biết đã có nhiều trường hợp ở
Quảng Bình ngộ độc thức ăn vì ăn phải cua đồng đánh bắt bằng thuốc trừ
sâu. Bà Hà ở thôn Mỹ Đức, xã Sơn Thuỷ (Lệ Thuỷ) cho biết, cách đây 10
hôm, bà đi chợ mua cua đồng về nấu canh. Khi ăn xong, cả nhà 5 người đều
bị ngộ độc, đau bụng dữ dội phải đi cấp cứu ở bệnh viện.
Bản
thân những người trực tiếp đánh bắt cua đồng bằng thuốc sâu cũng đã
chịu đựng những tác hại nguy hiểm từ thuốc sâu. Ông T (người cho PV NTNN
cùng đi bắt cua) cho biết, nhiều đêm khi đang dùng thuốc sâu để bắt
cua, không may những cơn gió bất ngờ quật lớn, chiếc đò chao nghiêng hất
cả chai thuốc vào người bỏng rát. Mỗi đêm đều tiếp xúc với thuốc sâu,
mùi thuốc cứ thế xông vào mũi, dần dần lỗ mũi cũng không còn tác dụng.
Cũng theo ông T, có nhiều khi đêm đánh bắt cua đồng, ngày về mệt nằm li
bì, bụng bị trướng đau dữ dội…
Trước thông
tin cua đồng được đánh bắt bằng thuốc trừ sâu, hiện tại các chợ ở huyện
Lệ Thuỷ, người dân đã tẩy chay cua đồng. Tuy nhiên, số lượng bán ở các
chợ này chỉ là số lượng rất nhỏ. Phần lớn cua đồng đều được đưa đi Hà
Nội và các tỉnh phía Bắc tiêu thụ. Trong khi mối nguy hại từ thuốc sâu
tiềm ẩn trong những con cua đồng (được xem là thực phẩm sạch) chắc chắn
người tiêu dùng không phải ai cũng biết.
Phan Phương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment bằng chữ có dấu .
Không dùng chữ Việt bị biến dạng (như nhìu, dzo)