Theo ông Dương Công Lực, Trưởng phòng Quản lý sát hạch lái xe, Sở Giao thông vận tải TP.HCM, người thừa ngón tay và ngón chân phải cắt đi mới được thi giấy phép lái xe. Thật lạ lắm thay khi trước đó, ông Nguyễn Văn Quyền – Phó cục trưởng Cục Đường bộ – từng tuyên bố Bộ Giao thông vận tải luôn ủng hộ quan điểm cấp giấy phép lái xe cho người khuyết tật, tất nhiên phải căn cứ vào mức độ thương tật và loại phương tiện sử dụng. Ông cho biết Bộ đã nhiều lần gửi công văn đề nghị Bộ Y tế sớm ban hành tiêu chuẩn đi lại cho người khuyết tật song mãi vẫn không thấy động tĩnh gì.
Đó là việc giữa hai Bộ, còn Sở Giao thông TP. Hồ Chí Minh vẫn quyết ban quy định căn cứ theo quyết định 4132 từ năm 2001 của Bộ Y tế. Những người bị thừa ngón chân hay ngón tay phải… cắt bỏ thì mới được tham gia kỳ thi sát hạch xe máy. Ông Lực cho rằng, “việc cắt bỏ ngón thừa phải không ảnh hưởng đến chức năng vận động và một số đối tượng “thoát” được là do có quá nhiều người tham gia thi nên không bị phát hiện”. Trong khi đó, cán bộ sát hạch của nhiều trung tâm dạy lái xe tại TP.HCM cho rằng, ngón tay thừa không ảnh hưởng đến việc lái xe. Phản ánh trên VnExpress, anh Hoàng một người có khuyết tật ở tay, bày tỏ sự bức xúc. Ngón tay thừa của anh rất nhỏ, đính ở cạnh ngón cái nên không hề ảnh hưởng đến việc điều khiển xe. Nhưng anh Hoàng đã 2 lần bị trung tâm đào tạo lái xe tại TP.HCM từ chối, không cho thi sát hạch. Dư luận cho rằng, quy định của Bộ Y tế như vậy là quá khắt khe, có thái độ kỳ thị với người khuyết tật và không sát với hoàn cảnh thực tế, chưa kể còn khiến ngành ôtô, xe máy thêm buồn khi mất đi một bộ phận khách hàng rất có nhu cầu. Gữa cảnh ế chỏng chơ thì một người cũng là quý lắm! Trước đó, Quyết định số 33/2008/QĐ-BYT và số 34/2008/QĐ-BYT của Bộ Y tế quy định cấp giấy phép lái xe dựa vào chiều cao và cân nặng đã nhận được những phản ứng gay gắt từ phía người dân cho rằng thiếu cơ sở khoa học và kỳ thị giới tính, thậm chí chẳng khác nào tước đi cái quyền đi lại của người “ngực lép” và chỉ làm giàu cho các cơ sở treo biển “nâng ngực”! Một quy định xa rời thực tế, kết hợp với thái độ quan liêu của cấp cơ sở khiến cho một nhóm người trở nên yếu thế và làm thui chột những quyền lợi cơ bản của công dân. Trong khi đó thực tế cho thấy chính điều kiện đường xá bị đào bới, hành vi cẩu thả của người điều khiển phương tiện mới là một trong những nguyên nhân chính khiến mất an toàn giao thông. Thiết nghĩ, các Bộ mà phát huy tinh thần này để đi sâu, đi sát vào các ngón tay làm đúng chuyên môn, bớt các động tác thừa thì dân được nhờ quá. Theo Songmoi.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment bằng chữ có dấu .
Không dùng chữ Việt bị biến dạng (như nhìu, dzo)