Thứ Sáu, 9 tháng 11, 2012

Bẽ bàng chuyện dạy thêm


Không được kiếm thêm thu nhập bằng nghề, nhà giáo với lương ba cọc ba đồng lại không có người thân trợ cấp sẽ sống bằng cách nào?

Buổi tọa đàm “Người thầy - nhân tố quan trọng trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo” do Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM tổ chức sáng 8-11 với sự tham dự của hơn 300 đại biểu nhằm tôn vinh sự nghiệp trồng người của các thầy cô giáo nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 sắp tới lại trở thành nơi để nhiều thế hệ nhà giáo chia sẻ tâm tư, nỗi buồn, cả nỗi đau khi danh dự của người thầy ngày càng bị xem nhẹ, thậm chí bị xúc phạm. Giọt nước mắt của nhiều người thầy đã rơi xuống, nghẹn ngào…
Xót xa cho người thầy
Một trong những lý do khiến nhiều nhà giáo như vỡ òa trong nỗi tâm tư, đó là chuyện dạy thêm - gần đây đang bị siết chặt với những lệnh cấm, kèm theo các biện pháp - mà theo một giáo viên là “nghe ra chẳng khác gì phát hiện và tố cáo tội phạm”. TS Hồ Thiệu Hùng, nguyên phó trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Thành ủy TPHCM, nguyên giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, chia sẻ: “Nhà giáo lao động với cường độ cao một cách thầm lặng, dù được trả lương thấp nhưng nhà giáo đặc biệt coi trọng danh dự. Nhà giáo không chỉ cố tránh làm sai pháp luật mà còn tránh làm những việc dù rất bình thường với người khác nhưng “khó coi” với nhà giáo để tránh gây điều tiếng cho mình và cho ngành”.
Nỗi ưu tư của một nhà giáo tại hội thảo khi nghe các đồng nghiệp chia sẻ về chuyện dạy thêm, học thêm
Thế nhưng, làm sao không tâm tư khi nhà giáo và cả cấp trên của nhà giáo bị nhắc nhở công khai về việc dạy thêm. Không chỉ nguồn thu nhập đã hạn hẹp nay lại càng hạn hẹp hơn mà uy tín người thầy đang bị xúc phạm. “Các cô giáo, thầy giáo bị bắt và lập biên bản vì dạy thêm trước mặt học trò. Bẽ bàng cho nhà giáo chúng ta quá. Liệu người thầy có còn uy trước học trò hay không khi thầy bị hành xử như thế” - TS Hùng bùi ngùi.
NGDN-GS-TS Nguyễn Ngọc Giao, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TPHCM, cũng chia sẻ: “Cần phải nhìn nhận nguyên nhân vì sao có việc dạy thêm, học thêm. Nếu học sinh có năng khiếu, đi học thêm để nâng cao khả năng thì đâu có gì là sai. Hết sức sai lầm khi bắt giáo viên dạy thêm như bắt buôn lậu” - GS-TS Giao bức xúc.
TS Hồ Thiệu Hùng cho rằng pháp luật không cấm người lao động được làm thêm để có thu nhập và việc có thu nhập thêm từ nghề của mình là chính đáng. Việc giáo viên dạy thêm “tràn lan”, không chỉ vì lý do chương trình ôm đồm, thi cử nặng nề… mà còn do cha mẹ các em chỉ còn mỗi nơi tin cậy nhất là gửi con trong vòng tay các thầy cô giáo khi cạm bẫy giăng đầy trong xã hội. Rồi, hãy thử hỏi lương nhận được của giáo viên ở đô thị hiện nay có thể sống và nuôi con được bao lâu, một tuần hay nửa tháng?
Lấy dẫn chứng mức lương giáo viên mầm non bậc 1 hiện có hệ số 1,86, bậc 10 có hệ số 3,66 - còn thua cả lương của lái xe cơ quan, nhân viên đánh máy (theo Nghị định 204 của Chính phủ); giáo viên tiểu học, THPT nhận mức lương 3-3,5 triệu đồng, TS Hùng xót xa: “Không sống được bằng lương thì phải tự cứu mình, trước hết là bằng chuyên môn của mình. Không được kiếm thêm thu nhập bằng nghề, nhà giáo với lương ba cọc ba đồng lại không có người thân trợ cấp sẽ sống bằng cách nào? Thật xót xa khi nhà giáo đang bị dồn vào chân tường”.
TPHCM nên thí điểm trả lương cao cho nhà giáo
Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, cho rằng người thầy không ai muốn ngoài cả ngày dạy mệt nhoài trong trường lại phải tiếp tục xách cặp đi dạy thêm nhưng có nhiều người đã và đang làm vì nhiều nguyên nhân khác nhau song chắc không phải vì để làm giàu mà là cách để vượt qua những khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ cao quý là nhà giáo. “Xã hội đã tạo ra một nếp nghĩ về một biểu tượng người thầy chỉ nên sống bằng đồng lương, thanh bạch mà cao quý. Nếu đồng lương đủ trang trải cuộc sống cho bản thân và gia đình sẽ rất tốt và cần thiết để người thầy đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của xã hội” - ông Sơn nói.
NGND - GS-TS Nguyễn Ngọc Giao cũng cho rằng cần phải có chính sách đối với người làm công tác giáo dục để người thầy thoát khỏi cảnh bươn chải kiếm sống. Cốt lõi vấn đề là cải cách tiền lương. Tiền lương phải được sử dụng như công cụ kích cầu trực tiếp, có hiệu lực nhanh nhất.
 
Theo PGS-TS Nguyễn Tất Phát, nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM, nguyên thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cần có cách tính lương cao nhất dành cho nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, bởi mức lương như vậy mới thể hiện sự tôn vinh của xã hội với lĩnh vực luôn được xem là quốc sách hàng đầu của đất nước. “TPHCM nên cân đối ngân sách và đi đầu thực hiện thí điểm cách trả lương này. Đồng thời, cần có chủ trương, kế hoạch khả thi lo cho đời sống của giáo viên. Đừng để nhà giáo tự bươn chải, vật lộn với đồng lương không đủ sống” -  PGS-TS Phát đề nghị.
Nghỉ dạy để khỏi bị “bắt”
“Có nhiều giáo viên đã nói rằng không dạy thêm nữa thì một buổi đi dạy, một buổi ra chợ để bán hành tỏi. Có người tính buổi tối xin đi làm nghề phục vụ nhà hàng hoặc chạy xe ôm. Có người nhận làm gia sư chuyên dò bài cho học sinh… Đã có giáo viên năng lực rất tốt của một trường THPT nổi tiếng xin nghỉ dạy, về mở lớp tại nhà để có thời gian chăm sóc mẹ già bệnh nặng, vậy mà thu nhập cao hơn hẳn, bản thân đã rời khỏi trường sẽ không mang điều tiếng “dạy thêm”. Rất có thể rồi đây, nhiều nhà giáo cũng sẽ theo cách làm này chăng để khỏi bị xúc phạm danh dự và khi đó trường học vốn đã khó thu hút người giỏi lại càng thiếu giáo viên” - TS Hồ Thiệu Hùng lo lắng.
Bài và ảnh: THÙY VINH 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment bằng chữ có dấu .
Không dùng chữ Việt bị biến dạng (như nhìu, dzo)