Chủ Nhật, 18 tháng 11, 2012

Saigon: Bếp cơm của người nghèo

Bếp cơm từ thiện tại cơ sở 1 của Chi hội từ thiện Nhơn Hòa, TPHCM tọa lạc ngay khu dân cư sầm uất sát vòng xoay Phú Lâm, quận 6. Đi đến vòng xoay này rất dễ nhận ra vì tấm bảng lớn hình chữ nhật khá hoành tráng với dòng chữ “Bếp ăn từ thiện và Phòng chẩn trị y học cổ truyền miễn phí” ngay bên trên cổng ra vào căn nhà mặt tiền số 1041.
Tủ hấp cơm tại bếp ăn từ thiện Nhơn Hòa.
Cánh cổng sắt lớn lúc nào cũng mở toang từ sáng đến tối. Mọi người ra vào để hỗ trợ những công việc từ thiện. Hình ảnh đập vào mắt chúng tôi là vô số giỏ cần xé, rổ, sọt nhựa đựng rau củ, thực phẩm khô cùng hàng chục bao gạo lớn nhỏ xếp chồng lên nhau hai bên lối ra vào. Anh Đoàn Hữu Thoại, quản lý cơ sở này mời khách rảo một vòng xem hoạt động nấu cơm. Chỉ tay vào hàng tá rau củ và “núi” bao gạo chất kín một góc sân, anh cho hay, để có thể nấu hơn 4.000 suất cơm tặng cho người nghèo và thân nhân bệnh nhân cơ nhỡ tại các bệnh viện, mỗi ngày cơ sở sử dụng hết gần 2 tấn thực phẩm và hơn 400kg gạo. Cũng có ngày lượng gạo nấu tăng gấp rưỡi để hỗ trợ các đoàn bệnh nhân nghèo vùng sâu vùng xa lên thành phố khám bệnh, mổ mắt.
Ra khu nhà bếp đặt trước sân, cùng lúc có đến gần chục người đang cặm cụi “vật lộn” với vô số các loại thực phẩm. Một nhóm 3 người đàn ông xúc từng đấu gạo từ trong bao cho vào thau nhôm một cách rất thuần thục theo định lượng đã tính sẵn. Xong xuôi họ lại khệ nệ bưng đến cho các anh chị tình nguyện viên khác đang chờ sẵn bên bể nước để vo. Vo xong, từng vốc gạo trắng phau được những đôi tay khéo léo rải đều vào những chiếc khay nhôm hình chữ nhật. Tiếp theo, một tốp khác tiến đến, cẩn thận bê từng chồng khay mang vào khu vực đặt hai chiếc lò hấp công nghiệp bằng gas loại lớn xếp ngay ngắn vào từng hộc. Khi cánh cửa tủ hấp cao gần 2m này đóng lại, người phụ trách lò hấp vặn nút chỉnh chế độ nấu mặc định thì công đoạn nấu cơm coi như đã xong, còn lại chỉ chờ hết thời gian là mở ra, cơm chín.
Tất bật không kém cánh nam giới, các chị phụ nữ cũng rất đều tay dao, tay kéo thoăn thoắt cắt gọt rau củ, sơ chế thực phẩm. Chưa đầy 1 giờ đồng hồ, các loại thức ăn cần cho thực đơn của buổi phát cơm trưa đã bày biện sẵn sàng trên rổ rá, chờ nổi lửa.
Chị Phạm Thị Út, quê ở Cai Lậy (Tiền Giang) là một trong những tình nguyện viên kể, trước đây chị gần như chỉ biết bầu bạn với công việc đồng án, rau màu. Một ngày nọ, đi thăm người thân nằm viện, chứng kiến tình cảnh éo le ngặt nghèo của bệnh nhân cơ nhỡ, chị bắt đầu đồng cảm với nỗi đau thể xác lẫn tinh thần của họ. Những năm đầu, mỗi tháng chị Út làm “ô sin” tình nguyện 10 ngày. Hơn 3 năm sau đó, khi hoạt động của bếp ăn đã mở rộng, số lượng suất ăn tăng lên con số ngàn suất thì chị Út dành trọn thời gian cho công việc nấu và phát cơm tình nguyện tại cơ sở từ thiện này. 
Cùng suy nghĩ sống không chỉ riêng cho mình như chị Út, vợ chồng anh Trần Văn Hòa và chị Phạm Thị Kim Hai quê ở Thốt Nốt (Cần Thơ) cũng có thâm niên gắn bó với bếp ăn nhân đạo này hơn 6 năm. Ngoài ra, còn có ông Lê Văn Nguyên (66 tuổi) mỗi ngày vận chuyển 300-400 suất cơm đi phát cho bà con nghèo ở xóm lao động tại quận 6, quận Bình Tân; ông Ba Mách gần 10 năm ròng đi vận động đóng góp thực phẩm nấu cơm cho người nghèo. Và chưa kể hết tấm lòng vì người nghèo của hàng chục tình nguyện viên khác tại bếp cơm nhân đạo này.
Gần 13 giờ, các tình nguyện viên lại bắt đầu công việc quen thuộc của họ là dở cơm, soạn thức ăn vào thùng, khênh ra chiếc xe bán tải chuẩn bị đi phát cơm chiều tại các bệnh viện Mắt TPHCM, Trưng Vương, Chợ Rẫy và Bệnh nhiệt đới - nơi biết bao số phận kém may mắn đang chờ có được chút hơi ấm tình người từ việc làm nhân đạo cao cả của họ.
Mai Nguyễn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment bằng chữ có dấu .
Không dùng chữ Việt bị biến dạng (như nhìu, dzo)