Thứ Tư, 14 tháng 11, 2012

Thất kinh với phá lấu lề đường!


Là món khoái khẩu của nhiều người, đặc biệt là lứa tuổi học sinh, nên dù được bày bán ở vỉa hè, lề đường một cách tạm bợ, các điểm bán phá lấu (chủ yếu gồm bao tử, ruột, gan, phổi… (trâu, bò) luôn đông khách. Tuy nhiên, nếu biết người ta chế biến món này như thế nào, chắc chắn nhiều người sẽ không dám ăn.

Dơ bẩn
Tầm 16 - 17 giờ, trước cổng Trường Marie Curie phía đường Ngô Thời Nhiệm, quận 3 - TPHCM, từng nhóm học sinh đứng ngồi la liệt trên vỉa hè để ăn bánh mì kèm phá lấu.
Vừa tấp xe vào lề, chúng tôi được người bán phá lấu ở đây phát cho 3 cái ghế nhựa nhỏ, trong đó 2 cái để ngồi còn 1 cái để làm bàn ăn. Trên xe đẩy là một nồi phá lấu to có màu vàng xỉn. Chị bán hàng một tay cầm kéo, một tay cầm tảng phá lấu cắt thoăn thoắt từng miếng nhỏ cho vào chén và chế thêm ít nước sền sệt màu vàng xỉn rồi chuyển cho người phục vụ bưng sang bên kia đường cho khách.
 
Phá lấu lề đường luôn thu hút khách. Ảnh: HỒNG THÚY
 
Chưa kịp ngồi thì bất ngờ mọi người nháo nhác chạy vì đội trật tự an toàn giao thông xuất hiện. Sau ít phút tạm tản ra góc đường cạnh đó, khi đội trật tự đi rồi, mọi người đều trở lại bên nồi phá lấu. Lúc này, chúng tôi bắt gặp người đàn ông bưng bê phá lấu lúc này rửa chén chỉ với 2 nửa xô nước để bên lề đường.
 
Không hề có một động tác nào gọi là cọ rửa mà chỉ là nhúng chén, đĩa vào xô nước này, tráng qua ở xô nước kia rồi đem lại chỗ bán hàng. Tại đây, chị bán hàng dùng một cái khăn đen ngòm lau qua chén đĩa, tiếp tục múc bán  cho khách… Thấy cảnh đó, chúng tôi nhanh chóng thanh toán 30.000 đồng cho 2 chén phá lấu còn ăn dở rồi ra về, tự nhiên thấy cứ nhờn nhợn trong cổ…
Kinh khủng !
Để tìm hiểu việc chế biến món phá lấu, hôm khác chúng tôi đi sâu vào một con hẻm trên đường Xóm Chiếu, quận 4 - TPHCM, đến gần một trường THCS thì bắt gặp một nhóm khá đông học sinh đang xúm xít quanh nồi phá lấu bên lề hẻm. Chờ cho chị bán hàng vơi tay phục vụ khách, tôi lân la làm quen, được chị cho biết: Quan trọng nhất là công đoạn ướp trước khi nấu. Muốn cho món lòng bò tạp nham này mất mùi hôi thì phải dùng nhiều ngũ vị hương và tỏi bằm.
 
Còn để cho lòng giòn, chắc, trước khi ướp phải xử lý bằng hàn the và bột ướp... Chúng tôi hỏi ngay bột ướp gồm những gì thì chị bán hàng tỏ ra phân vân,  không muốn tiết lộ... Khi chúng tôi than không hiểu vì sao, nấu món lá sách thường mất nhiều thời gian mà vẫn không mềm, chị bán hàng cười rồi bật mí: “Cứ cho chút muối diêm là nó mềm ngay thôi”.
Theo một số cơ sở chế biến thực phẩm, muốn có món phá lấu ngon, chất lượng thì ngoài việc chọn lòng bò tươi, ngon, người nấu phải biết khử mùi bằng rượu, rửa nhiều lần và ướp một số loại ngũ vị hương nguyên chất chứ không dùng loại pha sẵn. Sau đó, dùng nồi áp suất nấu để lòng mềm dần. Tuy nhiên, bếp trưởng của một nhà hàng có tiếng tại quận Tân Bình - TPHCM cho biết thông thường, các nhà hàng, quán ăn uy tín, dù rất muốn có món phá lấu trong thực đơn nhưng không thể do hiện nay rất khó tìm được địa chỉ bán lòng bò ngon, chất lượng mà không dùng hóa chất độc hại. Hơn nữa, lòng bò rất dễ bị nhiễm khuẩn nên ít nhà hàng có món này...
Anh Tài, một người đã nhiều năm làm nghề chạy xe giao thịt, lòng bò cho một lò giết mổ ở huyện Hóc Môn - TPHCM, cho biết: “Tốt nhất là đừng tìm hiểu về cách xử lý lòng bò vì nếu biết thì chắc là không dám ăn món này nữa đâu”. Rồi anh tiết lộ: Lòng bò, đặc biệt là bộ phận lá sách, thường rất hôi. Để tẩy trắng, làm sạch và khử mùi hôi, người ta phải ngâm trộn với bột vôi hoặc ôxy già công nghiệp rồi chà rửa nhiều lần. Tiếp đến, ngâm vào một loại hóa chất khác để giữ lòng tươi lâu trước khi phân phối đi khắp nơi...
 “Đó là cách làm sạch loại lòng tươi, nóng chứ nếu là lòng hôi thối đưa từ các địa phương về thì cách sơ chế còn kinh khủng hơn nhiều” - anh Tài cho hay.
Gây hại cho sức khỏe
Theo bác sĩ Đào Thị Yến Thủy, Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, những loại thực phẩm đã ôi, hư được mang chế biến và bày bán ngoài đường sẽ rất nguy hại cho sức khỏe người ăn. Cụ thể đó là nơi chứa nhiều loại vi khuẩn hiếu khí, đặc biệt là coliforms và salmonela…Loại vi khuẩn này sẽ gây tiêu chảy cấp, tiêu đàm máu gây kiết lỵ, thương hàn…
Bác sĩ Trần Văn Ký, phụ trách chuyên môn Văn phòng phía Nam Hội Khoa học Kỹ thuật An toàn vệ sinh thực phẩm, cảnh báo những hóa chất dùng để xử lý, tẩm ướp lòng trâu, bò trong chế biến phá lấu kể trên đều không được dùng trong thực phẩm bởi nó là hóa chất công nghiệp độc hại. Khi ăn phải thực phẩm tồn dư nhiều hóa chất độc hại sẽ gây nhiều bệnh lý, khi tích trữ lâu trong cơ thể sẽ gây ung thư.
PHẠM ĐÌNH

2 nhận xét:

Comment bằng chữ có dấu .
Không dùng chữ Việt bị biến dạng (như nhìu, dzo)