Chủ Nhật, 18 tháng 11, 2012

Saigon: Lớp học cho trẻ em nghèo


Cứ mỗi buổi tối từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần, căn nhà số 1B đường Liên khu 5-11-12, khu phố 5, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TPHCM lại náo động hẳn lên bởi một lớp học tình thương với gần 60 em. Đây là lớp học tình thương của ông Đoàn Minh Hùng, 50 tuổi, đồng thời cũng là chủ tiệm cơm chay Hòa Hảo.
Lớp học dành cho những em nghèo mù chữ của ông Đoàn Minh Hùng.
Kiếm tiền để dạy học...
Ông Hùng tâm sự, gia đình ông vốn có truyền thống làm nghề giáo nhưng vì hoàn cảnh đưa đẩy, ông đã không trở thành một người thầy theo đúng mơ ước. Quê ông ở huyện Bình Chánh, TPHCM, từ ngày chuyển về nơi ở mới ở quận Bình Tân, ông cùng gia đình sống trong một nhà trọ với những người lao động nhập cư nghèo khó.
Ở đây, ông day dứt khi chứng kiến nhiều hoàn cảnh thất học của những đứa trẻ hàng xóm, nhiều hoàn cảnh bị cha mẹ bỏ rơi do quá nghèo khó. Nhìn tụi nhỏ suốt ngày nói tục, chửi thề, đánh lộn, ông nảy ra ý tưởng mở một lớp học miễn phí để dạy cho các em biết chữ, giáo dục các em ngoan hiền hơn. Từ đầu năm 2010, lớp học đã được mở với khoảng hơn 10 “học sinh” và cứ thế tăng lên rất nhanh.
“Thầy giáo” của lớp học chính là ông cùng với sự giúp sức của vợ là bà Nguyễn Thị Kim Chi và hai người con trai. Sau đó, lớp học còn nhận được sự giúp đỡ từ thầy Minh, cô Sa, cụ Tắc Thu (84 tuổi). Ông đã chuyển sang thuê căn nhà mới ở địa chỉ 1B đường Liên khu 5-11-12 trên để có không gian rộng rãi hơn cho các em theo học.
Đồng thời, ông mở tiệm cơm chay Hòa Hảo bán cơm để có thu nhập trả tiền thuê nhà và duy trì lớp học. Tiệm cơm chay của ông bán cơm với giá 8.000 đồng/suất nhưng với những cụ già neo đơn và người quá nghèo, ông Hùng miễn phí tiền cơm cho họ. Cuối mỗi buổi học, các em đều được ông Hùng hỗ trợ cơm miễn phí.
Cưu mang trẻ cơ nhỡ
17 giờ 30 ngày 24-10, chúng tôi có mặt tại phòng khách, cũng chính là không gian của lớp học này. Một tốp khoảng gần 20 em nhỏ (tuổi từ 6 đến 12) đã có mặt đang sắp xếp các hàng ghế nhựa để chuẩn bị buổi học. Tiếng cười nói râm ran làm náo động không gian yên tĩnh của một khu phố. Nhìn dáng vẻ các bé dễ nhận thấy hầu hết các em đều là con nhà nghèo, trong đó có không ít em ban ngày đi bán vé số hoặc đi làm cùng cha mẹ.
Gọi là lớp học, nhưng các em không có ghế ngồi và một chiếc ghế nhựa làm bàn, các em kê vở lên đó để học bài. Các bạn sinh viên tình nguyện ra đề cho từng em, sau đó kèm cho từng em cách làm bài và chấm điểm. Số lượng “học sinh” quá đông nhưng “thầy cô” lại ít nên các bạn sinh viên phải chạy như chong chóng trong suốt giờ học. Hầu hết các bé khi mới vào học đều không biết chữ, nhưng sau một thời gian được dạy dỗ, các bé đã viết và đọc tốt. Mỗi buổi lớp học có từ 50 đến 60 em, trong đó cũng có những em đang được đi học ở các trường công lập, nhưng buổi tối vẫn đến đây để được ôn tập kiến thức. Các em nghèo, không có tiền học thêm nên đến đây để được “phụ đạo” miễn phí.
Hiện ông Hùng đang cưu mang 8 trẻ cơ nhỡ, mồ côi trong đó có 2 bé trai, đứa anh khoảng 5 tuổi tên Việt, em nhỏ khoảng 3 tuổi tên Nam mới được nhận về nuôi. Việt và Nam quê ở Bình Dương, bị cha bỏ từ nhỏ, mẹ hai em làm nghề bán vé số cũng không nuôi nổi con nên đã gửi hai em cho một chị là người quen sau đó cũng bỏ luôn hai bé. Chị này cũng không nuôi nổi hai em do nhà nghèo nên đã đến gặp ông Hùng xin ông tiếp nhận.
Đầu tháng 10, ông Hùng phải thuê thêm một căn nhà kế bên để chia đôi lớp học và có đủ không gian sống cho đại gia đình ông với giá 3,5 triệu đồng/tháng. Hiện tại, tiền lãi từ tiệm cơm chỉ vừa đủ để ông duy trì cuộc sống gia đình, trả tiền thuê một căn nhà và mua dụng cụ học tập cho lớp học. Còn căn nhà mới thuê, ông đang lo không đủ tiền trả. Nếu không thể trả tiền thuê, chủ căn nhà sẽ lấy lại và buộc các em phải ngồi ra cả ngoài sân để học. Mỗi tối, ông Hùng vẫn đẩy một chiếc xe đi bán vòng, chuỗi của đạo Phật, dầu gió để có thêm thu nhập.
Hơn hai năm từ khi mở lớp học và cưu mang những đứa trẻ bất hạnh, ông Hùng gặp rất nhiều khó khăn nhưng chưa bao giờ ông nản chí. Có được điều đó là nhờ ý chí của một con người với tấm lòng hướng thiện, sự ủng hộ từ người vợ và các con. “Tôi làm điều này cũng như là việc thực hành giáo lý của nhà Phật thôi mà. Học đi đôi với hành”, ông nở một nụ cười lạc quan.
Lê Đặng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment bằng chữ có dấu .
Không dùng chữ Việt bị biến dạng (như nhìu, dzo)