Chủ Nhật, 9 tháng 9, 2012

Phải tôn trọng giáo viên

("Tôn sư trọng đạo" thời buổi này phải kêu gọi như thế này đây! - Doanchithuy) =))

Hơn 1 triệu giáo viên đã bước vào mùa khai giảng với niềm tin về một năm học mới đầy hy vọng. Tuy nhiên, vẫn còn vướng víu đâu đó trên những khuôn mặt thầy cô giáo những nỗi buồn, khi mà hàng vạn giáo viên vẫn chưa nhận được phụ cấp thâm niên dù Nghị định 54/2011/NĐ-CP có hiệu lực hơn 1 năm qua.

Họ buồn không hẳn vì chưa nhận được số tiền xứng đáng được hưởng mà chủ yếu là vì không được đối xử tử tế. Vì sao một nghị định được áp dụng từ ngày 1-5-2011, hơn một năm trôi qua vẫn chưa thể thực hiện trên toàn quốc? Nhà nước, Chính phủ luôn xem giáo dục là quốc sách hàng đầu, cố gắng đầu tư cho giáo dục tốt nhất trong khả năng có thể. Nghị định 54/2011/NĐ-CP cũng nằm trong chiến lược đó, để nâng cao đời sống, vị thế của nhà giáo trong xã hội. Vậy mà nó bị một số địa phương thực hiện như trong một cơ chế xin - cho.

Khi Báo Người Lao Động đăng mẩu tin “Giáo viên nhiều tỉnh, thành chưa lãnh phụ cấp thâm niên”, tòa soạn nhận được những phản hồi rất buồn. Nhiều thầy cô giáo thắc mắc không hiểu vì sao chế độ phụ cấp thâm niên lại triển khai chậm đến vậy, trong khi vật giá leo thang từng ngày. Có giáo viên bức xúc quá nên đã hoài nghi tính hiệu lực của nghị định này.

Họ đã chờ đợi và đã không ít người mất lòng tin. Đó là điều rất đáng suy nghĩ. Còn nhớ năm nào, một vị lãnh đạo Bộ GD-ĐT lúc đó từng tuyên bố: Đến năm 2010, giáo viên có thể sống bằng lương. Tuyên bố đó làm cho cả cộng đồng nhà giáo vui mừng khôn xiết nhưng cũng có người hài hước bảo rằng vậy thì từ trước đến giờ, giáo viên sống bằng gì?

 Tuyên bố đó ấn tượng đến nỗi cuối năm 2010, trên diễn đàn Quốc hội, có đại biểu chất vấn lãnh đạo Bộ GD-ĐT rằng đến bây giờ, giáo viên đã sống được bằng lương chưa? Vị lãnh đạo đó trả lời rằng so với năm 2006, lương giáo viên đã tăng đến 2,1 lần. Sau đó, nhà giáo lão thành Văn Như Cương có một bài báo rất hay: “Cảm ơn Bộ GD-ĐT đã tăng lương cho giáo viên gấp… 2,1 lần!”. Bài báo đó lập tức được chuyền tay nhau, các thầy cô vừa đọc, vừa cười, vừa chảy nước mắt!

Trở lại việc triển khai Nghị định 54/2011/NĐ-CP, một nghị định đơn giản, dễ thực hiện; việc quản lý giáo viên cũng không khó, vậy tại sao phức tạp đến vậy? Bệnh hành chính - không thể nói khác! Tại sao bắt giáo viên phải làm hồ sơ, phải nộp quyết định tuyển biên chế? Đó là chưa kể những bất cập trong nghị định này khi không tính thời gian thâm niên những năm giáo viên dạy hợp đồng…

Đừng làm khổ giáo viên thêm nữa, phải đối xử tử tế với họ. Bởi, dù nhiều năm qua không thể sống nổi bằng lương nhưng họ đã không bỏ bục giảng.

Xin gửi đến bạn đọc thông tin này để chúng ta càng kính yêu các thầy cô giáo đã không rời bục giảng: Tại Pháp, giáo viên có thâm niên 15 năm hưởng lương trung bình 2.660 euro; ở Đức, Anh khoảng 3.000 - 3.400 euro. Với đồng lương đó, trình độ nền giáo dục của họ cũng tương ứng. Còn chúng ta, qua 3 lần cải cách giáo dục vẫn khủng hoảng, bởi nói như GS Hoàng Tụy: Dù cải cách thế nào nhưng chưa cải cách tiền lương cho giáo viên thì mọi cải cách đều thất bại!
LƯU NHI DŨ
[Quay lại]
19 ý kiến
  • Phèn
    09/09/2012 00:26
    Chưa bao giờ các nghề cao quý lại phải chịu cảnh đắng cay, nhục nhằn như bây giờ. Tại sao? Các nhà làm chính sách chưa từng có người Thầy, người Cô dìu dắt mình để hôm nay, trong cương vị của mình, các vị có thể cần làm một điều gì để tỏ lòng biết ơn? Hay giờ các ngài ngồi cao quá nên không còn nhớ đến những người làm nghề bán cháo phổi góp nên sự nghiệp của các ngài? Các vị đang bận làm luật cho thơ, cho người đồng tính chăng?
  • 1 giáo viên
    09/09/2012 00:26
    Ôi chào, nếu như "nhiều năm qua không thể sống nổi bằng lương nhưng họ đã không bỏ bục giảng" thì họ sẽ vẫn sống, chậm có trợ cấp thâm niên hay cái gì khác cũng không chết được đâu. Khi nào tất cả giáo viên đồng loạt đình công hoặc bỏ nghề thì mới là việc đáng suy nghĩ, nhưng giáo viên VN rất hiền nên sẽ không có chuyện đó đâu. Tóm lại là ai đi dạy nổi với đồng lương nhà giáo thì cứ dạy (trong đó có tôi), ai hứa hẹn thì cứ hứa và nhà báo thì cứ việc kêu gọi... Dù sao cũng xin cám ơn báo NLĐ vì bài báo làm rung động lòng những người nào còn có lương tâm.

  • Nguyễn Thị Kim Nhung-1974
    09/09/2012 04:53
    Buồn cho Giáo viên! Bộ Giáo dục hô hào, Thông tư Liên tịch đã có hiệu lực, đồng tiền nhỏ nhoi do công sức đóng góp của nhiều năm biết bao giờ mới có. Trong thuật ngữ, tiền ngân sách khó khăn lắm mới được vào túi mỏng của giáo viên, còn ủng hộ hay đóng bảo hiểm... thì chẳng cần giấy tờ gì cả, có chăng thì chỉ kí mới cái là xong. Nhà tôi có tấm liễn ghi: "LƯƠNG SƯ HƯNG QUỐC". Tôi nghĩ: Khi nào lương của Thầy nhiều thì đất nước mới mạnh, phải chăng đã quá rõ ràng! Chẳng cần triết lí: Thầy giỏi thì đất nước hùng mạnh.
  • Cù Lần
    09/09/2012 05:38
    Một thực tế: trừ lương giáo viên rất nhanh. Nhưng thực hiện những chế độ, chính sách đãi ngộ cho giáo viên thì rất chậm chạp, teo tóp. Chế độ tính tiền chấm bài thừa, thừa giờ đã bị cắt, tiền hỗ trợ ăn tết chỉ có giá trị tinh thần, tiền phụ cấp thâm niên hay nâng lương thì mõi mòn đợi chờ. Thậm chí, ở huyện Krông Ana-Đăk Lăk trong thời gian dài các nữ giáo viên các trường THPT bị cắt tiền 25% nghỉ đẻ. Trong khi người ta đòi hỏi trách nhiệm giáo viên đủ thứ, người ta lại coi đội ngũ giáo viên như là những người không đáng quan tâm.
  • con cò
    09/09/2012 07:21
    Bài viết thật đúng với tâm trạng các nhà giáo. Phụ cấp thâm niên mà làm như là đi ăn xin vậy. Cứ mang ra làm mồi nhử rồi chẳng thấy đâu. Giá xăng muốn tăng là lập tức nhà nước cho tăng rồi, còn phụ cấp thì... Thật bất công và quá đáng!
  • bichvan
    09/09/2012 07:44
    Quả thật, qui định hưởng phụ cấp thâm niên thật nhiêu khê. Tại sao không tính năm vào ngành mà lại tính từ khi nhận quyết định biên chế. Rõ ràng, cùng là giáo viên nhưng qui định hết thời gian tập sự cũng khác nhau: lúc thì 1 năm, lúc thì 2, 3 năm. Khổ nhất là những giáo viên đã công tác lâu năm nhưng mới vào biên chế gần đây. Không lẽ thâm niên công tác lại dựa vào thời gian nhận quyết định biên chế. Chưa kể đến việc quyết định ra chậm 1 năm nên nhiều giáo viên cũng bị thiệt thòi vì việc tính thời gian nhận phụ cấp không dựa vào thời gian được công nhận vào biên chế mà dựa vào thời gian ra quyết định.
  • nguyễn minh nhi
    09/09/2012 08:09
    Xin cám ơn báo Người Lao Động đã nói thay cho toàn thể giáo viên.
  • nguyễn Hữu Hưởng
    09/09/2012 08:21
    xin cảm ơn quý báo đã nêu vấn đề rất đúng, không chỉ có thâm niên Nhà giáo mà các chế độ chính sách khác cũng rất chậm triển khai.Ví dụ như nghị định 116 ngày 24/12/2010 của chính phủ đối với người công tác ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn đến nay vẫn chưa chi trả rứt điểm, và khi áp dụng lại không đúng theo nội dung nghị định. Tỉnh thì bảo tại trung ương, Trung ương lại bảo không nắm được. Cứ đùn đẩy như kiểu của bố thí. Đã lên vùng cao công tác cũng chẳng hy vọng đòi hỏi cái nọ cái kia nhưng đã có nghị định cho chúng tôi hưởng thì cứ áp dụng đúng, chi trả kịp thời.
  • vu
    09/09/2012 08:34
    "..cuối năm 2010, .. có đại biểu chất vấn lãnh đạo Bộ GD-ĐT rằng đến bây giờ, giáo viên đã sống được bằng lương chưa? Vị lãnh đạo đó trả lời rằng so với năm 2006, lương giáo viên đã tăng đến 2,1 lần". Tuyên bố hùng hồn "cho đến năm 2010 giáo viên sống được bằng lương", trả lời lương tăng 2,1 lần. Đâu chỉ có lương giáo viên tăng, mà các ngành khác, hàng hoá khác cũng tăng và cao hơn con số 2,1 đó. Tất cả các thứ đều tăng, trừ lương. Như vậy mà người ta còn trách giáo viên dạy học không đàng hoàng !!! không trả lương đàng hoàng mà đòi hỏi phải dạy đàng hoàng, có fair không ???
  • Ngô Văn Điển
    09/09/2012 08:39
    Nghe mỉa mai cho nghề cao quý. Các bạn xuống Q.10, TPHCM mà xem, trong khi các vị cán bộ ở UBND Quận có tiền thưởng Lễ 30/4 và 2/9 mỗi vị vài trăm ngàn thì toàn bộ GV trong Quận không có lấy 1 xu cạo gió! Còn thâm niên ư, hãy đợi đấy!
  • Nguyễn Thị Hồng
    09/09/2012 08:44
    Quá nhiêu khê. Hơn 1 năm chờ đợi, tưởng rằng chuyện kê khai năm công tác không có gì khó chỉ cần mở sổ bảo hiểm xã hội là có thể xác nhận được, nhưng cứ rằng là phải lục lại hồ sơ, thế rồi kê khai xong chờ đến mỏi mòn vẫn không thấy tiền đâu, có lẽ để lâu..... hóa bùn mất. Thật là buồn!
  • MINH TRÍ
    09/09/2012 08:44
    Thực tế hiện nay rất nhiều nghị định, quyết định của chính phủ quy định chế độ cho cán bộ công nhân viên chức được hưởng nhưng không đến tay người lao động, nguyên nhân là do ngân sách trung ương không có nguồn kinh phí để cấp về cho các địa phương để triển khai thực hiện, vì các địa phương hiện nay chỉ có một số tỉnh thành phố có khả năng cân đối được ngân sách, còn lại phần lớn các tỉnh thành phố phải nhận trợ cấp ngân từ trung ương. Tương tự như ngày 14/5/2010, Chính phủ ban hành Nghị định 49/2010/NĐ-CP về Quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015. Nhưng đến hơn một năm sau chế độ mới giải quyết đến các đối tượng gây bức xúc cho người dân. Đề nghị các Bộ ngành tham mưu cho chính phủ các chế độ cần phải tính toán trước khả năng và nhu cầu đảm bảo kinh phí trong quá trình thực hiện. Sau khi ban hành chế độ Bộ Tài chính phải kịp thời cấp kinh phí về cho các địa phương thì chắc chắn sẽ không có tình trạng xảy ra không giải quyết chế độ cho các đối tượng được hưởng. 
  • Đào Viết Quý
    09/09/2012 08:48
    Bài ca muôn thuở: hứa rồi... hẹn và hãy đợi đấy!
  • Bất bình
    09/09/2012 09:00
    Cám ơn báo người lao động đã thông hiểu cho giáo viên. Thực tế từ xưa đến nay, có ai sống bằng đồng lương giáo viên đâu. Giáo viên sống bằng tinh thần hơn là vật chất. Họ chỉ biết cống hiến vì đàn em, mong sao chúng nên người và trở thành người tài giỏi. Nhưng con người mà, vật chất có trước ý thức cho nên người ta cũng cần có tiền để nuôi con, lo cho gia đình. Ngoài nhiệm vụ đi dạy thì họ vẫn là những người vợ, người chồng giống như bao người khác. Nhiều báo chí nói về các vụ biến chất của giáo viên nhưng cũng đừng nhìn đó mà vơ đũa cả nắm. Nghề của chúng tôi bây giờ ít được phụ huynh coi trọng vì những bài báo như thế. PH cứ nghĩ chúng tôi này nọ, thậm chí có thái độ coi thường. Họ cứ nghĩ có tiền thì muốn gì cũng được. Tôi rất yêu nghề của mình nhưng tôi sẽ không muốn con của mình đi theo cái nghề này, xã hội càng ngày càng vì đồng tiền mà coi thường chúng tôi.
  • PHAM PHI PHAO
    09/09/2012 09:25
    Người ta cố tình làm thiệt hại hàng chục ngàn tỉ đồng, nhưng lại tính toán chi li từng cắc bạc với những người thợ đi xây dựng cho tương lai của đất nước, bởi thế đừng ngạc nhiên khi đạo đức xã hội ngày một suy đồi ...
  • tran anh minh
    09/09/2012 09:58
    Giáo viên nếu không sống nổi bằng đồng lương chân chính thì phải " kiếm thêm, dạy thêm, em nào không học thì đì" còn nếu không sống nổi thì dạy "cho có" chứ quí vị  nghĩ xem ai đi làm mà không đủ sống thì đi làm để làm gì! Và thực trạng đáng báo động " đạo đức giáo viên xuống cấp trầm trọng (các vị có thể thống kê các tệ nạn do gv gây ra )... đạo đức học sinh xuống cấp..
  • Xuân Thời
    09/09/2012 10:07
    Tại sao ngày nay Việt Nam đang mất cái mà ngay tại Mỹ, một đất nước được cho là suy đồi đạo đức (?) vẫn còn: Kính trọng Thầy Cô ?. Một thực tế đau lòng: Con trai tôi vào lớp 6, về khóc đòi đi học thêm môn Ngữ Văn ở cô dạy văn lớp nó, học toán, lý, anh, phải học các thầy cô đang dạy không thì bị đì... Chuyện dạy thêm sinh ra quá nhiều bất công trong học đường thì làm sao những học sinh trân trọng thầy cô được ?. Trong khi đó tại Mỹ, khi đi học, các HS ở, ăn trưa, uống thuốc khi bệnh tại trường mà phụ huynh không hề nghe nói tới tiền bạc.

2 nhận xét:

  1. Chẳng phải chỉ vì chưa nhận được Phụ cấp thâm niên mà họ buồn ..:((

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Họ buồn vì bị coi là con nít. Luôn bị dụ bằng cái bánh vẽ to tướng :)

      Xóa

Comment bằng chữ có dấu .
Không dùng chữ Việt bị biến dạng (như nhìu, dzo)