Để nhà giáo có thể sống được bằng lương, Chính phủ đã ban hành nghị định quy định về phụ cấp thâm niên từ ngày 1-5-2011. Tuy nhiên, hiện hàng vạn giáo viên ở nhiều tỉnh, TP vẫn chưa lĩnh được khoản tiền này
Theo Nghị định 54 của Chính phủ, từ ngày
1-5-2011, giáo viên (GV) dạy đủ 5 năm được hưởng phụ cấp thâm niên
(PCTN) 5% và cứ mỗi năm tiếp theo được cộng thêm 1%. Số liệu của Bộ
GD-ĐT cho thấy với chế độ PCTN, bình quân mỗi GV có thêm gần 500.000
đồng/tháng. Đây là khoản thu nhập khá lớn đối với GV, nhất là những
người giảng dạy lâu năm, nên được hơn 1 triệu người rất trông chờ. Vậy
mà đã hơn một năm trôi qua, hàng vạn GV ở nhiều tỉnh, TP vẫn chưa nhận
được PCTN.
Kỳ vọng rồi thất vọng
Đến ngày 7-9, hầu hết GV của các tỉnh Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa... vẫn chưa nhận được tiền PCTN.
Thầy Đoàn Xuân Lộc, GV Trường Tiểu học số 2 Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân - Phú Yên, đang dự tính bán “non” rẫy mì hơn 1 ha của mình để lấy tiền lo cho 2 con vào học trung cấp và cao đẳng. Dạy học ở miền núi, không có khoản thu nhập nào khác, sau giờ lên lớp hằng ngày, thầy chăm sóc rẫy mì này để cải thiện đời sống. “Tôi đang trông mong vào tiền PCTN, nếu được truy lĩnh cũng đủ lo cho 2 cháu nhưng chờ mãi mà chẳng thấy đâu”- thầy Lộc bộc bạch.
Thầy Đoàn Xuân Lộc, giáo viên Trường Tiểu học số 2 Xuân Lãnh - Phú Yên, tranh thủ làm cỏ mì trước giờ đến trường
Ảnh: HỒNG ÁNH
Ảnh: HỒNG ÁNH
Cùng trường với thầy Lộc, hiệu phó Nguyễn Kim Tiến năm nay cũng có con vào ĐH. Vợ chồng ông đều là GV, tằn tiện lắm mới đủ chi phí trong gia đình nhưng nay họ phải xoay xở chật vật để lo cho con. “Lúc nghe tin về PCTN cho GV, vợ chồng tôi mừng đến không ngủ được mấy đêm nhưng chẳng biết bao giờ mới có” - thầy Tiến rầu rĩ.
Thầy Dương Hữu, GV dạy toán 12 năm ở Trường THPT Nguyễn Chí Thanh,
thị xã Ninh Hòa - Khánh Hòa, cho biết đã nghe Sở GD-ĐT tỉnh này duyệt hồ
sơ rồi nhưng chờ mãi vẫn không thấy PCTN. “Có thể với nhiều người, thêm
vài trăm ngàn hằng tháng là không lớn nhưng với GV, đó là khoản tiền
nhiều ý nghĩa” - thầy Hữu thổ lộ.
Thầy L.V.N, GV dạy toán 10 năm ở Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú
Bình Định, trăn trở: “Tiền PCTN thể hiện sự tôn trọng của xã hội đối với
nghề giáo, vậy thì vì lý do gì mà cứ dây dưa mãi không chịu phát cho
GV?”. Một GV lâu năm ở thị xã An Nhơn - Bình Định còn cho biết lương mới
áp dụng từ tháng 5-2011 nhưng đến nay, GV trường này vẫn chưa được truy
lĩnh thì nói gì đến PCTN!
Cô Nguyễn Thu Dũng, GV Trường Tiểu học Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước - Quảng Nam, tâm sự: “Nghe tin được hưởng PCTN, GV nào cũng vui mừng. Tuy số tiền này không nhiều nhưng cũng giúp chúng tôi trang trải cuộc sống. Nghe nói hồ sơ đã làm lâu rồi nhưng đến giờ chẳng hiểu sao vẫn chưa thấy tiền đâu”.
Ứng trước, làm hồ sơ sau
Theo Sở GD-ĐT Thừa Thiên - Huế, đến nay, sở đã chi trả hơn 27,8 tỉ đồng PCTN cho 2.074 GV của 59 đơn vị trực thuộc. Trong đó, cuối năm 2011, sở đã chi tạm ứng 50%-60% cho các GV với tổng số tiền hơn 10,8 tỉ đồng, năm 2012 tiếp tục chi trả hơn 16,9 tỉ đồng. Ông Phạm Văn Hùng, Giám đốc Sở GD-ĐT Thừa Thiên - Huế, cho biết dù đến cuối năm 2011 vẫn chưa có thông tư hướng dẫn của Bộ GD-ĐT về việc chi trả PCTN cho GV nhưng để tạo điều kiện cho họ ăn Tết, sở đã trình HĐND tỉnh thông qua kinh phí để ứng cấp trước, sau đó mới làm các thủ tục hành chính khác.
Ông Hồ Văn Thống, Giám đốc Sở GD-ĐT Đồng Tháp, cho biết tỉnh đã xuất 150 tỉ đồng để chi trả tiền PCTN cho GV. Tuy nhiên, vẫn còn số ít GV đang được xem xét do chưa hoàn chỉnh hồ sơ và sẽ được truy lĩnh sau.
Theo ông Phan Văn Sơn, Trưởng Phòng Tổ chức Cán bộ - Sở GD-ĐT An Giang, từ tháng 4-2012, Sở Tài chính tỉnh đã cấp kinh phí để chi trả PCTN cho GV. Từ tháng 5-2012, tiền PCTN sẽ được đưa vào bảng lương của GV lĩnh hằng tháng.
Lòng vòng thủ tục
Ông Phan Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Khánh Hòa, giải thích: “GV chưa nhận được PCTN là do kho bạc hay ở đâu đó, chứ sở đã ký quyết định lâu rồi”. Giám đốc sở Trần Đức Minh cũng khẳng định đã ký quyết định chi trả tiền PCTN cho toàn bộ GV bậc THPT. Thế nhưng, bà Trịnh Thị Bích Yến, Trưởng Phòng Tổ chức - Sở GD-ĐT Khánh Hòa, lại cho biết toàn bộ hồ sơ GV còn nằm trên bàn của bà, chưa phê duyệt. “Chúng tôi bận quá nhiều việc. Hơn nữa, việc thẩm định hồ sơ rất phức tạp, trong khi giám đốc sở lại bận họp, công tác suốt nên chưa ký được” - bà Yến nói.
Việc làm hồ sơ xét duyệt PCTN cho GV ở mỗi địa phương làm mỗi cách. Tại Bình Định, Khánh Hòa, GV bậc THPT do sở GD-ĐT xét duyệt, GV từ bậc THCS trở xuống do UBND huyện và cấp tương đương xét duyệt. Còn ở Phú Yên, tất cả đều quy về một mối là sở nội vụ...
Ở Phú Yên, con đường hồ sơ của GV đến nơi xét duyệt tưởng gần nhưng lại rất xa. Hồ sơ của GV bậc tiểu học và THCS trước hết phải được trường xét duyệt, sau đó chuyển lên phòng GD-ĐT rồi đưa sang phòng nội vụ huyện thẩm định trước khi trình cho chủ tịch huyện ký, sau cùng mới được chuyển đến sở nội vụ. “PCTN cho GV trục trặc một phần do văn bản hướng dẫn ban hành chậm. Việc triển khai các thủ tục xét duyệt cũng rất phức tạp”- ông Nguyễn Văn Tá, Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên,
thừa nhận.
Theo ông Nguyễn Thành Tâm, Giám đốc Sở Nội vụ Phú Yên, trong đợt 1 xét duyệt PCTN, vẫn còn 3 huyện Đông Hòa, Tây Hòa và Đồng Xuân không chịu gửi hồ sơ GV về sở. Ông Trần Đình Phương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 2 Xuân Lãnh, cho biết các trường ở Đồng Xuân đã làm hồ sơ từ lâu. “Việc làm hồ sơ rất vất vả. Ban đầu họ hướng dẫn một đằng, sau lại hướng dẫn khác đi. Trường phải làm hồ sơ đến lần thứ 3 mới được. GV được tuyển dụng vào biên chế ngày nào thì phòng, sở GD-ĐT phải biết, sao lại buộc GV phải nộp quyết định vào biên chế, trong khi nhiều GV không còn giữ? Sống ở vùng lũ lụt, thất lạc giấy tờ là chuyện thường. Nhiều GV chưa được xét duyệt PCTN là vì lẽ này” - ông Phương bức xúc.
Theo báo cáo của Sở GD-ĐT Quảng Nam, tỉnh này có 2.100 GV được hưởng PCTN nhưng sở chỉ mới xét duyệt khoảng 1.900 hồ sơ. 200 hồ sơ còn lại chưa được xét duyệt do vướng mắc một số vấn đề như thất lạc quyết định tuyển dụng và bổ nhiệm, sổ bảo hiểm thiếu sót nhiều nội dung... Số hồ sơ này đã xin ý kiến của Bộ GD-ĐT nhưng 3 tháng qua vẫn chưa có hồi âm. Sở GD-ĐT cũng đã có công văn gửi Sở Tài chính xét duyệt và trình UBND tỉnh Quảng Nam ký quyết định cấp kinh phí để chi trả PCTN cho GV nhưng hiện vẫn chưa thấy UBND tỉnh ký duyệt.
Vì sao việc lập hồ sơ cho GV để hưởng PCTN lại nhiêu khê đến vậy là vấn đề mà Bộ GD-ĐT phải chịu trách nhiệm chứ không thể buông xuôi cho các địa phương mỗi nơi làm mỗi cách. PCTN là tiền của Nhà nước đã cấp cho GV chứ họ không đi xin. Họ phải được lĩnh kịp thời như quy định, như vậy mới thể hiện sự tôn trọng những người đứng trên bục giảng.
TPHCM: Nhiều giáo viên đã nhận phụ cấp thâm niên
Tại TPHCM, việc thực hiện PCTN cho GV đã được triển khai. Đến nay, nhiều quận, huyện đã chi tiền PCTN cho GV. Tại quận 5, GV các trường từ THCS trở xuống đã được nhận tiền này. Bà Võ Ngọc Thu, Trưởng Phòng GD-ĐT quận 5, cho biết GV trong quận đã được nhận PCTN từ tháng 1-2012. Theo ông Văn Công Sang, Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ - Sở GD-ĐT TPHCM, ở các bậc học từ THCS trở xuống, nhiều quận, huyện đã chi PCTN cho GV. Với bậc THPT, đến nay mới có hơn 10 trường trả PCTN. Ông Sang cho rằng GV nhiều trường THPT chưa nhận được PCTN là vì hồ sơ có nhiều sai sót, cần phải tiếp tục chỉnh sửa. |
Giáo viên “né” phòng, sở GD-ĐT
Việc cán bộ quản lý giáo dục không được hưởng PCTN lẫn phụ cấp đứng lớp (2 khoản này cộng lại gần bằng lương cơ bản của GV) đã gây rất nhiều khó khăn trong việc điều động GV lên công tác ở phòng hay sở GD-ĐT. Ông Bùi Mạnh Nhị, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ GD-ĐT, khẳng định các trường hợp không trực tiếp giảng dạy thì không được hưởng PCTN. Ông Nhị cho biết những đối tượng này đã được hưởng những khoản phụ cấp khác. Theo Nghị định 57 của Chính phủ ban hành tháng 7-2011, những người là công chức (gồm cả người công tác ở phòng GD-ĐT) được hưởng chế độ phụ cấp công vụ. Ngoài ra, vào tháng 8-2011, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành quyết định về bảo lưu chế độ phụ cấp ưu đãi đối với GV được điều động làm công tác quản lý giáo dục. Các nhà giáo được điều động làm công tác quản lý giáo dục trong thời gian từ ngày 1-9-2010 đến 31-5-2015 được hưởng chính sách bảo lưu phụ cấp ưu đãi. Theo thông tin mới nhất từ Bộ GD-ĐT, để nâng cao đời sống cho GV cũng như cán bộ quản lý giáo dục, sắp tới, bộ sẽ tham mưu cho Chính phủ và Quốc hội về mức lương đối với GV và cán bộ quản lý giáo dục trong đề án cải cách tiền lương mới. |
NHÓM PHÓNG VIÊN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment bằng chữ có dấu .
Không dùng chữ Việt bị biến dạng (như nhìu, dzo)