Gân bò, chân gà là những món ăn khoái khẩu của dân nhậu. Tuy nhiên, nếu chỉ cần một lần chứng kiến công nghệ chế biến những đặc sản từ hàng ôi thiu thì từ “ăn là ghiền” sẽ chuyển thành... “ăn là gớm!”.
Gân từ chân trâu, bò thối
Sau
hàng loạt vụ ngộ độc do ăn các loại thực phẩm ở vỉa hè và
những phát hiện của cơ quan chức năng về hàng trăm tấn nội tạng
động vật hôi thối từ các tỉnh tuồn vào TPHCM, nhiều người
mới thấy hãi hùng vì hằng ngày đang tự bỏ các độc chất vào
miệng. Ông Lê Thanh Tuấn, người có gần 20 năm kinh doanh phụ phẩm
gia súc ở quận 8 - TPHCM, tiết lộ: Gân bò mà các quán phở,
quán lẩu bán cho mọi người ăn mà ai cũng khen ngon, giòn, dai
đôi khi ngâm toàn bằng các hóa chất độc hại.
Lòng bò hôi thối đã được ngâm hóa chất (ảnh lớn) và chân gà nhập khẩu biến chất (ảnh nhỏ)
Để chứng minh, ông
Tuấn dẫn chúng tôi sang khu vực Bến Ba Đình thuộc phường 8,
quận 8 để chứng kiến hàng chục hộ ở đây chế biến lòng bò,
gân bò như thế nào. Khi đến gần, bất cứ ai cũng sẽ có cảm
giác buồn nôn bởi mùi hôi thối nồng nặc xông lên từ những đống
lòng bò đang bỏ ngổn ngang trong xô chậu.
Số lòng bò sau
khi rửa sơ qua sẽ cho vào ngâm với hóa chất tẩy trắng để làm
mới. Còn chân bò, chân trâu dù bốc mùi hôi thối nhưng cũng được
làm sạch lông rồi cho vào ngâm trong một loại hóa chất có màu
trắng không mùi. Chỉ sau một giờ ngâm, chân trâu, bò sẽ bị rã,
lúc này người ta chỉ cần dùng tay là rút từng đoạn gân một
cách dễ dàng.
Những
hình ảnh trên chỉ là một trong số hàng trăm “lò” chế biến
nằm rải rác trên địa bàn TP. Theo ghi nhận của phóng viên, thời
gian gần đây, tình trạng vận chuyển chân trâu, bò từ các tỉnh
ở khu vực miền Trung, miền Bắc vào TP tăng
mạnh. Gần như ngày nào các cơ quan chức năng cũng bắt giữ
hàng trăm, thậm chí cả tấn chân trâu, bò hôi thối.
Điều
đáng nói là số chân trâu, bò này đều đang trong quá trình phân
hủy, bốc mùi, giòi bọ lúc nhúc. Song đa phần mặt hàng này
vẫn được đưa về các “lò” ở quận 12, Gò Vấp; các huyện Hóc
Môn, Bình Chánh... để làm gân bò bán ra thị trường. Do số chân
trâu, bò đã bị hư thối nên gân sau khi được lấy ra còn được ngâm
tiếp vào hóa chất công nghiệp để tạo độ dai, giòn.
Lấy hóa chất “tắm trắng” chân gà
Nhìn
dĩa chân gà ướp muối ớt nướng thơm phức, dĩa chân gà hấp
hành trắng phau, dĩa gỏi chân gà trộn rau răm bắt mắt... thực
khách khó mà biết rằng mặt hàng này cũng đã được chế biến theo
công nghệ “tắm trắng”. Hiện loại chân gà này phần lớn là hàng
nhập khẩu, lâu ngày tiêu thụ không hết lại bảo quản không đúng
kỹ thuật nên dễ bị hư hỏng, biến chất.
Nguồn hàng này được các chợ đầu mối mua
vào với giá rẻ, 1 kg chỉ hơn 20.000 đồng rồi đem bán ra thị
trường. Tại một điểm chế biến chân gà nằm sâu trong con hẻm
ngoằn ngoèo trên đường Hậu Giang, quận 6, mỗi ngày có hàng
chục thùng chân gà (mỗi thùng có trọng lượng hơn chục kg) được
chế biến theo công nghệ “tắm trắng” bằng hóa chất.
Để
“phù phép” chân gà lâu ngày đã có những vết thâm đen trở nên
trắng phau, người ta cho chân gà vào các thùng nhựa - loại
thùng từng chứa hóa chất được bán cho các vựa ve chai. Tiếp
đến, đổ một loại hóa chất không rõ nguồn gốc có màu trắng
đục, hôi nồng nặc để ngâm chân gà. Sau 2 - 3 giờ, số chân gà
vớt ra đã chuyển từ màu thâm đen sang trắng phếu, không chút tì
vết. Cứ khoảng 6 giờ hằng ngày, mối lái từ các chợ lẻ đổ
về lấy hàng.
Hiện
khu vực phía sau các chợ Bình Tây, Hòa Bình, Bà Chiểu, Bà
Hom..., chân gà ngâm chất tẩy trắng được bán tràn lan. Thau ngâm
hóa chất được đặt ngay chỗ bán, trên là mâm bày chân gà bán cho khách. Cứ thế, hết hàng trên mâm, người bán lại thò tay xuống thau vớt lên bán tiếp.
Tẩy
trắng nhiều nhất là mặt hàng chân gà rút xương dùng để làm
gỏi, nấu lẩu. Do yêu cầu chân gà rút xương phải trắng nên người
bán sẽ ngâm thuốc tẩy với liều lượng cao hơn chân gà thông
thường để tẩy thật trắng. Sau khi ngâm thuốc tẩy, chân gà còn
được ngâm tiếp vào chất tạo xốp, chất tạo độ dai, giòn.
Thiếu dinh dưỡng, thừa độc hại
Qua
kiểm tra, Chi cục Thú y TPHCM đã phát hiện một số điểm làm
gân bò trái phép dùng cả hóa chất xút (NaOH) để ngâm chân trâu,
chân bò. Đây là loại hóa chất dùng trong ngành công nghiệp
dệt, nhuộm, tẩy rửa... có tính kiềm, ăn mòn cao. Chất này khi
thâm nhập cơ thể với số lượng nhất định có thể gây mù mắt, ăn
mòn da, gây tắt thở, tổn hại hệ tiêu hóa... và có thể dẫn
đến ung thư. Bác sĩ Trần Văn
Ký, phụ trách chuyên môn Văn phòng phía Nam - Hội Khoa học Kỹ
thuật An toàn vệ sinh - Thực phẩm Việt Nam, cho biết những thực
phẩm bị ngâm tẩm hóa chất đều độc hại khôn lường nhưng dinh
dưỡng thì không có.
|
Bài và ảnh: NGUYỄN HẢI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment bằng chữ có dấu .
Không dùng chữ Việt bị biến dạng (như nhìu, dzo)