Về xã Phong Khê, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh để “mắt thấy tai nghe” công nghệ chế biến các sản phẩm giấy ăn, giấy vệ sinh từ hạng bình dân cho đến hạng sang để cung cấp cho thị trường sẽ không ít người tiêu dùng phải rùng mình, sởn gai ốc. Cả làng như một “bãi rác” khổng lồ, khắp các ngả đường luôn nồng nặc mùi tạp chất do các xưởng sản xuất giấy thải ra.
Toàn cảnh của một xưởng sản xuất giấy ăn (đang hoạt động)
Ông Nguyễn Văn Thụ, cán bộ địa chính - xây dựng xã Phong Khê cho biết toàn xã Phong Khê từ xí nghiệp tư nhân cho tới doanh nghiệp, hợp tác xã cổ phần, công ty... có tất cả khoảng 200 đơn vị sản xuất giấy trong đó có 50% đơn vị sản xuất giấy ăn, giấy vệ sinh, mỗi xí nghiệp đạt công suất trung bình từ 5 – 7 tấn/ngày.
Các đơn vị sản xuất đều có giấy phép kinh doanh nhưng tùy theo quy mô sản xuất thì có thể phân loại thành các xí nghiệp tập trung và các hộ sản xuất cá thể nhỏ lẻ.
Qua sự giới thiệu của người dân địa phương, chúng tôi tới khu công nghiệp sản xuất giấy tập trung của toàn xã được hình thành từ năm 2003. Qua con đường lầy lội, nước tù đọng đen ngòm, chúng tôi tới xí nghiệp sản xuất giấy của gia đình anh Ngô Văn Phương.
Khu xưởng bao bọc bởi những đống giấy phế thải cao ngất, không gian đặc quánh 1 thứ mùi chua nồng khó chịu, ầm ầm tiếng máy xay, ép giấy, hơi nước bốc mù mịt. Bên cạnh là những thành phẩm giấy ăn, giấy vệ sinh thơm nức được xếp ngay ngắn. Khoảng cách giữa chúng chỉ là một dây chuyền chế biến giấy đơn giản và tiềm ẩn sự ô nhiễm nghiêm trọng.
Khâu đầu tiên – nghiền giấy là khâu quyết định đến chất lượng của sản phẩm. Nguyên liệu đưa vào sản xuất là những đống “rác phế liệu” giấy, những cuộn giấy vệ sinh bỏ đi, sách báo lem nhem được thu mua từ nhiều nguồn khác nhau, thậm chí được thu gom từ những bãi rác thải.
Công nhân chân đất giẫm đạp lên đống giấy nguyên liệu nhàu nát. Những bể ngâm giấy mủn rò rỉ thứ nước thải nhớp nháp trên nền đất. Máy xay nguyên liệu rỉ sắt đóng cục nổi lên thành từng mảng. Hệ thống nước thải chưa kịp hoàn thiện nước đặc khịt, rác nổi lềnh phềnh.
Công nhân giẫm đạp lên giấy nguyên liệu trong khi bốc giấy vào máy nghiền
Thiết bị máy móc hoen rỉ
Bể ngâm giấy bốc mùi hôi thối nồng nặc
Một công đoạn để chuẩn bị tẩy Javen
Khi chúng tôi hỏi “cơ sở sản xuất của anh có sử dụng chất tẩy trắng không”, anh Phương đã vội vã xua tay, trả lời thẳng thừng “không có”. Thế nhưng, vừa ra tới ngoài sân, tôi có hỏi một nhân viên đang làm việc, anh thật thà nói: “Chắc chắn là phải có rồi. Em nhìn xem, giấy nhập vào thì ô hợp thế kia, còn giấy thành phẩm thì trắng tinh thế này”.
Anh nhân viên này tiết lộ, các chất tẩy trắng được cho ngay vào công đoạn đầu tiên để ngâm giấy chủ yếu là nước Javen và một vài loại hóa chất làm dai giấy đặc biệt.
Các thùng hóa chất gồm thuốc tẩy Javen, chất làm dai giấy vứt ngổn ngang trong xưởng
Một khe hở của bể ngâm giấy khiến nước chảy lênh láng và nhầy nhụa
Công đoạn tẩy trắng cho giấy ăn
Giấy đổi màu trắng sau khi dùng hóa chất
Chiếc máy ép bột giấy thành những cuộn lớn trước khi cho ra thành phẩm nằm ngay bên cạnh đống giấy nguyên liệu bẩn
Hoàn tất công đoạn đóng gói trước khi cung cấp ra thị trường
Tại Phong Khê, một số lượng lớn hộ gia công nhỏ lẻ sản xuất giấy ăn cung cấp đi khắp các tỉnh thành trong cả nước, bán rộng rãi trên thị trường. Từ giấy ăn "thường dân" nhất như "giấy phở" (loại giấy ăn thô ráp, màu trắng đục, hình vuông vẫn thường dùng tại các quán cóc ven đường, quán cơm vỉa hè,...) đến các loại giấy ăn cao cấp đều được "chế biến" bằng công nghệ... nồng nặc như trên.
Đúng như những lời nói đùa của những người làm ở các cơ sở sản xuất giấy ăn: “Giấy không tự nhiên sinh ra và cũng không tự nhiên mất đi. Nó chỉ chuyển từ giấy phế liệu, thậm chí rác thải thành giấy ăn và vô vàn sản phẩm hiện đại khác”.
Theo soha
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment bằng chữ có dấu .
Không dùng chữ Việt bị biến dạng (như nhìu, dzo)