Thứ Ba, 2 tháng 4, 2013

Lẽ nào tôi chỉ còn đường chết?


TT - Một phụ nữ ở phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, TP.HCM bị chồng chửi bới, đánh đập tàn nhẫn. Tình trạng bạo hành diễn ra thường xuyên, bà con xung quanh rất bức xúc, thế nhưng các cơ quan chức năng không chấm dứt được tình trạng này.
  • Chị Nguyễn Thị Sơn - Ảnh: H.Đ.
Chị viết thư cho Tuổi Trẻ bảo mình đã cùng đường, chắc có ngày giết chồng rồi tự tử. Chúng tôi xin ghi lại câu chuyện của chị.
Tôi và hắn đều ở Quảng Ngãi. Khi lấy nhau, cha mẹ tôi không đồng ý vì hắn hay rượu chè mà tôi cứ lao theo hắn như bị mê hoặc. Chúng tôi cũng chẳng có hôn thú. Hắn đòi hỏi chuyện ấy bất kể khi nào. Mỗi khi đi nhặt ve chai về muộn, trong người mệt mỏi không thể phục vụ được hắn thì hắn chửi bới và đánh đập. Hắn vừa làm tôi đau đớn về thân thể vừa nhục nhã với mọi người xung quanh. Nhiều khi nửa đêm hắn đánh đuổi khiến mấy mẹ con không ngủ được.
Hàng chục năm sống tại đất TP.HCM mà chưa nơi nào chúng tôi ở được quá vài tháng. Bởi mỗi khi hắn không được thỏa mãn thì chửi bới, đánh đập tôi, hàng xóm có ai vào khuyên răn hắn chửi luôn người ấy. Để tránh phiền nhiễu, người ta không muốn cho tôi thuê nhà. Vậy nên mấy mẹ con cứ lếch thếch lôi nhau hết nơi này đến nơi khác.
Suốt 13 năm ăn ở với nhau đã rất nhiều lần tôi không muốn sống chung với hắn nữa. Nhưng mỗi lần tôi nói ly hôn là hắn lại đánh, chửi tôi đi theo trai mà muốn bỏ hắn. Một lần tôi dứt áo ra đi, nhưng hắn đòi giữ lại con. Hắn mang con bé đi ăn xin, để ghẻ lở đầy người, ốm nheo ốm nhách. Tôi thương con đến đứt ruột nên quay lại sống chung với hắn, phần cũng vì hắn hứa sẽ không đánh đập, chửi bới tôi nữa, sẽ tu chí làm ăn để nuôi dạy con cái nên người. Nhưng con người hắn chứng nào tật nấy, không thể thay đổi. Hắn tiếp tục ở nhà uống rượu, để một mình tôi bươn chải nuôi hắn và lại đánh mắng, chửi bới tôi.
Cho đến khi tôi về tổ dân cư số 99, khu phố 6, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân thuê trọ thì được bà con chòm xóm láng giềng thương xót mà bao bọc cho tôi. Mỗi khi tôi bị hắn đánh, chị Bạch, chị Hương, bác Hà chạy vào can ngăn. Rồi họ xui tôi gọi điện thoại cho phường, công an, tổ dân phố đến giải quyết. Tôi đã gọi nhiều lần nhưng chú Phong cảnh sát khu vực nói tôi chỉ là người tạm trú thì không thể giải quyết được. Cho đến hồi cách đây mấy tháng tôi bị đánh nặng quá, ngất xỉu đi, mặt rách ra và bà con đưa tôi vào bệnh viện cấp cứu thì chú Phong mới gọi tôi và hắn lên trụ sở khu phố để hòa giải. Tôi đã nói nguyện vọng của mình là không thể sống chung với một người như hắn, sức tôi có hạn nên không thể nào chịu đựng được mãi.
Trở về khu trọ, bà con thương tình bày cho tôi cách trốn khỏi hắn bằng cách dọn nhà và mấy mẹ con cùng đi trốn. Khi không còn ai ở đấy nữa hắn cũng sẽ bỏ đi. Nhưng hắn bỏ đi được vài ngày, tôi thay khóa cửa nhà thì hắn mò về vừa chửi bới vừa chặn đường đánh đập khi tôi đi nhặt ve chai. Tôi đi đường khác thì hắn đợi sẵn ở nơi tôi cân bán ve chai để phá xe của tôi, không cho tôi đi kiếm tiền nuôi con.
Dù không còn sống chung với nhau nữa, nhưng ngày nào hắn cũng về nhà hai lần để mắng chửi và tìm cơ hội đánh đập tôi. Tôi may phúc có được chủ nhà tốt bụng, nên dù chị ấy rất khó chịu mỗi khi hắn về xóm quấy rối nhưng chị vẫn cho tôi ở thuê. Tôi cũng may phúc có được những người hàng xóm tốt bụng không chỉ bênh vực những khi tôi bị đánh, mà còn cưu mang cho con tôi từng miếng ăn, cái mặc đến những đồ dùng trong nhà họ cũng chia sớt cho. Những người hàng xóm không có quyền lực gì còn thương tôi và giúp tôi như vậy, thử hỏi tại sao công an và hội phụ nữ không thể giúp đỡ tôi? Nhiều đêm đau đớn quá, tôi nghĩ đến khi không chịu nổi nữa tôi sẽ giết hắn, nhưng tôi giết hắn thì ai nuôi hai đứa con bé bỏng của tôi?
Có ai dưới gầm trời này khổ hơn tôi không? Và tại sao tôi cũng là công dân, là một con người mà không được chính quyền đoái hoài tới?
NGUYỄN THỊ SƠN
Mẹ con đã tự tử nhiều lần rồi
Nửa đêm đang ngủ nhiều khi con bị thức giấc vì bị ba đánh hoặc tiếng chửi bới, la hét của ba. Ba không chỉ đánh mẹ mà còn đánh cả con nữa. Mới đây thôi, ba đánh mẹ ban ngày con chạy ra can thì ba nắm bấm vào tay con đến bây giờ vẫn còn vết móng tay trên da. Mẹ con phải đi nhặt ve chai từ sớm đến tối, con thì đi học ở lớp tình thương. Cô giáo cũng rất thương con. Ba hay đánh mẹ, đánh cả con và em nên con rất giận ba.
Hồi ở quê, mẹ con đã uống thuốc rầy tự tử vì bị ba đánh nhiều quá, nhờ được mọi người đưa đi cấp cứu nên mẹ không chết. Lần khác mẹ lại nhảy sông tự tử may cũng được cứu. Mẹ mà chết con không biết phải sống với ai nữa. Con đang đi học ở lớp tình thương rất tốt, nên nếu mẹ phải chuyển nhà đi chỗ khác con không biết sẽ học ở đâu. Mẹ không có tiền cho con học ở trường học khác như các bạn. Con chỉ mong ba đừng về đây quậy phá nữa để mẹ còn đi kiếm tiền nuôi con và em Quỳnh.
NGUYỄN THẢO LÝ (12 tuổi)
Những người hàng xóm:
Chúng tôi gọi cảnh sát khu vực rất nhiều lần
* Ông VÕ THANH (58 tuổi):
Nhà tôi cùng ngõ với nhà Sơn. Tôi thực lòng rất bức xúc vì Sơn thường xuyên bị chồng đánh đập hành hạ, có lần phải đi bệnh viện. Mỗi lần Sơn bị đánh tôi đều gọi điện thoại cho cảnh sát khu vực nhưng anh Phong, cảnh sát khu vực ở đây, chỉ xuống có một lần rồi thôi. Khi Sơn bị đánh trong xóm, nó gọi tôi ra can thiệp, nhưng khi bị đánh ở khu phố khác thì tôi không thể chạy đến đó để giúp được. Tội nghiệp ghê lắm.
* Bà NGUYỄN THỊ NGA (67 tuổi):
Mỗi lần nó bị đánh xong, máu me be bét, đi viện về mà gầy còm ốm yếu vì chẳng có gì để bồi bổ cho lại sức. Tôi vẫn lấy thuốc bổ của các con mua cho tôi mang sang cho nó uống để nhanh lại người mà đi làm nuôi con. Sáng đi làm tối tiêu hết tiền thì mẹ con nó lấy đâu ra mà dành dụm. Bị chồng đánh đến vào viện mà chẳng có cắc nào trong người, hàng xóm góp mỗi người mỗi ít để nó chữa lành vết thương đấy chứ.
* Ông NGUYỄN TRỌNG PHONG (tổ trưởng tổ bảo vệ khu phố 6, P.Bình Hưng Hòa B):
Riêng bản thân tôi đã năm, bảy lần giải quyết việc chị Sơn bị chồng hành hung, riêng từ tết đến nay đã ba lần. Mỗi lần xuống giải quyết việc chị Sơn bị ngược đãi tôi đều ghi vào báo cáo hằng tháng để gửi lên công an phường.
Trung úy VÕ TUẤN PHONG (CSKV khu phố 6):
Tôi đã lập hồ sơ một lần
Trung úy Phong nói: “Việc của chị Nguyễn Thị Sơn bị chồng hành hung và ngược đãi tôi đã cho gọi lên để lập biên bản xử lý hành chính khi anh này đánh chị Sơn gây thương tích phải nhập viện. Tôi cũng đã cho hai bên ký cam kết hòa giải nếu không sống được với nhau thì không nên sống chung nữa. Còn việc chị Sơn phản ảnh tôi bảo chị dọn đi chỗ khác ở là không đúng. Việc bà con dân phố cho rằng tôi bắt chủ nhà đuổi chị Sơn đi chỗ khác cũng không đúng. Tôi chỉ nhận được tin báo từ dân phố có một lần và đã lập hồ sơ một lần rồi”.
* Người dân phản ảnh họ đã gọi hàng trăm cuộc gọi cho ông nhưng không nhận được phản hồi?
- Tôi không nhận được nhiều cuộc gọi nói về việc này như thế. Tôi chỉ nhận được đơn một lần. Còn những lần gây rối thì anh em bảo vệ giải quyết.
* Khi gọi vợ chồng chị Sơn lên để lập biên bản, anh có xuống địa phương để xác minh thông tin từ người dân xung quanh không?
- Khi lập hồ sơ tôi có mời chị chủ nhà đến, chị chủ nhà nói trước đây sự việc có xảy ra, việc xảy ra đánh chị Sơn đến vào viện là do ông này xỉn. Tôi chỉ mời hai bên lên để hòa giải chứ không xuống địa phương, bởi hai bên thỏa thuận xong thì về.
* Vậy ông có biết việc chị Sơn bị chồng bạo hành hằng ngày không?
- Tôi không biết, không ai báo cho tôi biết cả.
* Ông có cho rằng mình đã làm tròn trách nhiệm với dân chưa?
- Tất cả những vụ việc được phản ảnh tôi đều giải quyết hết.
* Vậy việc chị Sơn bị bạo hành hằng ngày thì ông có hướng giải quyết như thế nào?
- Không ai báo cho tôi việc chị Sơn bị bạo hành hằng ngày, bởi địa bàn của phường rất rộng và chúng tôi còn rất nhiều nhiệm vụ khác nữa.
HOÀNG ĐIỆP - MỸ THƯƠNG
Hội phụ nữ:
Chị Sơn không chịu chuyển đi nơi khác
* Bà TẠ XUÂN HƯƠNG (chi hội trưởng Chi hội phụ nữ khu phố 6, P.Bình Hưng Hòa):
Tôi không nhận được đơn từ gì mà chỉ nghe báo cáo bằng miệng. Ông chồng này thì hay ghen, lần nào uống rượu cũng đánh vợ. Tôi cũng khuyên chị ấy trả nhà đi, xin chuyển xuống quận Bình Tân ở một vài tháng. Nhưng chị ấy không chịu. Khuyên như vậy không được thì tôi cũng không biết giúp đỡ bằng cách nào bởi tổ trưởng dân phố đã giải quyết hòa giải mấy lần rồi mà không xong.
* Bà NGUYỄN THỊ OANH KIỀU (chủ tịch Hội phụ nữ P.Bình Hưng Hòa B, Q.Bình Tân):
Chi hội phụ nữ đã can thiệp nhiều lần và đã báo lên phường về trường hợp của gia đình chị Sơn. Tôi cũng đã trực tiếp gặp chị Sơn để nói chuyện và tìm biện pháp giúp đỡ bằng cách đề nghị chị Sơn chuyển lên chùa Bình An tạm lánh một thời gian, chúng tôi sẽ sắp xếp cho chị ấy tìm thuê một phòng trọ khác ở khu phố 5 hoặc khu phố 4 để anh chồng không đến làm phiền nữa nhưng chị Sơn cố tình không đi.
Nếu chị chịu đi thì ổng đâu tìm được, chứ hai vợ chồng đánh nhau nhiều quá, riết người ta cũng lờn... Hội phụ nữ chỉ can thiệp, thuyết phục để người phụ nữ trong hội không bị bạo hành chứ không có quyền bắt người. Riêng địa bàn phường Bình Hưng Hòa B có trên 60.000 dân, bao nhiêu vấn đề, vụ việc để giải quyết, chúng tôi cũng không thể canh ở nhà chị này mỗi ngày. Nếu chị cứ ở lại, một hôm nào đó vợ chồng đánh nhau ổng đập chị chết cũng không ai tới cứu kịp. Tôi nghe nói anh chồng tuyên bố “Nếu đuổi chị ra khỏi chỗ trọ thì ổng không tới quậy nữa”. Tôi nghĩ nếu đem đi giám định thì nhiều khả năng anh này bị tâm thần.
Theo quy định của pháp luật hiện nay, phải có kết quả giám định thương tích từ 11% trở lên mới có căn cứ để xử lý hình sự. Nhưng cho đến nay việc anh chồng đánh chị Sơn chỉ ở mức đánh bằng tay chân, lần nặng nhất phải đưa đi bệnh viện nếu xét mức độ thương tật chắc chưa đến 1%. Bên công an cũng nói để xử lý nặng hơn phải lập biên bản nhiều lần, mà đến nay cũng chưa xử phạt gì cả. Tôi nghĩ công an xử lý chưa mạnh.
H.Đ. - M.T. ghi


215  người
Ý kiến bạn đọc (2) Gửi ý kiến của bạn
  • 4/2/2013 2:09:04 PM
    Hoàn cảnh của chị Sơn đúng là cùng cực quá. Những lời nói của các cán bộ Hội phụ nữ trên quả là vô tình. Họ không làm tròn trách nhiệm còn đổ lỗi cho chị Sơn là "không chịu dọn đi". Họ có biết rằng, nếu chị Sơn dọn đi, ông chồng vũ phu kia tìm được lại gây sự thì sao, liệu chị Sơn có tìm được những người hàng xóm, chủ nhà tốt bụng như ở đây. Các bà ấy muốn chị Sơn dọn đi liệu có phải là "phủi trách nhiệm", nếu chị dọn đi thì họ "đỡ đau đầu" hay không. Càng suy nghĩ, càng thấy bức xúc quá!
    Bạn đọc
  • 4/2/2013 12:12:58 PM
    Bị bạo hành trong thời gian dài làm tâm lý con người bị ảnh hưởng dữ dội. Không có cơ quan nào giải quyết chuyện này đến nơi đến chốn thì tâm lý những đứa con của chị Sơn sẽ không phát triển bình thường. Thử hỏi nghe chuyện người lớn còn thấy không ổn huống hồ gì bọn trẻ cũng là người trong cuộc. Mà nghe mấy vị bên công an và hội phụ nữ nói vô trách nhiệm quá, một người trong khu vực của mình còn không rõ huống gì cả ngàn người.
    Võ Trần Thi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment bằng chữ có dấu .
Không dùng chữ Việt bị biến dạng (như nhìu, dzo)