Chủ Nhật, 2 tháng 12, 2012

Tiếng Việt (2)


Jul 9, '09 9:43 PM
for everyone
Đầu những năm 1960, nghe nói có vị giáo viên văn trung học say sưa phân tích trước lớp về câu thơ Nguyễn Du trong Truyện Kiều: “Giếng vàng đã rụng một vài lá ngô”.
- Cái gì đã rụng? - Vị giáo viên kia hỏi.
- Thưa thầy, cái giếng.
- Rụng cái gì?
- Thưa thầy, lá ngô.
- Cái giếng làm sao có lá để mà rụng? Vậy thì, giếng vàng làm sao có thể làm chủ ngữ cho động từ đã rụng? Câu thơ nói trên lẽ ra phải viết: "Một vài chiếc lá ngô đồng đã rụng bên bờ giếng dưới ánh nắng thu vàng".
Vị giáo viên nhếch mép cười khoan dung, rồi nói tiếp: Nhưng, chúng ta không chê trách Nguyễn Du. Cụ khó tránh khỏi những hạn chế của thời đại Cụ! Cách đây hai thế kỷ, khi Nguyễn Du còn ngồi trên ghế nhà trường chưa có sách ngữ pháp tiếng Việt như các em hôm nay. Cụ đâu có cái cơ may được học ngữ pháp tiếng Việt một cách khoa học!
Phải nói rằng, cho đến những năm 60 thế kỷ 20, vẫn còn không ít người muốn đem bộ khung ngữ pháp nước ngoài "đóng đinh bắt vít" vào tiếng Việt, để "phán" rằng câu nói hồn nhiên của các em học sinh "chiếc lá này xanh" cần phải chữa lại thành "chiếc lá này là xanh" mới đúng với cách viết trong tiếng Pháp "cette feuille est verte" hay cách viết trong tiếng Anh "this leaf is green"!
Mỗi ngôn ngữ có những đặc điểm riêng. Lẽ ra họ phải xuất phát từ câu nói tự nhiên của người Việt để phân tích, khái quát hoá, tìm ra quy luật ngữ pháp, thì lại làm ngược lại, bê nguyên xi ngữ pháp nước ngoài áp đặt vào tiếng Việt!
Thật ra, thơ Nguyễn Du rất đúng ngữ pháp tiếng Việt, nhưng sẽ không khớp với cái khung ngữ pháp tiếng Pháp hay tiếng Anh. Chớ nên làm chuyện ngược đời: Gọt chân người Việt cho vừa giày Tây đóng sẵn!
Nhà ngôn ngữ học nổi tiếng Cao Xuân Hạo, khi còn sống, đã có lần cảnh báo: Những câu kiểu "dự án này được tài trợ bởi UNESCO", v..v... là tiếng Việt... "bồi"! Bởi lẽ, nếu cứ trượt dài theo cái đà đó, thì sẽ có lúc một chàng ngố xứ ta nói với người yêu: "Anh được yêu... bởi em"!

Blog EntryJul 9, '09 9:32 PM
for everyone
Từ đồng nghĩa
1. Đã có không ít quan niệm được nêu lên cho hiện tượng này với những dị biệt ít nhiều. Nhìn chung, có hai hướng quan niệm chính: một là dựa vào đối tượng được gọi tên, hai là dựa vào khái niệm do từ biểu thị.
Thực ra, từ đồng nghĩa không phải là những từ trùng nhau hoàn toàn về nghĩa. Chúng nhất định có những dị biệt nào đó bên cạnh sự tương đồng (mặc dù phát hiện sự dị biệt đó không phải lúc nào cũng dễ dàng). Chính sự dị biệt đó lại là lí do tồn tại và làm nên những giá trị khác nhau giữa các từ trong một nhóm từ đồng nghĩa. Rõ ràng tính đồng nghĩa có những mức độ khác nhau, và ta có thể nêu quan niệm như sau:
Từ đồng nghĩa là những từ tương đồng với nhau về nghĩa, khác nhau về âm thanh và có phân biệt với nhau về một vài sắc thái ngữ nghĩa hoặc sắc thái phong cách,... nào đó, hoặc đồng thời cả hai.
Ví dụ:
- start, commence, begin (trong tiếng Anh)
- cố, gắng, cố gắng (trong tiếng Việt)
là những nhóm từ đồng nghĩa.
2. Những từ đồng nghĩa với nhau tập hợp thành một nhóm gọi là nhóm đồng nghĩa. Trong các ví dụ vừa nêu, ta có các nhóm đồng nghĩa của từng ngôn ngữ tương ứng.
2.1. Những từ đồng nghĩa với nhau không nhất thiết phải tương đương với nhau về số lượng nghĩa, tức là các từ trong một nhóm đồng nghĩa không nhất thiết phải có dung lượng nghĩa bằng nhau: Từ này có thể có một hoặc hai nghĩa, nhưng từ kia có thể có tới dăm bảy nghĩa. Thông thường, các từ chỉ đồng nghĩa ở một nghĩa nào đó. Chính vì thế nên một từ đa nghĩa có thể tham gia vào nhiều nhóm đồng nghĩa khác nhau: Ở nhóm này nó tham gia với nghĩa này, ở nhóm khác nó tham gia với nghĩa khác.
Ví dụ: Từ “coi” trong tiếng Việt là một từ đa nghĩa. Tuỳ theo từng nghĩa được nêu lên để tập hợp các từ, mà “coi” có thể tham gia vào các nhóm như:
+ coi – xem: coi hát – xem hát
+ coi – giữ: coi nhà – giữ nhà
2.2. Trong mỗi nhóm từ đồng nghĩa thường có một từ mang nghĩa chung, được dùng phổ biến và trung hoà về mặt phong cách, được lấy làm cơ sở để tập hợp và so sánh, phân tích các từ khác. Từ đó gọi là từ trung tâm của nhóm.
Ví dụ trong nhóm từ “yếu, yếu đuối, yếu ớt” của tiếng Việt, từ “yếu” được gọi là từ trung tâm.
Tuy nhiên, việc xác định từ trung tâm của nhóm không phải lúc nào cũng dễ và đối với nhóm nào cũng làm được. Nhiều khi ta không thể xác định một cách dứt khoát được theo những tiêu chí vừa nêu trên, mà phải dựa vào những tiêu chí phụ như: tần số xuất hiện cao (hay được sử dụng) hoặc khả năng kết hợp rộng.
Chẳng hạn, trong các nhóm từ đồng nghĩa tiếng Việt như: hồi, thuở, thời; hoặc chờ, đợi; hoặc chỗ, nơi, chốn,... rất khó xác định từ nào là trung tâm.
(Vấn đề trung tâm sẽ được nhắc lại ở điểm 3 tiếp theo).
3. Tập hợp đủ các nhóm từ đồng nghĩa, phân tích cho hết được những nét giống nhau, khác nhau giữa các từ trong mỗi nhóm, luôn luôn làm mong muốn của những người nghiên cứu và xử lí vấn đề từ đồng nghĩa.
Có nhiều thao tác ít nhiều mang tính kĩ thuật và nguyên tắc hoặc kinh nghiệm trong khi phân tích nhóm từ đồng nghĩa, nhưng tất cả đều nhằm vào mục đích chung của hai bước cơ bản sau đây:
3.1. Lập danh sách các từ trong nhóm
Mỗi nhóm đồng nghĩa có thể nhiều hay ít tuỳ theo tiêu chí đưa ra để tập hợp nhưng phải luôn luôn dựa vào nghĩa biểu niệm của từ.
3.1.1. Trước hết phải chọn một từ đưa ra làm cơ sở để tập hợp các từ. Từ này thường cũng chính là từ trung tâm của nhóm, chẳng những nó được lấy làm cơ sở để tập hợp các từu khác mà còn là cơ sở để so sánh, phân tích và giải thích chúng. Ví dụ: Với từ “sợ” của tiếng Việt, ta tập hợp thêm một số từ khác và lập thành nhóm đồng nghĩa: sợ – hãi – kinh – khiếp – sợ hãi – khiếp sợ – ...
3.1.2. Khi lập nhóm đồng nghĩa phải luôn luôn cảnh giác với các cách diễn đạt đồng nghĩa, với các hiện tượng chuyển nghĩa có tính chất phong cách, tu từ. Đó là những trường hợp “đồng nghĩa ngữ cảnh” hoàn toàn có tính chất lâm thời và thuộc về kĩ thuật tạo lập văn bản, do phong cách học nghiên cứu. Ví dụ:
- Áo nâu cùng với áo xanh
Nông thôn cùng với thị thành đứng lên.

3.2. Phân tích nghĩa của từng từ trong nhóm
Ở bước này phải phát hiện những tương đồng và dị biệt giữa các từ trong nhóm với nhau. Công việc cụ thể phải làm là:
3.2.1. Cố gắng phát hiện và xác định cho được từ trung tâm của nhóm. Từ trung tâm thường là từ mang nghĩa chung nhất, dễ dùng và dễ hiểu nhất. Về mặt phong cách, nó mang tính chất trung hoà. Chẳng hạn, trong nhóm “mồ – mả – mộ – mồ mả” thì “mộ” là từ trung tâm, vì nó đáp ứng được các đặc điểm vừa nêu.
Trong tiếng Việt, từ trung tâm có nhóm đồng nghĩa, nói chung có một số biểu hiện hình thức như sau:
  • Nếu trong nhóm có cả từ đơn tiết lẫn đa tiết thì từ trung tâm thường là từ đơn;
  • Nếu trong nhóm có những từ không có khả năng tạo từ phái sinh hoặc tạo từ phái sinh rất ít, thì còn lại, từ nào có khả năng phái sinh lớn nhất, từ đó cũng thường là từ trung tâm.
  • Nếu một từ trực tiếp trái nghĩa với một từ trung tâm của một nhóm đồng nghĩa khác thì nó cũng sẽ chính là từ trung tâm trong nhóm của mình.
Chẳng hạn, xét hai nhóm:
1/ hiền – lành – hiền lành – hiền hậu – hiền từ – nhân hậu – nhân từ
2/ ác – dữ – độc ác – hiểm độc – ác nghiệt
Ta thấy ở nhóm 1, “hiền” là từ trung tâm vì nó thoả mãn tất cả những đặc điểm vừa nêu trên. Trong nhóm 2, “ác” sẽ được coi là từ trung tâm cũng vì những lí do như vậy và nó trái nghĩa với “hiền”.
Tuy nhiên, một từ đa nghĩa có thể đồng thời tham gia vào nhiều nhóm đồng nghĩa khác nhau nên có thể ở nhóm này nó là từ trung tâm nhưng ở nhóm khác thì lại hoàn toàn không có tư cách đó.
3.2.2. Lần lượt đối chiếu các từ trong nhóm từ trung tâm và đối chiếu giữa các từ không phải là từ trung tâm với nhau ta sẽ phát hiện những tương đồng và dị biệt về nghĩa. Sự tương đồng sẽ có ở tất cả mọi từ, còn dị biệt thì sẽ có ở từng từ trong nhóm. Vì thế, khi đối chiéu, ta nên đối chiếu với từ trung tâm trước, như so sánh với một mẫu số chung vậy.
Sự dị biệt giữa các từ đồng nghĩa nhiều khi rất tinh tế và khó phát hiện. Thường gặp nhất là những dị biệt sau đây:
+ Dị biệt về một số sắc thái ý nghĩa bổ sung như: mức độ trừu tượng, khái quát của khái niệm; hoặc phương thức, công cụ, chủ thể tiến hành, tiếp nhận hành động; hoặc thái độ của người nói đối với người nghe; hoặc sự đánh giá của người nói,...
Ví dụ: xét hai từ “cố” – “gắng”.
Nét chung của hai từ này là: Đưa sức ra nhiều hơn bình thường để làm cho được việc gì đó.
Nét riêng (dị biệt) của “cố” so với “gắng” là ở mục đích của hành động này: làm cho kì được, kì xong công việc mà chủ thể biết là khó khăn. Ví dụ: cố làm cho xong, cố quên những việc không vui đi, cố nhớ lại xem hôm qua đã nói gì.
Nét dị biệt của “gắng” so với “cố” là: làm cho tốt công việc mà biết là nên làm. Chẳng hạn, có thể nói: gắng lên chút nữa học cho giỏi, gắng chịu đựng khó khăn để động viên nhau.
+ Dị biệt về phạm vi sử dụng hoặc sắc thái phong cách, thái độ bình giá của người nói. Ví dụ:
“quả” – “trái”: “quả” có phạm vi sử dụng rộng hơn “trái”
“phụ nữ” – “đàn bà”: “phụ nữ” có sắc thái trang trọng hơn “đàn bà”.
+ Dị biệt về khả năng kết hợp cú pháp và kể cả kết hợp từ vựng. Ví dụ:
Ta có: trái na, trái bưởi, mặt trái xoan,.. nhưng không thể có: *trái chuông, *trái trứng vịt, *mặt quả xoan,...
Ta có: một mực, rất mực, mẫu mực, mức sống, mức lương, định mức, vượt mức,... chứ không có: *một mức, *rất mức, *mẫu mức, *mực sống, *mực lương, *định mực, *vượt mực,... mặc dù hai từ “mức” và “mực” là hai từ đồng nghĩa, trong rất nhiều trường hợp chúng thay thế được nhau.
4. Nhận biết để tập hợp, phân tích thấu đáo các nhóm đồng nghĩa sẽ giúp cho người ta sử dụng được chuẩn xác và tinh tế hơn, phù hợp với tâm lí và thói quen của người bản ngữ hơn. Điều đó rất quan trọng đối với việc dạy và học tiếng.

http://www.cva646566.com/TGBTCBVC/whitetigers.jpg
Cọp/ hổ/hùm...
Từ trái nghĩa:
1. Vốn là một hiện tượng không hoàn toàn đơn giản, các quan niệm về từ trái nghĩa đã được đưa ra cũng không hoàn toàn đồng nhất với nhau. Tuy vậy, nét chung được đề cập trong tất cả các quan niệm là: sự đối lập về nghĩa.
Quan niệm thường thấy và được đa số chấp nhận, được phát biểu như sau:
Từ trái nghĩa là những từ có ý nghĩa đối lập nhau trong mối quan hệ tương liên. Chúng khác nhau về ngữ âm và phản ánh những khái niệm tương phản về logic.
Ví dụ: caothấp trong câu dưới đây là hai từ trái nghĩa:
Bây giờ chồng thấp vợ cao
Như đôi đũa lệch so sao cho bằng


2. Quan niệm nêu trên, suy ra rằng: Những từ có vẻ đối lập nghịch nhau về nghĩa nhưng không nằm trong thế quan hệ tương liên thì nó không phải là hiện tượng trái nghĩa. Chẳng hạn, trong các câu: nhà này tuy bé mà xinh; cô ấy đẹp nhưng lười,... thì bé – xinh, đẹp – lười có vẻ đối nghịch nhau, nhưng chúng không phải là những hiện tượng trái nghĩa, vì không nằm trong quan hệ tương liên. Ngược lại, hai từ caothấp lại là trái nghĩa, vì chúng nằm trong quan hệ tương liên.
Những từ được cấu tạo bằng phụ tố, tạo ra những cặp từ có nghĩa ngược nhau (ví dụ như care – careless trong tiếng Anh) đều là những từ trái nghĩa cùng gốc. Chúng là kết quả của hiện tượng phái sinh trong từ vựng. Từ vựng học, trong trường hợp cần thiết, có thể đề cập tới hiện tượng này, nhưng mục tiêu nghiên cứu cơ bản của nó vẫn phải là những từ trái nghĩa khác gốc, tồn tại với tư cách của một kiểu tổ chức trong từ vựng, như: cao – thấp, ngắn – dài, dại – khôn, xấu – đẹp,...
3. Trong các nhóm từ trái nghĩa, không có từ trung tâm như trong nhóm đồng nghĩa. Mỗi từ ở đây có thể được hình dung như là nằm ở vị trí của một âm bản hay dương bản của nhau vậy. Từ này là một tấm gương phản chiếu của từ kia, và ngược lại.
Ví dụ:
- “buồn”: Có tâm trạng tiêu cực, không thích thú của người đang gặp đau thương hoặc gặp việc không ưng ý.
- “vui”: Có tâm trạng tích cực, thích thú của người đang gặp việc mình thích hoặc điều gì đó được như ý.
Vì thế, trong mỗi nhóm từ trái nghĩa sẽ chỉ gồm hai từ, và thường được gọi là một cặp trái nghĩa. Trong mỗi cặp như vậy, hai từ thường có quan hệ đẳng cấu nghĩa với nhau. Đặc điểm này chẳng những làm cho dung lượng nghĩa của chúng tương đương nhau mà kéo theo cấu trúc hình thức của chúng cũng thường tương đương hoặc gần tương đương nhau. So sánh:
+ nặng – nhẹ; nặng nề – nhẹ nhàng; buồn bã – vui vẻ;
+ high – low; fat – thin; long – short;...
Nói rằng hai từ trái nghĩa nhau tương đương với nhau về dung lượng nghĩa thì không phải chúng nhất thiết phải có số lượng nghĩa bằng nhau. Điều quan trọng là cái nghĩa làm cho hai từ đi vào quan hệ trái nghĩa, phải có dung lượng tương đương nhau. Bởi vậy, cũng như hiện tượng đồng nghĩa, ở đây, một từ đa nghĩa có thể tham gia vào nhiều cặp trái nghĩa khác nhau. Điều này cũng ngụ ý rằng một từ nào đó, có quan hệ trái nghĩa với nhiều từ trong nhóm đồng nghĩa. Ví dụ:
+ mềm – cứng; mềm – rắn (mềm nắn rắn buông);
+ già – trẻ; già – non (già giái non hột)...
4. Việc xác định các cặp trái nghĩa có nhiều phức tạp nên không thể dựa hẳn vào một tiêu chí nào đó. Thông thường, người ta hay dựa vào những tiêu chí sau đây:
4.1. Nếu hai từ là trái nghĩa thì chúng cùng có khả năng kết hợp với một từ khác bất kì nào đó mà quy tắc ngôn ngữ cho phép. Suy rộng ra là chúng phải cùng có khả năng xuất hiện trong một ngữ cảnh:
Ví dụ: người khôn – người dại; bóng tròn – bóng méo; no bụng đói con mắt; dốt đặc hơn hay chữ lỏng;...
Nếu hai từ là trái nghĩa thì chúng phải đảm bảo mối quan hệ liên tưởng đối lập nhau một cách thường xuyên và mạnh; bởi vì mỗi từ trong cặp trái nghĩa như là tấm gương phản chiếu của từ kia. Ở đây, để giảm bớt đến mức tối đa tính chủ quan của cái gọi là quan hệ liên tưởng, ta có thể thực hiện thêm hai thủ tục kiểm tra:
4.1.1. Phân tích nghĩa của hai từ đó xem chúng có đẳng cấu với nhau không.
4.1.2. Trường hợp nhiều liên tưởng và cũng bảo đảm tính đẳng cấu về nghĩa thì cặp liên tưởng nào nhanh nhất, mạnh nhất, có tần số xuất hiện cao nhất,... sẽ được gọi là trung tâm, đứng đầu trong chuỗi các cặp trái nghĩa.
Ví dụ:
cứng – mềm: Chân cứng đá mềm
cứng – dẻo: Thép cứng thay cho thép dẻo
cứng – nhũn: Khi quả xanh, vỏ cứng; khi chín, vỏ nhũn...
Trong ba cặp liên tưởng này, cặp “cứng – mềm”phải đứng ở vị trí trung tâm, vị trí hàng đầu.
4.3. Đối với từ trái nghĩa tiếng Việt, ngoài những tiêu chí nêu trên, còn có thể quan sát và phát hiện chúng qua những biểu hiện bổ sung như sau:
- Về mặt hình thức, hai từ trái nghĩa trong cặp thường có độ dài bằng nhau về số lượng âm tiết, rất ít khi lệch nhau;
- Nếu cùng là từ đơn tiết thì hai từ trong cặp trái nghĩa lại thường đi đôi với nhau, tạo thành những kết hợp như: dài ngắn, trẻ già, sớm muộn, đầu cuối, ngược xuôi, lớn bé,... biểu thị nghĩa khái quát tổng hợp, bao gồm hết các đối tượng “từ A đến Z” trong một phạm trù của đời sống và thế giới.
- Trừ vài ba cặp từ như: hồng hào – xanh xao, nhã nhặn – tục tằn,... còn nếu hai từ A và B là trái nghĩa thì:
+ Hoặc là cả hai cùng không có cấu tạo từ láy;
+ Hoặc là một bên có, một bên không;
+ Hoặc cả hai bên cùng có âm tiết láy sẽ không cùng khuôn vần.
Ví dụ: ra – vào, trong – ngoài, lên – xuống, mừng – lo, mừng – lo lắng; lành – rách; lành lặn – rách rưới,...
5. Nghiên cứu các từ trái nghĩa không thể bỏ qua trường hợp những từ vốn không trái nghĩa với nhau, nhưng trong một số ngữ cảnh chúng lại được dùng với tư cách những cặp trái nghĩa, chẳng hạn: đầu voi đuôi chuột, mặt sứa gan lim, miệng hùm gan sứa,...
Những từ như thế, người ta vẫn quen gọi là trái nghĩa ngữ cảnh, tức là chúng chỉ nằm trong thế đối sánh trái nghĩa tại một vài ngữ cảnh nào đó, chứ không phải là một quan hệ ngữ nghĩa trong tổ chức ngữ nghĩa của từ vựng. Cơ sở hình thành mối quan hệ trái nghĩa ngữ cảnh chính là ở các nghĩa ẩn dụ, hoán dụ, những biểu trưng,... của từ, nảy sinh trong từng ngữ cảnh cụ thể đó. Ví dụ:
Chồng người xe, ngựa người yêu
Chồng tôi áo rách tôi chiều tôi thương

Tình hình trên đây dẫn đến một hệ quả là: Trong thực tế sử dụng ngôn ngữ đã có vô cùng nhiều trường hợp thiết lập và dùng trái nghĩa ngữ cảnh. Có thể gọi chúng là những từ đối nghĩa. Tính chất đối nghĩa này thể hiện rõ rệt nhất trong những lối nói muốn làm nổi bật sự đối lập giữa hai vế, hai mặt, hai đối tượng,... nào đó, mà người Việt rất hay dùng. Ví dụ: “ với núi cũng kể là cao, bể với ao cũng kể là trũng”; “Đói lòng ăn nắm lá sung, chồng một thì lấy, chồng chung thì đừng”; “Trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết”; “Sổng cục đất mất cục vàng”...



Theo Mai Ngọc Chừ; Vũ Đức Nghiệu & Hoàng Trọng Phiến. Cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt. Nxb Giáo dục, H., 1997.
st
Blog EntryJul 9, '09 9:23 PM
for everyone
Trong khi văn minh nhân loại ngày càng tiến bộ về khoa học tự nhiên lẫn khoa học xã hội. Trong khi các ngôn ngữ lớn như Anh, Pháp, Hoa, Nhật tranh giành nhau từng chút một 'miếng bánh thị trường' trong thời buổi toàn cầu hóa. Trong khi hầu hết mọi công dân trẻ trên thế giới đều tự hào về phong tục văn hóa của riêng mình, ra sức đánh bóng cho sự phong phú giàu đẹp của tiếng nước mình. Thì dường như dân Việt và tiếng Việt là một ngoại lệ ngặt nghèo. Một dân tộc (từng) có vốn từ ngữ trù phú đẹp đẽ bậc nhất thế giới. Thứ tiếng nói ấy đã sản sinh ra không biết bao nhiêu là thể loại văn hóa tuyệt đẹp khác, nào ca trù, thơ, hịch, vè, phú, hò, cải lương v..v.. Nhưng tui quả thiệt là chua xót khi nhìn thấy nhiều bạn trẻ Việt Nam ngày nay, thay vì phong phú hóa hơn nữa 'di sản phi vật thể' quý báu nhất của cha ông, ngược lại, đang làm cho nó bị tạp nhiễm và biến thành một nồi canh tả pí lù. Trong các nền văn hóa ngoại lai đang hăm he mần thịt tiếng Việt chính thống, thì 'nền văn hóa' Internet là thô bạo nhất. Với sự giới hạn về thời gian cũng như khả năng nghiên cứu, tui chỉ xin được 'bép xép' vài dòng về 'nền văn hóa' này và những hệ lụy về đạo đức mà nó góp phần mang lại.

'Nền văn hóa' Internet tuy sinh sau đẻ muộn nhưng lại có sức mạnh tẩy não con người, bằng cách làm cho họ quên béng đi những vần những chữ những nguyên âm phụ âm mà các thầy cô giáo lớp 1 đã dầy công khổ luyện cho chúng ta suốt 9 tháng 10 ngày đầu tiên của đời học sinh, thời điểm mà tiếng Việt lành mạnh được phôi thai vào nhận thức. 'Bi kịch thời @' xảy ra cách đây hơn 10 năm, khi Internet đổ bộ vào Việt Nam, cùng với những tiến bộ vượt bậc về tri thức mà nó mang lại thì đồng thời chat và forum cũng nồng nhiệt giúp chúng ta hấp thụ một thứ tiếng Việt mới mẻ, ngắn gọn và vô cùng tiết kiệm nhiên liệu. Chúng ta sẽ 'hok' mất nhiều thì giờ để gõ chữ 'không' mà vẫn tạo ra được một âm tiết cực kỳ nhí nhảnh đáng yêu, hay ta sẽ duyên dáng và bẽn lẽn hơn khi bày tỏ tình yêu qua một chữ 'iu', sẽ cực kỳ giản tiện và hợp thời trang khi gõ chữ 'j' thay vì chữ 'gì' dài dòng văn tự. Thời buổi giao tiếp hightech thì thời gian là vô giá, chúng ta sẽ mạnh dạn thẻo bớt vài nguyên âm râu ria để tạo ra những chữ siêu nhỏ như Ipod hoặc siêu mỏng như Iphone, ví dụ như bùn (buồn), wê (quê), thik (thích), lém (lắm) và vô vô vàn vàn những 'sản phẩm' cực kỳ hay ho khác mà trình độ nhận thức lọm khọm của Sen tui với hổng tới.

Nói nào ngay, xóm tui có khá đông người Việt Nam, mà tui cũng hơi bị sến. Vào những đêm tĩnh lặng, tui thường nghe văng vẳng gần xa những "Đời cô Lựu", "Tiêu Anh Phụng", "Người phu khiêng kiệu cưới", "Kiếm sĩ dơi", "Tướng cướp Bạch Hải Đường" hay "Lôi Vũ". Những tuồng cải lương truớc 1975 với thứ tiếng Việt chân quê, sâu lắng, đầy xúc động đã không ít lần khiến tui 'rưng rưng' . Thứ tiếng Việt này chỉ cần nghe thôi là tui sẽ mơ thấy mình đang sung sướng nằm ngủ trưa trong khoang một chiếc ghe con con dưới quê tui, xào xạc tiếng lá tre, lách tách tiếng cá lội, rồi tự nhiên bà nội tui ra cho tui một cái bánh ú nhân dừa, kể cho tui nghe những tuồng xưa tích cũ, dạy cho tui đạo lý sống sao có nghĩa có nhân, biết phải trái trước sau trong quan hệ gia đình, trường lớp, xóm giềng. Đó là một nền văn hóa thấm đẫm tình người, đong đầy đạo lý. Làm sao những điều này có thể len lõi vào thế hệ trẻ ngày nay khi chúng ta suy nghĩ và nói thứ tiếng nói 'ngoài hành tinh' mà cha ông ta không tài nào hiểu được? Làm sao 'người nhỏ' còn biết sợ 'người lớn' khi phép tắc chào hỏi bị xem nhẹ, khi cây chổi lông gà và câu vè 'bị đòn nát đít' từ lâu đã chìm lỉm giữa những vật chất phù phiếm mà người người nhà nhà đua nhau trang bị cho con cháu mình. Thương quá trời cây chổi lông gà ngày xưa có hai đầu. Đầu có lông để quét dọn bàn thờ tổ tiên ông bà, đầu có tay cầm (roi mây) dùng để đánh phạt và dạy dỗ con cháu cho tới khi chúng ta nên người. Nhưng thời nay cái phần roi chắc không còn tác dụng nữa, vì con cháu nói thứ tiếng nói khác, suy nghĩ một cách khác vô cùng xa xôi với truyền thống dân tộc! Do đó những người làm chổi nên thiết kế lại chổi lông gà cho kinh tế hơn: bằng cách thay lông gà bằng sợi ni-lông để nó trông 'xì-tai' hơn, và phần roi nên thu gọn lại chừng quá nửa là được, vừa đủ để cầm mà quét thôi (bởi không còn cần phục vụ nhu cầu đánh/bị đòn của công chúng nữa!)

Có lẽ bạn cho rằng tui quá ư cổ hũ. Nhiều lúc tui cũng chóng vó tự hỏi, tui viết blog để làm gì khi mà ngôn ngữ và tư tưởng trong blog mình lọt thỏm trong thế giới của những 8x 9x như một ông già lọm khọm đòi 'thi leo núi' với thanh niên trai tráng. Hôm nọ có con bé lớp 10 kia đã khuyên tui mau ăn chóng lớn để theo kịp với trình độ nhận thức 'hightech' của nó và đồng bọn nó, sau khi tui tài lanh tài khôn khuyên nó hãy viết tiếng Việt cho đàng hoàng đi, bởi vì 'Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời'. Dĩ nhiên là nó mắc mớ gì nghe tui nói. Tui ước gì tui hay nó hay bất kỳ ai đang nhiễm 'tiếng nói lạ' thời nay, trong những phút bốc đồng với văn hóa của chúng ta, chợt nhớ lại những cây roi mây đau như trời giáng của ông bà ngày xưa khi mình lỡ miệng nói bậy, hay những đòn thước kẻ của thầy cô giáo khi ta viết sai chính tả hoặc viết chữ cẩu thả. Chữ viết Việt và tiếng nói Việt đã từng quan trọng với cha ông ta và với chính ta như vậy đó! Cho nên mỗi lần tui hay bạn sử dụng 'tiếng Việt ngoại lai' là chúng ta đang hùa nhau đẩy dân tộc chúng ta từng chút một xuống hố sâu thoái trào về đạo đức và sự tiến bộ.

Đó là một lỗi lớn, lỗi mà chúng ta phải khóc huhu như ngày thơ bé rồi tự thú với cô giáo: 'Cô ơi con làm sai xin cô hãy đánh con thật đau!"

Văn Sen - 21 tuổi
Blog EntryJul 9, '09 8:48 PM
for everyone
Người lớn nhiễm ngôn ngữ @ 
Sáng mở hòm thư, anh em trong đội kinh doanh của một công ty máy tính ở Hà Nội tá hỏa với e-mail của sếp: "Tua^n` nai` 4nh -dj coO^g ta'c, mOoi. nguoO+i` th4y nh4u +)i hOo.p vs hoa`n thAnh` no^t' nhu+g~ co^g viE^c. -dA~ -dC, pha^n co^g".
Nội dung đó được hiểu là: Tuần này anh đi công tác, mọi người thay nhau đi họp và hoàn thành nốt những việc đã được phân công.
Dù biết sếp chỉ đùa và khi chat cũng hay sử dụng "bộ gõ" này nhưng đám nhân viên bắt đầu thấy "bệnh" của cấp trên ngày một nặng. Nguyên nhân là do sếp, thuộc "thế hệ 7x đời cuối", đang yêu một cô kém 10 tuổi. Ngày nào hai người cũng chat và nhắn tin cho nhau khi cô bé này ra chơi nên thứ ngôn ngữ trẻ con ấy cứ ngấm dần trong từng câu sếp gõ từ bàn phím. Cấp dưới không còn lạ gì với những status trẻ trung trên Yahoo Messenger của sếp như "HapPy B-deiz zỢ péO ú..." (Happy birthday vợ béo ú) hoặc "chj? t4y l3^n tr0*j` h4^n. +)0*j` z0^ +)0^j" (chỉ tay lên trời hận đời vô đối)... nhưng bàn giao công việc qua e-mail kiểu này thì đúng là "h0k tH3^? tjN -|)uOo+c" (không thể tin được).

Thanh thiếu niên, đặc biệt là các blogger đang tuổi cắp sách, tham gia diễn đàn, viết blog, chat... bằng thứ tiếng chỉ người trong cuộc mới hiểu không còn là chuyện mới mẻ. Người ta có thể dễ dàng tìm được các blog với đoạn mật mã" khó hiểu như: "Ñëµ xå ñhåµ ëm xïñ £åñ çµøï hå¥ +)åt tëñ ëm çhø çøñ gåï çµå å vå å øï hå¥ gïåñ çhåµ råñg +)µñg ¥ëµ phåï thåñg §ø khåñh ñhµ ßø (nếu xa nhau em xin lần cuối hãy đặt tên em cho con gái của anh, và anh ơi hãy dặn cháu rằng đừng yêu phải thằng sở khanh như bố).
Tuy nhiên, ngôn ngữ "teen" bắt đầu xuất hiện cả trong các công sở. Hương, phóng viên báo điện tử, đã quá quen với việc nhận được e-mail kiểu này từ một nhân viên marketing: "Cac' ca^u hoj. cUa. chj. em da~ tra. lo+`i trog fjle -djnk' ke`m. Em ru+t' xjn lo^i~ vj` da~ la`m tre^~ tje^n' -do^. kua. chj. Chuk' chj. cuoo^'i tua^`n vuj!" (Các câu hỏi của chị em đã trả lời trong file đính kèm. Em rất xin lỗi vì đã làm trễ tiến độ của chị. Chúc chị cuối tuần vui).
Đa số những người lớn tuổi gõ text như thế là do chat quá nhiều với giới tuổi "teen" nên dần cảm thấy ngôn ngữ đó trở nên bình thường. Có người coi cách viết "xjtYn" (xì tin) chỉ để giải trí và giảm sự căng thẳng trong quá trình trao đổi công việc. Nhưng đa phần tỏ ra dị ứng vì cho rằng họ không phải "play dân" (dân chơi) hoặc đã qua cái tuổi nhí nhảnh.
"Giới trẻ thời nào cũng 'phát minh' ra những tiếng lóng và hệ thống ký tự riêng. Ai không chấp nhận nghĩa là họ đã già. Nhưng thứ tiếng ấy phải được dùng đúng lúc, đúng chỗ. Nhắn tin, chat, forum và blog thì được. Công sở, bài kiểm tra ở trường và nói chuyện với người lớn thì không", Hương nhận xét. "Như em tôi đã phải chịu một trận đòn đau vì sau khi bố tôi nhắc nhở nó chuyện học hành, cu cậu giơ 2 ngón tay thành hình chữ V và reo: Nhỏ như con thỏ. Oh yeah!!!"
Ảnh chụp màn hình blog.
Ảnh chụp màn hình một số testimonial (lưu bút) trên blog.
Các cấp độ soạn ngôn ngữ @
1. Ka^'p ddo^. -doc. -duoc: Cấp độ đọc được
2. K0^' g4(G' +)0.k -|)u+0+k: Cố gắng đọc được
(Chú giải: C = k, A = 4, Đ = +) hoặc -|), Ư = u+)

3. vCl… †|ºCl]\[ †ºCl ]\[ "†Cl/v\ †]†": Và... hoàn toàn "tậm tịt"
(Chú giải: V = v, A = Cl, H = †|, O = º, N = ]\[, T = †, M = /v\, I = ])

Hải Nguyên
Ý kiến của bạn?



+++++++++++++++


DCT ghét nhất kiểu viết này, gặp trên Blog là DCT xoá thẳng tay luôn, ghét nhì là viết chữ Việt không dấu (dù là họ... đổ thừa máy vi tính không cài bộ gõ Vietkey).
Blog EntryJul 9, '09 8:21 PM
for everyone
Đây là comment trong Blog của DCT. DCT xóa vì đọc không được loại ngôn ngữ này:

MBH làm đau đầu đấy chỵ àh ,em là người bỵ hànk đúng 2 ngày này :((...đội MBH đi hơn 1h mà đã thế :(
=d>...câu này hay nhất" nhà nước ta là nhà nước do dân và vỳ dân..."...thế sao lại toàn bắt ép :-/
nhất là trong việc đội MBH,có chỗ nào là tự nguyện hay chỷ vỳ d6an sợ phảj bỵ phạt nên mới thế :-/
đã thế còn mấy bài báo,đọc những dòng đầu thỳ dân tự nguyện đội mũ BH sau khy CP ban hành :-j...thật là...có nên biểu tỳnk ko nhỷ :)

Blog EntryJul 9, '09 8:16 PM
for everyone
Sách giáo khoa chính là cây cầu nối giữa lứa tuổi nhỏ với cuộc sống mà các em chưa có dịp bước vào, tuy vậy, bộ sách giáo khoa đang sử dụng ở cả 3 cấp đều có những cái sai mang tầm thời đại, vượt ra ngoài hình dung của tất cả mọi người.
Sách giáo khoa tiểu học là cây cầu nối lứa măng non với cuộc sống: tình yêu với gia đình, thầy cô, bè bạn, trường lớp; lòng yêu quê hương đất nước, ý thức bảo vệ Tổ quốc, dân tộc, cây cỏ, muông thú, thiên nhiên; lòng yêu thi ca, nghệ thuật. Trong đó có vẻ đẹp của ngôn ngữ sẽ được khai mở, vun đắp buổi đầu...
Nhưng hãy lấy sách Tiếng Việt 1 tập hai làm thí dụ. Cái được duy nhất của nó là ở những bài thơ đưa vào, trong đó chứa đựng những hình ảnh, nhịp điệu, không gian sống và tình cảm trong trái tim người. Còn ngoài ra, những gì đem dạy cho các em đều khó có khả năng gây hứng thú, nói gì tới cảm xúc thẩm mỹ, bởi sự ngay đơ vô cảm của chúng.
Những từ như nhân dịp, chụp đèn, khoai lang, áo choàng, đoạt giải, kể chuyện... dạy được các em cái gì về mặt ngôn từ? Trong khi cũng với những vần ấy, những từ gợi hình ảnh, gợi âm thanh, gợi cảm xúc hơn lại không được đưa vào: rộn rịp, lụp bụp, thoai thoải, đì đoàng, loạt xoạt, xao xuyến...
Bài viết dưới đây liệu có xứng mang ra dạy các em học tiếng Việt: "Thứ năm vừa qua, lớp em tổ chức lao động trồng cây. Cây giống được các bác phụ huynh đưa từ vườn ươm về". Đó thuần túy là một mẩu tin thông tấn, cực kỳ khô khan thô thiển.
Một bài khác có nhan đề Trường em: "Trường học là ngôi nhà thứ hai của em. Ở trường có cô giáo hiền như mẹ, có nhiều bạn bè thân thiết như anh em. Trường học dạy em thành người tốt. Trường học dạy em những điều hay. Em rất yêu mái trường của em". Có ai trong chúng ta hy vọng rằng tâm hồn các em sẽ được đánh động bởi một lô khái niệm mang tính khẩu hiệu cứng đờ và đã bị xài đến mòn nhẵn như thế? Có ai tin rằng với câu kết khô như ngói đầy vẻ áp đặt kia, người ta buộc được các em yêu mái trường của mình?!
Hãy so sánh chúng với bài tập đọc mà không một học sinh nào của thời trước lại không cất giữ trong tim mình, cho dù có trải qua bao thăng trầm của năm tháng: "Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường... Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học...". Có thể nói gì về sự khác nhau quá lớn trong hai bài cùng để dạy tiếng Việt cho học sinh cấp một?!
Lại có một số từ như quần soóc, boong tàu, cải xoong mà bắt các em tìm từ có vần tương đương thì đúng là người làm sách hoàn toàn không cần biết ai học sách của mình. Với loại từ có gốc tiếng Pháp này, một sinh viên ngữ văn hiện nay chưa chắc đã nắm được, sao lại đánh đố các cháu bé mới bước đầu làm quen tiếng Việt. Liệu những người làm sách giáo khoa có thể mang tới cho các cháu cái gì, bằng cái cách mà họ đang làm ??!!
(Theo Thanh Nien)
Blog EntryJul 9, '09 8:13 PM
for everyone
Từ vựng tiếng Việt có chữ ôm. Tự điển ghi rằng đó là một động từ, dùng để chỉ hành động dùng hai tay vòng qua để giữ vật gì đó, hay người nào đó, sát vào lòng, vào người. Thí dụ : hai tay ôm cột, ôm chặt cái bao, người cha ôm con vào lòng, chàng và nàng ôm nhau …

gau12.jpg
Thường thường, ít nhiều hai đối tượng cũng phải “chịu đèn” với nhau rồi thì mới ôm được, còn không thế nào cũng sinh sự: nhỏ chuyện thì ăn tát, lớn chuyện thì ra phường ra quận, tệ hại hơn, ôm nhầm vợ người khác có khi phải ôm đầu máu về nhà.
Nhưng cuộc đời còn lắm rắc rối, hành động ôm cũng tuỳ chỗ và tuỳ cường độ mà có thể được chấp nhận hay không. Giữa chốn thanh thiên bạch nhật, cha mẹ ôm con ông bà ôm cháu thì hổng ai nói gì, trai gái có ôm nhau tí tí... thiên hạ cũng bỏ qua, chứ mà tăng cường độ ôm như... rắn ôm cây .. thì thế nào cũng bị dị nghị... Ở mấy xứ đạo Hồi còn tệ hơn, trai gái, dù là vợ chồng, ngoài đường ngoài ngõ cũng hổng được ôm nhau, nếu không thì có mà... ốm đòn.
*
Nào đã hết, động từ ôm ngoài nghĩa đen kể trên còn có nghĩa bóng, để chỉ một một trạng thái nội tâm. Thí dụ như hắn ôm hoài bão có ngày sẽ nổi tiếng hay cô ấy ôm giấc mơ lên xe hoa. Khi bị cho đi tàu bay giấy thì chàng ôm một mối hận tình. Nàng lỡ gặp sở khanh thì có khi phải ôm bầu tâm sự. Còn chàng không tiền tài danh vọng thì có khi nàng ôm cầm sang thuyền khác. Hễ thương nhau lắm mà hổng lấy nhau được, thì mối tình ôm xuống tuyền đài. Thề thốt để giữ kín chuyện cho ai thì nói sống để bụng, chết ôm theo....
Chữ ôm còn được dùng để diễn tả những chuyện xã hội loại trong nhà ngoài ngõ. Thí dụ thời này nghe nói mấy quan lớn hay có màn ôm tiền chạy mất, để người dân mếu máo dở khóc dở cười. Hay lại nghe nói là mấy vị tài không cao mà đức cũng không cao nhưng lại hay ôm ghế.
Chữ đồm, nói một mình hổng có nghĩa gì hết, nhưng nếu đi theo sau chữ ôm ... thì lại có chuyện. Chẳng hạn như chồng khoái tham gia chuyện hội hè, bè bạn, kiểu “ăn cơm nhà vác ngà voi” thì hay bị vợ than là ôm đồm lắm chuyện. Nhưng nào đã có sao. Chỉ tội là có nhiều vị quan liêu, khoái nhiều chức tước (và bổng lộc) nắm đủ thứ quyền hành mà làm không nổi, thì dân nó cũng kêu là ôm đồm. Cái này mới đúng là lắm chuyện.
*
gaume.jpg
Kể từ cuối những thập niên 70 về sau, ở Việt Nam, chữ ôm, vốn là động từ, lại có thêm vai trò tính từ. Trong vai trò này chữ ôm đứng sau một danh từ nào đó thường chỉ để “quảng cáo” một thứ dịch vụ rất đặc biệt dành cho mấy đấng mày râu.
Đầu tiên là chuyện uống bia. Chữ bia tiếng Việt lấy từ phát âm chữ beer của tiếng Anh để chỉ một thức uống có lượng cồn, uống ít không sao, nhưng uống nhiều thì ... xỉn. Dân nhậu gặp nhau thì ... mở bia, đi uống bia, đi mua bia, đi lấy bia... Tất cả toàn là những câu chữ rất bình thường để chỉ những hành động cũng rất bình thường. Bia vàng, bia đen, bia đỏ, bia hơi, bia Tây, bia Tàu... đủ thứ loại bia, thứ nào cũng được...
Nhưng độc đáo nhất là bia ôm.
Chữ ôm ở đây tuy chỉ là tính từ, danh chánh ngôn thuận thì bia vẫn là chính, còn ôm chỉ là chữ phụ. Nhưng có mấy ai muốn uống bia thực sự mà lại đi kiếm... bia ôm ? Từ đó suy ra, ômbia chỉ là cho có mà thôi. mới đúng là cái mục tiêu của sự việc, còn
Có nhiều anh cứ chiều chiều là đi bia ôm, bỏ vợ bỏ con. Quan to chức lớn tha hồ mà bia ôm. Các bậc doanh nhân thời nay muốn cho công việc êm xuôi thì cũng phải kéo nhau đến bia ôm. Mấy chị có chồng sống ở nước ngoài, mỗi khi “thả” chồng về Việt Nam thăm cha mẹ thì sợ nhất là mấy ổng hay lạc đường vô mấy quán bia ôm. Mấy anh du khách nước ngoài nghe đồn cũng ráng đến Việt Nam để đi bia ôm. Chung quanh bia ôm là cả một thành phần kinh tế sống nhờ vào nó. Phụ nữ tới tuổi lao động, không tìm ra công ăn việc làm, hay ở thôn quê cơ cực sống không nổi (nhất là khi không còn đất làm ruộng) thì “tự do” nhảy vô thị trường bia ôm. Thời buổi kinh tế khó khăn, thương mãi toàn cầu cạnh tranh ráo riết, các đơn vị kinh tế hay thì sống, dở thì chết, nhưng đặc biệt là ngành bia ôm lúc nào cũng hưng thịnh. Ngay cả những năm bao cấp đen tối của đất nước, lại thêm cấm vận, kinh tế ngành nào cũng điêu đứng, thế mà thời đó quán bia ôm vẫn mọc lên như nấm. Nghe thì nghịch lý, nhưng thực ra là rất hợp lý. Nghề bia ôm là nghề ... không vốn, cứ bán cho đến khi nhan sắc phai tàn...
*
meo.jpg
Từ đó, thấy bia ôm làm ăn được, thiên hạ nhảy ra ôm đủ kiểu: nào là tắm ôm, ngủ trưa ôm, xi-nê ôm, hớt tóc ôm, gội đầu ôm. Thiệt tình mà nói, tắm ôm, ngủ ôm, xi-nê ôm... nghe còn lọt lỗ nhĩ, nhưng đến hớt tóc ôm hay gội đầu ôm … thì rõ ràng là chữ ôm đã hoàn toàn biến tướng. Làm sao có thể hình dung ra được cảnh một cô vừa cầm tông-đơ hớt tóc vừa ôm khách cho được ? Hay có ai đi hớt tóc mà cứ ôm người thợ hớt tóc đâu ? Đến nỗi có nhiều anh đầu trọc mà tuần nào cũng đi hớt tóc với lại gội đầu.
Dịch vụ ôm ăn sâu rộng vô các thành phần kinh doanh đến nỗi sau này còn nghe nói chuyện xe đò ôm. Chẳng hạn đi xe đò từ Sài Gòn ra Hà Nội phải mất hơn một ngày, lại có thêm chặng đường phải ngủ đêm đâu đó. Ngồi trên xe đò lắc lư cả ngày, ngó sông ngó núi mãi cũng chán, buồn chết đi được. Thế là nẩy ra dịch vụ xe đò ôm. Anh mua vé leo lên xe, vừa để gói hành lý lên trên kệ thì đã có một cô trẻ đẹp, ăn mặt thoáng mát, nước hoa dồn dập, ánh mắt long lanh, môi hình trái tim mỉm cười túm tím e lệ, leo lên xe ngồi kế chỗ... Xe lắc lư chuyển bánh, và cô gái cũng bắt đầu nhoẻn miệng nhìn anh tươi cười lắc lư bắt chuyện...
Từ các khu ngoại ô thành phố hay từ các vùng thôn quê còn biết bao nhiêu phụ nữ không nghề không nghiệp là cả một lực lượng lao động dự trữ khổng lồ cho mấy ngành “ôm”. Cứ điệu này, không chừng mai kia mốt nọ thiên hạ dám cho đẻ ra những nghề mới như câu cá ôm, đi săn ôm, máy bay ôm (lời bàn của nhện : khi đạt được đến đây thì ta đã hội nhập hoàn hảo với thế giới rồi. Phải có nhiều đại gia đi mây về gió thì mới có "escort girls" được, có dễ đâu)...
*

Phải công nhận tiếng Việt là một thứ ngôn ngữ rất tượng thanh tượng hình. Bia ôm, tắm ôm, ngủ ôm, xi-nê ôm, hớt tóc ôm, gội đầu ôm, xe đò ôm … Nói cho cùng vẫn chỉ là một thứ dịch vụ... xưa như trái đất, năm châu bốn bể đâu mà không có. Thế nhưng chỉ có tiếng Việt mới có chữ ôm biến tướng thành ra như vậy. Ra nước ngoài mà nói embracing-beer, embracing-sauna, embracing-haircut, hay embracing... gì gì đi nữa, đố thiên hạ biết anh muốn nói cái gì ???
Tôi yêu tiếng nước tôi
Từ khi mới ra đời
Mẹ hiền ru những câu a ời...

Nhưng biến tướng của chữ ôm trong tiếng Việt hôm nay cũng làm cho người ta đau xót. Các quan càng cứ ôm đồm thì dân càng khổ. Nhất là những bậc cha mẹ nghèo khổ có con gái mới lớn, mà nếu không đủ vốn hay “quen biết” để xoay sở một chỗ làm... phải ôm để sống.
Chừng nào mới hết cảnh phải ôm mới sống được ? Chừng nào đa số những người lao động lương thiện đều có thể có được một công việc không những đủ kế sinh nhai, mà còn cho họ giữ được nhân phẩm của mình ???
Thanh Gương

Vấn đề ngôn ngữ là vấn đề của muôn thuở, không riêng gì của người Việt. Trong bài viết này, tôi muốn bàn về một thực trạng của tiếng Việt mà đã đến lúc, chúng ta không thể không suy nghĩ về nó một cách nghiêm túc. Đó là nguy cơ diệt vong của một thứ tiếng Việt mà người miền Nam Việt Nam dùng trước năm 1975 hay còn được gọi là tiếng Việt Sài Gòn cũ. Thứ tiếng Việt đó đang mất dần trong đời sống hàng ngày của người dân trong nước và chẳng chóng thì chầy, nó sẽ biến thành cổ ngữ, hoặc chỉ còn tìm thấy trong tự điển, không còn ai biết và nhắc tới nữa. Điều tôi đang lo lắng là nó đang chết dần ngay chính trong nước chứ không phải ở ngoài nước. Người Việt hải ngoại mang nó theo hành trình di tản của mình và sử dụng nó như một thứ ngôn ngữ lưu vong. Nếu người Việt hải ngoại không dùng, hay nền văn học hải ngoại không còn tồn tại, nó cũng âm thầm chết theo. Nhìn tiếng Việt Sài Gòn cũ từ từ biến mất, lòng tôi bỗng gợn một nỗi cảm hoài. Điều tôi thấy, có lẽ nhiều người cũng thấy, thấy để mà thấy, không làm gì được. Sự ra đi của nó âm thầm giống như những dấu tích của nền văn hoá đệ nhất, đệ nhị cộng hoà VN vậy. Người ta không thể tìm ra nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, Cổ Thành Quảng Trị, nghĩa trang Quận Đội, trường võ bị Thủ Đức, v.v... Tất cả đã thay đổi, bị phá huỷ hoặc biến đi như một sắp xếp của định mệnh hay một định luật của tạo hoá.

Nhắc đến tiếng Việt Sài Gòn cũ là nhắc tới miền Nam Việt Nam trước 1975. Vì cuộc đấu tranh ý thức hệ mà Nam, Bắc Việt Nam trước đó bị phân đôi. Sau ngày Việt Nam thống nhất năm 75, miền Nam thực sự bước vào sự thay đổi toàn diện. Thể chế chính trị thay đổi, kéo theo xã hội, đời sống, văn hoá và cùng với đó, ngôn ngữ cũng chịu chung một số phận. Miền Bắc thay đổi không kém gì miền Nam. Tiếng Việt miền Bắc đã chịu sự thâm nhập của một số ít ngữ vựng miền Nam. Ngược lại, miền Nam chịu ảnh hưởng trực tiếp sự chi phối của ngôn ngữ miền Bắc trong mọi lãnh vực. Nguời dân miền Nam tập làm quen và dùng nhiều từ ngữ mà trước đây họ không bao giờ biết tới. Những: đề xuất, bồi dưỡng, kiểm thảo, sự cố, hộ khẩu, căn hộ, ùn tắc, ô to con, xe con, to đùng, mặt bằng, phản ánh, bức xúc, tiêu dùng, tận dụng tốt, đánh cược, chỉ đạo, quyết sách, đạo cụ, quy phạm, quy hoạch, bảo quản, kênh phát sóng, cao tốc, doanh số, đối tác, thời bao cấp, chế độ bao cấp, chế độ xem, nâng cấp, lực công, nền công nghiệp âm nhạc, chùm ảnh, chùm thơ, nhà cao tầng, đáp án, phồn thực, sinh thực khí, từ vựng, hội chứng, phân phối, mục từ, kết từ, đại từ, nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân,v.v...dần dà đã trở thành những từ ngữ quen thuộc trong đời sống hàng ngày của người dân miền Nam.

Có những từ ngữ miền Nam và miền Bắc trước 75 đồng nghĩa và cách dùng giống nhau. Có những từ cùng nghĩa nhưng cách dùng khác nhau. Tỷ như chữ "quản lý" là trông nom, coi sóc. Miền Nam chỉ dùng từ này trong lãnh vực thương mại trong khi miền Bắc dùng rộng hơn trong cả lãnh vực cá nhân như một người con trai cầu hôn một người con gái bằng câu: "Anh xin quản lý đời em". Hoặc từ "chế độ" cũng vậy, miền Nam chỉ dùng trong môi trường chính trị như "chế độ dân chủ". Miền Bắc dùng bao quát hơn trong nhiều lãnh vực như "chế độ xem", "chế độ bao cấp". Có những từ miền Bắc dùng đảo ngược lại như đơn giản - giản đơn; bảo đảm - đảm bảo; dãi dầu - dầu dãi; vùi dập - dập vùi. v.v...

Song song với việc thống nhất đất nước, chính quyền Việt Nam đã thống nhất hoá tiếng Việt và gọi đó là "tiếng Việt toàn dân". Cuối năm 1979, đầu năm 1980, Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam đã phối hợp với Viện Khoa học Giáo dục tổ chức một số cuộc hội thảo về vấn đề chuẩn hoá tiếng Việt. Bộ Giáo dục cũng thông qua một số quy định về chính tả trong sách giáo khoa cải cách giáo dục. Ngày 01/7/1983, Quyết nghị của Hội đồng chuẩn hoá chính tả và Hội đồng chuẩn hoá thuật ngữ đã được ban hành và áp dụng cho các sách giáo khoa, báo và văn bản của ngành giáo dục.

Khi tiếng Việt được thống nhất và chuẩn hoá, toàn quốc sử dụng chung một thứ ngôn ngữ theo một tiêu chuẩn, mẫu mực nhất định. Tiếng Việt Sài Gòn cũ, gồm những từ ngữ mà tiếng Việt miền Bắc đã có từ ngữ thay thế, sẽ bị quên đi hoặc bị đào thải. Những từ ngữ thông dụng cho cuộc chiến trước đó sẽ biến mất trước tiên. Những: trực thăng, cộng quân, tác chiến, địa phương quân, thiết vận xa, xe nhà binh, lạnh cẳng, giới chức(hữu) trách, dứt điểm, phi tuần, chào bãi, tuyến phòng thủ, trái bộc pha, viễn thám, binh chủng, phi hành, gia binh, ấp chiến lược, nhân dân tự vệ, chiêu hồi, chiêu mộ, v.v… hầu như ít, thậm chí không được dùng trong hiện tại. Những từ ngữ thông dụng khác như ghi danh, đi xem đã bị thay thế bằng đăng ký, tham quan. Nhiều từ ngữ dần dần đã bước vào quên lãng như:sổ gia đình, tờ khai gia đình, phản ảnh, đường rầy, cao ốc, bằng khoán nhà, tĩnh từ, đại danh từ, túc từ, giới từ, khảo thí, khán hộ, khao thưởng, hữu sự, khế ước, trước bạ, tư thục, biến cố, du ngoạn, ấn loát, làm phong phú, liên hợp, gá nghĩa, giáo học, giáo quy, hàm hồ, tráng lệ, thám thính, tư thất, chẩn bệnh, chi dụng, giới nghiêm, thiết quân luật, v.v...

Ở hải ngoại, khi bắt đầu cầm bút, trong tâm thức một người lưu vong, viết, đối với tôi, là một động tác mở để vỡ ra một con đường: Đường hoài hương. Nhiều người viết hải ngoại cũng tìm đến con đường về cố hương nhanh nhất này như tôi. Hơn nữa, để đối đầu với cơn chấn động văn hóa thường tạo nhiều áp lực, tôi xem viết như một phương pháp giải toả và trám đầy nỗi hụt hẫng, rỗng không của một người vừa ly dị với quê hương đất tổ sau một hôn phối dài. Tôi không bao giờ để ý đến việc mình viết cho ai, loại độc giả nào, trong hay ngoài nước, và họ có hiểu thứ ngôn ngữ mình đang dùng hay không vì lúc đó, chỉ có một vài tờ báo điện tử liên mạng mới bắt đầu xuất hiện ở hải ngoại. Sau này, nhờ kỹ thuật điện toán ngày một phát triển, cầu giao lưu giữa trong và ngoài nước được nối lại, độc giả trong và ngoài nước đã có cơ hội tiếp xúc, thảo luận, đọc và viết cho nhau gần như trong gang tấc. Đó là lúc tôi được tiếp xúc với dòng văn học trong nước và làm quen với nhiều từ ngữ mới lạ chưa từng được nghe và dùng. Ngược lại, trong nước cũng vậy, số người lên mạng để đọc những gì được viết bởi người cầm bút ngoài nước cũng không ít.

Thế hệ chúng tôi được người ta âu yếm gọi là thế hệ một rưỡi, thế hệ ba rọi hay nửa nạc nửa mỡ, cái gì cũng một nửa. Nửa trong nửa ngoài, nửa tây nửa ta, nửa nam nửa bắc, nửa nọ nửa kia, cái gì cũng một nửa.

Do đó, nhiều lúc tôi phân vân không biết mình nên dùng nửa nào để viết cho thích hợp nữa. Nửa của những từ ngữ Sài Gòn cũ hay nửa của tiếng Việt thông dụng trong nước? Mình có nên thay đổi lối viết không? Tôi nghĩ nhiều người viết hải ngoại cũng gặp khó khăn như tôi và cuối cùng, mỗi người có một lựa chọn riêng. Không chỉ trong lãnh vực văn chương, thi phú mà ở các lãnh vực phổ thông khác như giáo dục và truyền thông cũng va phải vấn đề gay go này. Việc sử dụng nhiều từ ngữ thông dụng của quốc nội ở hải ngoại đã gặp nhiều chống đối và tạo ra những cuộc tranh luận liên miên, dai dẳng.

Các cơ quan truyền thông như báo chí, truyền thanh, truyền hình thường xuyên bị chỉ trích và phản đối khi họ sử dụng những từ trong nước bị coi là "chữ của Việt Cộng" và được yêu cầu không nên tiếp tục dùng. Nhất là ở Nam Cali, báo chí và giới truyền thông rất dễ bị chụp mũ "cộng sản" nếu không khéo léo trong việc đăng tải và sử dụng từ ngữ. Chiếc mũ vô hình này, một khi bị chụp, thì nạn nhân xem như bị cộng đồng tẩy chay mà đi vào tuyệt lộ, hết làm ăn vì địa bàn hoạt động chính là cộng đồng địa phương đó.

Trong cuốn DVD chủ đề 30 năm viễn xứ của Thúy Nga Paris, chúng ta được xem nhiều hình ảnh cộng đồng người Việt hải ngoại cố gìn giữ bản sắc văn hoá Việt Nam bằng cách mở các lớp dạy Việt ngữ cho các con em. Khắp nơi trên thế giới, từ nơi ít người Việt định cư nhất cho tới nơi đông nhất như ở Mỹ, đều có trường dạy tiếng Việt. Riêng ở Nam California, Mỹ, hoạt động này đang có sự khởi sắc. Ngoài những trung tâm Việt ngữ đáng kể ở Little Saigon và San José, các nhà thờ và chùa chiền hầu hết đều mở lớp dạy Việt ngữ cho các em, không phân biệt tuổi tác và trình độ. Nhà thờ Việt Nam ở Cali của Mỹ thì rất nhiều, mỗi quận hạt, khu, xứ đều có một nhà thờ và có lớp dạy Việt ngữ. Chùa Việt Nam ở Cali bây giờ cũng không ít. Riêng vùng Westminster, Quận Cam, Cali, đi vài con đường lại có một ngôi chùa, có khi trên cùng một con đường mà người ta thấy có tới 3, 4 ngôi chùa khác nhau. Việc bảo tồn văn hoá Việt Nam được các vị hướng dẫn tôn giáo như linh mục, thượng tọa, ni sư nhắc nhở giáo dân, đại chúng mỗi ngày. Lớp học tiếng Việt càng ngày càng đông và việc học tiếng Việt đã trở thành một trong những mối quan tâm hàng đầu của cộng đồng lưu vong. "Tại Trung tâm Việt ngữ Hồng Bàng, năm nay số học sinh nhập học tiếng Việt lên tới 700 em. Những thầy cô dạy tiếng Việt đều làm việc thiện nguyện hoàn toàn, đã hết lòng chỉ dạy cho các em, nhất là các em vừa vào lớp mẫu giáo tiếng Việt" (trích Việt báo, Chủ nhật, 9/24/2006)

Về vấn đề giáo trình thì mỗi nơi dạy theo một lối riêng, không thống nhất. Sách giáo khoa, có nơi soạn và in riêng để dạy hoặc đặt mua ở các trung tâm Việt ngữ. Còn ở đại học cũng có lớp dạy tiếng Việt cho sinh viên, sách thường được đặt mua ở Úc. Một giảng sư dạy tiếng Việt tâm sự với tôi: "Khi nào gặp những từ ngữ trong nước thì mình tránh đi, không dùng hoặc dùng từ thông dụng của Sài gòn cũ trước 75 vì nếu dùng cha mẹ của sinh viên, học sinh biết được, phản đối hoặc kiện cáo, lúc ấy phải đổi sách thì phiền chết."

Sự dị ứng và khước từ việc sử dụng tiếng Việt trong nước của người Việt hải ngoại có thể đưa tiếng Việt ở hải ngoại đến tình trạng tự mình cô lập. Thêm nữa, với sự phát triển rầm rộ của kỹ thuật điện toán và thế giới liên mạng, báo chí, truyền thông của chính người Việt hải ngoại đến với mọi người quá dễ dàng và tiện lợi. Độc giả cứ lên mạng là đọc được tiếng Việt Sài Gòn cũ nên họ dường như không có nhu cầu tìm hiểu tiếng Việt trong nước. Kết quả là tiếng Việt trong và ngoài nước chê nhau!!!

Việc người Việt hải ngoại chống đối và tẩy chay ngôn ngữ Việt Nam đang dùng ở trong nước có vài nguyên do:

Thứ nhất là do sự khác biệt của ý thức hệ. Những người Việt Nam lưu vong phần lớn là người tị nạn chính trị. Họ đã từ bỏ tất cả để ra đi chỉ vì không chấp nhận chế độ cộng sản nên từ chối dùng tiếng Việt trong nước là gián tiếp từ chối chế độ cộng sản.

Thứ hai, sự khác biệt của từ ngữ được dùng trong cả hai lãnh vực ngữ nghĩa và ngữ pháp. Đây là một thí dụ điển hình. Trong cùng một bản tin được dịch từ một hãng thông tấn ngoại quốc, nhà báo ở trong nước và ngoài nước dịch thành hai văn bản khác nhau:

Trong nước:

Tàu ngầm hạt nhân Nga bốc cháy

Interfax dẫn một nguồn tin Hải quân Nga cho hay ngọn lửa bắt nguồn từ phòng điện hóa và dụng cụ bảo vệ lò hạt nhân đã được kích hoạt, do đó không có đe dọa về nhiễm phóng xạ. Phát ngôn viên hạm đội này cho hay: "Lửa bốc lên do chập điện ở hệ thống cấp năng lượng phần mũi tàu.
(http://vnexpress.net/Vietnam/The-gioi/2006/09/3B9EDF89/)


Ngoài nước:

Hỏa hoạn trên tàu ngầm Nga

Hải quân Nga nói rằng lò phản ứng hạt nhân trên tàu Daniil Moskovsky đã tự động đóng lại và không có nguy cơ phóng xạ xảy ra. Chiếc tàu đã được kéo về căn cứ Vidyayevo. Nguyên nhân hỏa hoạn có thể do chạm giây điện.

(http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=48362&z=75)


Một người Việt hải ngoại khi đọc văn bản thứ nhất sẽ gặp những chữ lạ tai, không hiểu nghĩa rõ ràng vì sự khác biệt như những chữ: phòng điện hoá, được kích hoạt, chập điện, hệ thống cấp năng lượng...

Hơn thế nữa, Việt Nam mới bắt đầu mở cửa thông thương giao dịch với quốc tế; những từ ngữ mới về điện toán, kỹ thuật, y khoa, chính trị, kinh tế, xã hội, ồ ạt đổ vào. Có nhiều từ ngữ rất khó dịch sát nghĩa và thích hợp nên mạnh ai nấy dịch. Ngoài nước dịch hai ba kiểu, trong nước bốn năm kiểu khác nhau, người đọc cứ tha hồ mà đoán nghĩa. Có chữ thà để ở dạng nguyên bản, người đọc nhiều khi còn nhận ra và hiểu nghĩa nó nhanh hơn là phiên dịch.

Trong việc phiên dịch, theo tôi, địa danh, đường phố, tên người nên giữ nguyên hơn là phiên dịch hay phiên âm. Nếu có thể, xin chú thích từ nguyên bản ngay bên cạnh hay đâu đó bên dưới bài viết sẽ giúp người đọc dễ theo dõi hay nhận biết mặt chữ. Tỷ như việc phiên âm các địa danh trên bản đồ trong sách giáo khoa của Bộ Giáo dục trong nước là việc đáng khen nhưng tôi nghĩ, nếu đặt từ nguyên thủy lên trên từ phiên âm thì các em học sinh chưa học tiếng Anh hoặc đã học tiếng An sẽ dễ nhận ra hơn. Xin lấy tỉ dụ là những địa điểm được ghi trên tấm bản đồ này.

The image “http://i12.photobucket.com/albums/a215/unisom/thualuonJPG.jpg” cannot be displayed, because it contains errors.

Tôi thấy một hai địa danh nghe rất lạ tai như Cu dơ Bây, Ben dơ mà không biết tiếng Mỹ nó là cái gì, ngồi ngẫm nghĩ mãi mới tìm ra: đó là hai địa danh Coos Bay và Bend ở tiểu bang Oregon, nước Mỹ!

Ngôn ngữ chuyển động, từ ngữ mới được sinh ra, từ cũ sẽ mất đi như sự đào thải của định luật cung cầu. Tiếng Việt Sài Gòn cũ ở trong nước thì chết dần chết mòn; ở ngoài nước, nếu không được sử dụng hay chuyển động để phát sinh từ mới và cập nhật hoá, nó sẽ bị lỗi thời và không còn thích ứng trong hoạt động giao tiếp nữa. Dần dà, nó sẽ bị thay thế bằng tiếng Việt trong nước. Nhất là trong những năm gần đây, sự chống đối việc sử dụng tiếng Việt trong nước ngày càng giảm vì sự giao lưu văn hoá đã xảy ra khiến người ta quen dần với những gì người ta đã phản đối ngày xưa. Tạp chí, sách, báo đã đăng tải và phổ biến các bản tin cũng như những văn bản trong nước. Người ta tìm được nhiều tài liệu, ấn phẩm, sách nhạc quốc nội được bày bán trong các tiệm sách. Các đài truyền thanh phỏng vấn, đối thoại với những nhà văn, nhà báo, chính trị gia và thường dân trong nước thường xuyên. Đặc biệt, giới ca sĩ, nhiều người nổi tiếng ra hải ngoại lưu diễn, đi đi về về như cơm bữa. Giới truyền thông bây giờ sử dụng từ ngữ trong nước rất nhiều, có người mặc cho thiên hạ chỉ trích, không còn ngại ngùng gì khi dùng từ nữa. Khán thính giả có khó chịu và chê trách, họ chỉ giải thích là thói quen đã ăn vào trong máu rồi, không chịu thì phải ráng mà chịu.

Sự ra đi của một chế độ kéo theo nhiều thứ: con người, tài sản, nhà cửa, vườn tược, lịch sử… nhưng có cái bị lôi theo mà người ta không ngờ nhất lại là "cái chết của một ngôn ngữ". Đau lòng lắm thay!

Trịnh Thanh Thuỷ © 2006 talawas
Blog EntryJul 9, '09 7:36 PM
for everyone
Trong cuộc chạy đua “head hunting” (tạm dịch là “săn đầu người” tức tìm kiếm nhân tài) cho các công ty đa quốc gia tại VN, về chất lượng của những người được gọi là có bằng cấp hiện nay, giám đốc một công ty cung ứng nguồn nhân lực cho biết: qua đánh giá những người được công ty ông phỏng vấn thì... phần lớn là quá yếu. Nhiều người nói tiếng Anh "rôm rốp", nhưng lại viết sai tiếng Việt, phổ biến nhất là viết câu què, câu cụt! Và ông ta không hiểu vì sao những người đó tốt nghiệp được trung học, rồi đại học?
Soạn: AM 628864 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Các trại viên Trại hè thanh niên Việt kiều thắp nhang trước bàn thờ đền Hùng Vương ở Vĩnh Phúc
Vấn đề làm sao để viết cho đúng tiếng Việt vẫn được giới chức giáo dục giảng dạy ra rả trong nhà trường, nhưng rồi các vị ấy chỉ biết chau mày, lắc đầu mỗi khi đọc một bài văn, bài tập có vô vàn lỗi chính tả. Trong đời sống hàng ngày, người Việt Nam gần như chấp nhận phải "chung sống với tiếng Việt viết sai" như người dân ĐBSCL "sống chung với lũ" vậy. Lạ lùng thay, ngay từ trên ghế nhà trường, từ mẫu giáo, lớp 1 đã thường xuyên có những giờ chính tả. Nhưng khi trưởng thành, đi làm việc, công tác... thì lỗi chính tả lại không được xem là một giá trị cần phải giữ gìn.
Với người Việt sinh sống lâu năm hoặc thế hệ người Việt sinh ra ở hải ngoại thì chuyện viết sai tiếng Việt càng là việc "hà rầm" hơn. Một câu chuyện cười ra nước mắt được một tác giả Việt kiều phổ biến trên internet: Trên cửa kiếng một cửa hàng điện tử ở thành phố Garden Grove (California) có dán dòng chữ: "CO NHAN DIEN NGUOI VIET". Tác giả viết: "Mỗi lần nhìn thấy là tôi chỉ cười chứ không bực dọc, khó chịu như xưa nữa. Tôi không chạy xông vào tiệm ấy để yêu cầu người ta sửa chữa. Tôi lặng lẽ cười và thông cảm cho một em người Việt nào đó, sinh trưởng tại Mỹ, tiếng Việt không rành, cũng ráng moi óc, hoặc ráng chạy nhờ bà con viết ra giúp mấy chữ tiếng Việt không đánh dấu như thế. Làm một sign nơi cửa kính, không có dấu Việt là chuyện thường thôi. Cái khiến mình cười là tự dưng mình lại biết tác giả câu ấy là người miền Nam. Viết sai mà dễ thương, giống như rất nhiều "em" khác (đã trên 40 tuổi) vẫn viết sai tiếng Việt như các em bé vỡ lòng vậy. Nhưng không trách được, vì họ sinh trưởng nơi đất Mỹ, không học tiếng Việt, hoặc học rất giới hạn. Câu ấy viết cái gì vậy? CÔ NHÀN ĐIÊN NGƯỜI VIẾT? CỔ NHÂN ĐIÊN NGƯỜI VIẾT? CÓ NHẬN DIỆN NGƯỜI VIỆT? CÓ NHÂN ĐIỆN NGƯỜI VIỆT? Những câu trên không có nghĩa gì cho một hiệu bán đồ điện. Chỉ có câu này là đúng nhất, viết theo giọng người miền Nam: CÓ NHÂN DIÊN (viên) NGƯỜI VIỆT. May mà người ấy không viết: "Có nhân diên người Diệt". Giọng người miền Nam, sai chính tả tất cả các chữ có vần V và D khác, nhưng không sai chữ Việt!"
Câu chuyện hài hước trên, nghe qua thì thấy buồn cười, ngẫm đi nghĩ lại chỉ còn thấy buồn thôi, cười không nỗi. Đã viết sai chính tả lại không bỏ dấu thử hỏi có còn là tiếng Việt nữa không?
Soạn: AM 628860 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Mỗi chúng ta có thể góp phần bằng cách cố gắng, có ý thức không viết sai tiếng Việt.
Trong thực tế, khi lỡ viết sai một câu tiếng Anh, tiếng Pháp, nhiều người cảm thấy bứt rứt, mang nặng mặc cảm dốt nát. Trong khi viết sai tiếng Việt, thậm chí sai một cách trầm trọng, thì họ lại xem đó là chuyện bình thường, ngụy biện cho những cái sai của mình là "phong cách" hay "sự sáng tạo". Dẫn đến thói quen coi thường văn bản, xem nội dung "đại khái" quan trọng hơn ngôn ngữ. Họ cho rằng chỉ cần người khác hiểu được đại khái ý chính là được! Người Việt trong nước vẫn thường xuyên nói và viết sai tiếng mẹ đẻ.
Người miền Bắc, do có sự lầm lẫn các những phụ âm đầu bằng tr - ch, gi - d, l - nh, s - x... - nên nói, thậm chí viết : "ông giời" (ông trời), "mặt giăng" (mặt trăng), "uống riệu" (uống rượu), "giồng cây ăn chái" (trồng cây ăn trái), "phong chào chanh đấu" (phong trào tranh đấu), "nhọ nhem" (lọ lem) v.v...
Người miền Trung (Thừa Thiên - Huế), không phân biệt dấu hỏi dấu ngã...
Người miền Nam cũng ít chú trọng phân biệt dấu hỏi ngã, có nhiều lẫn lộn chính tả ở một số phụ âm đầu:


- v - d: "dội dàng đi dề" (vội vàng đi về)
- tr - ch: "ông chời" (ông trời)
Lẫn lộn chính tả ở một số phụ âm cuối:
- ượu - ụ: "ún dụ" (uống rượu)
- t - c: "dủ nhao chơi cúc bắc" (rủ nhau chơi cút bắt)
- au - ao: "chời mưa như trúc" (trút) v.v...
Tuy vậy, người Việt Nam ba miền nói chuyện với nhau đều hiểu nhau cả! Với những người Việt xa quê hương quá lâu không được nói, viết tiếng Việt hàng ngày thì việc viết sai chính tả, lủng củng, dùng từ không chính xác, phải "mượn" ngoại ngữ để diễn đạt... tiếng Việt... có lẽ nên được du di thông cảm bỏ qua. Tuy nhiên, gần đây, cùng với trào lưu "chat chit" trên internet thì bây giờ nhan nhãn thứ "tiếng Việt cách tân", xuất hiện đầy rẫy các từ Việt bị uốn éo, vặn vẹo: "xẹo" (xạo), "trùi" (trời), "thui" (thôi), "rùi" (rồi),"cí" (ký, cái), "đê" (đi), "thía" (thế), "wé" (quá), "wừn" (quần).... 
Soạn: AM 628854 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Từ trên ghế nhà trường đã thường xuyên có những giờ chính tả...
Không phải đến thời đại truyền thông kỹ thuật số hôm nay thì tiếng Việt mới bước vô con đường bị viết sai một cách bi đát như vậy. Nhìn tới ngó lui, nhìn xuôi ngó ngược... mới thấy thực trạng viết sai tiếng Việt chẳng phải là chuyện gì mới mẻ, chắc nó đã có từ khi... có tiếng Việt!
Tuy nhiên, viết chính xác tiếng mẹ đẻ vẫn là điều cần phấn đấu để đạt được. Người Việt dù trong nước hay ở hải ngoại đều cần giữ gìn tiếng Việt, vì đó là cái hồn của dân tộc, không thể nào có một dân tộc Việt mà không biết nói, viết hoặc toàn nói, viết sai tiếng Việt. Bảo vệ tiếng Việt cũng là bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc. Bản sắc văn hóa Việt Nam trường tồn mãi mãi, và mỗi chúng ta có thể góp phần bằng cách cố gắng, có ý thức không viết sai tiếng Việt. Người Việt hải ngoại tất nhiên phải dùng tiếng nước sở tại để hội nhập, làm ăn... nhưng cũng đừng đánh mất cái hồn dân tộc trong mỗi người, trong cộng đồng đó là tiếng Việt thân yêu của chúng ta.
Vàm Cỏ




Soạn: AM 846167 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Phương ngữ Nam Bộ là một dạng từ ngữ địa phương của vùng đất Nam bộ. Nó thể hiện cách nói, cách sử dụng từ ngữ, kiểu phát âm riêng của con người Nam bộ. Phương ngữ Nam bộ còn là nơi chứa đựng các yếu tố văn hóa, phong tục tập quán, sinh hoạt xã hội của con người và vùng đất Nam bộ.

Tìm hiểu phương ngữ Nam bộ được thể hiện qua ca dao Nam bộ là một cách nhằm khẳng định thêm tính độc đáo, sắc sảo, phong phú và đa dạng của con người Nam bộ xưa trong việc sử dụng lời ăn tiếng nói của mình.

Ca dao Nam bộ trước hết là ca dao của người Việt ở Nam bộ nên nó mang đầy đủ yếu tố của vùng đất Nam bộ, trong đó có việc sử dụng từ ngữ của con người ở đây. Sống giữa thiên nhiên hài hòa và đa dạng với rừng tràm bạt ngàn và một vùng sông nước bao la, trong lời ăn tiếng nói của con người ở đây không khỏi ảnh hưởng của các hình tượng thiên nhiên này. Cho nên, có thể nói, giàu tính hình tượng là một đặc điểm trong cách dùng từ của ca dao Nam bộ:

Chồng chèo thì vợ cũng chèo
Hai đứa cùng nghèo lại đụng với nhau.

“Đụng” ở đây là “lấy”, “lấy nhau” hay nói cho văn hoa một chút là “kết duyên” nhau. Với các từ trên, người Nam bộ có thể hoàn toàn sử dụng được, nhưng đôi khi con người ở đây không dùng những khuôn mẫu có sẵn đó, mà lại dùng từ “đụng” rất giàu hình tượng này để tạo điểm nhấn, mang sắc thái mạnh. Chính điều này đã làm phong phú thêm cho kho tàng phương ngữ Nam Bộ.


* * *
Giàu tính so sánh và cụ thể cũng là một đặc điểm của ca dao Nam bộ. Nam bộ là một vùng sông nước, có hệ thống sông ngòi chằng chịt nên hình ảnh chiếc ghe, con đò, con cá, con tôm, cần câu, cái lờ... là những vật rất quen thuộc đối với người dân nơi đây. Quen thuộc đến mức đã đi vào tâm thức của họ và được thể hiện qua lời ăn tiếng nói hằng ngày, cũng như đã âm thầm đi vào ca dao:

Thân em như cá trong lờ
Hết phương vùng vẫy không biết nhờ nơi đâu.


“Cá - lờ” là một hình tượng cụ thể, tác giả dân gian đã lấy hình tượng cụ thể này để làm đối tượng so sánh với con người, cụ thể ở đây là cô gái. Trường hợp này, ta cũng sẽ bắt gặp rất nhiều trong ca dao Nam bộ.


* * *
Soạn: AM 846163 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Một đặc điểm nữa trong việc sử dụng phương ngữ Nam bộ trong ca dao Nam bộ là giàu tính cường điệu, khuếch đại. Đây là cách nói thể hiện rõ nét sự lạc quan và tính cởi mở của con người Nam bộ. Tính giàu cường điệu, khuếch đại này được con người Nam bộ sử dụng thể hiện tính chất phác, mộc mạc, độc đáo, gây được ít nhiều cảm xúc cho người đọc:

Anh than một tiếng nát miễu xiêu đình
Cây huệ kia đang xanh lại héo, cá ở ao huỳnh vội xếp vi.

Rõ ràng, chỉ than có một tiếng mà “nát miễu xiêu đình” thì quả là nói quá. Nhưng chính cách nói quá này mới tạo được ấn tượng, gây được cảm xúc, tạo được sự chú ý cho đối phương.

Hay để bộc lộ tình thương của mình, người Nam bộ không ngại nói thẳng, nói quá, nói cường điệu, nói khuếch đại. Họ nói cốt sao cho hết cái thương đang cháy bỏng trong lòng mình:

Anh thương em,
Thương lún, thương lụn,
Thương lột da óc,
Thương tróc da đầu,
Ngủ quên thì nhớ,
Thức dậy thì thương


* * *
Giàu tính dí dỏm, hài hước cũng là một trong những đặc điểm trong cách sử dụng từ ngữ trong ca dao Nam bộ. Ca dao Nam bộ, ngoài những cách nói cường điệu, giàu hình tượng, đôi lúc có phần thâm trầm, sâu lắng còn có những cách nói mang tính hài hước, dí dỏm. Đây là tinh thần lạc quan trong tính cách của con người Nam bộ. Chính tinh thần lạc quan này đã tiếp thêm cho họ sức mạnh trong việc chống chọi lại với thiên nhiên khắc nghiệt, với thú dữ hoành hành. Tuy là nói dí dỏm, hài hước nhưng không hẳn là một cách nói chơi, mà là có ngụ ý, ngụ tình. Đó cũng là kiểu nói: “nói chơi nhưng làm thiệt”:

Bên dưới có sông, bên trên có chợ
Hai đứa mình kết vợ chồng nghen.


Rõ ràng, đây là cách nói mang tính chất vừa nói chơi lại vừa nói thiệt. Bông đùa đấy nhưng cũng là thật đấy. Nếu đối phương không chịu thì bảo là “nói chơi”. Còn nếu ưng thuận thì tiếp tục lấn tới tán tỉnh. Và trong bài ca dao sau, cũng không hẳn là dí dỏm, hài hước, nói cho vui một cách đơn thuần:

Trời mưa cóc nhái chết sầu
Ễnh ương đi cưới nhái bầu không ưng
Chàng hiu đứng dựa sau lưng
Khều khều móc móc cứ ưng cho rồi.


* * *
Có cách nói hài hước, dí dỏm, lại có cách nói cường điệu, khuếch đại, ca dao Nam bộ cũng có những cách nói rất giản dị, chân tình. Trong hoàn cảnh tự tình với nhau, đôi khi họ không dùng những từ hoa mỹ, không nói những từ chứa đựng nhiều tầng ý nghĩa, mà chỉ nói một cách mộc mạc, bình dân, cốt sao bày tỏ được lòng mình:

Anh về em nắm vạt áo em la làng
Phải bỏ chữ thương chữ nhớ giữa đàng cho em.


Quả là mộc mạc, quả là chân tình. Trong từng câu, từng chữ không có gì khó hiểu cả, tạo được sự cảm thông và gây được cảm xúc cho người đọc.

Hay:
Anh tưởng giếng sâu anh nối sợi dây cụt
Ai dè giếng cạn nó hụt sợi dây
Qua tới đây không cưới được cô hai mày
Qua chèo ghe ra biển đợi nước đầy qua chèo trở vô.


Phương ngữ Nam bộ ra đời tuy có muộn hơn so với phương ngữ của các vùng khác, nhưng không vì thế mà nó nghèo nàn, hời hợt, mà trái lại nó rất đa dạng, phong phú và sâu lắng. Nó chứa đựng các yếu tố văn hóa, phong tục tập quán cùng tính cách của con người Nam bộ. Phương ngữ Nam bộ không chỉ đơn thuần là khẩu ngữ của người Nam Bộ mà nó đã bước vào văn học nghệ thuật với một tư thế rất đường hoàng. Những câu ca dao Nam bộ vừa dẫn trên là một minh chứng cho điều này.


TRẦN PHỎNG DIỀU
(Trường Cao Đẳng Sư phạm Cần Thơ)
Blog EntryJul 9, '09 7:23 PM
for everyone
    Ai đâu mà chẳng biết ta

    Ta ở Xóm Láng, vốn nhà trồng rau

    Rau thơm, rau húng, rau mùi

    Thì là, cải cúc, đủ loài hành hoa

    Mồng tơi, mướp đắng, ớt cà

    Bí đao đậu ván vốn nhà trồng nên

    Giúp em đôi quan tám dẻ cho bền

    Mượn người lịch sự gánh lên chợ trời

    Gánh đi lòng những bồi hồi

    Mong cho đến chợ còn ngồi nghỉ ngơi!



    Bước qua vườn ớt hái trầu

    Hỏi thăm lê lựu, mãng cầu chín chưa ?



    Bậu ra bậu lấy ông câu

    Bậu câu cá bóng chặt đầu kho tiêu

    Kho tiêu, kho ớt, kho hành

    Kho ba lượng thịt để dành bậu ăn



    Chim chuyền bụi ớt rớt xuống bụi cà

    Hồi nào gắn bó với ta

    Bây giờ bội nghĩa đi ra lấy chồng



    Chim chuyền nhành ớt líu lo

    Mảng sầu con bạn, ốm o gầy mòn



    Chim chuyền nhành ớt nhành dâu

    Em có chồng xa xứ anh biết đâu mà tìm ?



    Chim chuyền nhành ớt rớt xuống nhành mai

    Vợ chồng xa cách làm ai cũng buồn



    Cũng liều cắn ớt nhai gừng

    Chua cay mặn chát ta đừng quên nhau



    Đàn bà góa như cá nấu canh

    Đã có bỏ hành, còn thêm tiêu ớt



    Chưa từng chưa gửi chưa đeo

    Đã từng, đã gửi, nhạt nhèo như không

    Đã theo về việc canh nông,

    Dù mưa dù nắng một lòng chẳng thay

    Đã ăn ớt chẳng sợ cay

    Bây giớ khổ nhọc có ngày thảnh thơi!



    Con chim se sẻ

    Nó đẻ bụi ớt

    Nó rớt bụi giềng

    Có thương nhau thì cho bạc cho tiền

    Đừng cho áo tốt xóm giềng họ hay



    Lâu ngày gặp ớt thù lù

    Ních vô một miếng mịt mù lỗ tai



    Một ngày một cân gạo kho

    Một ca muối ớt sao no cả ngày!



    Những nơi mà chát như sung

    Mà cay như ớt em tung mình vào.

    Những nơi chiếu miến võng đào

    Điếu ngà bịt bạc, em nào có say

    Những nơi chiếu cói, võng đay

    Điếu sành xe giấy, em say lừ đù.



    Ớt cay là ớt Định Công

    Nhãn ngon là loại nhãn lồng làng Quang



    Ớt nào là ớt chẳng cay

    Gái nào là gái chẳng hay ghen chồng

    Vôi nào là vôi không nồng

    Gái nào là gái có chồng chẳng ghen



    Thân em như ớt chín cây

    Càng tươi ngoài vỏ, càng cay trong lòng



    Trầu lộc em hái nửa nương

    Cau non nửa chẻ người thương nửa chừng.

    Thương anh quá giá quá chừng

    Bao giờ gặp được anh đây

    Em ăn nắm ớt ngọt ngay như đường.



    Trèo lên cây ớt rớt xuống bụi hành

    Ai chẳng lòng thành, hành đâm đổ ruột



    Trời mưa cho ướt lá cau

    Đôi ta be bé rủ nhau đi bừa.

    Trời mưa cho ớt lá dừa

    Đôi ta be bé đi bừa đồng trong.



    Ví dầu tình bậu muốn thôi

    Bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu ra

    Bậu ra bậu lấy ông câu

    Bậu câu cá bống chặt đầu kho tiêu

    Kho tiêu kho ớt kho hành

    Kho ba lượng thịt để dành mẹ ăn



    Ông Nhăng mà lấy bà Nhăng

    Đẻ được con rắn thằn lằn cụt đuôi

    Ông Nhăng bảo để mà nuôi

    Bà Nhăng đặp chết đem vùi đống tro

    Ông Nhăng bảo để mà kho

    Bà nhăng đặp chết đem cho láng giềng

    Có kho thì kho với riềng

    Đừng kho với ớt tốn tiền uổng công



    Nghe vẻ nghe ve

    Nghe vè về rau

    Xấc láo hỗn hào

    Là rau ngành ngạnh

    Trong lòng không tránh

    Vốn thiệt tâm lang

    Đất rộng bò ngang

    Là rau muống biển

    Quan đòi thầy kiện

    Bình bát nấu canh

    Ăn hơi tanh tanh

    Là rau dấp cá

    Không ba có má

    Rau má có bờ

    Thò tay so đo

    Nó là rau nhớt

    Ăn cay như ớt

    Vốt thiệt rau răm

    Sống tới ngàn năm

    Là rau vạn thọ

    Tay hay xớ rớ

    Vốn thiệt rau co

    Làng bắt chẳng cho

    Chính là rau húng

    Lên chùa mà cúng

    Lại có hành hương

    Giục giã buông cương

    Là rau mã đề





    Nàng dâu khôn lanh, nấu canh cho ngọt

    Canh sôi hớt bọt, thêm ớt rắc tiêu

    Mẹ chồng cay đắng đủ điều

    Mẹ ghét cứ ghét, chồng chiều cũng vui



    Đi Đâu mà chẳng biết ta

    Ta ở Kẻ láng vốn nhà trồng rau

    Rau thơm rau húng rau mùi

    Thìa là cải cúc đủ mùi hành hoa

    Mồng tơi mướp đắng ớt cà

    Bí đao đậu ván vốn nhà trồng nên

    Anh giúp em đôi quang tám để cho bền

    Mượn người lịch sự gánh lên kinh kỳ

    Gánh lên chợ mới một khi

    Mong cho đến chợ anh thì nghỉ chân!



    Ăn ớt nói càn





    Cây mít ướt trồng bờ ao cũng ướt

    Cây ớt cay trồng nơi ang nước cũng cay

    Chị em mình hò hố cho hay

    Anh hùng xa xứ cắn móng tay đứng nhìn



    Nồng như vôi cay môi như ớt



    Miệng thơn thớt, dạ ớt ngâm

    A honey tongue, a heart of gall



    Ai ơi đừng rơi nước mắt ớt

    Đừng rớt nước mắt gừng

    Nhân duyên trời định nửa chừng mà thôi





    Kê cân kê cốt

    Yếu ớt, vừa nhẹ vừa dễ gãy



    Hồn ếch ta đã về đây

    Phải nằm khô cạn, ta nay lên bờ

    — bờ những hốc cùng hang

    Chăn chiếu chẳng có trăm đường xót xa

    Lạy trời cho đến tháng ba

    Ðược trận mưa lớn ta ra ngồi ngoài

    Ngồi ngoài rộng rãi thảnh thơi

    Phòng khi mưa nắng ngồi ngoài kiếm ăn

    Trước kia ta vẩn tu thân

    Ta tu chẳng được thì thân ta hèn

    Ta gặp thằng bé đen đen

    Nó đứng nó nhìn nó chẳng nói chi

    Ta gặp thằng bé đen sì

    Tay thì cái giỏ tay thì cần câu

    Nó có chiếc nón đội đầu

    Khăn vuông chít tóc ra màu xinh thay

    Nó có cái quạt cầm tay

    Nó có ống nứa bỏ đầy ngoé con

    Nó có chiếc cán thon thon

    Nó có sợi chỉ son son dài dài

    Ếch tôi mới ngồi bờ khoai

    Nó giật một cái đã sai quai hàm

    Mẹ ơi lấy thuốc cho con

    Lấy những lá ớt cùng là xương sông

    Ếch tôi ở tận hang cùng

    Bên bờ rau muống phía trong bè dừa

    Thằng Măng là con chú Tre

    Nó bắt tôi về làm tội lột da

    Thằng Hành cho chí thằng Hoa

    Nắm muối cho vào cay hỡi đắng cay

    Bụt ơi bụt hiện xuống đây

    Lượm oan hồn ếch đón bay về trời

    Trăm năm lẩn lộn khóc cười

    Kiến ếch kiếp người cay hỡi đắng cay...



    Ai về ăn ổi Định Quang,

    Ăn ớt Vĩnh Thạnh

    Ăn măng Truông Dài



    Nghe ve nghe vẻ nghe vè trái cây,

    Dây ở trên mây là trái đậu rồng,

    Có vợ có chồng là trái đu đủ,

    Chặt ra nhiều mủ là trái mít ướt.

    Hình tựa gà xước vốn thiệt trái thơm.

    Cái đầu chôm bôm là trái bắp nấu,

    Rủ nhau làm xấu trái cà dái dê ,

    Ngứa mà gãi mê là trái mắt mèo,

    Khoanh tay lo nghèo là trái bần ổi.

    Sông sâu chàng lội là trái mảng cầu,

    Chẳng thấy nàng dâu thật là trái cách.

    Trong ruột ọc ạch vốn thiệt dừa xiêm,

    Hễ chín thâm kim; chuối già, chuối sứ.

    Tam tung tự tứ là trái dưa gan,

    Vốn ở Miền Man là trái bí rợ,

    Mẹ sai đi chợ vốn thiệt trái dâu

    Ở những ao sâu là trái bông súng

    Chằng nên lễ cúng vốn thiệt trái sung.

    Nhỏ mà cay lung thiệt là ớt hiểm,

    Đánh túc cầu liềm vốn thiệt trái me,

    Nắng mà chẳng che là trái rau mát,

    Rủ nhau chà xát vốn thiệt trái chanh,

    Nhỏ mà làm anh, trái đào lộn hột,

    Ăn mà chẳng lột vốn thiệt trái tiêu,

    Thổi nghe ú liêu là trái cóc kèn,

    Rủ nhau đi rèn là trái đậu rựa,

    Đua nhau chọn lựa là trái dành dành,

    Cam ngọt, cam sành, chuối già chuối sứ.

    Nhưng chi lịch sự bằng táo với hồng

    Những gái chưa chồng muốn ăn mua lấy.

    Chim chuyền bụi ớt líu lo

    Líu lo bụi ớt, không cho con chim chuyền.

    Trách người thục nữ thuyền quyên

    Ngồi giữ bụi ớt, con chim chuyền được đâu.

    Ngó lên cây ớt chín từng,

    Càng cao càng lớn nữa mừng nửa lo.

    Trách người thục nữ sao quá so đo

    Ngồi giữ bụi ớt không cho con chim chuyền.



    Chim chuyền bụi ớt líu lo (2)

    Tình thương quân tử ốm o gầy mòn.

    Tưởng rằng hữu thủy, hữu chung,

    Ai hay như pháo hổ đùng xác tan.



    Con chim điểu nó biểu con chim huỳnh

    Biểu tổ chức, biểu nhỏ, biểu mình ưng ta

    Chim chuyền bụi ớt líu lo

    Líu lo bụi ớt đừng cho con chim chuyền



    Ăn ớt rủi cay, hít hà chịu vậy

    Chớ nhăn mặt nhăn mày, họ thấy cười chê.



    Con chim manh manh nhảy quanh bụi ớt, rớt xuống bụi riềng

    Thương sao thấy mặt thương liền

    Cũng như ông tơ bà nguyệt nối duyên mình thuở xưa
Blog EntryJul 9, '09 7:20 PM
for everyone
Là người Việt Nam, chắc chúng ta ai cũng đã một lần nói mỉa, hoặc chí ít cũng đã từng được nghe người khác nói mỉa. Công bằng mà nói, khi nghe nói mỉa, có lúc chúng ta thấy khó chịu nhưng cũng có lúc ta lại thấy hay hay. Tuy nhiên, đã có mấy ai hỏi rằng : vì sao nói mỉa là cách sử dụng ngôn ngữ không có vẻ "chính quy" lắm lại vẫn có thể tồn tại từ lâu đời trong kho tàng ngôn ngữ của người Việt và còn lưu giữ được cho đến tận ngày nay ?

Thường thường, nói mỉa được hiểu là một phương thức ngôn ngữ đặc biệt dùng để diễn đạt sự đánh giá "chênh" đi, thậm chí có khi còn ngược lại so với sự thật cần đánh giá. Chính vì thế ngôn ngữ ở đây bao giờ cũng mang sắc thái biểu cảm rõ nét, và thường là thái quá. Người ta thường nhận được những câu quá khen, hoặc chê thậm tệ; hoặc cũng có khi lẽ ra phải khen thì lại chê, phải chê thì lại khen; và đặc biệt lại có cả những câu tưởng chừng phi lý.

Là một phương thức ngôn ngữ đặc biệt, nói mỉa có những hình thức riêng để nhận ra. Trong khẩu ngữ, nói mỉa thường thể hiện bằng sự kéo dài hay nhấn mạnh giọng nói. Đôi khi có kèm theo cả sự thay đổi nét mặt, cử chỉ, dáng điệu... ở người nói. Người nghe thường nhận ngay ra cái dáng vẻ của ngôn ngữ mỉa mai, giễu cợt. Có thể nói, ở đây ta thường bắt gặp cả hai phương thức sử dụng ngôn ngữ được coi là đối lập nhau. Đó là: lối dùng nhã ngữ kết hợp với ngoa ngữ. Ngay trong khi nói quá lên, làm cho người nghe khó tin, ta cũng thấy có sự kết hợp nhã ngữ với ngoa ngữ. Khó mà có thể tách ra đâu là nhã ngữ, đâu là ngoa ngữ. Cũng là "đẹp" nhưng sao lại phải nói "Đẹp như tiên giáng trần"; khen một ai đó tài ba, người ta nói "khen phò mã tốt áo", khiến cho người được khen không hiểu rằng đó có phải là lời khen không. Có khi người ta vờ dùng nhã ngữ nhưng thực chất là nói ngoa với dụng ý mỉa mai, giễu cợt: "Cảm ơn tiên sinh, tiên sinh cứ dạy quá lời!" trong khi người nghe biết rằng mình ch­a bao giờ là "tiên sinh" cả và thực sự chẳng xứng với lời khen tí nào.

Khi miêu tả tính cách một người nào đó với ý mỉa mai trào phúng, người Việt thường sử dụng triệt để các thành ngữ, tục ngữ mang sắc thái biểu cảm mạnh : "Chó ngáp phải ruồi", "mèo mù vớ cá rán", "trơn lông đỏ da", "mèo mả gà đồng", "được đằng chân lân đằng đầu", "chó có váy lĩnh"...

Có lúc thề thốt, hứa hẹn thì người ta không ngần ngại đưa ra những điều phi lý để làm điều kiện. Cách sử dụng ngôn ngữ như thế này khiến cho chúng ta cảm thấy sự mỉa mai lên đến nước ngoa ngoắt. Ta thường nghe : "Em mà nói dối thì em chết", "Nó mà thi đỗ thì tôi đi đầu xuống đất".. Đành rằng, nghĩa của các câu này thường cũng dễ hiểu vì chúng được giải thích bằng một quy tắc đơn giản của logic, đó là: Trong thực tế "em không chết" suy ra "em không nói dối", "tôi không thể đi đầu xuống đất" suy ra "nó không thể thi đỗ"... nhưng ng­ời ta vẫn thích cách sử dụng này vì nó thú vị hơn và hiệu quả hơn so với cách phủ định thông thường. Quả là, khả năng dùng ngôn ngữ để phủ định của người xưa thật tài tình.

Bằng các biện pháp ngôn ngữ đơn giản, lối nói mỉa có hai tác dụng mà hình thức bên ngoài "có vẻ" như trái ngược nhau.

Một là, trách móc, mắng mỏ, thậm chí giễu cợt (theo chiều hướng phê phán).

Hai là, khích cho người có khuyết điểm tự ái mà sửa chữa khuyết điểm để tiến bộ (theo chiều hướng tích cực).

Mỉa để phê phán thì dễ hiểu. Còn mỉa để khích lệ thì dường như khó chấp nhận. Lúc còn nhỏ, có lần tôi được nghe nói đến việc người xưa thường dùng phương pháp "khích tướng"; rồi sau này lại nghe nói "khiển tướng không bằng khích tướng". Dần dà, kiểm nghiệm qua cuộc sống, tôi nhận ra rằng "khích" là một trong những biện pháp giáo dục hữu hiệu mà không phải vô cớ người xưa đã trọng dụng. Tuy nhiên, trong sử dụng ngôn ngữ, biện pháp này chỉ nên dùng một cách chừng mực, không nên thái quá và lạm dụng. Chúng ta đã từng được biết đến lối nói ngoa như một phương thức đi sâu vào bản chất sự vật, khắc họa rõ nét sự vật. Nó không chỉ nêu mặt tích cực mà còn chỉ ra mặt tiêu cực của sự vật nữa. Thế nhưng, nói ngoa lại không có ý "khiển" và "khích". Còn trong lối nói mỉa, dân gian ta đã kết hợp "khiển" và "khích" một cách hài hòa, khó có thể tách biệt đâu là "khiển", đâu là "khích".

Xem xét nguyên nhân của hiện tượng nói mỉa, chúng ta cần chú ý tới góc độ tâm lý của người Việt trong giao tiếp. Nét nổi bật dễ nhận thấy là tính ngại giao tiếp chính thức, trực diện của người Việt khi phải phê phán một ai đó. Người ta thích không dễ "chê vỗ vào mặt" nhau, mà dùng phương thức vòng vo, chiến thuật "vu hồi" tạo cảm giác chê mà như không chê, nhẹ nhàng như nói chơi vậy.

Với sự kết hợp cả hai ý nghĩa "khiển" và "khích" một cách có hiệu quả, nói mỉa đã trở thành một phương thức sử dụng ngôn ngữ mang bản sắc dân tộc rõ nét. Có lẽ đó cũng chính là lý do để cho hiện tượng ngôn ngữ tưởng chừng như "phi chính quy" này lại có ý nghĩa thật "chính quy" và có một chỗ đứng vững chắc trong hoạt động ngôn ngữ của người Việt chúng ta.

Phan Hồng Liên - Theo vietsciences
    Sự mộc mạc hồn nhiên ở từ ngữ, cách thể hiện dung dị và ngộ nghĩnh gây nên những bất ngờ thú vị là chất hóm hỉnh thường thấy trong ca dao tình yêu Nam Bộ. Đó cũng là biểu hiện tính cách đặc trưng của người dân nơi đây.

    Trước hết là chất hóm hỉnh không cố tình, không dụng công, toát ra một cách tự nhiên qua những từ ngữ mộc mạc; không hề chau chuốt chân thật đến độ người nghe phải bật cười. Một anh chàng quá đỗi si tình đã trở thành "liều mạng":
    "Dao phay kề cổ, máu đổ không màng
    Chết thì chịu chết, buông nàng anh không buông"

    Một cô nàng thật thà cả tin đã giật mình "hú vía" vì kịp thời nhận ra "chân tướng" đối tượng:
    "May không chút nữa em lầm
    Khoai lang khô xắt lát em tưởng cao ly sâm bên Tàu"

    Có những nỗi niềm tương tư ấp ủ trong lòng, nhưng cũng có khi người ta không ngại ngần thổ lộ trực tiếp với bạn tình:
    "Tôi xa mình hổng chết cũng đau
    Thuốc bạc trăm không mạnh, mặt nhìn nhau mạnh liền"

    Họ là những người lao động chân chất, nên cũng bày tỏ tình cảm với nhau bằng thứ khẩu ngữ thường ngày không chưng diện, màu mè, tuy vậy, cái tình trong đó cũng mãnh liệt và sâu sắc.

    Đây là lời tâm sự của một anh chàng đêm hôm khuya khoắt lặn lội đi thăm người yêu:
    "Thương em nên mới đi đêm
    Té xuống bờ ruộng đất mềm hổng đau
    May đất mềm nên mới hổng đau
    Phải mà đất cứng ắt xa nhau phen này"

    Chàng thật thà chất phác, nhưng mà cũng có chút ranh ma đấy chứ? Chất hóm hỉnh đã toát ra từ cái "thật thà tội nghiệp".

    Nhưng phần lớn vẫn là sự hóm hỉnh mang tính chất đùa nghịch. Một chàng trai đã phóng đại nỗi nhớ người yêu của mình bằng cách so sánh ví von trào lộng:
    "Vắng cơm ba bữa còn no
    Vắng em một bữa giở giò không lên"

    Nỗi vấn vương tơ tưởng đi vào tận giấc ngủ khiến chàng trở nên lú lẫn một cách buồn cười:
    "Phòng loan trải chiếu rộng thình
    Anh lăn qua đụng cái gối, tưởng bạn mình, em ơi!"

    Nhưng cái độc đáo là ở đây nỗi niềm đó lại được bộc lộ một cách hài hước:
    "Tôi xa mình ông trời nắng tôi nói mưa
    Canh ba tôi nói sáng, giữa trưa tôi nói chiều"

    Có một chút phóng đại làm cho lời nói nghe hơi khó tin! Nhưng hề gì. Chàng nói không phải cốt để đối tượng tin những điều đó là sự thật mà chỉ cốt cho nàng thấu hiểu tấm tình si của mình. Nàng bật cười cũng được, phê rằng "xạo" cũng được, miễn sao hiểu rằng mình đã phải ngoa ngôn lên đến thế để mong người ta rõ được lòng mình.

    Lại có một chàng trai đang thời kỳ tiếp cận đối tượng, muốn khen cô nàng xinh đẹp, dễ thương mà khó mở lời trực tiếp. Để tránh đột ngột, sỗ sàng, chàng đã nghĩ ra một con đường vòng hiếm có:
    "Trời xanh bông trắng nhụy huỳnh
    Đội ơn bà ngoại đẻ má, má đẻ mình dễ thương".

    Mục đích cuối cùng chỉ đơn giản là khen "mình dễ thương" mà chàng đã vòng qua năm non bảy núi. Bắt đầu từ thế giới tự nhiên - trong thế giới tự nhiên lại bắt đầu từ ông trời - tạo hóa sinh ra những loại cây, hoa đẹp đẽ - rồi mới bước qua thế giới của loài người - trong thế giới loài người lại từ hiện tại ngược dòng lịch sử để bắt đầu từ tổ tiên ông bà, tới thế hệ cha mẹ, rồi tới nhân vật chính - "mình". Thật là nhiêu khê, vòng vo tam quốc làm cho đối tượng hoàn toàn bất ngờ. Những lời ngộ nghĩnh kia dẫn dắt tới sự hiếu kỳ háo hức muốn biết "chuyện gì đây", cho đến khi cái kết cục thình lình xuất hiện làm cho cô nàng không kịp chống đỡ... Nhưng mà nó thật êm ái, thật có duyên biết bao, nên dù phải đỏ mặt, cô hẳn cũng vui lòng và không thể buông lời trách móc anh chàng khéo nịnh!

    Ngược lại, cũng có những lời tỏ tình khá táo bạo, sỗ sàng, nhưng hình ảnh thì lại hết sức ngộ nghĩnh, dí dỏm:
    "Con ếch ngồi dựa gốc bưng
    Nó kêu cái "quệt", biểu ưng cho rồi"

    Những người nghe câu "xúi bẩy" này không thể không bật cười, còn đối tượng xúi bẩy cùng lắm cũng có thể tặng cho người xúi có phần trơ tráo kia một cái nguýt dài.

    Những câu ca dao hóm hỉnh không chỉ bật lên từ tâm trạng đang vui, tràn đầy hy vọng, có khi "rầu thúi ruột" mà họ vẫn đùa. Những trắc trở trong tình yêu nhiều lúc được trào lộng hóa để ẩn giấu nỗi niềm của người trong cuộc:
    "Thác ba năm thịt đã thành bùn
    Đầu thai con chim nhạn đậu nhánh tùng chờ em"

    Quả là "khối tình thác xuống tuyền đài chưa tan", nên chàng lại quyết tâm chờ tiếp ở kiếp sau cho đến khi nào nên duyên nên nợ. Kiên nhẫn đến thế là cùng!

    Khi chàng trai cố gắng đến hết cách vẫn không cưới được người mình yêu, không biết trút giận vào đâu, bèn đổ lỗi cho một nhân vật tưởng tượng:
    "Quất ông tơ cái trót
    Ổng nhảy tót lên ngọn cây bần
    Biểu ông xe mối chỉ năm bảy lần, ổng không xe"

    Thái độ quyết liệt trong tình yêu lắm lúc được thể hiện đầy ấn tượng. Anh chàng hay cô nàng trong câu ca dao dưới đây đã xem cái chết nhẹ như lông hồng. Thà chết còn hơn là lẻ bạn!
    "Chẳng thà lăn xuống giếng cái "chũm"
    Chết ngủm rồi đời
    Sống chi đây chịu chữ mồ côi
    Loan xa phượng cách biết đứng ngồi với ai?"

    Có chàng trai thì quyết tâm đem tuổi thanh xuân gửi vào cửa Phật:
    "Nếu mà không lấy đặng em
    Anh về đóng cửa cài rèm đi tu"

    Chàng vừa muốn tỏ lòng mình vừa muốn thử lòng người yêu. Và cô nàng cũng tỏ ra quyết tâm không kém. Chàng đi đến đâu nàng theo đến đó để thách thức cùng số phận:
    "Tu đâu cho em tu cùng
    May ra thành Phật thờ chung một chùa"

    Bằng câu đùa dí dỏm của mình, cô nàng đã làm nhẹ hẳn tầm nghiêm trọng của vấn đề trong tư tưởng anh chàng và cũng hóa giải tâm tư lo âu, phiền muộn của chàng - "Có gì đáng bi quan đến thế? Cái chính là em vẫn giữ vững lập trường" - đồng thời cũng hàm thêm chút chế giễu - "Mà có chắc là tu được không đấy?".

    Khi yêu, nhiều cô gái cũng mạnh dạn bày tỏ tình cảm của mình không kém các chàng trai.
    "Phải chi cắt ruột đừng đau
    Để em cắt ruột em trao anh mang về"

    Không tiếc cả thân thể, sinh mạng của mình, nhưng cô gái chỉ... sợ đau, thật là một cái sợ đầy nữ tính rất đáng yêu. Hay khi chàng trai muốn liều mình chứng tỏ tình yêu, nhưng cũng lại "nhát gan" đến bật cười:
    "Gá duyên chẳng đặng hội này
    Tôi chèo ghe ra sông cái, nước lớn đầy... tôi chèo vô"

    Tinh nghịch, hóm hỉnh những lúc đùa vui và cả những khi thất vọng, đó là vũ khí tinh thần của người lao động để chống chọi những khắc nghiệt của hoàn cảnh. Những chàng trai, cô gái đất phương Nam đã lưu lại trong lời ca câu hát cả tâm hồn yêu đời, ham sống, hồn nhiên của họ trên con đường khai mở vùng đất mới của quê hương tiếp nối qua bao thế hệ - Đó là tinh thần phóng khoáng, linh hoạt, dày dạn ứng biến của những con người "Ra đi gặp vịt cũng lùa; Gặp duyên cũng kết, gặp chùa cũng tu"...

    TS. ĐOÀN THỊ THU VÂN
    (Tạp chí Tài hoa trẻ)
Blog EntryJul 9, '09 7:06 PM
for everyone

Chết, mất, tạ thế, từ trần,
Quá cố, rời cõi dương gian, về già.
Mệnh chung, tuẫn tiết, băng hà,
Viên tịch, an nghỉ, đi xa, qua đời.
Tử, trăm tuổi, hai năm mươi,
Tận số, tận thế, hết đời, quyên sinh.
Từ giã cõi đời, bỏ mình,
Bỏ mạng, nằm xuống, hi sinh, thiệt đời.
Hết đường sống, về chầu trời,
Về nơi cực lạc, bỏ đời qui tiên.
Ra mả, xuống dưới cửu tuyền,
Thiệt mạng, về với tổ tiên, xuống mồ.
Đã khuất, yên giấc ngàn thu,
Chầu ông vải, xuống âm ty,
Về nơi chín suối, ra đi tiêu đời.
Tận mạng, hai tay buông xuôi,
Khuất núi, khuất bóng, về nơi vĩnh hằng.
Chấm dứt cuộc đời, thác băng,
Xuống âm phủ, xuống suối vàng, tử thương.
Xuống lỗ, về chầu Diêm vương,
Đã trút hơi thở cuối cùng, tử vong
Tim ngừng đập, ra nghĩa trang,
Thu trần thị tịch, chuyển sang Nam Tào...
Sự chết lắm từ biết bao,
Tiếng Việt phong phú, tự hào lắm thay!
st
Blog EntryJul 9, '09 7:01 PM
for everyone
Có người cho rằng việc xưng hô trong tiếng Việt rất phức tạp và gây phiền phức trong khi giao thiệp. Cứ "you, me" hay "toi, moi" ráo trọi như trong tiếng Anh tiếng Pháp có phải tiện hơn không? Thực ra, cách xưng hô trong tiếng Việt không phức tạp và không phiền phức. Nó rất phong phú, rõ ràng, có tôn ti trật tự, và rất văn minh. Cách xưng hô trong tiếng Việt tự nó không gây phiền phức. Nếu có phiền phức chăng nữa, đó là do người sử dụng nó không biết cách mà thôi.
Soạn: AM 446481 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Cách xưng hô trong tiếng Việt tượng trưng cho một nền văn minh lâu đời
Cách xưng hô trong tiếng Việt tượng trưng cho một nền văn minh lâu đời về gia giáo và việc giao tế ngoài xã hội. Lễ phép và tôn ti trật tự phân minh là cách để ta phân biệt giữa dân tộc có văn hiến lâu đời với dân tộc mới phát triển và giữa loài người với loài thú.
Để hiểu rõ cách xưng hô trong tiếng Việt, chúng ta hãy cùng nhau ôn lại phong tục Việt Nam về cách xưng hô. Trong phạm vi gia đình và họ hàng ta có cách xưng hô riêng cho mỗi người. Trong xã hội cũng thế, ta có cách xưng hô đặc biệt dành cho từng người ta quen biết. Trong phạm vi bài này, chúng tôi trình bày những điều liên quan đến cách xưng hô trong gia đình mà thôi.
I. Danh xưng dành cho mỗi thứ bậc về liên hệ gia đình
Soạn: AM 446471 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Người sinh ra ta được gọi là cha mẹ...
Người sinh ra ta được gọi là cha mẹ. Cha mẹ của cha mẹ, cô, dì, chú, và bác của ta được gọi là ông bà. Cha mẹ của ông bà được gọi là cụ. Cha mẹ của cụ được gọi là kỵ. Các ông cha đời trước nữa được gọi là tổ tiên. Cha mẹ sinh ra các con. Những người con này là anh chị em ruột của nhau gồm có các anh trai, các chị gái, các em trai , và các em gái.
Người con trai đầu lòng của cha mẹ mình gọi là anh cả (người Bắc và Trung) hay anh hai (người Nam). Anh hai còn có nghĩa là tiền trong nghĩa của câu: "Trong túi không có anh hai thì không làm gì được". Người con gái đầu lòng của cha mẹ mình gọi là chị cả (người Bắc và Trung) hay chị hai (người Nam). Từ chị cả còn có nghĩa là vợ cả trong ý của câu ca dao sau: "Thấy anh, em cũng muốn chào / Sợ rằng chị cả giắt dao trong mình". Người con trai thứ hai gọi là anh thứ (người Bắc và Trung) hay anh ba (người Nam). Từ anh ba còn được dùng để gọi một người đàn ông con trai nào đó như trong trường hợp của câu ca dao sau: "Anh ba kia hỡi anh ba / Đầu đội nón dứa tay bưng ba cơi trầu / Trầu này em chẳng ăn đâu / Để thương để nhớ để sầu anh ba / Để em bác mẹ gả chồng xa / Thà rằng lấy quách anh ba cho gần!”. Từ anh ba còn để chỉ người đàn ông Hoa kiều.
Người con trai thứ bảy trong gia đình gọi là anh bảy (người Bắc). Từ anh bảy còn để gọi người Ấn Độ hay người Nam Dương (Indonesia).
Khi ta lấy vợ hay lấy chồng và sinh ra các con (con trai và con gái), con của các con ta gọi là cháu (sẽ nói rõ trong phần sau), con của cháu ta gọi là chắt, con của chắt ta gọi là chút, và con của chút ta gọi là chít. Vợ của các con trai ta gọi là con dâu. Chồng của các con gái ta gọi là con rể.
Các anh chị em của cha mẹ ta gồm có: chú, bác, cô, dì, cậu, mợ, và dượng (sẽ nói rõ ở mục sau).
II. Cách xưng hô trong gia đình
Thứ bậc 10 đời trong gia đình gồm có: tổ tiên, kỵ, cụ, ông bà, cha mẹ, con, cháu, chắt, chút, và chít. Con của chúng ta gọi chúng ta là cha mẹ. Con của các con chúng ta gọi chúng ta là ông bà. Con của con gái chúng ta gọi chúng ta là ông bà ngoại, ông ngoại, bà ngoại, hay gọi tắt là ngoại. Con của con trai chúng ta gọi chúng ta là ông bà nội, ông nội, bà nội, hay gọi tắt là nội. Chắt của chúng ta gọi chúng ta là cụ. Chút của chúng ta gọi chúng ta là kỵ. Và chít của chúng ta gọi chúng ta là tổ tiên.
Danh xưng của hai gia đình có con cái lấy nhau gồm có: thông gia, thân gia, hay sui gia. Tiếng xưng hô giữa hai sui gia với nhau hay với bạn bè: ông bà thông gia, ông bà thân gia, ông thân, bà thân, ông bà sui gia, ông sui, và bà sui.
1. Xưng hô với cha mẹ

Soạn: AM 446475 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Tiếng gọi cha mẹ trong khi nói chuyện với bạn bè và trong lúc xưng hô với cha mẹ gồm có: bố mẹ, cha mẹ, ba má, ba me, cậu mợ, thầy me, thầy bu, thân sinh, song thân, các cụ chúng tôi, ông bà nội các cháu, và ông bà ngoại các cháu v.v...
Tiếng xưng hô với mẹ gồm có: má, mẹ, me, mệ, mợ, bu, u, vú, bầm, đẻ v.v.. Tiếng xưng hô với cha gồm có: bố, ba, thầy, cha, cậu, tía v.v...
Tiếng xưng hô với mẹ nhiều hơn tiếng xưng hô với cha. Điều này chứng tỏ người mẹ gần gũi các con nhiều hơn bố. Nhờ đó mà tình cảm giữa các con và mẹ đằm thắm hơn và có nhiều tiếng để xưng hô hơn. Tiếng gọi cha mẹ vợ gồm có: ông bà nhạc, ông nhạc, bà nhạc, cha mẹ vợ, cha vợ, mẹ vợ v.v...
Tiếng gọi cha vợ khi nói chuyện với bạn gồm có: nhạc phụ, nhạc gia, bố vợ, ông nhạc, cha vợ, ông ngoại các cháu, trượng nhân v.v... Tiếng gọi mẹ vợ khi nói chuyện với bạn bè gồm có: mẹ vợ, má vợ, bà nhạc, bà ngoại các cháu, nhạc mẫu v.v...
Tiếng gọi cha mẹ chồng gồm: cha mẹ chồng, cha chồng, mẹ chồng, các cụ thân sinh của nhà tôi, ông bà nội của các cháu, và những từ giống như phần dành cho cha mẹ mình. Khi nói chuyện với cha mẹ vợ hay cha mẹ chồng, tùy theo nề nếp gia đình, ta chỉ cần xưng hô như đã đề cập ở trên, trong phần xưng hô với mẹ cha. Người chồng sau của mẹ mình gọi là cha ghẻ, kế phụ, cha, cậu, hay dượng. Người vợ sau của cha mình gọi là mẹ ghẻ, mẹ kế, hay kế mẫu.
2. Cách xưng hô với anh chị em của cha mẹ và ông bà
Anh của cha gọi là bác, em trai của cha là chú, chị của cha còn được gọi là bác gái. Em gái của cha là cô hay o (ca dao có câu "Một trăm ông chú không lo, chỉ lo một nỗi mụ o nỏ mồm" ). Có nơi chị của cha cũng được gọi là cô hay o.
Anh của mẹ gọi là bác hay cậu, em trai của mẹ là cậu, chị của mẹ là già hay bác gái, và em gái của mẹ là dì. Có những gia đình bắt con cái gọi cậu và dì bằng chú và cô vì muốn có sự thân thiết giống nhau giữa hai gia đình bên ngoại và bên nội, tức là bên nào cũng là bên nội cả.
Vợ của bác (anh của cha hay mẹ) gọi là bác gái, vợ của chú gọi là thím, và chồng của cô hay dì gọi là chú hay chú dượng hay dượng, chồng của bác gái hay già gọi là bác hay bác dượng, và vợ của cậu là mợ.
Anh trai của ông bà nội và ông bà ngoại mình gọi là ông bác (bác của cha hay mẹ mình), em trai của ông nội và ông ngoại là ông chú (chú của cha hay mẹ mình), chị của ông bà nội và ông bà ngoại hay vợ của ông bác gọi là bà bác, em gái của ông nội ông ngoại mình gọi là bà cô (cô của cha mẹ mình), em trai của bà nội bà ngoại gọi là ông cậu (cậu của cha hay mẹ mình), em gái của bà nội bà ngoại gọi là bà dì (dì của cha mẹ mình), và chồng của bà cô và bà dì gọi là ông dượng (dượng của cha hay mẹ mình). Tuy nhiên, trong lối xưng hô hàng ngày, người ta thường gọi giản tiện là chú, bác, ông hay bà để thay cho chú dượng, bác gái, ông bác, ông chú, ông cậu, ông dượng, bà bác, bà cô, hay bà dì.
3. Xưng hô với anh chị em
Anh của vợ hay anh của chồng gọi là anh hay bác, còn khi nói chuyện với người khác thì dùng ông anh nhà tôi, anh của nhà tôi, anh vợ tôi , hay anh chồng tôi. Tiếng anh chồng còn dùng để gọi chồng của một người đàn bà nào đó trong nghĩa của câu: Anh chồng thì đi vắng chỉ có chị vợ ở nhà mà thôi. Chị của chồng hay chị của vợ gọi là chị hay bác, còn khi nói chuyện thì dùng chị chồng, chị vợ, bà chị của nhà tôi v.v... Em trai của chồng hay vợ gọi là em hay chú.
Em gái của chồng hay vợ gọi là em, cô, hay dì. Các từ bác, chú, cô hay dì trong các trường hợp xưng hô với anh chị là cách chúng ta gọi thế cho con mình và có nghĩa là anh, chị, em của mình.
- Các tiếng xưng hô về chị em còn gồm có: Chị em gái: chị em toàn là gái. Chị em ruột: chị em cùng cha mẹ trong đó có em trai. Chị gái hay chị ruột: người chị cùng cha mẹ. Chị họ: chị cùng họ với mình. Chị em chú bác, chị em con chú con bác, chị em thúc bá: các con gái và con trai của em trai và anh bố mình, trong đó người con gái là chị. Chị em con cô con cậu: con gái và con trai của em gái bố và em trai mẹ, trong đó người con gái là chị. Chị em bạn dì, chị em đôi con dì con già: các con gái và con trai của chị hay em gái mẹ trong đó con gái là chị. Chị em bạn dâu: chị em cùng làm dâu trong một nhà. Chị dâu: vợ của anh mình.
- Các tiếng xưng hô về anh chị em gồm có: Anh chị là tiếng các em gọi anh chị hay cặp vợ chồng anh chị mình, tiếng cặp vợ chồng tự xưng với các em của họ, tiếng gọi cặp vợ chồng của bạn mình, tiếng cha mẹ dùng để gọi vợ chồng con trai hay con gái mình, và tiếng dùng để gọi những kẻ ăn chơi giang hồ, cờ bạc trong nghĩa của từ ” dân anh chị.” Anh chị em là tiếng người ta dùng để gọi các con trong gia đình như trong câu ” Anh chị em nhà ấy có hiếu.” Tiếng ” anh chị em” còn dùng để gọi chung đàn ông đàn bà hay con trai con gái trong nghĩa của câu ” Hỡi các anh chị em nghe đây!” Anh chị em bạn dì hay anh chị em đôi con dì con già để chỉ các con trai con gái của chị và em gái mẹ trong đó người con trai là anh. Anh em con chú con bác hay anh em thúc bá để chỉ con trai con gái của em và anh bố mình, trong đó người con trai là anh. Anh em con cô con cậu để chỉ con trai con gái của em gái bố và em trai mẹ trong đó người con trai là anh. Anh em bạn rể hay anh em cột chèo để chỉ các ông chồng của chị vợ hay em vợ. Anh rể : chồng của chị mình. Tất cả những người con của anh và chị của cha đều là anh và chị của ta ( anh chị họ nội). Các người con của anh và chị của mẹ cũng là anh và chị của ta (anh chị họ ngoại)
- Các tiếng xưng hô về em gồm có: Em là tiếng chỉ các người con do cha mẹ sinh ra sau mình gồm có em trai em gái và là tiếng gọi các người con của cô, dì, và chú của mình. Em dâu: vợ của em mình. Em rể: chồng của em mình. Em út: tiếng để chỉ người em cuối cùng do cha mẹ mình sinh ra. Tiếng em út còn có nghĩa là đàn em, dùng để chỉ bộ hạ tay chân của người ta trong nghĩa của câu: "Đám em út của tôi sẽ giúp anh chuyện đó, đừng có lo". Họ nội và gia đình bên nội là họ và gia đình của cha mình. Họ ngoại và gia đình bên ngoại là họ và gia đình bên mẹ mình.
4. Xưng hô với vợ chồng
Tiếng xưng hô với vợ gồm có: em, cưng, mình, bu nó, má, má mày, má nó, má thằng cu, mẹ, mẹ nó, mẹ đĩ, nhà, bà, bà xã, bà nó, ấy, mợ, mợ nó, đằng ấy v.v...
Tiếng gọi vợ trong khi nói chuyện với người khác gồm có: nhà tôi, bà nhà tôi, má tụi nhỏ, má sắp nhỏ, má bày trẻ, tiện nội, nội tướng tôi, bà xã, bà xã tôi, và vợ tôi v.v... Tiếng xưng hô với chồng gồm có: anh, cưng, anh nó, ba, ba nó, bố, bố nó, bố mày, bố thằng cu, đằng ấy, ông xã, cậu, cậu nó, ông, ông nó, cụ, ấy, mình v.v...
Tiếng gọi chồng trong khi nói chuyện với người khác gồm: nhà tôi, ông nhà tôi, ba tụi nhỏ, ba sắp nhỏ, ba bày nhỏ, phu quân tôi, ông xã, ông xã tôi, chồng tôi, trượng phu tôi, anh ấy v.v...
Tình vợ chồng người Việt rất đằm thắm, họ yêu nhau với tất cả chân tình, đối đãi với nhau rất lịch sự và tương kính. Những cặp vợ chồng có giáo dục không bao giờ gọi nhau bằng mày và xưng tao. Họ tìm những lời lẽ dịu dàng đầy tình tứ yêu thương để gọi nhau. Chính vì thế mà tiếng xưng hô giữa vợ chồng người Việt có rất nhiều, hơn hẳn tiếng xưng hô của vợ chồng người Tây phương. Những cặp vợ chồng có giáo dục không bao giờ chửi thề và văng tục với nhau, nhất là trước mặt bạn bè.
5. Xưng hô với con cháu
Con trai đầu lòng của mình gọi là con trai trưởng hay con trai trưởng nam (có người gọi một cách thân mật là cậu trưởng tôi, thằng trưởng nam nhà tôi). Vợ của con trai là con dâu. Vợ con trai trưởng nam là con dâu trưởng. Con gái đầu lòng gọi là trưởng nữ. Chồng của con gái là con rể. Chồng của con gái đầu lòng là con rể trưởng. Tất cả các con trai hay con gái kế tiếp được gọi la thứ nam hay thứ nữ. Người con được sinh ra trước tiên còn được gọi là con cả hay con đầu lòng. Con trai hay con gái cuối cùng của gia đình gọi là con út, út nam, hay út nữ. Nếu vợ chồng chỉ có một con, trai hoặc gái, thì người con đó được gọi là con một. Con của vợ hay của chồng có trước hay sau khi lấy nhau gọi là con ghẻ hay con riêng. Đứa con mới đẻ ra gọi là con đỏ. Con còn nhỏ gọi là con mọn. Khi người đàn ông già rồi mới có con, người ta gọi cảnh đó là cảnh cha già con mọn. Con gia đình quyền thế gọi là con ông cháu cha. Con của con trai mình gọi là cháu nội (cháu nội trai, cháu nội gái); con trai đầu lòng của con trai trưởng nam là cháu đích tôn, đích tôn thừa tự, hay đích tôn thừa trọng, tức là cháu trưởng nối nghiệp lớn của ông bà và giữ việc thờ cúng tổ tiên sau này. Con của con gái mình gọi là cháu ngoại (cháu ngoại trai, cháu ngoại gái).
III. Đặc tính lịch sự và lễ phép trong cách xưng hô của người Việt
Soạn: AM 446479 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Ta nên vui vẻ xoa đầu trẻ và chỉ cho chúng cách chào cho đúng cách của người Việt...
Từ lâu đời, người Việt mình có truyền thống về lễ phép và lịch sự trong cách xưng hô. Các con cháu có lễ phép và có giáo dục thường biết đi thưa về trình chứ không phải muốn đi thì đi muốn về thì về. Khi nói chuyện với bố mẹ và ông bà, con cháu thường dùng cách thưa gửi và gọi dạ bảo vâng chứ không bao giờ nói trống không với người trên. Người Việt chúng ta thường dùng tiếng thưa trước khi xưng hô với người ở vai trên của ta, chẳng hạn như: "Thưa mẹ con đi học. Thưa ông bà con đã học về. Thưa cô con về. Thưa ba, ba bảo con điều chi ạ?".
Khi trả lời bố mẹ hay ông bà, con cháu thường dùng chữ "dạ, ạ, vâng ạ, vâng". Nếu bà mẹ gọi con: "Tư ơi?" thì khi nghe thấy, người con phải thưa: "Dạ". Nếu người mẹ nói tiếp: "Về ăn cơm!", người con phải nói: "Vâng" (người Bắc) hay "Dạ" (người Nam). Người ta còn dùng chữ "ạ" ở cuối câu để tỏ vẻ kính trọng và lễ phép. Thí dụ: "Chào bác ạ! Vâng ạ!".
Trong cách xưng hô với người ở vai trên của ta, ta không bao giờ gọi tên tục (tên cha mẹ đạt cho) của ông bà, cha mẹ, cô cậu, dì dượng, và chú bác. Chúng ta chỉ xưng hô bằng danh xưng ngôi thứ trong gia đình mà thôi. Nếu ông có tên là Hùng, ba có tên là Chính, và chú có tên là Tài chẳng hạn, ta chỉ nói là: "Mời ông bà xơi cơm, mời ba má dùng trà, mời cô chú lại chơi".
Đối với người trên, chúng ta không được dùng tiếng "cái gì" để hỏi lại một cách trống không vì nó nghe có vẻ vô lễ. Người ta thường thế từ "cái gì" bằng từ "điều chi" cho lịch sự và lễ độ. Thay vì hỏi: "Cái gì?" hay "Ba bảo con cái gì?" thì hỏi: "Ba bảo con điều chi ạ?". Từ "cái gì" chỉ sử dụng với người ngang hàng mà thôi. Thí dụ: "Anh hỏi tôi cái gì?" hay "Chị nói cái gì vậy?".
Trong cách xưng hô với anh chị em, chúng ta dùng từ anh, chị, hay em đứng trước tên hay ngôi thứ. Thí dụ: "Anh Hùng đi vắng, em An đang học bài, chị Kim ra má bảo" v.v...
Các em không được phép gọi anh chị bằng tên trống không. Tuy nhiên, anh chị có thể gọi các em bằng tên trống không hay thêm từ em vào trước tên để gọi. Thí dụ: "Hải ra chị bảo cái này!" hay "Em Hải ra chị bảo cái này!".
Anh chị em trong một gia đình có giáo dục không gọi nhau bằng mày và xưng là tao bao giờ. Những người con gọi nhau bằng mày và xưng tao là do lỗi của bố mẹ không biết dạy bảo các con ngay từ khi chúng còn nhỏ. Các con gọi nhau bằng mày xưng tao mãi rồi thành thói quen. Khi đã thành thói quen thì chúng không thể đổi cách xưng hô cho đúng phép được.
Cha mẹ phải dạy con cái về cách xưng hô ngay từ khi chúng còn nhỏ. Muốn chúng chào ai, cha mẹ phải nói cho chúng biết cách chào và bắt chúng lập lại, chẳng hạn như cha mẹ nói: "Chào bác đi con!". Các con sẽ nói: "Chào bác ạ!"
Khi có bà con họ hàng thân thuộc đến chơi nhà, cha mẹ phải giới thiệu họ với các con mình và nhắc chúng cách chào. Nếu các con mình chơi ở ngoài sân hay ở trong buồng trong khi có thân nhân đến chơi nhà, ta phải gọi chúng ra để chào bà con.
Khi cha mẹ đến chơi nhà con cái, nếu trong nhà đang có khách, các con phải giới thiệu cha mẹ với khách và giới thiệu khách với cha mẹ. Có như thế việc xưng hô trong câu chuyện mới tự nhiên và thân mật. Bận cho đến mấy hay bất cứ vì lý do gì, ta cũng phải thực hiện cho bằng được việc giới thiệu khi có khách đến chơi nhà để mọi người biết nhau hầu tiện cho việc xưng hô. Những người ở vai trên hay bậc trên phải được giới thiệu trước.
Đối với trẻ, ta nên nhắc lại việc chào hỏi nhiều lần chứ đừng tưởng bảo chúng một lần mà chúng nhớ đâu. Chính vì thế mà một nhà giáo dục người Pháp đã viết "La répétition est l’ âme de l’ enseignement" (Việc nhắc lại là linh hồn của việc giáo huấn). Về phạm vi giáo dục, việc "nhắc lại" hay "lập đi lập lại" có nghĩa là ôn tập thường xuyên: văn ôn vũ luyện.
Có biết xưng hô đúng cách, bà con mới thân cận nhau. Không biết cách xưng hô, dần dần bà con sẽ xa lánh nhau. Có săn đón nhau bằng câu chào lời mời đúng cách, tình gia đình họ hàng mới gắn bó lâu bền. Chính vì thế mà tục ngữ ta có câu: "Lời chào cao hơn mâm cỗ".
Trong việc dạy trẻ về cách xưng hô và chào hỏi, ta không nên quá khắt khe với chúng. Giải thích và khuyến khích là cách tốt nhất để dạy trẻ. Nếu chúng quen cách xưng hô ở Bắc Mỹ này mà chào ta là "Hi, Bác!" ta cũng đừng nổi giận mà chửi chúng. Trong trường hợp này, ta nên vui vẻ xoa đầu trẻ và chỉ cho chúng cách chào cho đúng cách của người Việt: "Chào Bác ạ!" Đừng bao giờ nổi nóng với trẻ vì chúng chưa hiểu và cần phải được dạy dỗ. Khi ta nổi nóng lên là phát cơn điên thì kẻ khôn hóa dại ngưới hiền hóa ngu.
Việc xưng hô và chào hỏi còn tùy thuộc ở sự thân tình nữa. Nếu ta thường xuyên thăm trẻ hay chăm nom và săn sóc trẻ với tất cả chân tình, trẻ sẽ cảm thấy và tự nhiên chúng sẽ quí mến ta và vồn vã chào hỏi ta.
Việc dạy trẻ trong vấn đề xưng hô và chào hỏi cần phải kiên nhẫn, khéo léo, và có nghệ thuật. Không miễn cưỡng được. Nếu trẻ không muốn chào, ta phải từ từ giải thích cho chúng hiểu. Khi hiểu, chúng sẽ vui vẻ chào khách. Đừng quá khắt khe với chúng kẻo ta mắc phải khuyết điểm "giáo đa thành oán".
KHẢI CHÍNH - PHẠM KIM THƯ (Canada)
Blog EntryJul 9, '09 6:59 PM
for everyone
Trong tiếng Việt, các từ Hán-Việt làm thành một lớp với những đặc điểm ngữ pháp riêng. Các từ tổ Hán-Việt tuy cũng chứa đựng những mối quan hệ cú pháp (đẳng lập hoặc chính phụ) rõ rệt không kém các từ tổ thuần Việt nhưng mối quan hệ cú pháp này chặt chẽ hơn nhiều. Mà một trong những nguyên nhân chính là cách đặt từ ngược (phụ trước, chính sau) so với các từ tổ thuần Việt. Có thể nêu ra một cặp ví dụ điển hình:
+ Xạ thủ Nguyễn Văn Ba (1)
+ Người bắn Nguyễn Văn Ba (2)
Rõ ràng ở đây, (1) chỉ có thể được hiểu theo một cách còn (2) lại có hai cách hiểu.
Qua đó, chúng ta có thể thấy, từ Hán-Việt không gây mâu thuẫn trong cách hiểu, còn từ thuần Việt, nếu không có ngữ cảnh xác định thì dễ gây hiểu nhầm. Do tính chất chặt chẽ của mối quan hệ cú pháp này của từ Hán-Việt nên chúng thường được dùng làm từ ngữ chuyên môn hay thuật ngữ khoa học...
Đặc điểm của loại hình đơn lập âm tiết tính của tiếng Hán và tiếng Việt đã cho phép tiếng Việt tiếp thu các yếu tố gốc Hán không những với tư cách là đơn vị từ vựng mà còn cả với tư cách là những công cụ ngữ pháp. Theo GS. Nguyễn Tài Cẩn, trong số các hư từ tiếng Việt hiện nay có tới 1/3 là hư từ gốc Hán. Ví dụ:
+ Hán-Việt: nhân, tuy, do...
+ Hán-Việt Việt hoá: cùng – cộng (共); bèn – tiên (便); – vi (為)...
Theo thống kê khảo sát số lượng hư từ gốc Hán theo âm Hán-Việt hiện đang hoạt động trong tiếng Việt thì có 97 phó từ, 20 giới từ 30 liên từ.

1. Phó từ

Có thể chia các phó từ thành các tiểu loại sau:

1.1. Phó từ chỉ trình độ

Biểu thị mức độ cao của một trạng thái hoặc tính chất nào đó của sự vật (hay, phó từ trình độ biểu thị ý nghĩa quan hệ về trình độ). Nó có vai trò hạn định cho tính từ trong câu: tối, tuyệt, cực, quá, thực, thậm, quả...

1.2. Phó từ chỉ phạm vi

Biểu thị ý nghĩa quan hệ phạm vi của hành động, tính chất của sự vật: chỉ, thuần, nhất luật, nhất nhất, cơ hồ, tự (tựa) hồ, độc, duy, bất quá, chuyên...

1.3. Phó từ thời gian

Ví dụ: đương, lập tức, tức khắc

1.4. Phó từ biểu thị sự tiếp diễn, sự lặp lại

Ví dụ: tái, thường, thường thường...

1.5. Phó từ ngữ khí biểu thị ngữ khí nghi vấn hoặc ước đoán.

Các phó từ này thường đi kèm động từ hoặc tính từ để nhấn mạnh hành động, tính chất. Ví dụ: khả, há, lẽ nào...

1.6. Phó từ chỉ các ý nghĩa tình thái biểu thị tình thái chủ quan, khách quan hoặc diễn biến bất thường

Ví dụ: đương nhiên, dĩ nhiên, hiển nhiên, hốt nhiên, bỗng nhiên, đột nhiên...

1.7. Phó từ khẳng định và phủ định

Ví dụ: bất, bất tất, vị tất, tất nhiên, nhất định, quyết...

2. Giới từ

- Giới từ chỉ nơi chốn: tại (ở)
- Giới từ chỉ thời gian: từ
- Giới từ chỉ phạm vi: trừ
- Giới từ chỉ nguyên nhân, mục đích: do, vị (vì), tại (bởi)
- Giới từ chỉ phương tiện, công cụ, chất liệu: dụng (dùng)
- Giới từ chỉ đối tượng: đối vu (đối với)

3. Liên từ

Liên từ dùng để biểu thị các quan hệ cú pháp giữa thực từ và hư từ, dùng để nối các từ, các kết hợp từ, các câu và các đoạn văn có quan hệ cú pháp. Có thể phân loại các hư từ Hán-Việt như sau:
- Liên từ biểu thị sự lựa chọn: hoặc – hay; hoặc giả – hay là...
- Liên từ biểu thị quan hệ nhân quả: Sở dĩ... là vì...
- Liên từ biểu thị quan hệ giả thiết: giả sử → giá như; thảng hoặc
- Liên từ biểu thị quan hệ điều kiện: trừ phi, bất luận, vô luận...
- Liên từ biểu thị quan hệ đối lập (giữa hai hành động, hai trạng thái, hai tính chất): tuy, tuy nhiên
- Liên từ biểu thị quan hệ liệt kê: thí như → thí dụ
Quá trình tiếp xúc 2 ngôn ngữ Việt – Hán là một quá trình lâu dài và sâu rộng, thể hiện qua sự hiện diện các từ gốc Hán trong tiếng Việt. Có thể thấy các từ gốc Hán có chức năng là công cụ ngữ pháp chiếm tỉ lệ cao trong tiếng Việt, điều này chứng tỏ rằng ngữ pháp tiếng Hán đã có ảnh hưởng lớn đến ngữ pháp tiếng Việt.
(http://ngonngu.net/index.php?fld=nnh&sub=nguphap&pst=hutu_HV#_fnt3)
Blog EntryJul 9, '09 6:22 PM
for everyone

Người Việt chửi
Nguyễn Thị Tuyết Ngân - Trần Ngọc Thêm (trích từ cuốn Tìm về bản sắc văn hoá VN của GSTS Trần Ngọc Thêm)
Nói đến chửi, người Việt Nam nào cũng nghĩ ngay đó là hiện tượng vô văn hoá, người ta liên tưởng tới những câu chửi tục, những lời chửi "rỉa róc", chửi "như vặt thịt" người ta. Thực ra thì nói vậy nhưng không phải vậy!
Cuộc sống phức tạp vốn nhiều quan hệ nên hay có va chạm, xung đột. Mà đã có xung đột thì cần giải quyết. Người ta có thể hoà giải bằng "đối thoại", song cũng không ít người sử dụng "đối đầu". Mà đối đầu "hiền lành" nhất có lẽ là "đấu võ mồm", tức là chửi nhau .
Việc chửi (nhau) thì dân tộc nào cũng có, thậm chí có từ rất lâu đời.
Lối chửi phổ biến ở mọi dân tộc, mà người Việt cũng biết, là sử dụng các từ ngữ chỉ bộ phận sinh dục, bài tiết, quan hệ tình dục ... mà "ném" vào mặt đối phương. Họ gán cho đối phương là "họ hàng" của các loài vật mà theo họ có nhũng đặc tính xấu, bị xã hội chỉ trích: chó, bò, lợn (heo), rắn rết, giòi bọ, dê (xổm) ... Một số người mát tính hơn, họ chỉ hạ thấp đối phương 1 cách tương đối. Họ hạn chế ở mức độ vì đối phương với những thứ như: giả nhân, ngợm, quỷ quái, yêu tinh ... Họ nêu những khiếm khuyết hoặc gán ghép cho đối phương những khiếm khuyết vật chất, tinh thần, xã hội, ví dụ: (đồ, con, quân, lũ, bọn) què, mù, ..., ngu, ngốc, điên, khùng ..., đểu cáng, ác độc, vô luân, bất hiếu, ...; lừa đảo, ăn cắp ... Các cách chửi này phổ biến nhưng không phải là tiêu biểu cho người Việt.
Với bản chất của 1 dân tộc có nếp sống cộng đồng tình cảm, ưa tế nhị, truyền thống của VN là chửi có bài bản, có văn vẻ, có vần điệu và đặc biệt là có thể kéo dài tuỳ ý. Chúng tôi nhớ 1 bài thơ châm biếm ra đời vào khoảng năm 1974 mở đầu bằng mấy câu như sau:
Chỉ vì mất một con gà
Rêu rao bà chửi suốt ba ngày liền
Chỉ sang tứ phía láng giềng
Réo từ nội ngoại, tổ tiên mười đời ...
Chỉ bốn câu này cũng đã đủ cho ta thấy phần nào lối chửi thâm thuý của người Việt!
Phụ nữ VN vốn rất hiền lành, nết na, nhưng cũng không chịu để ai bắt nạt (ăn hiếp). Mất 1 con gà không phải là chuyện lớn, nhưng nếu cứ tiếp tục mất như thế thì không thể chấp nhận được. Bởi vậy mà phải ra tay "dằn mặt" để cho kẻ có tính xấu kia từ nay đừng có động đến gia đình "bà". Với 1 dân tộc luôn coi trọng chữ tín và danh dự hơn hết thảy mọi cái ở đời thì cách tốt nhất là phải làm cho đối phương mất mặt trước cộng đồng. Thông thường, người ta tức lúc nào thì chửi lúc đó. Người VN truyền thống thì không như vậy, họ chờ khi có thật đông người thì mới chửi và khi chửi lại cố tình đệm thêm "ới làng trên xóm dưới" hoặc "ới trời cao đất dày" như mời gọi thêm mọi người trong cả cộng đồng đến nghe.
Trong lối chửi của người Việt, cái hấp dẫn người nghe không phải là những lời tục tĩu, mà là những lời xưng hô không theo lẽ thông thường. Bình thường người ta "xưng khiêm hô tốn", còn khi chửi thì người ta cố tình làm ngược lại: " Cha bố tiên nhân thằng Cò! Cha bố tiên nhân thằng Cốc! Cha họ nội họ ngoại, họ gần họ xa, họ năm đời giở lên, họ ba đời giở xuống nhà thằng Cò, thằng cốc! Cha tam đại, tứ đại, ngũ đại mai thần chủ thằng Cò, thằng Cốc! Cha đứa già đứa trẻ, đưa nhớn đứa bé, đứa mẹ đứa con, đứa đỏ như son, đứa vàng như nghệ nhà thằng Cò, thằng Cốc, bảo nhau định vỗ nợ của bà! " (trích truyện Khao của Đỗ Phồn).
Trong đoạn trên, không có từ ngữ tục tĩu nào mà ta vẫn nhận ra ngay đây là lời chửi. Người chửi đã tự tôn mình lên mức ngang hàng với cha của "bố tiên nhân" dòng họ nhà đối phương. Người Việt vốn rất kính trọng ông bà tổ tiên (thể hiện qua tục thờ cúng tổ tiên), nên không thể nào chịu được khi bị chửi "tên cái" (tên của bố mẹ, ông bà ... hoặc các từ thay thế kiểu như tam đại, tứ đại ... ). Có thể nói, đây là 1 nguyên nhân dẫn đến thói quen giấu tên của người Việt.
Cái hay của các bài chửi kiểu này còn ở chỗ các ý được liên kết với nhau 1 cách hợp lý, lặp kèm với đối, đi với nhau chan chát: họ nội họ ngoại, họ gần họ xa, họ năm đời giở lên, họ ba đời giở xuống, đứa già đứa trẻ, đứa nhớn đứa bé, đứa mẹ đứa con, đứa đỏ như son, đứa vàng như nghệ.
Và đây nữa là lời chửi của 1 người đàn bà mất gà được ghi lại trong tiểu thuyết Bước đường cùng của Nguyễn Công Hoan:
" Làng trên xóm dưới, bên sau bên trước, bên ngược bên xuôi! Tôi có con gà mái xám nó sắp ghẹ ổ, nó lạc ban sáng, mà thằng nào con nào, đứa ở gần mà qua, đứa ở xa mà lại, nó dang tay mặt, nó đặt tay trái, nó bắt mất của tôi, thì buông tha thả bỏ nó ra, không thì tôi chửi cho đấy!
Chém cha đứa nào bắt gà nhà bà! Chiều hôm qua, bà cho nó ăn nó hãy còn, sáng hôm nay con bà gọi nó nó hãy còn, mà bây giờ nó đã bị bắt mất. Mày muốn sống mà ở với chồng với con mày, thì buông tha thả bỏ nó ra, cho nó về nhà bà. Nhược bằng mày chấp chiếm, thì bà đào mả thằng tam tứ đại nhà mày ra, bà khai quật bật săng thằng ngũ đại, lục đại nhà mày lên. Nó ở nhà bà, nó là con gà, nó về nhà mày, nó biến thành cú thành cáo, thành thần nanh đỏ mỏ; nó mổ chồng mổ con, mổ cả nhà mày cho mà xem!Ới cái thằng chết đâm, cái con chết xỉa kia! Mày mà giết gà nhà bà thì một người ăn chết một, hai người ăn chết hai, ba người ăn chết ba. Mày xuống âm phủ thì quỷ sứ thần linh nó rút ruột ra ..."
Ở đây người chửi vẫn dùng nghệ thuật lặp và đối là chủ yếu: làng trên xóm dưới, bên sau bên trước, bên ngược bên xuôi; đứa ở gần mà qua, đứa ở xa mà lại, nó dang tay mặt, nó đặt tay trái, nó ở nhà bà - nó về nhà mày... - tất cả tạo nên 1 nhịp điệu như những bài thơ văn xuôi đầy cảm hứng sáng tạo và luôn được ngươi chửi thay đổi, biến báo tuỳ theo đối tượng nghe.Tuy rủa xả như vậy, nhưng đối phương vẫn không chửi lại hoặc dùng "võ tay chân" với người chửi, bởi vì toàn bộ bài chửi chỉ là những lời cạnh khoé, bóng gió, chả ai dại gì mà ra mặt. Mặt khác, việc chửi tuy không nêu đích danh nhưng nhờ một số chi tiết ám chỉ nên ai cũng hiểu người chửi muốn ám chỉ ai, nhờ vậy mà vẫn đạt được mục đích làm cho đối phương mất mặt trước cộng đồng và hả cơn giận trong lòng.
Với cách diễn đạt bóng gió, đày tính ám chỉ về nội dung và có cấu trúc chặt chẽ, vần điệu, nhịp nhàng về hình thức, lối chửi của người Việt Nam đã bước vào hàng "nghệ thuật"; nó có lẽ không những không còn thuộc loại hiện tượng "vô văn hoá" nữa, mà đã trở thành 1 hiện tượng độc đáo góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn hoá VN cổ truyền. Tuy rằng ngày nay "nghệ thuật chửi" này đang mai một dần, nhưng không phải ngẫu nhiên mà ở nơi này nơi khác nó đang được "sân khấu hoá". Nó là 1 bằng chứng độc đáo và hùng hồn rằng ngay cả trong lúc giận dữ, chửi nhau, con người cũng có thể giận dữ, chửi nhau "1 cách có văn hoá".
______________

Khi DCT  học môn Cơ sở văn hoá, giảng viên nhất định không đồng ý với bài viết trên của giáo sư Trần Ngọc Thêm. Đã chửi nhau thì nhất định là không có văn hoá rồi.
Thư giãn chút với Chửi mất gà toán học

Tiên sư đứa nào bắt mất con gà nhà bà, gà ở nhà bà con công con phượng, gà về nhà mày thành con ó con hâu. Bà … bà…bà… U cho con xin chén trà để con chửi tiếp….. bà chửi theo kiểu toán học cho mà nghe nhá…Bố mày là A, mẹ mày là B, bà cho vào ngoặc bà khai căn cả họ nhà mày… Bà rủa mày ăn miếng rau mày ói ra miếng thịt, mày tắm trong ao mày chết chìm trong chậu…

Bà khai căn cả họ nhà mày, xong rồi bà tích phân n bậc, bà bắt cả hang, cả hốc, ông cụ ông nội, cả tổ tiên nhà mày ra mà đạo hàm n lần.

Ái chà chà…mày tưởng à. Mày tưởng nuốt được con gà nhà bà là mày có thể yên ổn mà chơi trò “cộng trừ âm dương” trên giường với nhau à…..Bà là trị cho tuyệt đối hết cả họ chín đời nhà mày, cho chúng mày biết thế nào là vô nghiệm, cho chúng mày không sinh, không đẻ, không duy trì được nòi giống nữa thì thôi…Bà sẽ nguyền rủa cho chúng mày đời đời chìm đắm trong âm vô cùng, sẽ gặp tai ương đến dương vô cùng, cho chúng mày chết rục trong địa ngục, cho chúng mày trượt đến maximum của sự vô hạn tối tăm…

À, mày chơi toán học với bà à…U cho con xin thêm chén nước ạ ..Thằng khốn ấy nó là tiến sĩ toán lý, không chửi bằng toán học thì không xong với nó u ạ... Vâng vâng, u rót cho con đầy đầy vào, nữa đi…để con lấy hơi chửi tiếp, con sẽ chửi từ số học lên tích phân, xuống đại số rồi sang hình học cho u xem…

Tiên sư nhà mày, mày tưởng ngày nào mày cũng rình mò tiệm cận hàng rào nhà bà là bà không biết đấy phỏng? Bà là bà giả thiết mày ăn cắp hơn hai chục con gà nhà bà,…mày về mày vỗ béo để nhồi đường cong cho con vợ mày, à à, mày vẽ nữa đi, mày tô nữa đi. Mày tô, mày vẽ, mày nhồi cho đến khi đường cong con vợ mày nó nứt toát, nó gẫy khúc ra, chọc xiên chọc xẹo đi, rồi đi lên đi xuống nữa vào, rồi có ngày con vợ mày sẽ hạ vuông góc một mạch thẳng xuống nóc tủ....thôi con ạ ….....ái chà chà…mày tưởng mày dùng cả Topo học mày vẽ thòng lọng mày bắt gà nhà bà mà được à.

Nãy giờ bà chửi mày thanh thoát như thế thì mày bảo bà giỏi văn giỏi toán nhá. Bà mà bắt được mày bà oánh cho một trận thì mày lại khen bà là văn võ song toàn cho mà xem.

Thôi hôm nay bà gào thế là mệt rồi, bà nghỉ, ngày mai bà chửi tiếp khi nào rảnh bà phởn bà rủa tiếp cho mà nghe.
(st)

Blog EntryJul 9, '09 5:45 PM
for everyone
1) "Em huyền mang nặng ngã đau, anh ngang (*)sắc thuốc hỏi đau chỗ nào".
(*) Thanh Ngang còn gọi là thanh Không (không dấu) ===> Khi viết từ láy ta nhớ câu trên sẽ ít sai hỏi ngã.



a) Không dấu và dấu sắc đi theo thì chữ đó viết bằng dấu hỏi (ngang, sắc, hỏi).

Thí dụ:

Hớn hở: chữ hớn có dấu sắc, thì chữ hở phải là dấu hỏi.
Vui vẻ: chữ vui không dấu, thì chữ vẻ dấu hỏi.
Hỏi han: chữ han không dấu, chữ hỏi phải có dấu hỏi.
Vớ vẩn: chữ vớ là dấu sắc thì chữ vẩn phải có dấu hỏi.
Tương tự như mắng mỏ, ngớ ngẩn, hở hang, ...




b) Dấu huyền và dấu nặng đi theo được viết bằng dấu ngã (huyền, nặng, ngã).

Thí dụ:

Sẵn sàng: chữ sàng có dấu huyền thì chữ sẵn phải là dấu ngã.
Ngỡ ngàng: chữ ngàng với dấu huyền thì chữ ngỡ phải để dấu ngã.
Tương tự như các trường hợp lặng lẽ, vững vàng,...



2) Đối với chữ Hán Việt được sử dụng trong văn chương Việt Nam, luật về đánh dấu hỏi ngã được quy định như sau:
Dân Là Vận Mệnh Nước

Tất cả những chữ Hán Việt nào bắt đầu bằng các chữ D, L, V, M và N đều viết bằng dấu ngã, các chữ Hán Việt khác không bắt đầu bằng năm mẫu tự này sẽ được viết bằng dấu hỏi.

Thí dụ:

Dĩ vãng: hai chữ này phải viết dấu ngã bắt đầu bằng chữ D và V.
Vĩ đại: vĩ có dấu ngã vì chữ vĩ bắt đầu với mẫu tự V.
Ngẫu nhiên: chữ ngẫu dấu ngã.
Tư tưởng: chữ tưởng phải viết dấu hỏi vì chữ cái T đứng đầu.
3)Có một vài trường hợp ngoại lệ
Blog EntryJul 9, '09 5:14 PM
for everyone
Tôi đang quan tâm đến các động từ tiếng Việt mà có thể dịch ra tiếng Anh là carry. Tôi chỉ ghi ra đây theo trí nhớ hiện thời. Bạn nào biết nhiều hơn, cả những từ ít dùng ở các địa phương khác nhau xin bổ sung giúp tôi nhé. Cám ơn các bạn.

    1. ẵm
    2. bế
    3. bồng
    4. bưng
    5. cầm
    6. cặp
    7. cắp
    8. cõng
    9. đeo
    10. đèo
    11. đội
    12. gánh
    13. gùi
    14. khiêng
    15. khuân
    16. mang
    17. nách
    18. ôm
    19. quải
    20. vác
    21. võng (2 người)
    22. xách
    23. Na (mang - tiếng Quảng Nam)
    24. Sương (gánh - tiếng Quảng Trị)
    25. Bợ
    26. Rinh
    27. kẹp
    28. điệu
    29. Tha ( tha mồi )
    30. Địu ( địu con lên rẫy )
    33. hãm (cái này ở quê em ngưòi ta hay dùng)
    34. quắp hoặc quặp

(culan)
Blog EntryJul 9, '09 5:07 PM
for everyone




Vè là một bài văn kể một chuyện đặc biệt xảy ra và ngụ ý khen chê . Bài văn làm theo thể thơ bốn chữ năm chữ lục bát, hay song thất lục bát hoặc các thể thơ biến thể. Hát những câu vè thường lấy giọng đọc lên, không chỉ đệm trên, đệm giữa, hay đệm dưới như các lối hát dân ca khác, nhưng dựa trên nhịp 2/4 Ở miền Nam, những câu vè về trái cây, các loại cá, các thứ bánh, vv... ngồi lối vè kể chuyện. Các câu vè thường bắt đầu bằng sáu chữ: Nghe vẻ nghe ve Nghe vè...


Hò từ chữ HÔ mà ra, có nghĩa là làm cho giọng mình mạnh hơn. Do đó, Hò thường đi đôi với việc làm nặng như kéo gỗ, chèo thuyền, đập đá. Trong lúc làm việc nặng nhọc , để quên cái mệt thể xác, ngươì dân quê thường dùng những câu hát để giải khuây. Mỗi việc làm đều có bài hát riêng, phù hợp với công việc làm. Nhưng tất cả các bài hát làm việc đều không có nhạc khí đệm theo . Nhưng hò cũng có thể hát lúc nghỉ ngơi, lúc hội hè, lúc đám tang như hò đưa linh, và có khi dính liền với một vùng nào đó như hò Nghệ An, hò Thanh Hóa, hò Sông Mã, hò Đồng Tháp...


Miền Nam có rất nhiều điệu hò và lý. Những bài nào không thuộc vào hò thì là lý. Có nhiều điệu Lý. Lý là những điệu hát dân gian từ vùng Bình Trị Thiên vào tới miền Nam, vùng đồng bằng sông Cửu Long. Hơn 200 bài Lý đã được thu thập ở miền Nam. Nhạc điệu dựa trên thang âm ngũ cung miền Nam (do-mi-fa-sol-lađo, dây oán) thêm vào những tiếng luyến láy, tiếng đệm làm cho làn điệu thêm phong phú, và tiết tấu thường là nhịp đôi (2/4 hay 4/4). Người dân miền Nam đặt tên cho các điệu lý dựa trên tên thú vật (Lý con mèo, Lý khỉ đột, Lý con nhái, Lý con cua, Lý con sáo, Lý con quạ, Lý con nhạn, Lý con kiến, Lý con thằn lằn, Lý chim khuyên, Lý con trâu, Lý con cúm núm, Lý chuồn chuồn, Lý ngựa ô, Lý quạ kêu, vv...), tên cây cỏ (Lý bông sen, Lý bông lựu, Lý cây khế, Lý bắp non, Lý bụi chuối, Lý lựu lê, Lý cây chanh, Lý mù u) , tên các món ăn (Lý bánh ít, Lý bánh canh, Lý dĩa bánh bò, Lý ăn giỗ, Lý bánh tráng - có lẽ người miền Nam thích ăn uống), hay tên phong cảnh (Lý cảnh chùa, Lý quán rượu)...

(sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment bằng chữ có dấu .
Không dùng chữ Việt bị biến dạng (như nhìu, dzo)