Do
bị bệnh, gia đình bệnh nhi đã đưa con đến cấp cứu, điều trị tại bệnh
viện Xanh Pôn Hà Nội. Sau hơn một ngày cấp cứu, điều trị tích cực, người
nhà bệnh nhân nhận được yêu cầu về chuẩn bị hậu sự. Nhưng trái ngược
với lời nói của các y, bác sĩ bệnh viện Xanh Pôn, đến nay sức khoẻ của
bệnh nhi đã bình phục hoàn toàn.
Những giây phút ú tim
Chị
Lục Hoài Thương, 25 tuổi, mẹ bệnh nhi Hoàng Tuấn Minh (gần 11 tháng
tuổi) cho biết: "Khoảng 5h sáng ngày 17/9/2012, con bị ốm, tôi cặp nhiệt
độ, thấy con bị sốt 38 độ C, có biểu hiện khò khè, khó thở liền gọi mọi
người trong gia đình đưa con đến bệnh viện huyện Thanh Trì (Hà Nội) cấp
cứu. Tại đây, sau khi thăm khám, thấy cháu có biểu hiện khó thở, các
bác sĩ đã quyết định chuyển cháu lên tuyến trên là bệnh viện Xanh Pôn
cấp cứu điều trị.
Khoảng
7h30 gia đình đưa cháu Minh lên tới phòng cấp cứu bệnh viện Xanh Pôn và
được hơn chục y bác sĩ của bệnh viện hội chẩn, chẩn đoán và hô hấp điều
trị. Sau khi điều trị, hồi sức và cho cháu Minh thở bằng máy ô xy xong,
có một cô y tá ra bảo với gia đình rằng: "Phúc cho nhà chị, may đưa lên
buổi sáng có các bác sĩ trực, chưa giao ca, cấp cứu kịp thời nên cháu
bé mới sống, bởi vì cháu bị viêm đường hô hấp rất nặng! Sau đó các y bác
sĩ lấy máu, đưa cho người nhà, tự đi làm xét nghiệm máu bên bệnh viện
Bạch Mai, vì ở bệnh viện không có máy làm xét nghiệm?".
Mẹ con bệnh nhi Hoàng Tuấn Minh tại gia đình.
Cũng
theo chị Thương kể, sau khi được các y bác sĩ cấp cứu, điều trị, trong
sáng đó cháu Minh trở lại thở bình thường, cháu luôn mở mắt liếc ngang,
liếc dọc nhìn bố mẹ, thậm chí còn giật báo đưa vào mồm được. Đến cuối
giờ chiều, khi có kết quả xét nghiệm từ phía bệnh viện Bạch Mai, các bác
sĩ xem và cho biết cháu Minh bị viêm cơ tim.
"Bây
giờ có một loại thuốc rất tốt, viện không có. Muốn tiêm cho con thì
người nhà phải nộp ngay 10 triệu đồng mới có thuốc tiêm, điều trị cho
cháu được" - chị Thương kể lại lời một bác sĩ nói với chị. Do không mang
đủ tiền, vợ chồng chị Thương xin nộp trước 5 triệu đồng để mua thuốc
tiêm cho con, các bác sĩ đồng ý. Khi có thuốc, các bác sĩ tiến hành tiêm
cho cháu Minh, thế nhưng đến tối ngày 18/9, cháu Minh lên cơn co giật,
bụng chướng lên, chân tay giãy đạp vật vã.
Chị
Thương kể tiếp: "Thấy vậy, tôi có hỏi cô y tá tiêm thuốc gì cho con
mình, thì cô này trả lời: Mẹ của cháu có ở trong nghề không, nếu ở trong
nghề chúng tôi sẽ giải thích còn không thì đi ra ngoài để chúng tôi làm
việc?! Gia đình cố dò hỏi mãi mới được các bác sĩ cho biết đã tiêm
truyền thuốc lợi tiểu cho cháu nhưng không hiểu sao, cháu không đi tiểu
tiện được.
Khoảng
2h30 ngày 18/9, cháu lại lên cơn co giật, vật vã như lúc trước. Các bác
sĩ đã chỉ định tiêm thuốc an thần cho cháu để cháu có thể ngủ. Sau khi
được tiêm thuốc, cháu Minh ngủ thiêm thiếp nhưng nhịp tim lúc nào cũng ở
ngưỡng cao, khoảng 202 - 203 nhịp /phút.
Sáng
ngày 19, tôi hỏi bác sĩ điều trị về tình hình bệnh tật của con nhưng họ
trả lời nhịp tim lúc nào cũng trên 200 thì làm sao mà sống được(?). Lúc
sau thấy các bác sĩ hô hấp và day tim thấy tụt xuống mức ở con số 0,
tiếp tục hô hấp thì nhịp tim của cháu mới lên được chút ít".
Vô cảm hay yếu kém về chuyên môn?
Chị
Lục Hoài Thương phản ánh: "Trước diễn biến bệnh của con, vợ chồng tôi
xin chuyển viện cho cháu. Cả gia đình đều xin bệnh viện cho cháu chuyển
lên bệnh viện Nhi trung ương cấp cứu nhưng nhận được câu trả lời của các
y bác sĩ: "Nhà chị có người trên Nhi trung ương không? Có người nhà
phải liên hệ trước, bố trí máy thở thì cho đi, còn không, con chị ra
khỏi giường, rút máy thở ra sẽ chết. Ở đây mà không điều trị được thì đi
viện nào cũng vậy thôi! Thấy các bác sĩ nói như vậy, gia đình chúng tôi
cũng chẳng biết xoay sở ra sao, đành để con nằm lại điều trị tại Xanh
Pôn.
Được
một lát sau, có một bác sĩ, tôi không biết chính xác là trưởng khoa hay
phó khoa gì đó, gọi vợ chồng tôi sang nói: "Tình trạng của cháu nguy
kịch lắm rồi, gia đình chuẩn bị thu xếp cho con. May đưa con đến kịp
thời để các bác cấp cứu biết được nguyên nhân từ đâu mà cháu tử vong.
Bây giờ biết bệnh của cháu là viêm cơ tim, trong khi đó bệnh này ở trên
thế giới hiện không có loại thuốc nào chữa được, 90% rơi vào bệnh này
đều tử vong, do đó gia đình biết và chuẩn bị.
Đồng
thời vị bác sĩ này cũng cho biết: "Con mất rồi có 2 phương án để lựa
chọn đó là đưa vào nhà xác hay đưa về nhà? Nghe đến đây, bố đẻ tôi có
hỏi bác sĩ, xin lên bệnh viện Nhi trung ương hay bệnh viện Tim Hà Nội để
điều trị hoặc mổ tim cho cháu được không, thì nhận được trả lời trường
hợp của cháu không mổ tim được. Bây giờ cháu yếu lắm rồi, gia đình nên
xin về nhà chuẩn bị hậu sự. Trước lời lẽ chắc chắn như vậy, lúc đó gia
đình tôi mới xin ra viện và gọi xe cấp cứu đưa cháu về nhà".
Bà
Nguyễn Thị Châm (bà nội cháu Minh) bức xúc: "Họ (tức bác sĩ bệnh viện)
không cho chuyển viện mà giữ lại cũng không có phương án điều trị gì,
khiến gia đình chúng tôi rất lo lắng về tính mạng của cháu. Điều tệ hại
hơn, chỉ vài tiếng sau đó, họ còn thông báo không thể cứu chữa được.
Ngay cả ông trưởng khoa cũng cho biết: "Hiện giờ, bệnh tình của cháu quá
nặng, không thể qua khỏi. Gia đình hãy ra thuê xe đưa cháu về nhà. Thấy
ông trưởng khoa nói vậy, tôi chỉ còn biết khóc và kêu trời, thương cho
cháu tôi đoản mệnh".
Bà
Châm cũng cho biết thêm, khoảng 11h - 11h30, gia đình đưa cháu về đến
nhà. Huyệt đã đào ngoài đồng, áo quan đã dạm chỗ mua, mọi thứ để làm hậu
sự cho cháu đều đã bố trí người lo liệu xong. Cả gia đình bàn bạc đều
thống nhất không nên đưa cháu ra đồng vào giữa buổi trưa mà để đến
chiều, khoảng 14h là "giờ đẹp". Đặt cháu vào trong nhà, họ hàng bà con
lối xóm kéo đến hỏi thăm chật cả nhà. Bố mẹ cháu và chúng tôi ngồi xung
quanh cháu. Hết người này đến người khác thay nhau bóp bóng (bóp bình ô
xy) để cho cháu thở. Mọi người ai cũng nghĩ rằng cháu đã mất. Lúc đó thở
có thể là do bóp bóng. Nhưng khi chưa đến giờ đưa cháu ra đồng thì gia
đình tôi không nỡ rút bóng và kim truyền ra, vẫn cố để cho cháu thở được
giây phút nào là cháu còn sống với gia đình giây phút ấy.
Đến
14h, mọi người bảo đã đến giờ rồi rút kim truyền và bóng ra để thay
quần áo và làm thủ tục đưa cháu ra đồng. Khi tôi tháo bình nước đang
truyền xuống đặt cạnh cháu, rồi định rút kim truyền thì thấy máu trào
ngược lại dây truyền. Khi rút vòi bóng thở ra, thấy bụng cháu vẫn thở
phập phồng. Ai cũng nghĩ rằng cháu đang thở theo quán tính. Tôi vén quần
cháu lên để đi tất cho cháu bỗng phát hiện dưới cổ chân bên phải một
chiếc kim truyền vẫn còn cắm trong chân chưa được rút ra. Thấy vậy, tôi
lấy tay rút kim ra, thấy máu tươi chảy ra. Chứng kiến cảnh tượng này mọi
người bất ngờ ồ lên, “máu tươi như vậy sao mà chết được”.
Liền
sau đó, gia đình đã gọi xe cấp cứu đưa cháu lên bệnh viện Nhi trung
ương cấp cứu. Những ngày đầu, cháu Minh luôn trong tình trạng nguy kịch,
có những lúc bác sĩ đã gọi gia đình đưa cháu về, vì tình trạng bệnh quá
nặng. Tuy nhiên, gia đình xác định, "còn nước còn tát" nên chủ động xin
các bác sĩ bệnh viện cho ở lại điều trị.
Điều
ngạc nhiên ở chỗ, khi điều trị ở đây, sức khoẻ của cháu có dấu hiệu
chuyển biến tích cực. Đặc biệt, sau khi được các bác sĩ xác định cháu bị
nhiễm trùng máu và thực hiện lọc máu thì tính mạng của cháu đã cơ bản
được cứu sống".
Cũng
theo bà Châm, sau 63 ngày nằm điều trị tại bệnh viện Nhi trung ương,
đến nay bệnh tình của cháu Minh đã ổn định và được xuất viện về nhà uống
thuốc tiếp tục điều trị dứt điểm căn bệnh. "Tôi không hiểu các y, bác
sĩ bệnh viện Xanh Pôn làm ăn kiểu gì. Không chữa trị được thì phải cho
người ta chuyển lên tuyến Trung ương nơi có các bác sĩ tay nghề cao cứu
chữa cho bệnh nhân. Đằng này họ cố giữ lại, không chữa được mới trả về
nhà nằm chờ chết là điều không thể chấp nhận được. Chính vì sự vô trách
nhiệm đó mà cháu tôi đã bị nhiễm trùng máu, may mà được các bác sĩ bệnh
viện Nhi trung ương lọc máu kịp thời, nếu không thì bây giờ cháu nó đã
nằm dưới mồ như các bác sĩ bệnh viện Xanh Pôn nói rồi. Sau vụ việc này
xảy ra, bà con láng giềng trong thôn, trong xã không còn đặt niềm tin và
đưa người nhà đến bệnh viện Xanh Pôn nữa" - bà Châm nhấn mạnh.
Theo Đời Sống & Pháp Luật
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment bằng chữ có dấu .
Không dùng chữ Việt bị biến dạng (như nhìu, dzo)