Thứ Tư, 5 tháng 12, 2012

Phụ huynh trời ơi!


Đòi hỏi…. “con vua”

Bà Phan Thúy Trang - hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng, quận Gò Vấp, TP.HCM kể, thầy cô và học sinh trong trường từng được phen hú hồn khi một bà mẹ quậy tưng và chửi bới um xùm giữa sân trường. Người mẹ chỉ trỏ vào mặt giáo viên, lãnh đạo đe dọa nếu con trai của bà có chuyện gì không hay, nhà trường phải chịu trách nhiệm. Nguyên nhân xuất phát từ việc… vệ sinh cá nhân tại trường học của cậu con.

Khăng khăng cho rằng con trai cưng không thể tự đi vệ sinh một mình như bạn bè, bà mẹ này đòi yêu cầu đặc biệt: hàng ngày vào giữa buổi bà sẽ vào trường để đưa cháu đi vệ sinh. Không được đồng ý, người mẹ này vẫn lao vào trường, bế cậu con vào nhà vệ sinh để… xi tè. Đến khi nhà trường kiên quyết không cho vì muốn giúp cháu thích nghi, bà mẹ nổi đóa.

Nhiều trường học "oải" với những đòi hỏi kỳ quặc từ phụ huynh.

Ngôi trường này cũng từng gặp các đòi hỏi lạ lùng khác như phụ huynh nhất quyết đòi con mình phải được ngồi bàn đầu cho dù cháu cao lớn nhất lớp, đòi hỏi con mình phải có suất ăn riêng đặc biệt ngay tại trường… “Có nhiều trường hợp trường thuyết phục, lý giải nhưng phụ huynh không nghe, trường đành kiên quyết sẽ chuyển con sang trường khác, lúc đó họ mới chịu”, bà Trang nói.

Theo bà Trang, nguyên nhân khiến phụ huynh luôn đòi hỏi con mình phải được “ưu tiên” xuất phát từ hội chứng con cưng và xuất phát từ việc họ thiếu tin tưởng ở con, luôn nghĩ con mình chưa thể làm được những việc đó.

Đối với các trẻ nhỏ ở bậc mầm non, tiểu học, việc hợp tác nhằm thống nhất việc giáo dục giữa nhà trường và gia đình cực kỳ quan trọng nhưng không ít phụ huynh phớt lờ điều này. Khi con không như mong muốn của mình thì họ đổ hết lỗi về phía nhà trường.

Hiệu trưởng một trường mầm non ở quận 5 cho biết, khi nhà trường tổ chức buổi nói chuyện, tuyên truyền giúp phụ huynh ở nhà tạo điều kiện dạy con tự phục vụ những việc trong khả năng của bé như mặc quần áo, đi giày dép, tự xúc ăn… không ít phụ huynh phản ứng: “Nhà tôi có người giúp việc, cháu chẳng phải động tay động chân việc gì hết”.

Chưa kể, có phụ huynh còn thường xuyên đến trường “giám sát” việc dạy học của giáo viên, nhắc các cô phải làm thế này, thế nọ. Khi thấy con mình làm những việc như xếp dọn đồ chơi, tự xúc ăn, chị ta chỉ tay yêu cầu… giáo viên phải làm. Giáo viên giải thích, người mẹ vẫn khăng khăng: “Con người khác tôi không quan tâm, miễn sao con tôi được phục vụ tốt nhất, nhà tôi không thiếu tiền”.

Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, phụ trách bậc học mầm non Phòng giáo dục và đào tạo quận 3, TP.HCM tâm sự, điều bà đau lòng nhất là nhiều phụ huynh sau khi có tiền bồi dưỡng cho giáo viên thì hồn nhiên để con biết mình với ý rất sai lệnh là bố mẹ đã “mua chuộc” cô. Điều này không chỉ làm tổn thương giáo viên mà rất nguy hại đến cách suy nghĩ của trẻ nhỏ, rằng có thể dùng tiền để điều khiển người khác.

Biến con thành “cá biệt”

Tình huống không ít trường gặp phải là phụ huynh xử sự theo kiểu xem con mình là nhất, con thiên hạ như… cỏ rác. Một giáo viên mầm non ở quận 8 thở dài kể, có phụ huynh ngày nào cũng đến đón con sớm rất sớm và ở lại chơi cùng con đến cuối giờ. Có mẹ bên cạnh nên cháu mè nheo, bạn cầm đồ chơi nào là cháu đòi món đó, vậy là người mẹ thản nhiên giật đồ chơi của trẻ khác đưa cho con mình. Thậm chí, chị ta còn trợn mắt quát tháo, hù dọa hay hất ngã các trẻ khác để giành đồ chơi cho con mình.

Nhiều lần nhắc nhở không thành, giáo viên yêu cầu phụ huynh đến đón con không nên ở lại lớp làm ảnh hưởng các trẻ thì phụ huynh này làm ầm ĩ cho rằng: “Giáo viên chăm sóc trẻ không tốt, bạo hành với trẻ nên sợ phụ huynh dòm ngó”.

Phụ huynh hành xử thân thiện, hợp lý sẽ giúp con dễ thích nghi, hòa đồng. 
 
Cũng nhiều trường hợp khi con mình đánh bạn thì phụ huynh cười xởi lởi bảo rằng trẻ con hiếu động, nghịch ngợm. Nhưng chỉ cần con mình bị bạn bè giật cây viết, đùa nghịch là ngay lập tức họ đến bạt tai con người khác tại chỗ.
 
“Cách hành xử bạo lực của bố mẹ, cho dù đối với bất kỳ ai đều tác động không tốt đến con mình. Các em ở trong môi trường bạo lực thì khi lớn lên có xu hướng hành xử bạo lực hoặc quen với việc bị bạo lực. Vì thế, để giáo dục con trước hết bố mẹ phải có lối sống từ chối bạo lực, không chỉ với con mình mà với tất cả mọi người”. - chuyên gia tư vấn Trần Thị Ái Liên

Một giáo viên dạy trường THCS ở Tân Bình kể, có phụ huynh sau khi đến trường bạt tai một học sinh khác để giải quyết mâu thuẫn bạn bè cho con, còn dặn dò con ngay trước mặt giáo viên: “Từ nay đứa nào dám động đến mày, mày cứ tát tai cho bố. Mọi việc bố chịu trách nhiệm”. Có “bệ đỡ” nên cậu học trò này chẳng “ngán” điều gì, có rắc rối gì là giơ nắm đấm ngay.

Theo các chuyên gia, cách hành xử của phụ huynh không chỉ ảnh hưởng đến việc phát triển nhân cách của con mà còn tác động rất nhiều đến thái độ của bạn bè, thầy cô đối với đứa trẻ đó. Nhiều giáo viên thừa nhận, họ rất e ngại việc giáo dục, va chạm, thậm chí mất thiện cảm đối với những học trò có phụ huynh hành xử như thể kiểu mình là “con vua”.

Những đứa trẻ có bố mẹ thường có hành vi “làm quá” này cũng rất ít bạn bè vì ai cũng sợ chơi, sợ tiếp xúc sẽ mang họa vào thân. Vì hành vi của mình, vô tình có những phụ huynh biến con trở thành đứa trẻ cá biệt trong mắt người khác.


Theo Dân Trí

1 nhận xét:

  1. Trên bình diện quốc gia, tệ nạn này chỉ chấm dứt khi các trường trung/tiểu học do nhà nước trực tiếp điều khiển phải hoàn toàn miễn phí và đạt mức độ cao hơn đại đa số những trường tư thục, kỷ luật được áp dụng thật nghiêm túc –không vị nể đại gia/cán bộ–, các học sinh mất dạy BỊ ĐUỔI, VĨNH VIỄN KHÔNG ĐƯỢC HỌC TRƯỜNG CÔNG LẬP.

    Đối với các trường tư thục thì chủ nhân/Ban Quản Đốc phải đủ tự trọng để làm bổn phần giáo dục, thẳng tay đuổi học sinh mất dạy, chứ không chỉ “mở chuồng chăm nuôi trâu bò” để kiếm lời.

    Ở Hoa Kỳ các trường đại/trung/tiểu học công lập đa số đạt tiêu chuẩn cao, thi tuyển vào rất khó.

    Theo luật Cưỡng Bách Giáo Dục Để Chống Nạn Mù Chữ, các trường trung/tiểu/học đều miễn phí. Học phí tại các trường đại học công lập chưa bằng 1 phần 3 hoặc 1 phần 5 các trường đại học tư.

    Trẻ em dưới 19 tuổi phải đến trường, trẻ em từ 18 tuổi trở xuống mà bị bắt gặp đi chơi trong giờ học sẽ bị nhốt 1 thời gian ngắn để cảnh cáo, các phụ huynh liên hệ bị đưa ra tòa, bị phạt vạ bằng hiện kim hoặc tống giam tùy theo trường hợp về tội thiếu trách nhiệm với con cháu.

    Các cháu dưới 19 tuổi muốn đi làm -ở các tiệm ăn, cây xăng, tiệm bán sách v.v.- phải có giấy phép của sở học chánh/nhà trường khi hội đủ điều kiện là học sinh giỏi và có kỷ luật.

    Để cháu Tùng Quân, con của CB, biết gía trị của đồng tiền cũng như để chuẩn bị cháu đóng góp vào kinh tế gia đình nếu CB có mệnh hệ gì, mẹ cháu đã đồng ý cho cháu đã đi làm phụ thu dọn, xếp banh kẹo tại một cây xăng, cũng như một mình đứng lớp tại trường dạy võ của cháu khi cháu mới 14 tuổi.
    <
    CB đã phải:
    • đến nhà trường làm giấy xin phép cho cháu,
    • nộp giấy chứng nhận của thày dạy võ cho cháu là cháu lúc đó đã đủ trưởng thành để đứng lớp tại võ đường, và
    • đồng thời ký giấy bảo đàm là sự học của cháu sẽ không bị ảnh hưởng bởi hai việc làm trên.

    Thêm vào đó các trường đại học tư thường đạt tiêu chuẩn ưu hạng, học phí thường rất cao, lại rất nghiêm túc, sĩ số được tuyển vào chỉ là trên dưới Một phần Trăm. LỠ MÀ BỊ ĐUỔI BỞI 1 TRƯỜNG DẠI HỌC TƯ THỤC RỒI THÌ ÍT TRƯỜNG TƯ NÀO KHÁC NHẬN CHO THEO HỌC.

    Do đó, chỉ những người giàu có mới đủ khả năng cho con em theo học trường tư thục và rất kỷ luật với con cháu vì lỡ mà chúng bị đuổi ngang xương thì mất toi một số tiền khá lớn.

    Nhờ vậy mà các phụ huynh không dám lộng hành.

    Đương nhiên trong thời buổi nhiễu nhương này thì chính ở Hoa Kỳ cũng có 1 số trường trung/tiểu/học tu thục “chăn nuối trâu bò”, một số trường đại học rởm. Tuy nhiên các SV tốt nghiệp các đại học rởm đi xin việc với tờ “giấy lau chén đĩa” chẳng mấy khi được sở nào nhận vào làm.

    Trả lờiXóa

Comment bằng chữ có dấu .
Không dùng chữ Việt bị biến dạng (như nhìu, dzo)