(NLĐO) - Lời cảm thán của một bạn đọc: Làm hiệp sĩ mà cũng thật là khó, khi đã là hiệp sĩ rồi để tồn tại cũng lại khó hơn.
Sau một lần nhận lời đi theo hỗ trợ một người dân lấy lại chiếc ô tô cho thuê, 10 “hiệp sĩ” thuộc CLB Phòng chống tội phạm phường Phú Hòa, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương đã bị Công an quận 12 - TPHCM triệu tập để điều tra về hành vi cưỡng đoạt tài sản.
Vụ việc chưa có kết quả rõ ràng nhưng qua cuộc tiếp xúc với phóng viên, các "hiệp sĩ" tỏ ra hoang mang, chán nản, thậm chí, “hiệp sĩ” Nguyễn Thanh Hải, “linh hồn” của phong trào bắt cướp ở Bình Dương cũng tỏ ra nao núng và có ý định “giải nghệ”.
Thông tin này khiến nhiều bạn đọc nao lòng. Bên cạnh nhiều ý kiến động viên, khích lệ thì có nhiều bạn đọc góp ý chân thành, thẳng thắn về mô hình “hiệp sĩ” tuy mang ý nghĩa tích cực nhưng còn rối ren và dễ tan vỡ.
Đinh
Đắc Lộc (bên trái) - người nhờ các “hiệp sĩ” giúp đỡ. Khi các “hiệp sĩ”
bị Công an quận 12 - TPHCM triệu tập làm việc thì ông Lộc tắt luôn ĐTDĐ!
“Hiệp sĩ” đã sai rồi!
Trong hàng trăm ý kiến gởi về tòa soạn, hầu hết đều tin vào sự trong sáng của các “hiệp sĩ”. Tuy nhiên, trong đó nhiều ý kiến cho rằng, các "hiệp sĩ" đã phạm sai lầm và hành động vượt quá chức năng, nhiệm vụ của mình.
Bạn đọc Phúc Thịnh đặt câu hỏi: Tư cách nào để các "hiệp sĩ" yêu cầu đôi nam nữ về công an phường?
Trong trường hợp này, các "hiệp sĩ" đã vượt quá chức năng cho phép vì trên thực tế đôi nam nữ không hề có biểu hiện đang vi phạm pháp luật, bạn đọc này khẳng định.
Đồng quan điểm, bạn Ngân Anh cho rằng, nếu các “hiệp sĩ” giữa đường "thấy việc bất bình chẳng tha" thì không sao nhưng hoạt động theo kiểu một tổ chức mang tính chủ động "tìm và diệt" là vượt quá thẩm quyền.
Phân tích thêm, bạn Ngọc Thuận cho rằng, trách nhiệm của “hiệp sĩ” là phát hiện truy bắt những đối tượng có hành vi vi phạm quả tang chứ không phải những hành vi trong vùng nghi vấn. Bởi vì “hiệp sĩ” có làm công tác điều tra đâu mà biết được hành vi trong vùng nghi vấn nào là thật sự vi phạm pháp luật đâu mà ra tay.
Không chỉ vậy, theo bạn đọc L.H, việc các “hiệp sĩ” tự ý hành động đối với những vụ việc còn nằm trong vòng nghi vấn khi có người dân gọi điện cầu cứu rất dễ nảy sinh vấn đề.
Biết đâu những trường hợp gọi cầu cứu lại là những trường hợp có mâu thuẫn quyền lợi, tranh chấp bình thường giữa công dân với nhau mà chỉ thông qua chính quyền, hay tòa án mới giải quyết được. Nhận được cuộc gọi của người dân đã vội ra quân, do đó các "hiệp sĩ" dễ vô tình vi phạm quyền công dân của người khác. Vì giả sử người bị bắt chứng minh được sự vô tội ở cơ quan công an thì anh ta có quyền kiện ngược “hiệp sĩ” vì đã khống chế, dẫn giải tại nơi công cộng làm xâm hại nhân phẩm, danh dự.
Dù đang gặp rắc rối, các "hiệp sĩ" Bình Dương vẫn bắt trộm, trưa 10-10
Ủng hộ “hiệp sĩ giải nghệ”
Dù rất cảm kích trước những việc làm nghĩa hiệp nhưng khi nghe tin
“hiệp sĩ” có ý định “giải nghệ”, nhiều bạn đọc vẫn ủng hộ vì nhiều lý
do.
Người dân chúng tôi cảm thấy yên tâm khi ngoài đường có nhiều “hiệp sĩ” đang hoạt động, bọn tội phạm cũng co vòi khi có ý định phạm tội. Nay nghe tin mấy anh sẽ giải nghệ chúng tôi thấy rất buồn nhưng vẫn ủng hộ. Các anh đừng "ách giữa đàng mang vào cổ nữa", làm người tốt không dễ đâu! (Thanh)
Tôi rất mừng khi nghe các anh “hiệp sĩ” tính chuyện “giải nghệ” vì tôi sợ một ngày gần đây, anh sẽ bị bọn côn đồ trả thù hoặc bị tù vì vô tình vi phạm pháp luật. Lúc đó vợ con và gia đình các anh sẽ khổ sở, ai lo cho vợ con các anh đây? (Cháu bác Ba Phi)
Cuộc sống chẳng lường trước được điều gì, biết đâu, có ngày chính tôi phải nhờ đến các anh “hiệp sĩ”. Nhưng, tôi xin góp ý chân tình với các anh rằng, hãy "giải nghệ" thôi! Việc an ninh trật tự xã hội đã có cơ quan chuyên trách, họ đang sống bằng chính đồng tiền mà nhân dân đóng thuế, họ phải có trách nhiệm làm việc này. Tôi tin rằng, nếu các anh không "giải nghệ", chắc chắn các anh sẽ còn gặp nhiều điều trắc trở! (MaiVanDuong)
Tôi rất mong trong xã hội có nhiều "hiệp sĩ" như vậy nhưng trong thâm tâm tôi không muốn các “hiệp sĩ” dấn thân hơi sâu vào công việc mà lẽ ra nhà nước phải làm - cụ thể là nghành công an. Thử hỏi nếu các anh bắt cướp ra đòn hơi nặng tay lúc đó lỡ xảy ra chết người thì bản thân các anh là người phạm tội, lúc đó pháp luật đâu bảo vệ các anh?! (Lưu Nguyễn)
Từ lâu tôi đã không ủng hộ CLB "hiệp sĩ" này. Ổn định trật tự xã hội là trách nhiệm và nhiệm vụ của ngành công an, họ được đào tạo bài bản và có công cụ hỗ trợ khi làm nhiệm vụ. Một đất nước pháp quyền và tiến bộ không thể nào có CLB "hiệp sĩ" . (Tu Quy)
“Hiệp sĩ” Nguyễn Thanh Hải khống chế 2 tên trộm vào trưa 5-10.
Đừng để mất một mô hình tốt!
Nhưng khi tình hình tội phạm ngày càng phức tạp, trộm cướp lộng hành, việc khuyên các "hiệp sĩ" “giải nghệ”, theo một số bạn đọc, là một bước lùi vì đẩy lùi cái ác, cái xấu trong xã hội là trách nhiệm của mọi công dân.
Hiện nay tình hình tội phạm trên cả nước rất phức tạp, lực lượng công an của ta mỏng manh đòi hỏi có sự tiếp tay của người dân để chống lại bọn tội phạm. Những "hiệp sĩ" ở Bình Dương nói riêng và của cả nước nói chung (họ là những người dân) đã và đang giúp sức cho lực lượng công an ta rất nhiều để bảo vệ trật tự, an ninh, đem lại bình yên cho xã hội. Đừng để mất lực lượng này, các “hiệp sĩ” đừng rời xa nhân dân, bạn đọcNguyễn Đức Liêm tha thiết.
Không chỉ kêu gọi các “hiệp sĩ” vững chí trước những rắc rối hiện tại, một bạn đọc góp ý chân tình: Nếu rình và bắt trộm cướp quả tang thì các anh ra tay rất dễ nhưng với trường hợp tống tiền này thì các anh phải liên hệ với chính quyền địa phương, không nên làm một mình. Vì nếu gặp phải bọn ác có chuẩn bị sẵn vũ khí nóng thì sức khỏe và tính mạng các anh sẽ lâm nguy, hoặc nhiều khi bọn xấu nó dàn cảnh để đưa các anh vào tròng hòng hãm hại.
Cũng đồng ý hành động can thiệp sâu của các “hiệp sĩ” liên quan đến việc thuê mướn ô tô là sai nhưng theo bạn đọc Nguyễn Hoàng Khương cho rằng: Trong
cuộc sống không nên cầu toàn, các "hiệp sĩ" đôi lúc cũng sai. Những con
người làm việc từ cái tâm mới là người nhiệt huyết với công việc.
Đồng ý với quan điểm trên, bạn đọc Tư Sài Gòn mong các “hiệp sĩ” bước tiếp con đường mình đã chọn, không chỉ vì hiện tại mà cho cả tương lai, vì: Có mấy anh xã hội này còn có niềm tin và lớp nhỏ còn có người để mà hướng thiện vươn lên.
Phản đối việc ủng hộ “hiệp sĩ giải nghệ”, bạn đọc Do Hong Phong cho rằng: Mô hình "hiệp sĩ" là mô hình tốt cần phải được tôn vinh và nhân rộng. Tuy nhiên, mô hình này phải được nhà nước hỗ trợ sao cho đúng vai trò và nhiệm vụ. Cụ thể là phải được tổ chức qua nhiều khâu như chiêu mộ, huấn luyện, trang bị công cụ hỗ trợ, đưa ra các cơ chế pháp lý nhằm bảo đảm quyền và nghĩa vụ...
Cụ thể hơn, bạn đọc Kinh đề nghị nhà nước thành lập đội săn bắt cướp do công an chỉ huy và thu nhận một số “hiệp sĩ” tiêu biểu đưa vào biên chế. Khi đó họ mới có quyền và nghĩa vụ rõ ràng trước pháp luật, chứ hoạt động như hiện nay thì khi có sự cố xảy ra, phần thiệt thòi thuộc về các "hiệp sĩ"
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment bằng chữ có dấu .
Không dùng chữ Việt bị biến dạng (như nhìu, dzo)